Tôi nghe như
vầy:
Một thời Đức
Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô
độc.
Bấy giờ có một
Phạm thiên[02]
ở cõi trời Phạm thiên, sanh khởi tà kiến như thế này: “Chỗ
này là hằng hữu, chỗ này là thường hữu, chỗ này là trường
tồn, chỗ này quan yếu[03],
chỗ này pháp không hoại diệt[04],
chỗ này là xuất yếu[05],
ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa mà có
đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng”.
Bấy giờ Đức Thế
Tôn bằng tha tâm trí, biết rõ tâm niệm của Phạm thiên đang
nghĩ, liền như vậy mà nhập định[06].
Với định như vậy, chỉ trong khoảnh khắc ví như người lực sĩ
co duỗi cánh tay Ngài biến mất khỏi vườn Cấp cô độc, trong
rừng Thắng tại nước Xá-vệ, đi lên cõi trời Phạm.
Lúc ấy, Phạm
thiên trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, liền chào hỏi:
“Kính chào Đại
Tiên nhân, chỗ này là thường hữu, chỗ này là hằng hữu, chỗ
này là trường tồn, chỗ này là quan yếu, chỗ này là pháp
không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, và ngoài xuất yếu này
không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối
diệu, Tối thượng”.
Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo:
“Này Phạm
thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng,
ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường
tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt,
ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là
xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào
khác nữa để có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng. Phạm
thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh
ấy!”
Lúc đó, có ma
Ba-tuần[07]
ở trong chúng, ma Ba-tuần nói với Đức Thế Tôn rằng:
“Này Tỳ-kheo,
chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm
thiên nói. Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói, nghịch
điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người gặp vận may
mà lại xua đuổi đi. Lời Tỳ-kheo nói ra, lại cũng như vậy.
Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm
thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo,
nếu ông trái lời Phạm thiên, chống đối thuyết của Phạm thiên
thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ núi cao rơi xuống, tuy dang
tay chân quờ quạng hư không nhưng không bám víu được gì. Lời
Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo
ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch
điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm
thiên nói, nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như
người từ trên cây cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng
lá cành nhưng chẳng bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại
cũng như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ
nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên
nói. Vì sao? Vì Phạm thiên là đấng Phước hựu, là Hóa công,
là đấng Tối tôn, là đấng Năng tác, là đấng Sáng tạo, là Tổ
phụ của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Tất cả đều do
Ngài sanh ra. Những gì Ngài biết là trọn biết, những gì Ngài
thấy là trọn thấy[08].
“Đại Tiên nhân,
nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ghét đất, chê bai đất, thì sau
khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm thần kỹ nhạc
trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió,
quỷ thần[09],
chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, nếu ai ghét Phạm thiên, chê
bai Phạm thiên, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn
sanh làm thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Đại Tiên
nhân, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ưa thích đất, ca ngợi đất
thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm bậc tối
Thượng tôn trong cõi trời Phạm thiên. Cũng thế, đối với
nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên,
nếu ai ưa thích Phạm thiên, tán thán Phạm thiên, thì sau khi
thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm bậc tối Thượng tôn
trong cõi trời Phạm thiên. Đại Tiên nhân, ông há không thấy
đại quyến thuộc của Phạm thiên ấy, chẳng hạn như bọn chúng
tôi đang ngồi đây chăng?”
Ma Ba-tuần
chẳng phải là Phạm thiên, chẳng phải quyến thuộc của Phạm
thiên, nhưng lại xưng mình là Phạm thiên. Bấy giờ Đức Thế
Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần chẳng phải là Phạm thiên, cũng
chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, lại tự xưng là Phạm
thiên. Nếu nói rằng có ma Ba-tuần thì đây chính là ma
Ba-tuần”.
Biết rõ như
vậy, Đức Thế Tôn bảo:
“Này ma
Ba-tuần, ngươi chẳng phải Phạm thiên, cũng chẳng phải quyến
thuộc của Phạm thiên, nhưng ngươi tự xưng rằng ‘Ta là Phạm
thiên’. Nếu nói rằng có ma Ba-tuần, thì chính ngươi là ma
Ba-tuần”.
Lúc ấy, ma
Ba-tuần liền nghĩ: “Thế Tôn đã biết ta! Thiện Thệ đã biết
ta!” Biết như thế nên rất đổi ưu sầu, vụt biến mất nơi ấy.
