- 06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bệ-đà-đề cùng
với chúng đại Tỳ-kheo, đi đến Di-tát-la, trú trong rừng xoài
của Đại Thiên[02].
Bấy giờ đang giữa đường đi, Đức Thế Tôn mỉm
cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Đức Thế Tôn mỉm cười liền
chắp tay hướng về Phật, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm
cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không
có nhân duyên gì thì không bao giờ mỉm cười. Mong Ngài nói cho
con được biết ý đó.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, thuở xưa, trong rừng xoài, thuộc xứ
Di-tát-la này, ở đây có nhà vua tên là Đại Thiên[03],
là vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân
chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp,
thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của loài người.
“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy thành tựu bảy báu
là những gì? Đó là, bánh xe báu, voi báu, ngọc báu, nữ báu,
ngựa báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bánh xe báu
là như thế nào?
“Này A-nan! Bấy giờ vào ngày rằm, là lúc thuyết
Tùng giải thoát[04],
sau khi tắm gội, vua Đại Thiên ngự trên chánh điện. Từ phương
Đông có thiên luân bảo[05]
hiện đến. Thiên luân có đủ một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ
phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo ra, màu sắc
như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vua Đại Thiên trông thấy liền
hoan hỷ, nghĩ thầm: ‘Luân bảo cao quý[06]
đã xuất hiện, luân bảo vi diệu đã xuất hiện. Ta cũng từng nghe
người xưa bảo rằng: Vào ngày rằm, sau khi đã tắm gội và ngự
trên chánh điện, lúc vua Đảnh Sanh Sát-lợi[07]
thuyết Tùng giải thoát thì có thiên luân bảo từ phương Đông
hiện đến. Thiên luân có đủ tất cả một ngàn căm và đầy đủ tất
cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên chứ không do người tạo ra, màu
sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vì vậy tất sẽ là Chuyển
luân vương. Ta há không là Chuyển luân vương sao?’
“Này A-nan, thuở xưa, vua Đại Thiên muốn đích
thân thí nghiệm Thiên bảo luân. Bấy giờ vua cho tụ tập bốn
loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi
cho tụ tập bốn loại quân xong, nhà vua đi đến chỗ thiên luân
bảo, dùng tay trái vỗ về, dùng tay phải lăn thiên luân mà nói
rằng: ‘Hãy theo thiên luân bảo; hãy theo đến nơi nào thiên
luân bảo lăn đến’.
“Này A-nan, thiên luân bảo ấy khi đã chuyển
động liền lăn về hướng Đông. Lúc đó vua Đại Thiên và bốn loại
quân cũng đi theo sau. Nếu thiên luân bảo ngừng lại chỗ nào
thì vua Đại Thiên và bốn loại quân dừng lại chỗ ấy.
“Bấy giờ, các tiểu quốc vương ở phương Đông đều
đi đến chỗ vua Đại Thiên, tâu rằng:
“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các
nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn
toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp giáo hóa.
Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.
“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:
“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh
thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để
trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.
“Này A-nan, thiên luân bảo ấy qua khỏi phương
Đông, vượt qua biển lớn ở phương Đông, quay về phương Nam,
phương Tây và phương Bắc.
“Này A-nan, lúc thiên luân bảo lăn chuyển xung
quanh cùng khắp thì vua Đại Thiên cùng bốn loại quân cũng đều
đi theo sau. Nếu thiên luân bảo ngừng lại chỗ nào thì vua Đại
Thiên và bốn loại quân đóng lại ở chỗ ấy.
“Bấy giờ, các tiểu quốc vương ở phương Bắc đều
đi đến chỗ vua Đại Thiên, tâu rằng:
“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các
nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn
toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp giáo hóa.
Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.
“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:
“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh
thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để
trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.
“Này A-nan, thiên luân bảo ấy qua phương Bắc,
vượt qua biển lớn phương Bắc rồi trở lại bản thành của vua.
Lúc vua Đại Thiên ngự trên chánh điện đoán lý tài vật[08]
thì Thiên luân bảo ngừng giữa hư không. Đó là vua Đại Thiên
thành tựu Thiên luân báu như thế.
