- 07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
-
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bà-kì-sấu[02],
ở rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã[03].
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà ở tại Chi-đề-sấu,
trong rừng Thủy chử[04].
Tôn giả A-na-luật-đà ở chỗ yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, tâm nghĩ
rằng: “Đạo chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo
chứng đắc từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo
chứng đắc từ viễn ly, chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không
phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo
chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo
chứng đắc từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng
đắc từ định ý, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí
tuệ, chứ không phải từ ngu si”.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết Tôn
giả A-na-luật-đà đang niệm gì, đang tư gì, đang hành gì. Sau
khi đã biết, Đức Thế Tôn nhập định có hình thái như thế[05].
Với định có hình thái như thế, trong khoảnh khắc như người lực
sĩ co duỗi cánh tay, cũng thế, Đức Thế Tôn từ Bà-kì-sấu, từ
rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, bỗng biến mất, liền
xuất hiện trước mặt Tôn giả A-na-luật-đà tại Chi-đề-sấu. Bấy
giờ, Đức Thế Tôn xuất định, tán thán Tôn giả A-na-luật-đà
rằng:
“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, ngươi ở
chỗ yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy, tâm đã nghĩ thế này: ‘Đạo
chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo chứng đắc
từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc
từ viễn ly, chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không phải từ sự
sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo chứng đắc từ
sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo chứng đắc từ
chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định
ý, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ
không phải từ ngu si’.
“Này A-na-luật-đà, ngươi hãy nghe Như Lai, lãnh
thọ thêm suy niệm thứ tám của bậc Đại nhân[06].
Sau khi lãnh thọ liền tư duy rằng: ‘Đạo chứng đắc từ chỗ không
hý luận[07],
ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận, chứ không phải từ
chỗ hý luận, không phải từ chỗ ưa hý luận, không phải từ chỗ
hành hý luận’.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, chắc chắn ngươi có thể ly dục, ly ác,
ly bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an
trụ.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân này, lại chứng đắc bốn tăng thượng tâm
này, sống an lạc ngay trong hiện tại, dễ được chứ không khó,
thì cũng như vua và đại thần có hòm đẹp đựng đầy các loại y
phục đẹp, buổi sáng muốn mặc liền lấy mặc; buổi trưa, buổi
chiều, muốn mặc liền lấy mặc, tùy ý tự tại, này A-na-luật-đà,
ngươi cũng vậy, được y phấn tảo, làm y phục bậc nhất, tâm
ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, lại chứng đắc bốn tăng thượng tâm này
nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại, dễ được không khó,
thì cũng như vua và vương thần có cai bếp làm các thức ăn ngon
lành mỹ diệu, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, thường sống
bằng món ăn khất thực làm món ăn độc nhất, tâm ngươi vô dục,
sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm
này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ
không khó, thì cũng như vua và vương thần có nhà cửa đẹp, hoặc
có lầu các, cung điện, này A-na-luật-đà, ngươi cũng như thế,
ngồi dưới gốc cây, lấy sự tịch tĩnh làm ngôi nhà bậc nhất, tâm
ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm
này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ
không khó, thì cũng như vua và vương thần có giường đẹp, trải
lên bằng chăn nệm, đệm bông, phủ lên bằng gấm, the, lụa, sa
trun, có chăn đệm ở hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn
dương[08];
này A-na-luật-đà, ngươi cũng như vậy, chỗ ngồi trải bằng cỏ,
bằng lá cây, là chỗ ngồi bậc nhất. Tâm ngươi vô dục, sống với
trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm
này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ
không khó, thì cũng như thế, nếu ngươi an trú phương Đông,
chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ. Nếu an
trú phương Tây, phương Nam, phương Bắc, chắc chắn được an lạc,
không có các tai hoạn đau khổ.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm
này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ
không khó, đối với các pháp thiện, ngươi đã an trú, Ta không
nói đến, huống nữa là nói đến sự suy thoái. Các thiện pháp cứ
ngày đêm tăng trưởng chứ không suy thoái.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy
niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm
này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ
không khó, thì đối với hai quả, chắc chắn ngươi đắc được một,
hoặc trong đời này đắc cứu cánh trí, hoặc nếu còn hữu dư thì
đắc A-na-hàm.
