- KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật
Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
|
- 09. PHẨM NHÂN
-
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn
Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Thuở xưa, khi chưa chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận, Ta
nghĩ rằng: ‘Ta hãy chia các suy niệm[02]
làm hai phần, niệm dục, niệm nhuế, niệm hại[03]
làm một phần. Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, làm một
phần khác[04].’
“Sau đó, Ta liền chia các niệm làm hai phần, niệm dục, niệm
nhuế, niệm hại, làm một phần. Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô
hại, làm một phần khác.
“Ta thực hành như vầây. Sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng
dật, tu hành tinh tấn. Nếu sanh niệm dục, Ta liền biết là đang
sanh niệm dục, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ,
nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại mình,
hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không
chứng đắc Niết-bàn, nó liền tiêu diệt nhanh chóng.
“Nếu lại sanh niệm nhuế, niệm hại, Ta liền biết là đang sanh
niệm nhuế, niệm hại, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí
tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại
mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc,
không chứng đắc Niết-bàn, nó liền được tiêu diệt nhanh chóng.
“Khi sanh niệm dục, Ta không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ,
tống khứ; sanh niệm nhuế, niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn
trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy rằng, nhân nơi
đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Ví như vào tháng cuối
xuân, vì đã trồng lúa nên đất thả bò không được rộng. Người chăn
bò thả bò nơi đầm ruộng, bò vào đất người, nó liền cầm roi đến
ngăn lại. Vì sao vậy? Vì người chăn bò biết rằng nhân nơi đó mà
có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói. Do đó, chăn bò cầm
roi đến ngăn lại. Ta cũng như vậy, sanh niệm dục, không thọ
nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Sanh niệm nhuế, niệm hại
cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao
vậy? Vì Ta thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.
“Tỳ-kheo tùy theo sự tư duy, tùy theo sự suy niệm của mình mà
tâm sanh ham thích trong đó.[05]
“Nếu Tỳ-kheo tư niệm quá nhiều về dục, tất sẽ bỏ niệm vô dục; vì
tư niệm nhiều về dục cho nên tâm sanh ham thích trong đó. Nếu
Tỳ-kheo tư niệm quá nhiều về niệm nhuế, niệm hại, tất sẽ xả bỏ
niệm vô nhuế và niệm vô hại. Vì tư niệm quá nhiều về niệm nhuế
và niệm hại nên tâm sanh ham thích trong đó. Tỳ-kheo như vậy,
nếu không lìa được dục, không lìa được niệm nhuế và niệm hại, sẽ
không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng
không thể xa lìa khỏi tất cả mọi sự khổ.
“Ta thực hành như vậy. Sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng
dật, tu hành tinh tấn. Nếu sanh niệm vô dục, Ta biết liền là
đang sanh niệm vô dục, không hại mình, không hại người, không
hại cả hai, tu trí tuệ, không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn.
Biết rằng, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu
trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập
nhanh chóng và rộng rãi. Nếu lại sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại,
Ta liền biết là đang sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, sẽ không
hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không
phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, không hại mình,
không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc
mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập nhanh chóng và rộng rãi.
“Ta sanh niệm vô dục, và tư niệm nhiều. Sanh niệm vô nhuế, niệm
vô hại, và tư niệm nhiều. Ta lại suy nghĩ như vầy: ‘Nếu tư niệm
quá nhiều thì thân mệt[06],
mất hỷ, tâm liền bị tổn hại. Ta hãy đối trị nội tâm, khiến
thường an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định để tâm
không bị tổn hại’. Sau đó, Ta liền đối trị nội tâm, khiến thường
an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định mà tâm không
bị tổn hại.
“Ta đã sanh khởi niệm vô dục, rồi lại sanh khởi suy niệm về
hướng pháp, thứ pháp[07],
sanh khởi niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại cũng sanh khởi suy
niệm về hướng pháp, thứ pháp. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy nhân
nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Ví như vào tháng cuối
thu, đã gặt hết lúa, khi đó đứa chăn bò thả bò nơi đồng ruộng mà
nghĩ rằng: ‘Bò ta ở trong bầy’. Vì sao vậy? Vì đứa chăn bò không
thấy rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị
trói. Do đó đứa chăn bò nghĩ ‘Bò ta ở trong bầy’ và không thấy
rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói,
có mất mát. Ta cũng như vậy, sanh niệm vô dục rồi lại sanh niệm
hướng pháp, thứ pháp, sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại
cũng sanh niệm hướng pháp, thứ pháp. Vì sao vậy? Vì Ta không
thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.
“Tỳ-kheo tùy sự tư duy, tùy sự suy niệm mà tâm ham thích trong
đó. Nếu Tỳ-kheo tư niệm nhiều về niệm vô dục thì sẽ xả bỏ niệm
dục; vì tư niệm nhiều về niệm vô dục nên tâm ham thích trong đó.
Nếu Tỳ-kheo tư niệm nhiều về niệm vô nhuế, niệm vô hại thì sẽ xả
bỏ niệm nhuế, niệm hại vì tư niệm nhiều về niệm vô nhuế, niệm vô
hại nên ham thích trong đó. Tỳ-kheo giác quán[08]
đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, định sanh hỷ
lạc, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Tỳ-kheo đó ly hỷ
dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí mà thân cảm giác
lạc, điều mà bậc Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng
đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ,
diệt ưu hỷ vốn đã có, rồi thì không khổ không lạc, xả niệm thanh
tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.
