- KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật
Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
|
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá,
trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa[02]
cùng với chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị an cư mùa mưa.
Bấy giờ vào ngày mười lăm trong tháng[03],
là ngày Đức Thế Tôn nói Tùng giải thoát[04]
vào giờ Tự tứ[05].
Ngài đến trước chúng Tỳ-kheo trải tọa cụ ngồi xuống rồi nói
với các Tỳ-kheo:
“Ta[06]
là Phạm Chí, đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương,
thọ thân này của Ta là thân tối hậu. Ta là Phạm Chí, sau khi
đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này
của Ta là thân tối hậu, thì các ngươi là con chân chánh của
Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các ngươi là con chân
chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp, thì các
ngươi hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau.”
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cũng đang hiện diện
trong chúng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lê Tử liền từ chỗ ngồi đứng
dậy, trịch vai, sửa y, chắp tay hướng về Thế Tôn, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn vừa nói: ‘Ta là Phạm
Chí đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân
này của Ta là thân tối hậu. Ta là Phạm Chí, sau khi đã chứng
đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là
thân tối hậu, thì các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh
từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các ngươi là con chân chánh của
Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp, thì các ngươi hãy dạy
dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau’. Bạch Thế Tôn, đối với những ai
chưa điều ngự, Thế Tôn khiến cho điều ngự; những ai chưa tịch
tĩnh, khiến cho tịch tĩnh[07];
những ai chưa độ thoát, khiến cho độ thoát; những ai chưa giải
thoát khiến cho giải thoát; những ai chưa tịch diệt, khiến cho
tịch diệt, chưa đắc đạo khiến cho đắc đạo, chưa thi thiết phạm
hạnh khiến cho thi thiết phạm hạnh. Thế Tôn là Bậc Tri Đạo,
Giác Đạo, Thức Đạo, Thuyết Đạo[08].
Đệ tử của Thế Tôn sau đó được đắc pháp, lãnh thọ khuyến giáo,
lãnh thọ khiển trách. Sau khi lãnh thọ khuyến giáo, lãnh thọ
khiển trách sẽ vâng theo lời dạy của Thế Tôn mà nhất hướng tu
hành, được tự tại như ý, khéo biết Chánh pháp. Bạch Thế Tôn,
Thế Tôn không phiền gì con đối với thân, khẩu, ý hành chăng?”
Khi ấy, Thế Tôn nói:
“Này Xá-lê Tử, Ta không phiền gì đối với thân,
khẩu, ý hành của thầy cả. Vì sao vậy? Này Xá-lê Tử, thầy là
bậc thông tuệ, đại tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ,
thân tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ[09].
Này Xá-lê Tử, thầy đã thành tựu thật tuệ. Này Xá-lê Tử, ví như
vua Chuyển luân vương có vị thái tử không trái phạm lời khuyên
dạy, tất bái lãnh sự truyền thừa của phụ vương và sau này cũng
có thể truyền thừa lại. Cũng vậy, này Xá-lê Tử, Ta chuyển vận
pháp luân, thầy cũng có thể chuyển vận pháp luân. Này Xá-lê
Tử, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của
thầy.”
Tôn giả Xá-lê Tử chắp tay hướng về Thế Tôn,
thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân,
khẩu, ý hành của con; nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn có phiền gì
về thân, khẩu, ý hành của năm trăm thầy Tỳ-kheo chăng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Xá-lê Tử, Ta cũng không phiền gì về thân,
khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Xá-lê
Tử, năm trăm Tỳ-kheo này đều đã chứng đắc vô trước, dứt trừ
các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt
gánh nặng xuống, hữu kết đã tận và đã đạt được thiện nghĩa,
chánh trí, chánh giải thoát; chỉ trừ một Tỳ-kheo[10]
mà trước kia Ta đã thọ ký cho rằng: ngay trong đời này sẽ
chứng đắc cứu cánh trí, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh
đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn
tái sanh nữa’. Này Xá-lê Tử, vì vậy nên Ta không phiền gì về
thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này.”
Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại chắp tay hướng
về Đức Thế Tôn thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân,
khẩu, ý hành của con và cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý
hành của năm trăm Tỳ-kheo này. Như vậy, bạch Thế Tôn, trong số
năm trăm Tỳ-kheo này, có bao nhiêu thầy đã chứng đắc ba minh
đạt[11]?
Bao nhiêu thầy đã chứng đắc câu giải thoát[12]?
Bao nhiêu thầy đã chứng đắc tuệ giải thoát[13]?”
Thế Tôn nói:
“Này Xá-lê Tử, trong số năm trăm Tỳ-kheo này,
chín mươi Tỳ-kheo đã chứng đắc ba minh đạt; chín mươi Tỳ-kheo
đã chứng đắc câu giải thoát; còn các Tỳ-kheo kia đều chứng đắc
tuệ giải thoát. Này Xá-lê Tử, trong chúng này không có nhánh,
không có cành lá, cũng không có đốt, mà chỉ có lõi chắc thật,
thanh tịnh, đều đã chân chánh trụ vị.”
Bấy giờ, Tôn giả Bàng-kỳ-xá[14]
cũng hiện có ở trong chúng. Khi ấy Tôn giả Bàng-kỳ-xá liền từ
chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Thế Tôn
thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, mong Đức Thế Tôn gia trì cho con
thêm uy lực. Mong Đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực để
con được ở trước Phật và chúng Tỳ-kheo, bằng sự tương ưng như
nghĩa[15]
mà làm bài tụng tán thán.