“Này A-na-luật-đà, ngươi hãy thành tựu tám suy
niệm này của bậc Đại nhân, và cũng nên chứng đắc bốn tăng
thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này,
dễ được chứ không khó; sau đó mới an cư mùa mưa tại
Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử vậy”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn giả
A-na-luật-đà, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau
khi bằng vô lượng phương tiện, thuyết pháp, khuyến phát khát
ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Đức Thế Tôn liền như vậy mà nhập
định, trong khoảnh khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay,
cũng vậy, Đức Thế Tôn từ Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử, bỗng
nhiên biến mất, không thấy, rồi hiện ra ở Bà-kì-sấu, núi Ngạc
rừng Bố, trong vườn Lộc dã.
Lúc ấy Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Đức
Phật, Đức Phật liền xuất định, quay lại bảo A-nan rằng:
“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạïc
rừng Bố, trong vườn Lộc dã thì bảo tất cả tụ tập tại giảng
đường. Sau khi tụ tập tại giảng đường xong, trở lại cho Ta
hay”.
Tôn giả A-nan vâng lời Đức Phật, cúi đầu đảnh
lễ dưới chân Ngài, liền đi tuyên bố rằng: “Đức Thế Tôn dạy:
nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạïc rừng Bố, trong vườn Lộc dãõ
thì tất cả hãy tụ tập tại giảng đường”.
Sau khi các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường, Tôn
giả A-nan trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi
đứng qua một bên, bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, các Tỳ-kheo đến núi Ngạïc
rừng Bố, trong vườn Lộc dã, tất cả đã tụ tập tại giảng đường.
Mong Đức Thế Tôn biết cho, nay đã đến thời”.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn đến giảng đường, trải chỗ
ngồi trước chúng Tỳ-kheo và nói:
“Này chư Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi nghe về
tám suy niệm của bậc Đại nhân. Các ngươi hãy lắng nghe và khéo
suy tư, ghi nhớ.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế
Tôn nói rằng:
“Đây là tám pháp suy niệm của bậc Đại nhân:
1. Đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà
chứng đắc.
2. Đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm
tởm mà chứng đắc.
3. Đạo từ viễn ly chứ không phải từ chỗ ưa tụ
hội, không phải từ sự sống chỗ tụ hội, không phải từ sự sống
hội hợp tụ hội mà chứng đắc.
4. Đạo từ tinh cần chứ không phải từ biếng
nhác mà chứng đắc.
5. Đạo từ chánh niệm, chứ không phải từ tà
niệm mà chứng đắc.
6. Đạo từ chỗ định ý chứ không phải từ loạn ý
mà chứng đắc.
7. Đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà
chứng đắc.
8. Đạo từ chỗ không hý luận, ưa sự không hý
luận, hành sự không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không
phải từ sự ưa hý luận, không phải từ sự hành hý luận, mà chứng
đắc.
“Thế nào là đạo từ vô dục mà chứng đắc, chứ
không phải từ hữu dục? Tỳ-kheo đạt được vô dục, tự biết đạt
được vô dục, không tỏ cho kẻ khác biết mình vô dục; đạt được
tri túc, đạt được viễn ly, đạt được tinh cần, đạt được chánh
niệm, đạt được định ý, đạt được trí tuệ, đạt được không hý
luận, tự biết đạt được không hý luận, không muốn tỏ cho người
khác biết mình vô dục. Như vậy gọi là đạo từ vô dục chứ không
phải từ hữu dục mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ tri túc chứ không phải từ
không nhàm tởm mà chứng đắc? Tỳ-kheo hành tri túc, áo dùng để
che thân, ăn đủ nuôi thân. Đó là đạo từ tri túc chứ không phải
từ không nhàm tởm mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ viễn ly chứ không phải từ ưa
tụ hội, sống chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ hội mà chứng đắc?
Tỳ-kheo thực hành hạnh viễn ly, thực hành hai hạnh viễn ly là
thân và tâm đều viễn ly. Đó là đạo từ viễn ly chứ không phải
từ sự ưa tụ hội, sống ở chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ hội mà
chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ tinh tấn chứ không phải từ
biếng nhác mà chứng đắc? Tỳ-kheo thường hành tinh tấn, đoạn ác
bất thiện, tu các thiện pháp, thường tự khởi ý, chuyên nhất
kiên cố, vì các gốc rễ thiện mà không hề từ bỏ khó nhọc. Đó
gọi là đạo từ tinh tấn, chứ không phải từ biếng nhác mà chứng
đắc.