“Như vậy, Tỳ-kheo định tâm, thanh tịnh, không ô uế, không phiền
não, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng đến
quả vị lậu tận, tự thân chứng ngộ trí thông, liền biết như thật
rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là
Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật đây là lậu diệt và đây là lậu
diệt đạo. Tỳ-kheo đã biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải
thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát
rồi biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái
sanh nữa’.
“Khi Tỳ-kheo này đã lìa niệm dục, lìa niệm nhuế, lìa niệm hại
thì được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn lo, khóc
lóc, lìa tất cả khổ. Ví như ở một khu rừng có suối nước lớn, có
bầy nai nọ đến đó rong chơi. Có một người đến, không muốn vì sự
lợi ích phước lành cho bầy nai đó, vì không muốn sự an ổn khoái
lạc cho chúng, liền bít con đường chánh, mở con đường hiểm, đào
hầm hố lớn rồi cho người coi giữ. Như vậy là tất cả bầy nai đều
bị chết hết. Lại có một người khác đến, muốn cho bầy nai kia
được lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc, liền mở con đường
chánh, bít lấp con đường hiểm, đuổi người coi giữ. Như vậy, bầy
nai được cứu thoát an ổn.
“Này các Tỳ-kheo, nên biết Ta nói ví dụ này là muốn để các ngươi
biết rõ ý nghĩa, người trí tuệ nghe ví dụ này sẽ hiểu rõ ý thú.
Ví dụ đó có nghĩa như vầy. Suối nước lớn là năm dục, ái niệm,
hoan lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi mắt, tiếng được
biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, lưỡi vị được biết bởi
lưỡi và xúc được biết bởi thân. Suối nước lớn nên biết đó là năm
thứ dục lạc. Bầy nai, nên biết đó là Sa-môn, Phạm chí. Người đi
đến không muốn cho bầy nai kia được lợi ích và phước lành, được
an ổn khoái lạc, nên biết đó là ma Ba-tuần. Bít con đường chánh,
mở một đường hiểm, đó là ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm
nhuế và niệm hại. Đường hiểm, nên biết đó là niệm ác bất thiện.
Lại có con đường hiểm, đó là tám tà đạo, tà kiến và tà định. Đào
hầm lớùn, nên biết đó là vô minh. Người coi giữ, nên biết đó là
quyến thuộc của ma Ba-tuần. Còn người đi đến, muốn cho bầy nai
được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, nên biết đó
chính là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Bít lấp con
đường hiểm, mở con đường chánh, đó là ba niệm thiện, niệm vô
dục, niệm vô nhuế và niệm vô hại. Đường chánh, nên biết đó là ba
niệm thiện. Lại còn có con đường chánh, đó là bát chánh đạo, từ
chánh kiến cho đến chánh định.
“Này các Tỳ-kheo, Ta đã mở con đường chánh, bít lấp con đường
hiểm, san bằng hầm hố, đuổi người coi giữ cho các ngươi rồi. Ví
như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi,
mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc.
Điều đó Ta đã thực hiện rồi, các ngươi cũng phải tự mình thực
hiện. Hãy đến chỗ vô sự, núi rừng, gốc cây, hoặc chỗ nào yên
tĩnh mà thiền tọa tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh
tấn, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta. Đó
là lời khuyên bảo của Ta”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan
hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương Pāli:
M.19. Dvedhāvitakka-sutta.
-
[02] Niệm, hoặc gọi
là tầm, tức là chú tâm tìm bắt đối tượng của tư duy. Cũng là một
thiền chi, thuộc Sơ thiền, mà bản Hán này thường dịch là: giác.
Pāli: vitakka.
-
[03] Dục niệm, nhuế
niệm, hại niệm, ba bất thiện tầm. Pāli: tayo akusala-vitakkā,
kāma-vitakko, vyāpāda-vitakko, vihisa-vitakko.
-
[04] Ba thiện tầm.
Pāli: tayo kusala-vitakkā.
-
[05] Hán: tâm tiện lạc
trung. Yaññadeva... Bahulam anuvitakketi anuvicāreti tathā tathā
nati hoti cetaso, tầm và tứ hướng nhiều về nơi nào thì tâm cũng
thiên hướng về nơi đó.
-
[06] Để bản chép: thân
định hỷ vong; Tống-Nguyên-Minh: thân chi hỷ vong. Có thể nhầm
cả; nên sửa lại: thân phạp, hỷ vong. Đối chiếu Pāli: aticira
anuvitakkayato... kāyo kilameyya; kāye kilante citta ūhañuñeyya:
suy tầm quá lâu, thân có thể sinh mệt. Khi thân mỏi mệt, tâm
loạn động.
-
[07] Hướng pháp thứ
pháp, tức thực hành pháp tùy pháp; xem cht. kinh. Bản Pāli không
đề cập.
-
[08] Giác quán, tức là
tư và niệm đã nói trên.
|