Bấy giờ, Phạm
thiên ấy lại ba lần thưa thỉnh Đức Thế Tôn rằng:
“Kính chào Đại
Tiên Nhân, chỗ này là thường hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ
này là quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là
xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa
mà có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối tôn?!
Đức Thế Tôn
cũng ba lần bảo Phạm Thiên rằng:
“Này Phạm
thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng,
ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường
tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt,
ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là
xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào
khác nữa để có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng. Phạm
thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh
ấy!”
Rồi thì, Phạm
thiên bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân,
thuở xưa có Sa-môn, Phạm chí thọ mạng rất lâu dài. Đại Tiên
nhân, thọ mạng của ông ngắn quá, không bằng một khoảnh khắc
ngồi yên của Sa-môn, Phạm chí kia. Vì sao? Vì những gì các
vị ấy biết là trọn biết, những gì các vị ấy thấy là trọn
thấy. Nếu thật có sự xuất yếu, ngoài sự xuất yếu ra không
còn xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối diệu, Tối
thượng thì các vị ấy biết ngay rằng có; và ngoài xuất yếu ấy
ra, không còn sự xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng,
Tối diệu, Tối thượng. Nếu thật không có sự xuất yếu, lại
không có ngoài xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối
diệu, Tối thượng thì các vị ấy biết ngay là không có. Đại
Tiên nhân, đối với chỗ xuất yếu ông nghĩ là không xuất yếu.
Trái lại, đối với chỗ không phải là xuất yếu, ông nghĩ là
xuất yếu. Như vậy, ông không đạt được chỗ xuất yếu và trở
thành kẻ đại si. Vì sao? Vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy
cho ông.
“Đại Tiên nhân,
nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ưa thích đất, ca ngợi đất, thì
vị ấy tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng
theo mệnh lệnh ta sai. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ
thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ai ưa thích Phạm
thiên, ca ngợi Phạm thiên thì vị ấy tùy theo sự tự tại của
ta, làm theo ý muốn của ta, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Đại
Tiên nhân, nếu ông ưa thích đất, ca ngợi đất, thì ông cũng
tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo
mệnh lệnh ta sai. Cũng thế, với nước, lửa, gió, quỷ thần,
chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ông ưa thích Phạm
thiên, ca ngợi Phạm thiên thì ông cũng tùy theo sự tự tại
của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai”.
Bấy giờ Đức Thế
Tôn nói rằng:
“Phạm thiên,
điều Phạm thiên nói sự thật. Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ưa
thích đất, ca ngợi đất, vị ấy tùy theo sự tự tại của ông,
làm theo ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh ông sai. Cũng vậy,
đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm
thiên; nếu ai ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì vị
ấy tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn, vâng
theo mệnh lệnh của ông sai. Và này Phạm thiên, nếu Ta ưa
thích đất, ca ngợi đất thì Ta cũng tùy theo sự tự tại của
ông, làm theo ý ông muốn và vâng theo mệnh lệnh của ông sai.
Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh
chủ, Phạm thiên; nếu Ta ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm
thiên thì Ta cũng tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông
muốn, vâng theo mệnh lệnh ông sai.
“Nhưng này Phạm
thiên, nếu tám sự kiện này[10],
Ta tùy theo mỗi sự mà ưa thích, mà ca ngợi, thì những điều
ấy cũng vẫn như thế. Này Phạm thiên, Ta biết rõ ông từ đâu
đến và sẽ đi đâu, tùy nơi ông đang sống, tùy chỗ ông mất, và
tùy chốn ông tái sanh. Nếu có Phạm thiên thì Phạm thiên ấy
có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại
oai thần”.
Nghe vậy, Phạm
thiên bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân,
làm thế nào ông biết được điều ta biết, thấy được điều ta
thấy? Làm sao ông biết rõ ta như mặt trời, tự tại soi sáng
khắp nơi, bao trùm cả một ngàn thế giới? Ông có tự tại
không, trong một ngàn thế giới ấy? Ông có biết nơi này và
nơi kia, nơi nào không có ngày đêm không? Này Đại Tiên nhân,
ông có lần nào qua lại các nơi ấy chưa? Hay đã nhiều lần qua
lại các nơi ấy rồi?”
Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo:
“Này Phạm
thiên, như mặt trời tự tại, soi sáng khắp nơi, bao trùm cả
một ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, Ta được tự tại và
cũng biết này hay nơi kia, không có ngày đêm. Này Phạm
thiên, Ta đã từng qua lại những nơi ấy và qua lại rất nhiều
lần. Này Phạm thiên, có ba loại trời, đó là Quang thiên,
Tịnh quang thiên và Biến tịnh quang thiên[11].