“Thế nào là đạo từ chánh niệm chứ không phải từ
tà niệm mà chứng đắc? Tỳ-kheo quán nội thân như thân, quán nội
thọ, nội tâm, nội pháp như pháp. Đó gọi là đạo từ chánh niệm
chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ định ý chứ không phải từ
loạn ý mà chứng đắc? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho
đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó gọi là đạo
từ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ trí tuệ chứ không phải từ
ngu si mà chứng đắc? Tỳ-kheo tu hạnh trí tuệ, quán pháp hưng
suy, chứng đắc trí như thật, thánh tuệ minh đạt, phân biệt rõ
ràng để dứt sạch khổ một cách chính đáng. Đó gọi là đạo từ trí
tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ không hý luận, ưa không hý
luận, hành không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không
phải từ ưa hý luận, không phải từ hành hý luận mà chứng đắc?
Tỳ-kheo tâm ý thường diệt hý luận, an lạc, trú trong Vô dư
Niết-bàn, tâm thường lạc trú, hoan hỷ, ý giải. Đó gọi là đạo
từ không hý luận, ưa không hý luận, hành không hý luận; chứ
không phải từ hý luận, không phải từ ưa hý luận, không phải từ
hành hý luận mà chứng đắc.
“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo A-na-luật-đà đã tành
tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này, sau đó mới an cư mùa
mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử. Ta đem những điều này
nói ra, vị ấy sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng
dật, tu hành tinh cần. Vị ấy khi sống cô độc tại nơi xa vắng,
tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, đã đạt đến cứu cánh mà
một thiện nam tử vì cứu cánh ấy đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo
ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia
học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh ngay trong đời
này, tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú,
biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã
vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật-đà chứng đắc
A-la-hán, tâm chánh giải thoát, xứng đáng bậc Trưởng lão
Thượng tôn, rồi nói bài tụng:
-
Vô thượng thế gian sư
-
Xa biết con tư niệm,
-
Chánh thân tâm nhập định
-
Nương không, chợt đến đây.
-
Biết con tâm niệm này,
-
Thuyết pháp vượt lên nữa.
-
Chư Phật không hý luận;
-
Hý luận đã xa lìa.
-
Đã biết pháp Như Lai,
-
Ưa trú trong chánh pháp.
-
Rồi tam muội chứng ngay,
-
Pháp Phật đã thành đạt.
-
Con chẳng ưa sự chết,
-
Cũng không nguyện nơi sanh;
-
Tùy thời, tùy sở thích,
-
Niệm, chánh trí vững vàng.
-
Tỳ-da-ly, trú lâm,
-
Nơi đó mạng con dứt;
-
Ở ngay dưới khóm trúc,
-
Nhập Vô dư Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và
các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli: A.8.30. Anurudha. Hán, biệt dịch No.46, No.125 (43.6).
-
[02] Bà-kì-sấu. Pāli:
Bhaggesu, giữa những người Bhagga.
-
[03] Ngạc sơn Bố lâm
Lộc dã viên. Pāli: Susumāragire bhesakāāvane migadāye, trong
núi Cá sấu, rừng Khủng bố, chỗ nuôi hươu.
-
[04] Chi-đề-sấu Thủy
chử lâm. Pāli: Cetīsu Pācīnavaṃsadāye, giữa những người Cetī,
trong rừng Đông trúc. No.125 (42.6): Tôn giả ở tại Tứ Phật sở
cư chi xứ. No.46: Phật ở tại Mục sơn, dưới gốc cây Cầu sư.
-
[05] Như kỳ tượng
định. Pāli: tathārūpa samādhi.
-
[06] Đại nhân chi
niệm. Pāli: mahāpurisavitakka.
-
[07] Hán: đạo tùng
bất hý... đắc. Pāli: nippapañcārāmassāya dhammo, đây là pháp
của người không ưa hý luận.
-
[08] Trong bản Hán:
gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na. Pāli:
kadalimigapavara- paccattharao.