- KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật
Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
|
- 07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
-
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kì[02],
cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi qua A-hòa-na[03],
trú xứ của Kiền-ni[04].
Bấy giờ đêm tàn, trời sáng, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát vào
A-hòa-na để khất thực. Sau buổi ăn trưa, Đức Thế Tôn thu cất y
bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng,
vào trong rừng đó, đến dưới một gốc cây, trải Ni-sư-đàn và ngồi
kiết già.
Lúc bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, tụ họp tại
giảng đường, cùng thảo luận vấn đề này:
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu
tập niệm thân[05]
được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được
quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị
tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật
tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy
đệ nhất nghĩa”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh,
nghe xa hơn người, Ngài biết các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa tụ họp
tại giảng đường, cùng bàn luận vấn đề này, “Này chư Hiền, Đức
Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân được
phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát
tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng,
khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố
niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất
nghĩa”.
Sau khi Đức Thế Tôn nghe như vậy, vào lúc xế, từ chỗ tĩnh tọa
đứng dậy, Ngài đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng
Tỳ-kheo.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi cùng nhau vừa bàn luận việc gì? Vì việc gì mà tụ tập
tại giảng đường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con sau giờ ăn trưa, tụ họp tại
giảng đường, cùng bàn luận về vấn đề này: ‘Này chư Hiền, Đức Thế
Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân được
phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát
tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng,
khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố
niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất
nghĩa’. Bạch Thế Tôn, chúng con vừa cùng nhau bàn luận vấn đề
vấn đề như vậy. Vì vấn đề này mà tụ họp tại giảng đường”.
Đức Thế Tôn lại hỏi các Tỳ-kheo:
“Ta đã nói như thế nào về tu tập niệm thân, phân biệt, quảng bá,
được đại quả báo?”
Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do
Thế Tôn. Kính mong Thế Tôn giảng thuyết. Chúng con sau khi nghe
xong sẽ được hiểu biết nghĩa lý rộng rãi”.
Đức Phật nói:
“Các ngươi hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt
nghĩa ấy cho các ngươi nghe”.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, lắng nghe.
Đức Phật nói[06]:
“Tỳ-kheo tu tập niệm thân như thế nào? Tỳ-kheo khi đi thì biết
mình đang đi, đứng thì biết mình đang đứng, ngồi thì biết mình
đang ngồi, nằm thì biết mình đang nằm, ngủ thì biết mình đang
ngủ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như
vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật,
tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm[07].
Được định tâm rồi thì biết trên như thật[08].
Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo biết rõ mình[09]
khi vào, khi ra, khéo quán sát phân biệt, khi co, lúc duỗi, khi
cúi, lúc ngước; nghi dung chững chạc, khoác Tăng-già-lê ngay
ngắn và ôm bát chỉnh tề; đi đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói
năng, im lặng, đều biết rõ như thực. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân
hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô
độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ
các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì
biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo khi sanh
niệm ác, bất thiện, liền bằng niệm thiện pháp để đối trị, đoạn
trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như người thợ mộc hoặc học trò thợ mộc
kéo thẳng dây mực, búng thẳng lên thân cây, rồi dùng búa bén mà
đẽo cho thẳng. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi sanh niệm ác bất thiện,
liền niệm thiện pháp để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ.
Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật.
Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu
hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm.
Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập
niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo răng ngậm
khít lại, lưỡi ấn lên trên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị,
đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như hai lực sĩ bắt một người yếu
mang đi khắp nơi, tự do đánh đập; cũng vậy, Tỳ-kheo răng ngậm
khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn
trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà
biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm
không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm
và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy
là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm hơi thở
vào thì biết niệm hơi thở vào; niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi
thở ra; thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết
thở ra dài; thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì
biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra.
Học thở vào thân hành tĩnh chỉ, học thở ra khẩu hành tĩnh chỉ.
Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật.
Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu
hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm.
Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập
niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do
ly dục nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể,
hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như người hầu tắm, bỏ
bột tắm[10]
đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung
mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục
nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ
lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy
theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô
độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ
các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì
biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do
định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân
thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên
núi trong sạch không nhơ, nước từ bốn phương chảy đến, đổ vào
một cách tự nhiên, tức thì đáy suối nước tự phun lên, chảy tràn
ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không
có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân,
phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh
không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết
trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không
phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và
được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là
Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có lạc do ly
hỷ thấm nhuần thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, lạc
do ly hỷ không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ,
trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, rễ,
cọng, hoa, lá đều nhuần thấm, phổ biến sung mãn, không đâu không
có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm vào thân, phổ
biến sung mãn; khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không
có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật.
Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu
hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm.
Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập
niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo ở trong thân
này biến mãn với tâm thanh tịnh[11],
ý cởi mở, thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh,
không chỗ nào là không biến mãn. Như có một người trùm một cái
áo dài bảy hay tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, không chỗ nào là
không phủ kín; cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này, biến mãn với
tâm thanh tịnh, ý cởi mở, thành tựu an trụ; ở trong thân này với
tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như vậy,
Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như
thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh
tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định
tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm quang
minh tưởng[12],
khéo thọ, khéo trì, nhớ rõ điều niệm; như phía trước, phía sau
cũng vậy; như phía sau, phía trước cũng vậy[13];
ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày; dưới cũng như trên, trên
cũng như dưới. Như vậy, tâm không điên đảo, tâm không bị ràng
buộc, tâm tu quang minh, không khi nào còn bị bóng đen che lấp.
Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật.
Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu
hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm.
Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập
niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán sát
tướng[14],
khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được tư niệm bởi ý. Như người
ngồi quán sát kẻ nằm, người nằm quán sát kẻ ngồi. Cũng vậy,
Tỳ-kheo quán sát tướng[15],
khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được tư niệm bởi ý. Như vậy,
Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như
thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh
tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định
tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo tùy theo
những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến
chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân
này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương,
tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân[16],
não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu,
mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như một cái bồn chứa đủ loại hạt
giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng, ‘Đây là hạt lúa, gạo;
kia là hạt cải, cỏ, rau’. Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ
trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán
thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc,
lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận,
gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não
bộ, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy,
đờm giải, nước tiểu. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết
trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không
phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và
được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là
Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán các
giới trong thân rằng ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy
giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể
mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn.
Cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng: ‘Trong thân này
của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới,
thức giới’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như
thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng
dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được
định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là
Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán xác
chết mới chết, từ một, hai ngày đến sáu, bảy ngày, đang bị quạ,
diều bươi mổ, sài lang cấu xé; hoặc đã được hỏa thiêu hay đã
được chôn lấp, đang bị rữa nát hư hoại. Quán sát rồi, tự so
sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao
tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên
như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng
dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được
định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là
Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng
thấy trong nghĩa địa, hài cốt sắc xanh, rửa nát, bị chim thú ăn
một nửa, xương cốt nằm rải rác trên mặt đất. Tỳ-kheo thấy rồi,
tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này,
không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà
biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm
không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm
và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy
là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng
thấy ở trong nghĩa địa, thây chết không còn da thịt, máu, mà chỉ
còn gân nối liền với xương. Thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng
thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như
vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo
như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh
tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định
tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng
thấy trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi,
xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống,
xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Thấy rồi tự so
sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao
tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên
như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng
dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được
định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là
Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng
thấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông
chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát, bể vụn. Thấy rồi tự so
sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao
tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên
như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng
dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được
định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là
Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Nếu có vị nào tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, các
thiện pháp kia toàn bộ đều ở trong đó, gọi là Đạo phẩm pháp[17].
Nếu Vị ấy có tâm biến mãn, ý cởi mở, giống như đại hải, các con
sông nhỏ kia đều đổ vào biển. Nếu tu tập niệm thân như vậy,
quảng bá như vậy, các thiện pháp kia toàn bộ đều ở trong đó, gọi
là Đạo phẩm pháp.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân,
sống với tâm nhỏ hẹp[18],
vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì
sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân.
