- 10. PHẨM LÂM
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ưu-đà-la La-ma-tử[02]
ở trong chúng hội thường nói như vầy, ‘Ta ở trong sanh loại
này, quán sát nó, cảm thọ nó mà không biết cội gốc của ung
nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt[03].’
Ưu-đà-la La-ma-tử không biết tất cả, tự xưng biết tất cả, thật
không có giác ngộï tự xưng có giác ngộ. Ưu-đà-la La-ma-tử thấy
như vậy, nói như vậy, ‘Nếu có tưởng thì đó là bệnh, là ung
nhọt, là gai, còn như không có tưởng thì đó là kẻ ngu si. Nếu
có cái được cảm thọ, thì đó là tĩnh chỉ, là tối diệu, tức là
cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ’. Ông ấy sau khi ái lạc
tự thân, chấp thủ tự thân, sau đó tu tập cho đến phi hữu tưởng
phi vô tưởng xứ. Khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi trời
phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Sau khi chấm dứt tuổi thọ ở đó,
lại đến nhân gian, sanh vào loài chồn.
“Ở đây thầy Tỳ-kheo nói chân chánh, có thể nói
như vầy “Ta ở trong sanh loại này, quán sát nó, cảm thọ nó mà
không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn
cội gốc của ung nhọt’.
“Thế nào là Tỳ-kheo quán sát chân chánh?
Tỳ-kheo biết sáu xúc xứ, biết tập, biết diệt, biết vị ngọt,
biết tai hoạn và biết sự xuất yếu của chúng; bằng tuệ mà biết
một cách như thật. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán sát chân chánh.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết cảm thọ? Là Tỳ-kheo
biết ba cảm thọ, biết tập, biết diệt, biết vị ngọt, biết tai
hoạn và biết sự xuất yếu của chúng; bằng tuệ mà biết một cách
như thật. Như vậy gọi là Tỳ-kheo biết cảm thọ.
“Thế nào là Tỳ-kheo không biết cội gốc của ung
nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt?
Tỳ-kheo biết hữu ái đã diệt, đã nhổ sạch gốc rễ của nó, khiến
không thể sanh lại. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không biết cội gốc
của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung
nhọt.
“Ung nhọt chính là thân này, là sắc thân bốn
đại thô phù do cha mẹ sanh ra, được lớn lên nhờ ăn uống, cọ
xát với y phục, chăm sóc bằng tắm rửa, là pháp vô thường, là
pháp hủy hoại, là pháp tan rã. Như vậy gọi là ung nhọt.
“Cội gốc của ung nhọt là ba ái: dục ái, sắc ái
và vô sắc ái. Như vậy gọi là cội gốc của ung nhọt. Tất cả lậu
gây ung nhọt là sáu xúc xứ, mắt lậu thấy sắc, tai lậu nghe
tiếng, mũi lậu ngửi mùi, lưỡi lậu nếm vị, thân lậu cảm xúc, ý
lậu biết các pháp. Như vậy gọi là tất cả lậu gây ung nhọt.
“Này các Tỳ-kheo, Ta đã thuyết giảng cho các
ngươi nghe về cội gốc của ung nhọt. Như đấng Tôn sư thương yêu
đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong cho được sự lợi ích
và phước lành, được an ổn khoái lạc, điều đó Ta đã thực hiện.
Các thầy cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến nơi rừng vắng,
sơn lâm, dưới gốc cây hoặc một chỗ nào yên tĩnh mà thiền tọa,
tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về
sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta! Đó là lời khuyên
bảo của Ta!”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe
lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli, S. 35. 103. Uddaka.
-
[02] Ưu-đà-la
La-ma-tử. Pāli: Uddaka-Rāmaputta, vị đạo sĩ đã dạy cho Đức
Phật lúc Ngài chưa thành đạo về pháp tu Phi tưởng phi phi
tưởng (xem M.26 và kinh số 104).
-
[03] Đối chiếu bản
Pāli: idam jātu vedagū, idam jātu sabbajī, idam jātu
analikhatam gaemūlam Pālikhanin ti. Quả thực ta thấu hiểu sự
kiện này, khắc phục tất cả sự kiện này, phế trừ gốc rễ của ung
nhọt này. Jātu (quả thức, trạng từ), trong bản Hán được hiểu
là Jāti: sanh loại (?).