- KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật
Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
|
- 04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
-
- Tôi
nghe như vầy:
- Một thời Phật
du hóa tại nước Kim cang[02],
thành Viết-địa[03].
- Bấy giờ cõi đất
kia bị chấn động mạnh[04].
Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn
phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
- Lúc đó, Tôn giả
A-nan thấy cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động
mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà
cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. A-nan thấy rồi sợ hãi,
toàn thân lông dựng đứng; đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới
chân Phật, đứng sang một bên, rồi thưa rằng:
- “Bạch Thế Tôn,
hôm nay cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động
mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà
cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”
- Bấy giờ, Thế
Tôn bảo A-nan rằng:
- “Thật vậy,
A-nan, nay đất bị chấn động mạnh. Thật vậy, A-nan, khi cõi đất
bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao
chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”
- A-nan bạch
rằng:
- “Thế Tôn, có
mấy nguyên nhân cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn
động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc;
nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ?”
- Thế Tôn đáp:
- “Này A-nan, có
ba nguyên nhân khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị
chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi
mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. Những gì là ba?
- “Này A-nan, cõi
đất này y chỉ trên nước; nước y chỉ trên gió; gió y vào hư
không. A-nan, có khi trong hư không nổi lên gió lớn. Gió nổi
lên thì nước bị khuấy động. Nước bị khuấy động thì xảy ra động
đất. Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến cõi đất bị chấn động
mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên,
bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp
đổ.
- “Lại nữa,
A-nan, Tỳ-kheo có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước
hựu, có đại oai thần, tâm tự tại như ý túc. Vị ấy khởi lên ý
tưởng nhỏ đối với đất, khởi ý tưởng vô lượng tưởng đối với
nước[05].
Do nguyên nhân ấy nên đất tùy theo sở dục, tùy theo ý tưởng
của vị ấy mà bị xoáy rồi lại xoáy, chấn động rồi lại chấn
động. Vị trời theo hộ vệ vị Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy, có
đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai
thần, tâm tự tại như ý túc. Vị ấy khởi lên ý tưởng nhỏ đối với
đất, khởi ý tưởng vô lượng tưởng đối với nước. Do nguyên nhân
ấy nên đất tùy theo sở dục, tùy theo ý tưởng của vị ấy mà bị
xoáy rồi lại xoáy, chấn động rồi lại chấn động. Đó là nguyên
nhân thứ hai, khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị
chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi
mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
- “Lại nữa,
A-nan, nếu còn không đầy ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập
Niết-bàn. Do cớ ấy khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi
đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao
chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. Đó là nguyên
nhân thứ ba khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị
chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi
mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
- Bấy giờ, sau
khi nghe xong, Tôn giả A-nan buồn rầu khóc lóc, nước mắt đầm
đìa, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:
- “Bạch Thế Tôn,
thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Đức Như Lai, Vô Sở Trước,
Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có nhiều pháp vị tằng
hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau ba tháng, Như Lai
sẽ nhập Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi
cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương
sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”
- Thế Tôn nói với
Tôn giả A-nan rằng:
- “Thật vậy,
A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Đức
Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có
nhiều pháp vị tằng hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau
ba tháng, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị
chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn
nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả
đều sụp đổ[06].”
- “Lại nữa, này
A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm ngàn chúng Sát-lợi, cùng đàm
luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định,
giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như
âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai
nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu
họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại
nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành
tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát,
khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi
nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người
hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy
hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công
đức, có được pháp vị tằng hữu. Cũng như vậy, đối với các chúng
Phạm chí, Sa-môn và cư sĩ.
