- 08. PHẨM UẾ
-
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa nước Câu-tát-la[02]
cùng đại chúng Tỳ-kheo, qua đến phía Bắc làng Ngũ sa-la[03],
trong rừng Thi-nhiếp-hòa với hàng đại đệ tử Trưởng lão, Thượng
tôn, danh đức, như các ngài: Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại
Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn
giả A-na-luật, Tôn giả Lệ-việt[04],
Tôn giả A-nan và các đại đệ tử Trưởng lão Thượng tôn danh đức
khác ngang hàng như vậy cũng có mặt tại làng Ngũ sa-la. Tất cả
đều ở gần bên cạnh ngôi nhà lá của Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
“Các ngươi nên thực hành sự cầu pháp[05],
đừng thực hành sự cầu ẩm thực. Vì sao? Vì Ta thương tưởng các
đệ tử, muốn các đệ tử nên thực hành sự cầu pháp, chứ không
thực hành sự cầu ẩm thực. Nếu các ngươi thực hành cầu ẩm thực,
không thực hành sự cầu pháp, không những các ngươi tự xấu xa,
mà Ta cũng không được danh dự gì. Nếu các thầy thực hành sự
cầu pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực, không những các
thầy đã tự tốt đẹp mà Ta cũng được danh dự.
“Thế nào là các đệ tử vì cầu ẩm thực mà theo
Phật tu hành, chứ không phải vì cầu pháp? Sau khi Ta ăn no,
bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư; sau đó có hai Tỳ-kheo đến,
đói khát, sức lực hao mòn, Ta nói với họ rằng: ‘Sau khi Ta ăn
no, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn dư, các ngươi muốn ăn thì
lấy mà ăn. Nếu các ngươi không lấy thì Ta sẽ mang đổ nơi đất
sạch, hoặc đổ trong nước không có trùng’.
“Trong hai người ấy, Tỳ-kheo thứ nhất suy nghĩ
như vầy, ‘Đức Thế Tôn ăn rồi, bữa ăn đã xong, còn lại đồ ăn
dư, nếu ta không lấy tất nhiên Đức Thế Tôn sẽ mang đổ nơi đất
sạch, hoặc trong nước không có trùng. Vậy ta hãy lấy mà ăn’.
Tỳ-kheo ấy liền lấy mà ăn. Tuy được một ngày một đêm an ổn
khoái lạc, nhưng vì Tỳ-kheo ấy nhận lấy đồ ăn dư đó nên không
vừa ý Phật[06].
Vì sao? Vì Tỳ-kheo đó nhận lấy đồ ăn đó nên không thể thiểu
dục, không thể tri túc, không thể dễ nuôi, không thể dễ thỏa
mãn, không thể biết thời, không thể biết tiết độ, không thể
tinh tấn, không thể tĩnh tọa, không thể có tịnh hạnh, không
thể sống viễn ly, không được nhất tâm, không được tinh cần,
cũng không thể chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy, do bởùi Tỳ-kheo
nhận lấy đồ ăn dư mà không vừa ý Phật. Như thế, gọi là các đệ
tử vì cầu ẩm thực mà theo Phật tu hành, chứ không phải vì cầu
pháp.
“Thế nào là các đệ tử thực hành sự cầu pháp,
chứ không thực hành cầu ẩm thực? Trong hai người ấy, Tỳ-kheo
thứ hai suy nghĩ như vầy, ‘Đức Thế Tôn ăn rồi, bữa ăn đã xong,
còn lại đồ ăn dư. Nếu ta không lấy thì tất nhiên Đức Thế Tôn
sẽ mang đổ nơi đất sạch, hoặc trong nước không có trùng. Nhưng
Đức Thế Tôn có dạy rằng: ‘Điều thấp kém nhất trong việc ăn
uống là ăn đồ ăn dư[07].’
Vậy ta không nên nhận lấy đồ ăn đó’. Nghĩ như thế rồi, Tỳ-kheo
ấy không nhận lấy đồ ăn. Tỳ-kheo kia không nhận lấy đồ ăn đó,
tuy suốt một ngày một đêm khổ sở, không được an ổn, nhưng nhân
vì Tỳ-kheo ấy không nhận lấy đồ ăn đó nên được vừa lòng Phật.