“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu voi báu như
thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có voi báu
sanh ra. Voi ấy trắng toát, có bảy chi, tên là Vu-sa-hạ[09].
Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ
rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.
“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo tượng sư
rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con voi này cho hết sức thuần
thiện. Nếu voi đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ tượng sư
vâng lệnh vua, đến chỗ voi báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến
nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi voi báu được chế ngự và
huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng
như thuở xưa voi tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua
vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ,
nhanh chóng trở nên thuần thiện. Voi báu này cũng giống như
vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên
thuần thiện.
“Này A-nan, bấy giờ tượng sư nhanh chóng huấn
luyện voi báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi voi báu
đã được huấn luyện, tượng sư liền đến chỗ nhà vua tâu rằng:
‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và
huấn luyện; voi báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.
“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí
nghiệm voi báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ
voi, cỡi voi báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại
hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Đó là vua Đại
Thiên thành tựu voi trắng báu như thế.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu
như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có ngựa báu
sanh ra. Ngựa báu ấy có sắc xanh mướt, đầu đen như quạ. Vì
ngựa được trang nghiêm bằng bộ lông nên gọi là Mao mã vương[10].
Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ
rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.
“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo mã sư
rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con ngựa này cho hết sức thuần
thiện. Nếu ngựa đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ mã sư
vâng lệnh vua, đến chỗ ngựa báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến
nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi ngựa báu được chế ngự và
huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng
như thuở xưa ngựa tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua
vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ,
nhanh chóng trở nên thuần thiện. Ngựa báu này cũng giống như
vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên
thuần thiện.
“Này A-nan, bấy giờ mã sư nhanh chóng huấn
luyện ngựa báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi ngựa báu
đã được huấn luyện, mã sư liền đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Tâu
Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn
luyện; ngựa báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.
“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí
nghiệm ngựa báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ
ngựa, cỡi ngựa báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại
hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Đó là vua Đại
Thiên thành tựu ngựa báu sắc xanh như thế.
“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu
như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có châu báu
sanh ra. Hạt châu ấy trong suốt tự nhiên, không do ai tạo, tám
cạnh không bẩn, được mài dũa cực đẹp, được xâu qua bằng sợi
dây ngũ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.
“Này A-nan, lúc vua Đại Thiên ở trong cung
điện, muốn có ánh sáng của đèn, tức thì sử dụng hạt minh châu.
“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn
thử châu báu, bèn cho tụ tập bốn loại quân lại là quân voi,
quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tụ tập bốn loại quân
xong, vào lúc đêm tối, vua cho dựng một cây phướn cao, cho đặt
hạt châu trên ấy, rồi đến công viên để nhìn. Ánh sáng của ngọc
chiếu khắp bốn loại quân, soi đến nửa do-diên. Đó là vua Đại
Thiên thành tựu ngọc báu là như thế.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu nữ báu là
như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có nữ báu
sanh ra. Nữ báu ấy có thân thể trong trắng, tinh khiết, nõn
nà, sắc đẹp hơn người, không nhường thiên nữ, tư dung đoan
chánh, ai nhìn cũng thấy khoan khoái; miệng tỏa mùi hương hoa
sen xanh thơm phức; từ các lỗ chân lông trên người toát mùi
hương chiên-đàn. Về mùa đông thì thân ấm áp, về mùa hè thì
thân mát mẻ. Nữ báu ấy hết lòng hầu hạ nhà vua, nói năng hòa
nhã, làm việc nhanh chóng, thông minh trí tuệ, hoan hỷ thích
làm việc lành; luôn nghĩ đến nhà vua, tâm thường không rời,
huống nữa thân và miệng. Đó là vua Đại Thiên thành tựu nữ báu
vậy.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu
là như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có cư sĩ báu
sanh ra. Cư sĩ báu ấy giàu có cùng tột, của cải vô lượng, có
nhiều súc vật chăn nuôi; phòng hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ; có
phước báo nên được thiên nhãn, thấy các kho báu, đầy hay trống
đều thấy rõ; thấy có người thủ hộ hay không có người thủ hộ.
Mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng[11];
đều thấy rõ cả.