Nếu những gì mà ba loại trời ấy có biết và có thấy, thì Ta
cũng có biết và có thấy. Phạm thiên, những gì mà ba loại
trời đó không có biết, không có thấy, thì riêng Ta vẫn có
biết, có thấy. Này Phạm thiên, nếu những gì mà ba loại trời
ấy và quyến thuộc của họ có biết và có thấy thì Ta cũng có
biết và có thấy. Những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc
họ không biết, không thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có
thấy. Này Phạm thiên, những gì mà ông có biết, có thấy, Ta
cũng có biết, có thấy. Những gì mà ông không có biết, có
thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, nếu
những gì mà ông và những quyến thuộc của ông có biết, có
thấy, thì Ta cũng có biết, có thấy. Những gì mà ông và quyến
thuộc của ông không có biết, có thấy, thì riêng Ta vẫn có
biết, có thấy. Này Phạm thiên, ông không thể ngang hàng Ta
về tất cả, ông không thể ngang hàng Ta suốt hết. Nhưng đối
với ông, Ta là Tối thắng, Ta là Tối thượng.
Nghe vậy, Phạm
thiên thưa Đức Thế Tôn rằng:
“Này Đại Tiên
nhân, do đâu mà nếu những gì mà ba loại trời ấy có biết và
có thấy, thì ông cũng có biết và có thấy; những gì mà ba
loại trời đó không có biết, không có thấy, thì riêng ông vẫn
có biết, có thấy? Nếu những gì mà ba loại trời ấy và quyến
thuộc của họ có biết và có thấy thì ông cũng có biết và có
thấy; những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc họ không
biết, không thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu
những gì mà ta có biết, có thấy, ông cũng có biết, có thấy;
những gì mà ta không có biết, có thấy, thì riêng ông vẫn có
biết, có thấy? Nếu những gì mà ta và những quyến thuộc của
ta có biết, có thấy, thì ông cũng có biết, có thấy; những gì
mà ta và quyến thuộc của ta không có biết, có thấy, thì
riêng ông vẫn có biết, có thấy? Đại Tiên nhân đó không phải
là lời nói khoác chăng? Sau khi hỏi xong, không biết có tăng
thêm sự ngu si chăng? Vì sao? Vì nếu biết vô lượng cảnh giới
nên có vô lượng biết, vô lượng thấy, vô lượng chủng loại
phân biệt. Trái lại, ta thì biết riêng rẽ từng cái. Là đất,
ta biết đó là đất. Là nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên,
Sanh chủ, Phạm thiên, cũng giống như thế. Là Phạm thiên, ta
biết đó là Phạm thiên”.
Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo rằng:
“Này Phạm
thiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đối với đất mà có tưởng
về đất rằng: ‘Đất là ta, đất là sở hữu của ta, ta là sở hữu
của đất’, thì khi chấp đất là ta tức không biết rõ đất. Cũng
thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ,
Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt và Tịnh[12];
nếu nghĩ rằng: ‘Tịnh là ta, Tịnh là sở hữu của ta, ta là sở
hữu của Tịnh’, khi chấp nhận Tịnh là ta rồi, vị ấy không
thực biết về Tịnh. Phạm thiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào
đối với đất mà biết là đất, ‘Đất không phải là ta, đất không
phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của đất,’ do
không chấp đất là ta nên vị ấy mới thực biết về đất. Cũng
thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Sanh chủ, chư Thiên,
Phạm thiên, Vô phiền, Vô nhiệt, Tịnh mà nghĩ rằng ‘Tịnh
chẳng phải là ta, Tịnh chẳng phải là sở hữu của ta, ta chẳng
phải là sở hữu của Tịnh,’ do không chấp Tịnh là ta nên vị ấy
mới thật sự biết về Tịnh.
Nghe vậy, Phạm
thiên thưa với Đức Thế Tôn rằng:
“Chúng sanh
này, ai cũng ái trước hữu, ưa thích hữu, tập quán hữu. Chỉ
có ông đã nhỗ tận gốc rễ hữu. Vì sao? Vì ông là Như Lai, Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác”.
Phạm thiên liền
nói bài kệ:
- Nơi hữu thấy
sợ hãi;
- Không hữu
thấy sợ gì?