Vì sao? Tỳ-kheo ấy do bởi không nhận lấy đồ ăn dư nên được sự
thiểu dục, được sự tri túc, được sự sống dễ nuôi, dễ thỏa mãn,
biết thời, có tiết độ, có tinh tấn, có thể tĩnh tọa, có tịnh
hạnh, có thể sống viễn ly, được nhất tâm, được tinh cần và
cũng có thể chứng đắc Niết-bàn. Cho nên, do bởi Tỳ-kheo ấy
không nhận lấy đồ ăn này mà được vừa lòng Phật. Như thế, gọi
là các đệ tử vì cầu pháp mà theo Phật tu hành, chứ không phải
vì cầu ẩm thực”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các đệ tử:
“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn
ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy không thích đời sống
viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không
mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế
gian, cũng không phải là mong sự thiện lợi, mong cầu an ổn
khoái lạc cho loài trời, loài người.
“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn
ly, mà đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy không thích đời
sống viễn ly, thì pháp luật đó không ích gì cho mọi người,
không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương
xót thế gian, cũng không phải là mong cầu sự thiện lợi và hữu
ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người.
“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn
ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời sống
viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an
lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự
thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời
và loài người.
“Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn
ly, đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời sống
viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an
lạc cho mọi người, là bậc thương xót thế gian, mong cầu sự
thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho trời,
người”.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cũng hiện diện trong
chúng. Đức Thế Tôn bảo Tôn giả rằng:
“Xá-lê Tử, thầy hãy nói pháp như pháp cho các
Tỳ-kheo nghe. Ta bị đau lưng, nay Ta muốn nghỉ một lát”.
Tôn giả Xá-lê Tử liền vâng lãnh lời Phật:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn”.
Rồi Đức Thế Tôn gấp tư y Ưu-đa-la-tăng trải
trên giường, cuộn y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông bên
phải, hai chân chồng lên nhau, khởi quang minh tưởng[08],
chánh niệm, chánh trí và chuyên niệm về dục khởi tưởng[09].
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn vừa nói
pháp sơ lược rằng: ‘Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú
viễn ly mà đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy không thích đời
sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người,
không mang lại an ạc cho mọi người, không phải là vì thương
xót thế gian, không phải là mong cầu thiện lợi và hữu ích,
mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người. Nếu một
Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly mà đệ tử bậc trung
và hạ của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó
không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi
người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải
là mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc
cho loài trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích
an trú viễn ly và đệ tử hàng trưởng thượng của vị ấy cũng
thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người,
mang lại an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong
cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài
trời, loài người. Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú
viễn ly, đệ tử bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời
sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại
sự an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu
sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài
trời, loài người’.
“Nhưng Đức Thế Tôn nói pháp này hết sức sơ
lược, các thầy thấu hiểu nghĩa đó như thế nào và phân biệt
rộng rãi như thế nào?”
Bấy giờ trong chúng, hoặc có Tỳ-kheo nói như
thế này:
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, nếu các Trưởng lão
Thượng tôn tuyên bố rằng ‘Ta đã chứng đắc cứu cánh trí, biết
một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững,
điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’, thì các vị
phạm hạnh khi nghe vị Tỳ-kheo tự tuyên bố ‘Ta đã chứng đắc cứu
cánh trí’, bèn được hoan hỷ”.
Lại có Tỳ-kheo nói như thế này:
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có đệ tử bậc trung,
bậc hạ có ước nguyện vô thượng Niết-bàn, các người phạm hạnh
thấy vị Tỳ-kheo kia đã thực hành theo, nên được hoan hỷ.”
Như vậy, các Tỳ-kheo ấy giải thích ý nghĩa đó
như vậy mà không hài lòng Tôn giả Xá-lê Tử.
Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo ấy
rằng:
“Này chư Hiền, hãy lắng nghe, tôi sẽ giải thích
cho các thầy.
“Này chư Hiền, nếu một Tôn sư có pháp luật,
thích an trú viễn ly, mà hàng đệ tử trưởng thượng của vị ấy
không thích đời sống viễn ly, thì người đệ tử hàng trưởng
thượng ấy có ba điều đáng chê.
“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly mà
đệ tử hàng trưởng thượng không học theo hạnh viễn ly. Vị đệ tử
ấy vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ
mà đệ tử trưởng thượng không đoạn trừ pháp ấy. Vị đệ tử này vì
vậy mà đáng chê. Với những điều có thể thủ chứng mà đệ tử
trưởng thượng lại từ bỏ phương tiện[10].
Vị đệ tử này vì vậy mà đáng chê. Nếu bậc Tôn sư có pháp luật,
thích an trú viễn ly mà đệ tử trưởng thượng của vị ấy không
thích đời sống viễn ly thì người đệ tử ấy có ba điều đáng chê
trách này.
“Này chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích
an trú viễn ly mà đệ tử bậc trung và hạ không thích đời sống
viễn ly, thì đệ tử trung và hạ ấy có ba điều đáng chê.
“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly,
đệ tử trung và hạ không học theo hạnh viễn ly, những đệ tử này
vì vậy mà đáng chê. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải đoạn trừ mà
đệ tử trung và hạ không đoạn trừ những pháp ấy, những đệ tử
này vì vậy mà đáng chê. Với những điều có thể thủ chứng, mà đệ
tử trung và hạ lại từ bỏ phương tiện, những đệ tử này vì vậy
mà đáng chê. Nếu Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà
đệ tử trung và hạ không thích đời sống viễn ly, thì những đệ
tử ấy có ba điều đáng chê này.
“Này chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích
an trú viễn ly và đệ tử trưởng thượng của vị ấy cũng thích đời
sống viễn ly, thì đệ tử trưởng thượng này có ba điều đáng tán
thưởng.
“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly,
đệ tử trưởng thượng cũng học theo hạnh viễn ly. Vị đệ tử này
vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải
đoạn trừ và đệ tử trưởng thượng đoạn trừ những pháp ấy. Vị đệ
tử trưởng thượng này vì vậy đáng tán thưởng. Với những điều có
thể thủ chứng thì đệ tử trưởng thượng tinh tấn cầu học, không
bỏ phương tiện. Vị đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu
bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử trưởng
thượng cũng thích đời sống viễn ly thì những đệ tử ấy có ba
điều đáng tán thưởng này.
“Này chư Hiền, nếu Tôn sư có pháp luật, thích
an trú viễn ly, đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly,
thì những đệ tử ấy có ba điều đáng tán thưởng.
“Những gì là ba? Tôn sư thích an trú viễn ly,
đệ tử trung và hạ cũng thích đời sống viễn ly. Những đệ tử này
vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu Tôn sư dạy những pháp phải
đoạn trừ thì đệ tử trung và hạ đoạn trừ những pháp ấy. Những
đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Với những điều có thể
thủ chứng thì đệ tử trung và hạ tinh tấn, cầu học, không bỏ
phương tiện. Những đệ tử này vì vậy đáng được tán thưởng. Nếu
bậc Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly và đệ tử trung
và hạ cũng thích đời sống viễn ly thì những đệ tử ấy có ba
điều đáng tán thưởng này”.
Tôn giả Xá-lê Tử lại nói với các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, có con đường giữa, nhờ đó có thể
được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ pháp,
được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn.
“Này chư Hiền, thế nào là có một con đường
giữa, có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp,
thứ pháp, được trí thông, được giác ngộ và chứng đắc Niết-bàn?
“Này chư Hiền, niệm tham dục là ác pháp, ghét
bỏ niệm tham dục cũng là ác pháp[11].
Người ấy đoạn trừ niệm tham dục và cũng đoạn trừ sự ghét bỏ
niệm tham dục. Cũng vậy, sân nhuế, oán kết, bỏn sẻn, ganh tị,
dối trá, vô tàm, vô quý, mạn, tối thượng mạn, cống cao, phóng
dật, hào quý, tăng tránh[12].
