-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập
Ức[02]
cũng du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Ám lâm[01]; đầu đêm,
giữa đêm và cuối đêm đều học tập không ngủ, tinh cần chánh
trụ, tu tập đạo phẩm. Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sống
một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ:
“Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật
chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải
thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều
tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố
thí, tu tập các phước nghiệp chăng?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết rõ
tâm niệm của Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức, liền bảo một Tỳ-kheo:
“Ngươi hãy đi đến chỗ kia, gọi Sa-môn Nhị Thập
Ức về đây.”
Tỳ-kheo ấy bạch:
“Kính vâng.”
Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân
Phật, nhiễu quanh ba vòng, bước ra, đi đến chỗ Tôn giả Sa-môn
Nhị Thập Ức nói:
“Đức Thế Tôn cho gọi thầy.”
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghe Tỳ-kheo ấy nói,
liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi một
bên. Đức Thế Tôn nói:
“Sa-môn, phải chăng vừa rồi ngươi sống một mình
nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: ‘Nếu có
đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân
chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát
được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của,
nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập
các phước nghiệp chăng?’”
Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức thẹn thùng
xấu hổ, không thể không hoang mang, rằng, “Thế Tôn đã biết rõ
tâm niệm của ta”, liền chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch
rằng:
“Quả thật vậy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Sa-môn, nay Ta hỏi ngươi; hãy tùy theo sự hiểu
biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao, khi ngươi sống tại gia,
giỏi đánh đàn cầm nên tiếng đàn hòa điệu với lời ca, lời ca ăn
khớp với tiếng đàn; có phải vậy chăng?”
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức thưa:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn căng quá thì
tiếng hòa âm có đáng ưa không?”
Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:
“Bạch Thế Tôn, không!”
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn chùng quá thì
tiếng hòa âm có đáng ưa chăng?”
Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn vừa phải, không
căng quá, cũng không chùng quá, thì tiếng đàn có đáng ưa
không?”
Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:
“Bạch Thế Tôn, đáng ưa.”
Đức Thế Tôn nói:
“Cũng vậy, này Sa-môn, quá sức tinh tấn sẽ
khiến tâm rối loạn, nhưng chẳng tinh tấn thì tâm sẽ biếng
lười. Vì vậy ngươi hãy phân biệt thời gian nào nên quán sát
tướng nào, chớ nên buông lung.”
Bấy giờ Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sau khi nghe
Đức Phật dạy, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, từ chỗ ngồi đứng
dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui
ra. Lãnh thọ ví dụ đàn cầm do Đức Phật dạy rồi, liền sống một
mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn.
Tôn giả ấy sau khi sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không
buông lung, tu hành tinh tấn, liền đạt được mục đích mà một
thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình, học đạo, duy chỉ mong thành tựu
phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự
thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật
rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm
xong, không còn tái sanh nữa’. Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức đã
biết pháp rồi, v.v..., cho đến, chứng quả A-la-hán.
Lúc bấy giờ, sau khi đã chứng quả A-la-hán, Tôn
giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghĩ rằng: “Nay đã đến thời, ta có nên
đi đến chỗ Đức Thế Tôn trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí
của mình chăng?” Rồi thì Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức đi đến chỗ
Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo chứng đắc Vô sở
trước[03],
dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong,
đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã giải trừ[04],
tự thân đạt được thiện nghĩa[05],
bằng chánh trí mà chứng đắc giải thoát, thì tức khắc vị ấy
liền vui nơi sáu trường hợp[06]:
vui nơi vô dục, vui nơi viễn ly, vui nơi vô tránh, vui nơi ái
tận, vui nơi thủ tận, và vui nơi tâm không di động[07].
“Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: ‘Hiền
giả này do y tín tâm nên vui nơi vô dục’. Người ấy không nên
quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và
ngu si thì mới vui nơi vô dục.
“Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: ‘Hiền
giả này vì thích được khen ngợi, muốn được cúng dường, cho nên
vui nơi viễn ly’. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào
dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới vui nơi viễn
ly.
“Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: ‘Hiền
giả này do y trên giới nên vui nơi vô tránh’. Người ấy không
nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế
và ngu si thì mới vui nơi vô tránh, vui nơi ái tận, vui nơi
thủ tận, và vui nơi tâm không di động.
“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo chứng đắc Vô sở
trước, dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm
xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã giải trừ, tự thân đạt
được thiện nghĩa, bằng chánh trí mà chứng đắc giải thoát, thì
tức khắc vị ấy liền vui nơi sáu trường hợp này.
“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo tu học tuy chưa
đắc ý, mà mong cầu quả vị Niết-bàn an ổn vô thượng, vị ấy lúc
bấy giờ chỉ mới thành tựu học căn và học giới, nhưng sau đó sẽ
dứt trừ các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải
thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ,
thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn
tái sanh nữa’. Vị ấy lúc bấy giờ đã thành tựu vô học căn và vô
học giới.
“Bạch Thế Tôn, ví như một đồng tử thơ ấu, lúc
bấy giờ chỉ mới thành tựu tiểu căn và tiểu giới, nhưng sau đó
được đầy đủ học căn. Như vậy là đồng tử đó lúc bấy giờ đã
thành tựu học căn và học giới. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nếu có
Tỳ-kheo tu học tuy chưa đắc ý nhưng mong cầu quả vị Niết-bàn
an ổn vô thượng, vị ấy lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu học căn
và học giới, nhưng sau đó sẽ dứt trừ các lậu, chứng đắc vô
lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự
tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một
cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc
cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy lúc bấy
giờ đã thành tựu vô học căn và vô học giới.