Giống như một cái bình, bên trong trống không, không có nước,
đặt ngay ngắn trên mặt đất, nếu có người đem nước đến đổ vào
trong bình thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình ấy như vậy có chứa nước
được hay không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, có thể được. Vì sao? Vì bình trống không, không
có nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất cho nên chứa nước được”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ
niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi
dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia
trống không, không có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống
với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định
không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống
không, có niệm thân. Giống như có một cái bình, bên trong chứa
đầy nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất, nếu có người đem nước đến
đổ vào trong bình, thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình ấy như vậy có chứa
nước nữa không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì bình ấy nước đã đầy
rồi, đặt ngay ngắn trên mặt đất, cho nên không chứa nước được
nữa”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm
thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng,
nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không
trống không, có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân,
sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có
thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không,
không có niệm thân. Giống như người lực sĩ khiêng hòn đá to,
nặng, quăng vào trong vũng bùn thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Hòn đá có
bị lún vào bùn không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, hòn đá bị lún vào bùn. Vì sao? Vì bùn lầy mà đá
nặng, cho nên chắc chắn phải lún vào”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ
niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi
dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia
trống không, không có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống
với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định
không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống
không, có niệm thân. Giống như người lực sĩ cầm một trái cầu nhẹ
bằng lông, ném vào một cánh cửa đóng kín, thì Tỳ-kheo nghĩ sao?
Cánh cửa kia có nhận cầu chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không thể nhận. Vì sao? Vì trái cầu thì nhẹ mà
cánh cửa đứng thẳng, không thể nhận được”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm
thân, tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất
định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống
không, có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân,
sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có
thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không,
không có niệm thân. Giống như người tìm lửa, lấy củi khô làm
mồi, rồi dùng dùi khô mà dùi thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Người kia làm
như vậy có tìm thấy lửa không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, người kia tìm thấy lửa. Vì sao? Vì người kia lấy
dùi khô mà dùi củi khô, cho nên chắc chắn tìm thấy lửa”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ
niệm thân, tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì
có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống
không, không có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống
với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định
không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống
không, có niệm thân. Giống như người tìm lửa, lấy củi ướt làm
mồi, rồi dùng dùi ướt mà dùi, thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Người kia
làm vậy có tìm thấy lửa không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, người kia không tìm thấy lửa. Vì sao? Vì người
kia lấy cái dùi ướt mà dùi gỗ ướt, cho nên không tìm thấy lửa”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm
thân, tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất
định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống
không, có niệm thân.
“Tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, nên biết có mười
tám công đức[19].
Những gì là mười tám công đức?
“Tỳ-kheo có thể nhẫn nại những sự đói, khát, nóng, lạnh, muỗi
mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, hay gậy đánh, tiếng dữ cũng
có thể nhẫn nại. Thân bị bệnh tật hết sức đau đớn, gần như tuyệt
vọng, những điều không xứng ý đều có thể kham nhẫn. Đây là đức
tánh thứ nhất khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo kham nhẫn điều không vui thích hoan lạc. Nếu
sanh điều không hoan lạc thì tâm nhất định không dính trước. Đây
là đức tánh thứ hai khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như
vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo kham nhẫn sự sợ hãi. Nếu sợ hãi phát sanh thì
tâm nhất định không dính trước. Đây là đức tánh thứ ba khi tu
tập niệïm thân như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo sanh ba ác niệm: dục niệm, nhuế niệm, hại
niệm. Nếu ba ác niệm phát sanh, tâm nhất định không dính trước.