- Cho nên đừng
ưa hữu;
- Hữu làm sao
chẳng dứt?[13]
“Này Đại Tiên
nhân, tôi nay muốn ẩn hình”.
Đức Thế Tôn
bảo:
“Này Phạm
thiên, nếu ông muốn ẩn mình thì cứ tùy tiện”.
Phạm thiên liền
ẩn hình ngay nơi đó. Đức Thế Tôn thấy rõ, liền nói:
“Phạm thiên,
ông ở chỗ này. Ông đến chỗ kia. Ông lại ở giữa”.
Phạm thiên vận
dụng hết như ý túc, muốn tự ẩn hình mà không thể tự ẩn, nên
hiện hình trở lại giữa cõi trời Phạm thiên.
Bấy giờ Đức Thế
Tôn mới bảo:
“Này Phạm
thiên, Ta cũng muốn ẩn mình”.
Phạm thiên thưa
rằng:
“Đại Tiên nhân,
nếu muốn ẩn mình, xin cứ tùy tiện”.
Lúc ấy, Đức
Phật nghĩ rằng: “Ta hãy như vậy mà hóa hiện như ý túc[14],
phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi cùng khắp cõi trời Phạm
thiên, rồi ẩn hình trong đó, khiến cho Phạm thiên và quyến
thuộc của Phạm thiên chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ta”.
Nghĩ xong, Đức
Thế Tôn hiện như ý túc như vậy, phóng hào quang cực sáng,
chiếu rọi khắp cõi trời Phạm thiên. Phạm thiên và quyến
thuộc chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ngài. Bấy giờ Phạm
thiên và quyến thuộc mới nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm thật là
kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức,
có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì đã phóng hào
quang chiếu sáng, chiếu rọi khắp cả trời Phạm thiên, rồi tự
ẩn hình trong đó, khiến cho chúng ta chỉ được nghe tiếng mà
không thấy hình”.
“Lúc ấy, Đức
Thế Tôn lại nghĩ rằng: “Ta đã giáo hóa Phạm thiên này và
quyến thuộc của Phạm thiên. Nay Ta hãy thu hồi như ý túc”.
“Đức Thế Tôn
liền thu hồi như ý túc, hiện ra giữa cõi trời Phạm thiên.
Khi ấy Ma vương cũng liền xuất hiện trong chúng Phạm thiên.
Bấy giờ Ma vương liền bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân,
ông thật khéo thấy, khéo biết, khéo thông suốt, nhưng ông
chớ nên giáo huấn, chớ nên dìu dắt đệ tử, chớ nói pháp cho
đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Chớ vì luyến ái đệ tử mà khi
thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh trong
loại thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ an ổn khoái
lạc trong đời hiện tại. Vì sao? Đại Tiên nhân, vì đó là tự
gây phiền nhiệt vô ích. Đại Tiên nhân, xưa có Sa-môn, Phạm
chí giáo huấn đệ tử, dìu dắt đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe,
luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử nên khi thân hoại mạng
chung, vị ấy đã sanh vào những nơi thấp kém, sanh làm thần
kỹ nhạc. Đại Tiên nhân, vì thế tôi bảo ông chớ nên giáo huấn
đệ tử và dìu dắt đệ tử, cũng đừng nói pháp cho đệ tử nghe,
chớ luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử, sau khi thân hoại
mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, làm thần kỹ nhạc. Hãy
sống vô vi mà hưởng thụ khoái lạc trong đời hiện tại. Vì
sao? Vì đó là tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi”.
Khi ấy, Phật
bảo rằng:
“Ma Ba-tuần,
ngươi chẳng phải vì mong cầu nghĩa lợi cho Ta, chẳng phải vì
mong cầu sự hữu ích, chẳng phải vì mưu cầu hoan lạc, cũng
chẳng phải mưu cầu sự an ổn cho Ta mà nói với Ta rằng: ‘Đừng
giáo huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, đừng
luyến ái đệ tử. Vì sao? Vì luyến ái đệ tử thì sau khi thân
hoại mạng chung, sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh làm thần kỹ
nhạc. Hãy sống mà hưởng thụ khoái lạc ngay trong đời hiện
tại. Vì sao vậy? Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhọc
vô ích mà thôi’. Ma Ba-tuần, Ta biết ngươi đang nghĩ rằng
‘Sa-môn Cù-đàm này nói pháp cho đệ tử nghe, sau khi nghe
xong, các đệ tử ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta’. Này ma
Ba-tuần, vì thế cho nên ngươi nói với Ta rằng: ‘Đừng giáo
huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, cũng đừng
luyến ái đệ tử, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào
cảnh giới thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà
hưởng thụ khoái lạc an ổn ngay trong đời hiện tại. Vì sao
vậy? –Này Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhiệt vô ích
mà thôi’.