- “Này A-nan, Ta
đi đến vô lượng trăm ngàn thiên chúng trời Tứ vương, cùng đàm
luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định,
giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như
âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai
nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu
họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại
nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành
tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát,
khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi
nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người
hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy
hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công
đức, có được pháp vị tằng hữu. Cũng vậy, đối với thiên chúng
Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc
thiên, Tha hóa lạc thiên, Phạm thân thiên, Phạm-phú-lâu thiên,
Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Hoảng dục thiên,
Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Vô
quái ngại thiên, Thọ phước thiên, Quả thật thiên, Vô phiền
thiên, Vô nhiệt thiên, Thiệân kiến thiên, và Thiên hiện thiên[07].
- “Này A-nan, Ta
đến ngồi giữa vô lượng trăm ngàn thiên chúng trời Sắc cứu cánh[08],
cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống
ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy;
giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống
như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như
vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa
ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng,
thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến
phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất
khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là
người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật
là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu
công đức, có được pháp vị tằng hữu.”
- Đức Phật thuyết
như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật
thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-
-
Chú Thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
9. Tương đương Pāli, A. VIII. Bhūmicāla; tham chiếu, một phần
D.16 Mahā-Parinibbāna-suttanta. Biệt dịch, No.125 (42.5) Tăng
Nhất 37 “Phẩm 8 Bát Nạn” kinh số 5; tham chiếu, No.1(2)
Trường, “Kinh Du Hành I”.
-
[02] Kim cang.
Pāli: Vajirā, không thấy địa danh này trong Pāli. Có lẽ là
Vajjī. No.125(42-5), tại Xá-vệ. Bản Pāli: tại Vesali.
-
[03] Viết địa.
Pāli, có lẽ phiên âm của Vajjī (cũng dịch là Bạt-kỳ), tên
chủng tộc, cũng là tên Vương quốc; nhưng không tìm thấy tên
thành tương đương.
-
[04] Tham chiếu,
D.16, biến cố xảy ra tại Cāpāla, sau khi Thế Tôn chấp thuận
lời thỉnh cầu của Ma vương, Ngài xả bỏ thọ hành. Tham chiếu
No.1(2), tr.15b và tt.
-
[05] Có bốn tưởng:
tiểu tưởng, đại tưởng, vô lượng tưởng, vô sở hữu tưởng (Tập Dị
6. Đại 26, tr.492 a).
-
[06] Các bản kia, có
tám trường hợp khiến động đất, như trên, và kể thêm lúc Bồ-tát
giáng thần, lúc Bồ-tát đản sanh, lúc Như Lai thành đạo, lúc
Như Lai chuyển pháp luân, lúc Như Lai xả bỏ thọ hành và lúc
Như Lai nhập Niết-bàn.
-
[07] Tứ vương thiên(Pāli: Catummahārājikā devā), Tam thập tam thiên (Tāvatisā), Diệm-ma thiên(Yāmā), Đâu-suất-đà thiên(Tusitā), Hóa lạc thiên (Nimmānarati), Tha hóa lạc
thiên (Paranimmitavasavatti), Phạm thân thiên(Brahmakāyikā), Phạm-phú-lâu thiên (Brahma-purohītā),
Thiểu quang thiên(Parittābhā), Vô lượng quang thiên (Appamāābhā), Hoảng dục thiên (Ābhassarā), Thiểu
tịnh thiên(Parittasubhā), Vô lượng tịnh thiên (Appamāasubhā),
Biến tịnh thiên
(Subhakiā), Vô quái ngại thiên(Anabhrakā), Thọ
phước thiên (Puyaprasavā), Quả thật thiên (Vehapphalā), Vô phiền thiên (Avihā), Vô nhiệt thiên(Atappā), Thiện kiến thiên (Sudassā), và Thiện hiện
thiên(Sudassī). Pāli: Tám chúng (aha parisā), Biểu
hiện tám pháp vi tăng hữu của Đức Như Lai giữa các loài trời
và loài người: Sát-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ, Sa-môn, Tứ thiên
vương, Tam thập tam thiên, chúng Ma và Phạm thiên.
-
[08] Sắc cứu cánh, cao nhất tầng thứ tư của Sắc giới.
|