Đây là đức tánh thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy[20]
khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc
đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đây là đức tánh thứ tám khi tu
tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận ba kết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn,
không còn đọa vào ác pháp, nhất định đến chánh giác, chỉ còn thọ
sanh tối đa bảy đời nữa. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân
gian sẽ chứng đắc khổ biên. Đây là đức tánh thứ chín khi tu tập
niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận ba kết sử, dâm, nộ, si đã mỏng,
chỉ còn qua lại một lần thiên thượng nhân gian. Sau một lần qua
lại sẽ chứng đắc khổ biên. Đây là đức tánh thứ mười khi tu tập
niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận năm hạ phần kết sử, sanh vào nơi
kia rồi nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại đời
này. Đây là đức tánh thứ mười một khi tu tập niệm thân như vậy,
quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nếu có tịch tĩnh giải thoát[21],
ly sắc, chứng đắc vô sắc, định như vậy[22],
tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, rồi bằng trí tuệ và quán
sát để vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Đây là đức tánh thứ mười hai,
mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy[23]
khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo chứng đắc Như ý túc, Thiên nhĩ, Tha tâm trí,
Túc mạng trí, Sanh tử trí, các lậu đã tận diệt, chứng đắc vô
lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay trong đời này mà tự
tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; biết một cách như
thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã
làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đây là đức tánh thứ mười tám
khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, nên biết, có mười
tám công đức này[24].”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan
hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương Pāli
M.119 Kāyagatāsati-sutta.
-
[02] Ương-kỳ. Pāli:
Aga.
-
[03] A-hòa-na. Có lẽ
Pāli laø Āpaa, một ngôi làng Bà-la-môn, một thị trấn trong xứ
Anguttarāpa thuộc vương quốc Aga (Ương-kỳ).
-
[04] Kiền ni có lẽ Pāli
là Kaniya, một đạo sĩ bện tóc (Jatila) ở tại Āpaa, được nói đến
trong M.9: Sela-sutta. Bản Pāli nói: Phật tại Sāvatthi.
-
[05] Niệm thân. Pāli:
kāyagatāsati, thân hành niệm.
-
[06] Từ đây trở xuống,
như kinh số 98. Xem các chú thích ở kinh đó.
-
[07] Pāli: ye gehasitā
sarasakappā te pahīyanti... ajjhattam eva citta santihati
sannisīdati ekodi hoti samādhīyati; đoạn những niệm tưởng tư duy
liên hệ thế tục... nội tâm an lập, an trụ, chuyên nhất, nhập
định.
-
[08] Tri thượng như
chân; không rõ ý.
-
[09] Nguyên Hán: chánh
tri. Pāli: sapajāna, nhận thức cụ thể (mình đang làm gì).
-
[10] Hán: tháo đậu,
người Trung Quốc thời cổ nghiền đậu thành bột, trộn với thuốc,
làm bột tắm. Từ này dùng để chỉ bột tắm trong kinh Phật. Pāli:
nahāniya-cua.
-
[11] Thanh tịnh tâm,
chỉ xả niệm thanh tịnh (Pāli: upekkhā-sati-pārisuddhiṃ); ở đây
nói về thiền thứ tư. Pāli: so imam eva kāya parisuddhena cetasā
pariyodātena pharitvā, vị ấy làm thấm nhuần thân nay với tâm
thuần tịnh trong sáng.
-
[12] Quang minh tưởng;
niệm tưởng về ánh sáng. Bản Pāli không đề cập.
-
[13] Nghĩa là quán
trước mặt thấy như là sau lưng và ngược lại. Xem
Kinh số 85.
-
[14] Quán tướng. Bản
Pāli không đề cập.
-
[15] Quán tướng. Bản
Pāli không đề cập.
-
[16] Đoàn phấn; bản
Tống-Minh bản Nguyên .
-
[17] không phải
37 phẩm trợ đạo. Pāli: Dhamma-vijjābhāgiyā.
Đạo phẩm pháp
-
[18] Du hành thiểu tâm;
được hiểu là sống với tâm không biến mãn bởi thân hành niệm.
-
[19] Bản Pāli nói có
mười: dasānisasā, mười điều lợi ích.
-
[20] Bản Cao-li ghi các
số năm, sáu, bảy. Bản Minh, sau thứ tư, không ghi các số này.
-
[21] Nguyên Hán: tức
giải thoát; (Pāli: santa-vimokkha); chỉ định từ sắc giới vuợt
qua sắc để nhập vô sắc, an trụ nơi tịch tĩnh giải thoát. Xem các
kinh 26,
51. Bản Pāli không đề cập.
-
[22] Như kỳ tượng định.
-
[23] Các số này kể theo
bản Cao-li. Bản Minh chỉ nêu số mười hai.
-
[24] Thực sự chỉ có 10,
bằng con số trong bản Pāli, chỉ khác chi tiết
|