“Này A-nan, cư sĩ báu ấy đến trước vua Đại
Thiên tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nếu Thiên vương muốn được
vàng, và tiền bạc, thì Thiên vương chớ có lo buồn, vì hạ thần
tự biết đúng thời’.
“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn
thí nghiệm cư sĩ báu, vua chèo thuyền ra giữa sông Hằng, bảo
rằng:
“– Này cư sĩ, ta muốn được vàng, và tiền bạc.
“Cư sĩ tâu:
“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền cập bến.
“Khi ấy, vua Đại Thiên bảo:
“– Này cư sĩ, ta muốn được ở chính giữa sông
này.
“Cư sĩ tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền ngừng lại.
“Này A-nan, bấy giờ cư sĩ báu đến trước mũi
thuyền, thọc tay vào trong nước, lấy lên bốn kho tàng, là mỏ
vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng, tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, xin tùy ý muốn, Thiên vương
tha hồ sử dụng, còn bao nhiêu thì trả lại dưới sông.
“Đó là vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu tướng quân
báu là như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có tướng
quân báu. Tướng quân ấy thông minh, trí tuệ, biện tài, nói
hay, hiểu rộng. Tướng quân báu sẽ thay vua Đại Thiên thực hiện
những mục đích đời này, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục
đích cho đời sau, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích đời
này, mục đích đời sau, khuyến cáo và an lập. Tướng quân báu sẽ
vì vua Đại Thiên, nếu muốn tập hợp các quân là tập hợp được;
nếu muốn giải tán là giải tán ngay; muốn cho binh lính thuộc
bốn loại quân không mệt mỏi và khuyến khích giúp đỡ. Đối với
các cận thần khác cũng vậy. Đó là vua Đại Thiên thành tựu
tướng quân báu.
“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên thành tựu bảy
báu.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bốn như ý
túc[12]
là như thế nào?
“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy sống thật lâu, đến
tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn
ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm
Đại quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình,
xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương[13],
tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại
Thiên. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên sống thật lâu, đến tám vạn
bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm;
làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc
vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo
ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia
học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la
này, trú trong rừng xoài Đại Thiên, thì chính đó là đức như ý
túc thứ nhất của vua Đại Thiên.
“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên không có bệnh
tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo[14],
không lạnh, không nóng, an ổn, không bị bức rức. Do đó, đồ ăn
thức uống được tiêu hóa dễ dàng. Này A-nan, vua Đại Thiên
không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo, không
lạnh, không nóng, an ổn, không bức rức; do đó đồ ăn thức uống
tiêu hóa dễ dàng, thì chính đó là đức như ý túc thứ hai của
vua Đại Thiên.
“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thân thể trắng
trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì
thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái.
Này A-nan, nếu vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ,
trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan
chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái, thì chính đó
chính là đức như ý túc thứ ba của vua Đại Thiên.
“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thường ái niệm
các Phạm chí, Cư sĩ, như cha nghĩ đến con. Phạm chí, cư sĩ lại
cũng kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha. Này A-nan,
thuở xưa, vua Đại Thiên ở trong công viên, bảo người đánh xe
rằng: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Ta muốn nhìn kỹ các Phạm chí,
cư sĩ’. Phạm chí, cư sĩ cũng bảo người đánh xe: ‘Hãy đánh xe
đi chầm chậm. Chúng tôi muốn nhìn kỹ đức vua Đại Thiên’. Này
A-nan, nếu vua Đại Thiên thường ái niệm các Phạm chí, cư sĩ
như cha nghĩ đến con; còn các Phạm chí, cư sĩ lại kính trọng
vua Đại Thiên như con kính cha thì chính đó là đức như ý túc
thứ tư của vua Đại Thiên.
“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên được bốn đức
như ý túc.
“Này A-nan, một thời gian sau, vua Đại Thiên
bảo thợ hớt tóc rằng:
“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta
hay.
“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời
gian sau đó, gội đầu cho vua, thấy mọc tóc bạc, liền tâu:
“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho,
Thiên sứ đã đến[15];
đầu mọc tóc bạc.
“Vua Đại Thiên lại bảo thợ hớt tóc:
“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc
bạc bỏ vào bàn tay ta.