“Vị ấy nếu có sắc được nhận thức bởi mắt, khi
sắc đó đến với mắt thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải
thoát, tuệ giải thoát này phải bị vong thất, nội tâm được an
trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy. Nếu
có tiếng được nhận thức bởi tai, hương được nhận thức bởi mũi,
vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, pháp
được nhận thức bởi ý, khi pháp đến với ý thì cũng không vì vậy
mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này phải bị vong thất,
nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán
pháp hưng suy.
“Bạch Thế Tôn, ví như cách thôn không xa, có
tòa núi đá lớn, không vỡ, không sứt mẻ, không yếu dòn, vững
chắc, không trống hở, là một khối hợp nhất. Nếu có gió, mưa
lớn từ phương Đông đến thì cũng không thể lay chuyển, không
thể di động; cũng không phải gió phương Đông dời đến phương
Nam. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Nam đến thì cũng không thể
lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Nam
dời đến phương Tây. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Tây đến thì
cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải
gió phương Tây dời đến phương Nam. Nếu có gió, mưa lớn từ
phương Bắc đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di
động; cũng không phải gió phương Bắc dời đến các phương.
“Cũng vậy, bạch Thế Tôn, vị ấy nếu có sắc được
nhận thức bởi mắt, khi sắc đó đến với mắt thì cũng không vì
vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này sẽ bị vong
thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và
quán pháp hưng suy. Nếu có tiếng được nhận thức bởi tai, hương
được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được
nhận thức bởi thân, pháp được nhận thức bởi ý. Khi pháp đó đến
với ý thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải
thoát này sẽ bị vong thất, nội tâm được an trú, khéo chế phục,
thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy.”
Khi ấy, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức liền nói bài
tụng:
- Vui nơi vô
dục[08],
- Thì tâm
viễn ly;
- Hoan hỷ vô
tránh[09],
- Hân hoan
thủ tận.
- Vui nơi
thủ tận,
- Tâm không
di động,
- Biết đúng
như thật,
- Tâm được
giải thoát.
- Tâm đã
giải thoát,
- Căn trần
tĩnh chỉ[10],
- Việc làm
đã xong[11],
- Không phải
làm nữa.
- Ví như núi
đá,
- Gió không
lay nổi.
- Sắc,
thanh, hương, vị,
- Thân, xúc
cũng vậy;
- Pháp ái,
bất ái[12],
- Không làm
động tâm.
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sau khi đối trước
Đức Phật trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí, từ chỗ ngồi
đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi
lui ra.<
Bấy giờ, sau khi Tôn giả Nhị Thập Ức đi ra
không bao lâu, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này các thiện nam tử, hãy nên đến trước Ta để
trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí như vậy. Hãy như Sa-môn
Nhị Thập Ức, đi đến trước Ta trình bày về sự chứng đắc cứu
cánh trí mà không khen mình, không khinh người, nói điều nghĩa
lợi, hiển hiện pháp tùy theo các trường hợp; chớ nên như kẻ
ngu si bị tăng thượng mạn trói buộc, đến trước mặt Ta trình
bày về sự chứng đắc cứu cánh trí. Kẻ ấy không đạt được nghĩa
lợi, chỉ toàn là sự phiền nhọc. Sa-môn Nhị Thập Ức đi đến
trước Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí mà không khen
mình, không khinh người, nói điều nghĩa lợi, hiển hiện pháp
tùy theo các trường hợp.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli A. Vi.55. Soa-sutta; tham chiếu Luật tạng Pāli, Mv.1.1~
30. Tham chiếu, No.99(254) Tạp A-hàm 9, kinh số 254;
No.125(23.3) Tăng Nhất 13, phẩm 23 “Địa Chủ” kinh số 3; Tứ
Phần 29, Đại 22 tr.843; Ngũ Phần 21, Đại 22, tr.145.
-
[02] Sa-môn Nhị
Thập Ức. Pāli: Soa (Koḷivīsa). No.99 (254) và No125 (23.3)
dịch là Nhị Thập Ức Nhĩ, do Soa được đọc là Sota (lỗ tai);
và Koḷi được đọc là koi (một ức).
-
[03] Hán: Tỳ-kheo
đắc Vô sở trước; Pāli: bhikkhu araha, vị Tỳ-kheo là
A-la-hán.
-
[04] Hán: hữu kết
dĩ giải; Pāli: parikkhīabhavasayojano(tận chư hữu kết), đã
diệt tận hoàn toàn các phiền não trói buộc dẫn tới tái sinh.
-
[05] Hán: tự đắc
thiện nghĩa, tự mình đã đạt đến mục đích; Pāli:
anuppattasadattho (đãi đắc kỹ lợi), đã đạt đến mục đích tối
cao, chí thiện.
-
[06] Hán: lạc thử
lục xứ. Pāli: cha thānāni adhimutto, quyết định trong sáu
trường hợp.
-
[07] Vô dục, viễn
ly, vô tránh, ái tận, thọ (=thủ) tận, tâm bất di động. Pāli:
nekkhama (xuất gia), paviveka (ẩn dật), abyāpajjha (không
não hại, hay không sân nhuế), tahākkhayā (đã diệt tận khát
ái), upādanakkhaya (đã diệt tận chấp thủ), assammohā (vô
si).
-
[08] Pāli:
nekkhamma, xuất ly, xuất gia.
-
[09] Pāli:
avyāpajjha, không não hại, không thù nghịch.
-
[10] Hán: tức căn.
Pāli: santacitta, tâm tịch tịnh.
-
[11] Hán: tác dĩ
bất quán. Pāli: katassa paicayo n’atthi, không có sự làm
thêm đối với điều đã làm.
-
[12] Pāli: ihā
dhammā anihā ca, các pháp khả ái và không khả ái.