Đức Thế Tôn nói:
“Bàng-kỳ-xá, ngươi cứ tùy ý.”
Khi ấy, Tôn giả Bàng-kỳ-xá ở trước Đức Phật và
chúng Tỳ-kheo, bằng sự tương ưng như nghĩa mà tán tụng như
vầy:
-
Hôm nay ngày Rằm tự tứ,
-
Hội tọa Tăng chúng năm trăm;
-
Đoạn tận buộc ràng kiết sử,
-
Tiên nhân vô ngại vô sanh.
-
Thanh tịnh ngời quang minh,
-
Giải thoát tất cả hữu;
-
Dứt sanh, lão, bệnh, tử;
-
Lậu diệt, việc làm xong.
-
Diệt hối và nghi kết,
-
Mạn, hữu lậu đã trừ,
-
Nhổ tuyệt gai ái kết,
-
Thành Vô thượng Y sư.
-
Dõng mãnh như sư tử,
-
Khủng bố đã dứt trừ,
-
Đã vượt sự sanh tử,
-
Diệt lậu tận, vô dư.
-
Ví như Chuyển luân vương,
-
Quần thần vây xung quanh,
-
Thống lãnh toàn cõi đất,
-
Suốt đại dương vô cùng.
-
Đấng Đại Hùng tối thắng,
-
Bậc Thượng Chủ, Thượng Tôn;
-
Đệ tử hằng cung kính,
-
Tam minh, ngoài tử sanh.
-
Tất cả là con Phật;
-
Cành, lá đã loại bỏ;
-
Chuyển pháp luân vô thượng;
-
Kính lạy Đấng Tối Tôn.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi
nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Phụ chú trong
bản Hán: “chữ sau đọc là tỉnh”. Tương đương Pāli: S. vii.7
Pavāraa (tự tứ). Tham chiếu, No.99 (1212) Tạp A-hàm 45, kinh
số 45 (Đại 2, tr.330); No.100 (228) Biệt dịch Tạp 12 (Đại 2,
tr. 457a); No.61. Phật Thuyết Thọ Tân Tuế Kinh, Trúc Pháp Hộ
dịch (Đại 1, tr.858; No.62 Phật Thuyết Tân Tuế Kinh, Trúc
Đàm-vô-lan dịch; No.63. Phật Thuyết Giải Hạ Kinh, Tống Pháp
Hiền dịch.
-
[02] No.61, 62 và
Pāli: Xá-vệ, Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường (Sāvatthi,
Pubbārama, Migāramātupāsāda).
-
[03] No.61, ngày rằm
tháng bảy.
-
[04] Tùng giải thoát,
tức Biệt giải thoát. Pāli: Pāimokkha.
-
[05] Tương thỉnh
thỉnh thời, “trong khi hỏi lẫn nhau”, được dịch nghĩa như vậy,
vì trong lễ Tự tứ, các Tỳ-kheo chỉ điểm lẫn nhau những điều
luật. Pāli: Pavāraā. Các bản dịch khác là “thọ tuế”, tức sau
ba tháng an cư, Tỳ-kheo được tính một tuổi hạ.
-
[06] Trong bản Pāli
và các bản Hán kia đều có ghi lời tự tứ của Đức Thế Tôn như
vầy: “Này các Tỳ-kheo, bây giờ Ta tự tứ (tức yêu cầu chỉ điểm,
hoặc nói là “thọ tuế”), các thầy có khiển trách gì Ta đối với
thân, khẩu chăng?”. (Handa dāni, bhikkhave, pavāremi. Ka ca ma
kinci garahatha kāyikam vā vācasikam vā).
-
[07] Hán: tức, và chỉ
tức.
-
[08] Tri Đạo, Giác
Đạo, Thức Đạo, Thuyết Đạo. No.63: Như Lai đã nhận thức toàn
diện về Chánh đạo, tuyên thuyết hoàn hảo về Chánh đạo, khai
thị Chánh đạo.
-
[09] Thông tuệ(Pāli:
paita), đại tuệ(Pāli: mahāpaññā), tốc tuệ(Pāli: hāsapañña),
tiệp tuệ(Pāli: javapañña), lợi tuệ(Pāli: tikkhapañña), quảng
tuệ(Pāli: putthu pañña), thâm tuệ(Pāli: không đề cập), xuất
yếu tuệ(Pāli: không đề cập), minh đạt tuệ(Pāli: nibbedhikā).
-
[10] Chỉ Tôn giả
A-nan, bấy giờ chưa chứng đắc lậu tận.
-
[11]Tam minh đạt, tức
tam minh.
-
[12] Câu giải thoát,
hay Câu phần giải thoát, Pāli: ubhatobhāgavimutta, vị A-la-hán
có Tuệ giải thoát đồng thời có Diệt tận định. Về Câu giải
thoát, Tuệ giải thoát, xem kinh số 127 và 195.
-
[13] Tuệ giải thoát,
xem cht. trên.
-
[14] Bàng-kỳ-xá,
Vangīsa, thuộc một gia đình Bà-la-môn rất thông suốt các tập
Vệ-đà, do quán bất tịnh mà đắc quả A-la-hán.
-
[15] Hán: tương ưng
như nghĩa. Pāli: sāruppāhi gāthāhi abhitthavi, tán thán bằng
những bài kệ thích ứng.
|