“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền
lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.
“Này A-nan, vua Đại Thiên tay bưng tóc bạc, nói
bài tụng:
- Đầu ta mọc
tóc bạc;
- Thọ mạng đến
hồi suy.
- Thiên sứ đã
đến rồi,
- Nay lúc ta
học đạo.
“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, vua Đại Thiên
bảo Thái tử:
“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến,
đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian,
nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta
muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình,
sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta
muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị
vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho
trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này
Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc,
thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái
tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi
con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay
ta chuyển giao pháp kế thừa[16]
này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này,
chớ để cho nhân dân trở thành cực biên[17].
Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho
con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để
cho nhân dân trở thành cực biên địa. Này Thái tử, nếu trong
nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì
đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái
tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao
pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa
ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.
“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy đem việc quốc
chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn
kẽ xong liền cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành
phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại thiên.
“Thái tử cũng là Chuyển luân vương thành tựu
bảy báu, được phước đức có bốn đức như ý của loài người như
vua cha; như bảy báu và bốn đức như ý của loài người đã được
nói trên.
“Này A-nan, vị Chuyển luân vương ấy về sau cũng
bảo thợ hớt tóc rằng:
“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta
hay.
“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời
gian sau đó, gội đầu cho vua, thấy mọc tóc bạc, liền tâu:
“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho,
Thiên sứ đã đến; đầu mọc tóc bạc.
“Vị Chuyển luân vương kia lại bảo thợ hớt tóc:
“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc
bạc bỏ vào bàn tay ta.
“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền
lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.
“Này A-nan, Chuyển luân vương kia tay bưng tóc
bạc, nói bài tụng:
- “Đầu ta mọc
tóc bạc;
- Thọ mạng đến
hồi suy.
- Thiên sứ đã
đến rồi,
- Nay lúc ta
học đạo.
“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, Chuyển luân
vương kia bảo Thái tử:
“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến,
đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian,
nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta
muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình,
sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta
muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị
vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho
trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này
Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc,
thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái
tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi
con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay
ta chuyển giao pháp kế thừa này cho con. Con cũng phải chuyển
giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực
biên. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này
cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ
để cho nhân dân trở thành cực biên địa? Này Thái tử, nếu trong
nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì
đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái
tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao
pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa
ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.
“Này A-nan, Chuyển luân vương kia đem việc quốc
chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn
kẽ xong liền cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành
phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.
“Này A-nan, đó là từ con đến con, từ cháu đến
cháu, từ dòng họ đến dòng họ, từ kiến đến kiến[18],
lần lượt đến tám vạn bốn ngàn vị Chuyển luân vương, cạo bỏ râu
tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia
đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh
tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.
“Vị vua sau cùng tên là Ni-di[19],
là một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp; là
vị vua vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn,
Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những
ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những
kẻ nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho đến những người cô độc từ
các phương xa đến xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ,
tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông,
khăn quấn, cung cấp đèn dầu...
“Bấy giờ chư Thiên ở cõi trời Tam thập tam
thiên tụ tập ngồi tại Thiện pháp giảng đường[20]
hết lời xưng tán vua Ni-di như thế này: ‘Chư Hiền, người xứ
Bẹâ-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì vua
cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành
pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và
các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì
trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh
bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho những
người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức
uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa,
giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu...’
“Bấy giờ trời Thiên Đế-thích cũng có trong
chúng, bảo chư Thiên Tam thập tam thiên rằng:
“– Chư Hiền, các vị có muốn thấy vua Ni-di ngay
tại nơi này không?
“Chư Thiên Tam thập tam thiên đáp:
“– Thưa Câu-dực[21],
chúng tôi muốn được đến ngay nơi ấy để yết kiến vua Ni-di.
“Bấy giờ, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi
cánh tay, Đế-thích ở cõi Tam thập tam thiên bỗng nhiên biến
mất không thấy và hiện ra ở cung điện vua Ni-di.
“Lúc ấy, vua Ni-di thấy Thiên Đế-thích, liền
hỏi:
“– Ông là ai?
