Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ,
trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo ở chỗ nhàn tĩnh,
ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: “Có sắc nào thường trú, bất
biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ,
tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn
tại vĩnh viễn chăng?”
Vào lúc xế chiều, vị Tỳ-kheo ấy từ chỗ ngồi
yên tĩnh đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi
qua một bên và bạch:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay ở chỗ nhàn tĩnh,
con ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào thường trú,
bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có
thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc,
tồn tại vĩnh viễn chăng?’”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Không có một sắc nào thường trú, bất biến,
hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn; không có thọ,
tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có
lạc, tồn tại vĩnh viễn.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng móng tay khơi ít
phân bò, bảo Tỳ-kheo:
“Này Tỳ-kheo, nay ngươi có thấy Ta dùng móng
tay khơi chút ít phân bò chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, con có thấy.”
Phật bảo:
“Này Tỳ-kheo, cũng vậy, không có một tí sắc
nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh
viễn; cũng như vậy, không có một tí giác, tưởng, hành, thức
nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh
viễn. Vì sao? Này Tỳ-kheo, nhớ lại xưa kia, trong một thời
gian dài, Ta thường làm phúc. Sau một thời gian dài làm phúc
ấy, Ta thọ quả báo an lạc. Vào thuở xưa đó, Ta tu hành về từ
tâm trong bảy năm; trải qua bảy kiếp thành hoại[02]
vẫn không trở lại thế gian này. Vào thời kiếp hoại, Ta sanh
vào cõi trời Hoảng dục[03].
Vào thời kiếp thành, Ta sanh vào trong cung điện trống không
của Phạm thiên[04],
ở trong cõi Phạm kia, làm Đại Phạm thiên; và qua một ngàn
lần tái sanh vào những nơi khác, Ta làm Thiên vương trời Tự
tại; ba mươi sáu lần tái sinh làm Thiên Đế-thích, rồi lại vô
lượng lần tái sinh làm Sát-lợi Đảnh Sanh vương[05].
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh,
Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi
rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc[06]
trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ[07].
“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh
Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ
cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho
ngựa đầu đàn là ngựa Mao[08].
“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh
Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn cánh,
dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo,
dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn
đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh[09].
“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh
Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân
chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề[10]
làm đầu.
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh,
Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm
bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; đứng đầu là Chánh pháp
điện[11].
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh,
Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng,
bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu
dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun,
lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng
da sơn dương[12].
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh,
Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma[13],
áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo gia-lăng-già-ba-hòa-la.
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh,
Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ,
sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua chư Thiên, tư dung
đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các
thứ vật báu, anh lạc; tất cả đều thuộc dòng Sát-lợi. Ngoài
ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh,
Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm[14]
thường dọn ra cho Ta ăn.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn
kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị,
là món Ta thường ăn.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ
kia có một người thuộc dòng Sát-lợi, đoan chánh đẹp đẽ khác
thường, hầu hạ Ta.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y
kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ-ma, hoặc áo gấm,
hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối[15],
hoặc áo gia-lăng-già-ba-hòa-la là Ta thường mặc.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa
kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly,
hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những
chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm,
the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có
trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán
kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly,
hoặc thủy tinh, tên là Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành
lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc,
gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe
kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử,
cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất
nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi
đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa
kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao,
là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn
tược.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi
lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều
ngay thẳng, gọi là voi chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi
đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.
“Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Đó là
nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý
túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’
“Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Đó là ba nghiệp
quả, là ba nghiệp báo, khiến Ta ngày nay có đại như ý túc,
có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố
thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ’.
“Này Tỳ-kheo, ngươi hãy quán sát rằng, tất cả
những gì sở hữu[16]
đều phải tiêu diệt, cả đến như ý túc cũng phải mất. Này
Tỳ-kheo, ngươi nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”
Lại hỏi:
“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì
Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này
là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi:
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”
Lại hỏi:
“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì
Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này
là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Vậy thì, này Tỳ-kheo, ngươi nên học như vầy:
‘Những gì có sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại,
hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc
xấu, hoặc gần hoặc xa; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta,
chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’.
Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật. ‘Những gì có
giác, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc
hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc
đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần; tất cả những cái ấy chẳng
phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu
của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật.
“Này Tỳ-kheo, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán như
thế thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác, tưởng, hành,
thức. Do nhàm chán mà vô dục; do vô dục nên giải thoát; sau
khi giải thoát thì biết là giải thoát, biết đúng như thật
rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm
xong, không còn tái sanh nữa.”
Sau khi, nghe Phật dạy như vậy xong, Tỳ-kheo
ấy khéo ghi nhận, khéo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui.
Tỳ-kheo ấy sau khi thọ nhận lời giáo hóa của
Đức Phật, liền sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung,
tu hành tinh tấn. Vị ấy đã sống một mình, viễn ly, tâm không
buông lung, tu hành tinh tấn, đạt đến mục đích mà vì đó
thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; đó là chỉ cầu
vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại, tự biết, tự
ngộ, tự thân chứng, thành tựu an trú, biết đúng như thật
rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã
làm xong, không còn tái sanh nữa.” Như vậy, Tỳ-kheo ấy, sau
khi đã biết pháp, cho đến chứng đắc A-la-hán.
Phật thuyết giảng như vậy. Tỳ-kheo ấy sau khi
nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
-
[01] Thí dụ về
phân bò. Tương đương Pāli: S.22.96. Gomayam. Tham chiếu,
No.99(264).
-
[02] Thất phản
thành bại, bảy lần thành rồi hoại của thế giới.
-
[03] Hoảng dục
thiên; Hán dịch khác: Quang âm thiên, Cực quang thiên.
Pāli: Ābhassara.
-
[04] Không Phạm
cung điện. Pāli: suñña Brahma-vimāna; tham chiếu D.1.
Brahmajāla-sutta.
-
[05] Pāli:
Khattiya-muddhāvasitta, vua Quán Đảnh xuất thân dòng
Sát-lợi.
-
[06] Bạch châu
lạc; Tống-Nguyên-Minh:
-
[07] Vu-sa-hạ
tượng vương. Pāli: Uposathanāgarāja.
-
[08] Mao mã
vương. Pāli: Valāhaka-assarāja.
-
[09] Nhạc thanh
xa. Pāli: Vejayanta ratha, cỗ xe (=cung điện) Chiến thắng.
-
[10]
Câu-xá-hòa-đề. Pāli: Kusāvati.
-
[11] Chánh pháp
điện. Pāli: Dhammapāsāda.
-
[12] Hán dịch:
gia-lăng-già-ba-hòa-la
ba-giá-tất-đa-la-naPāli:kadalimigapavara-pacchat-tharaa,
thảm lông bằng da sơn dương cực quý.
-
[13] Sơ-ma y;
Nguyên-Minh: sô. Pāli: khoma-pilotikā, vải lanh.
-
[14] Trong bản
Đại chánh đọc là tận dạ, suốt đêm. Đây đọc là trú dạ.
-
[15] Kiếp-bối y.
Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).
-
[16] Nhất thiết
sở hữu; Tống-Nguyên-Minh: sở hàn