“Ma Ba-tuần,
nếu quả có Sa-môn, Phạm chí nào đã giáo huấn đệ tử, dìu dắt
đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và luyến ái đệ tử; vì luyến
ái đệ tử nên thân hoại mạng chung đã sanh vào nơi thấp kém,
làm thần kỹ nhạc thì Sa-môn, Phạm chí ấy chẳng phải là
Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, chẳng phải là Phạm chí mà tự
xưng là Phạm chí, chẳng phải A-la-hán mà tự xưng là
A-la-hán, chẳng phải Đẳng chánh giác mà tự xưng Đẳng chánh
giác.
“Này ma
Ba-tuần, Ta là Sa-môn thực nên mới xưng là Sa-môn, thực là
Phạm chí nên mới xưng là Phạm chí, thực là A-la-hán nên mới
xưng là A-la-hán, thực là Đẳng chánh giác nên mới xưng là
Đẳng chánh giác. Này ma Ba-tuần, nếu Ta có nói pháp hay
không nói pháp cho đệ tử nghe thì ngươi cũng nên đi đi. Nay
Ta tự biết nên nói pháp cho đệ tử nghe hay không nên nói
pháp cho đệ tử nghe.
“Đó là sự thỉnh
cầu Phạm thiên, sự chống đối của ma Ba-tuần, sự tùy thuận
thuyết pháp của Đức Thế Tôn, cho nên kinh này gọi là “Phạm
thiên thỉnh Phật”.
Phật thuyết như
vậy. Phạm thiên và quyến thuộc của Phạm thiên sau khi nghe
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
19. Tương đương Pāli M.49. Brahmanimantaika-sutta.
-
[02] Bản Pāli nói
vị này tên là Baka.
-
[03] Hán: thử xứ
thị yếu. Pāli: ida kevalam, cái này là tuyệt đối, độc nhất,
toàn nhất.
-
[04] Hán: thử xứ
bất chung pháp. Pāli: ida acavadhamma, cái này là pháp bất
diệt.
-
[05] Hán: xuất yếu.
Pāli: nissaraa, sự thoát ly, giải thoát, sự cứu rỗi.
-
[06] Như kỳ tượng
định.
-
[07] Ma Ba-tuần.
Pāli: Māra Papiman.
-
[08] Pāli: eso hi
bhikkhu brahmā mahābrahmā abhibhū anabhibhūto
aññud-atthu-daso vasavattī issaro kattā nimmātā seho sañjitā
vasī pitā bhūtabhavyāna, Tỳ-kheo, vị Brahmā này thật sự là
Mahā-brahmā, là Đại Phạm thiên, là đấng Chiến thắng, Toàn
thắng, Toàn kiến, Toàn năng, Tự tại, là đấng Sáng tác, Sáng
tạo, Tối tôn, Chúa tể, Quyền năng, là Tổ phụ của những gì đã
sanh và sẽ sanh.
-
[09] Hán: thần, đây
chỉ quỷ thần; Pāli: bhūta.
-
[10] Tám sự kể
trên: bốn đại: đất, nước, lửa, gió, và quỷ thần, chư Thiên,
Sanh chủ, Phạm thiên. Pāli: paihavī, āpa, tejo, vāyo, bhūta,
deva, pajāpati, brahmā.
-
[11] Quang thiên
(Pāli: Parittābhā); Tịnh quang thiên (Pāli: Apramāābhā) Biến
tịnh quang thiên (Pāli: Ābhassara), cả ba thuộc thiền thứ
hai Sắc giới. Bản Pāli kể: Ābhassara (Quang âm thiên, cao
nhất trong Nhị thiền), Subhakia (Biến tịnh quang thiên, cao
nhất trong Tam thiền) và Vehapphala (Quảng quả thiên thấp
nhất trong Tứ thiền). Phạm thiên thuộc Sơ thiền.
-
[12] Vô phiền, Vô
nhiệt và Tịnh, nên hiểu là Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên,
và Tịnh cư thiên. Xem cht.5 kinh 106.
-
[13] Trong bản
Pāli, bài kệ này do Phật nói.
-
[14] Như kỳ tượng
như ý túc.