“Này chư Hiền, tham cũng là pháp ác mà đắm
trước cũng là pháp ác. Người ấy đoạn trừ tham và cũng đoạn trừ
đắm trước.
“Này chư Hiền, đó là có một con đường giữa, có
thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ
pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc
Niết-bàn.
“Này chư Hiền, lại có một con đường giữa khác
có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ
pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc
Niết-bàn. Chư Hiền, thế nào là có một con đường giữa khác có
thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ
pháp, được trí thông, được giác ngộ và cũng chứng đắc
Niết-bàn? Chư Hiền, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến
chánh định, ấy là tám. Chư Hiền, đó là một con đường giữa khác
có thể được tâm trú, được định, được an lạc, thuận pháp, thứ
pháp, được trí thông, được giác ngộ và chứng đắc Niết-bàn”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đã qua cơn đau và được an
ổn, từ chỗ nằm trở dậy, ngồi kiết già, Ngài tán thán Tôn giả
Xá-lê Tử:
“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử nói pháp như
pháp cho các Tỳ-kheo nghe. Xá-lê Tử, từ nay về sau, thầy hãy
nói pháp như pháp cho các Tỳ-kheo nghe nữa. Xá-lê Tử, thầy nên
luôn luôn nói pháp như pháp[13]
cho các Tỳ-kheo nghe”.
Rồi Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Các ngươi phải cùng nhau vâng lãnh pháp như
pháp, hãy tụng tập, chấp trì. Vì sao? Vì pháp như pháp này có
pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, được trí thông, được
giác ngộ và cũng chứng đắc Niết-bàn. Các thiện nam tử cạo bỏ
râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình sống không gia
đình, xuất gia học đạo thì phải khéo léo thọ trì pháp như pháp
này”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và các
Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương Pāli
M.3 Dhammadāyāda-suttam.
-
[02] Bản Pāli: Phật
tại Sāvatthi.
-
[03] Ngũ Sa-la. Pāli:
Pañcasāla.
-
[04] Lệ-việt tức
Revata mà chỗ khác cũng bản Hán này, âm là Li-việt-đa. Xem chú
thích
Kinh số 184.
-
[05] Hành cầu
pháp(...). Pāli: Dhammadāyādā me bhavatha mà āmisadayādā hãy
là những kẻ thừa tự Pháp của Ta, chớ đừng là kẻ thừa tự tài
vật.
-
[06] Bất khả Phật ý.
-
[07] Bản Pāli: Thế
Tôn dạy: Hãy là kẻ thừa tự Pháp...
-
[08] Xem cht.11,
Kinh 83.
-
[09] Xem cht.12,
Kinh 83.
-
[10] Xả phương tiện,
nên hiểu là từ bỏ sự nỗ lực.
-
[11] Niệm dục ác, ố
niệm dục diệc ác, ở đây muốn nói trung đạo vượt qua hai tâm
niệm đó. Pāli có hơi khác: lobho ca pāpako doso ca pāpako,
lobhassa ca pahānāya dossa ca pahānāya atthi majjhimā
paṭipadā, tham là ác, sân là ác; có con đường giữa để đoạn trừ
tham và sân.
-
[12] Hào quý và tăng
tránh; có lẽ Pāli: thambo (ngạo mạn) và sārambho (nóng nảy,
hay gây gổ). Liệt kê các tính xấu, theo bản Pāli: kodho (phẫn
nộ), upanāho (oán hận), makkho (đạo đức giả), palāso (ác ý),
issā (bủn xỉn), maccheram (keo kiệt), māyā (dối trá),
sāṭheyyam (giảo hoạt), thambho (ngạo mạn), sārambho (hay gây
sự), māno (mạn), atimāno (tự cao), mado (nghiện ngập), pamādo
(phóng túng).
-
[13] Pháp như pháp,
được hiểu là pháp và tùy pháp (Pāli: dhammānudhamma)