“Thiên Đế-thích đáp:
“– Đại vương có nghe đến Thiên Đế-thích không?
“Đáp:
“– Nghe nói có Đế-thích.
“– Đó chính là tôi vậy. Đại vương có đại thiện
lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì chư Thiên ở cõi Tam thập
tam thiên tụ tập tại Thiện pháp giảng đường, hết lời xưng tán
Đại vương thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Bệâ-đà-đề có đại thiện
lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì vua cuối cùng của họ là
Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp,
là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân,
Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào
những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho
những người nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho những người cô
độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo
chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường
nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu...’ Đại vương có
muốn thấy Tam thập tam thiên không?
“Vua đáp:
“– Muốn thấy.
“Đế-thích lại bảo vua Ni-di:
“– Tôi trở về cõi trời, sẽ ra lệnh trang nghiêm
xa giá với một ngàn voi kéo đến. Đại vương cỡi xe dạo chơi,
lên du lãm cõi trời.
“Bấy giờ, vua Ni-di im lặng nhận lời. Đế-thích
biết vua Ni-di đã nhận lời; trong khoảnh khắc, như thời gian
lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cung điện vua Ni-di mà
trở về cõi Tam thập tam thiên.
“Sau khi trở về, Đế-thích bảo người đánh xe:
“– Ngươi hãy nhanh chóng trang nghiêm giá với
một ngàn voi kéo, đến đón vua Ni-di. Sau khi đến nơi, hãy tâu
vua rằng: ‘Đại vương, nên biết, Đế-thích sai đánh cỗ xe có
nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này
dạo chơi, lên du lãm cõi trời’. Sau khi vua đã lên xe, lại hỏi
vua rằng: ‘Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo
đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’
“Người đánh xe vâng lệnh Đế-thích, tức thì
trang nghiêm cỗ xe nghìn voi, đi đến vua Ni-di. Đến nơi, tâu
vua rằng:
“– Đại vương, nên biết, Đế-thích sai đánh cỗ xe
có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe
này dạo chơi, lên du lãm cõi trời.
“Sau khi vua Ni-di đã lên xe, người đánh xe lại
hỏi rằng:
“– Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi
theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’
“Bấy giờ vua Ni-di bảo người đánh xe rằng:
“– Hãy đưa tôi đi giữa hai đường ác thọ ác báo
và diệu thọ diệu báo.
“Người đánh xe liền đưa vua đi giữa hai đường
ấy, giữa ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo. Từ xa, chư Thiên
Tam thập tam thiên trông thấy vua Ni-di đi đến, sau khi trông
thấy liền chúc lành rằng:
“– Kính chào Đại vương! Kính chào Đại vương!
Đại vương có thể cùng sống chung hưởng lạc với Tam thập tam
thiên chúng tôi.
“Lúc ấy, vua Ni-di nói bài tụng cho chư Thiên
Tam thập tam thiên:
- Giống như
kẻ cỡi nhờ,
- Nhất thời
tạm mượn xe;
- Nơi đây
cũng như vậy.
- Vì là của
kẻ khác.
- Tôi về
Di-tát-la,
- Sẽ làm vô
lượng thiện.
- Nhân đó
sanh cõi trời,
- Tạo phước
làm tư lương.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thuở xưa ấy ông cho
là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết vị ấy chính là
Ta.
“Này A-nan, thuở xưa, Ta từ đời con đến đời
con, từ đời cháu đến đời cháu, từ dòng họ đến dòng họ, lần
lượt có đến tám vạn bốn ngàn Chuyển luân vương, từng cạo bỏ
râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm
hạnh, tại Di-tát-la này trú trong rừng xoài Đại Thiên. Bấy giờ
Ta tự làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm
lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và vì
người mà cầu nghĩa, lợi ích và an ổn khoái lạc. Khi ấy, Ta
thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh,
không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh, lúc ấy Ta
không thoát ly khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc
than, áo não; cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau.
“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai,
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành[22],
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên
Nhân Sư, gọi là Phật[23],
Chúng Hựu. Nay Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho
người khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian,
vì trời và người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc.
Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm
hạnh. Vì đã rốt ráo phạm hạnh, nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi
già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não. Nay Ta đã thoát mọi
khổ đau.
“Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này
cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ
để cho Phật pháp dứt đoạn.
“Này A-nan, thế nào là pháp kế thừa mà nay Ta
chuyển trao cho ông và bảo ông cũng phải chuyển trao lại pháp
kế thừa ấy, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn? Đó chính là Thánh
đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Này
A-nan, đó chính là pháp kế thừa mà nay Ta đã chuyển trao cho
ông, và ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để
cho Phật chủng đứt đoạn.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các
Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
14. Pāli, M.83 Makhādeva-suttanta; tham chiếu Bản sanh, J.9.
Makhādeva-Jātaka. Hán, No.125(1) Tăng Nhất 1, Tựa, Đại 2
tr.549; No.125 (50.4) Tăng Nhất 48, Đại 2 tr.806c.
-
[02] Bệ-đà-đề.
Pāli: Videha, mà thủ phủ là Mithilā (Di-tát-la). Đại thiên
Nại lâm là khu rừng xoài của Mahādeva, một vị vua trong thời
quá khứ mà triều đại tiếp theo thuộc về Okkāka, tổ phụ của
dòng họ Thích.
-
[03] Đại Thiên.
Pāli: Makhādeva.
-
[04] Thuyết Tùng
giải thoát, tức đọc giới bổn của Tỳ-kheo (Ba-la-đề-mộc-xoa
hay Biệt giải thoát). Bản Pāli, vào các ngày 14, 15, mồng 8
mỗi nửa tháng, vua hành lễ Bố-tát (Pāli: uposatha).
-
[05] Thiên luân
bảo. Pāli: dibba-cakka-ratna, bảo vật là bánh xe trời.
-
[06] Hiền luân bảo.
Pāli: bhavam cakka-ratnam.
-
[07] Đảnh Sanh
Sát-lợi vương. Pāli: rājā khattiyo muddhāvasitto, một vị vua
dòng Sát-lợi đã được làm lễ quán đảnh (rưới nước lên đỉnh
đầu), lễ tức vị. Vị này chưa phải Chuyển luân vương.
-
[08] Đoán lý, các
bản Tống-Nguyên-Minh: liệu lý; tức xử lý tài vật hay tài
sản.
-
[09] Vu-sa-hạ.
Pāli: Uposatha (Bố-tát).
-
[10] Mao mã vương,
Mã vương có bờm. Pāli: Valāhaka (Vân mã vương).
-
[11] Hán: tác tạng,
bất tác tạng. Có lẽ Pāli: ākara, mỏ khoáng hay quặng. Hán
hiểu kara là làm.
-
[12] Bốn như ý túc;
No.1(2): bốn thần đức. Pāli: catasso iddhiyo, bốn tiềm lực
hay năng lực phi thường.
-
[13] Tiên nhân
vương. Pāli: rājisi, vị ẩn nguyên là vua.
-
[14] Bình đẳng thực
vị chi đạo. Pāli: samavepākin, tiêu hóa dễ dàng (ăn uống dễ
tiêu hóa). Xem D.28 Saṅgīti-suttanta, veà pañca
padhāniyagāni (năm cần chi).
-
[15] Xem kinh số
64.
-
[16] Tương kế chi
pháp. No.125 (50-4): tương thiệu.
-
[17] Pāli: mā kho
me tva antimapuriso ahosi, “con chớ trở thành là người (kế
thừa) cuối cùng của ta”.
-
[18] Tùng kiến chí
kiến(?)
-
[19] Ni-di. Pāli:
Nimi.
-
[20] Thiện pháp
giảng đường. Pāli: Sudhamma-sabhā, phòng hội của chư Thiên
Tam thập tam (Pl. Tāvatisa).
-
[21] Câu-dực(=
Kiều-thi-ca). Pāli: Kosika hoặc Kosiya, hiệu của Thiên
Đế-thích.
-
[22] Trong bản Hán:
Minh hành thành vi, có lẽ thừa chữ vi. Thường nói là Minh
hành túc. Pāli: vijjā-caraa-sampanna.
-
[23] Trong bản Hán:
hiệu Phật.