-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng, vườn Cấp cô độc[02].
Bấy giờ, Tôn giả Đàm-di[03],
vị tôn trưởng địa phương[04]
làm chủ Phật-đồ[05],
được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc
cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các vị Tỳ-kheo. Vì vậy, các vị
Tỳ-kheo địa phương[06]
đều bỏ đi, không muốn sống ở đó. Các Ưu-bà-tắc địa phương thấy
các vị Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn ở đó, liền
nghĩ rằng: “Các vị Tỳ-kheo địa phương này vì sao lại bỏ đi,
không muốn sống ở đây?” Rồi các vị Ưu-bà-tắc địa phương nghe
được rằng: “Tôn giả Đàm-di, vị tôn trưởng địa phương, làm chủ
Phật-đồ, được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng
nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các Tỳ-kheo. Vì vậy
các Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn sống ở đó.”
Các vị Ưu-bà-tắc nghe việc ấy rồi, liền cùng
nhau kéo đến Tôn giả Đàm-di, xua đuổi ông ra khỏi các chùa địa
phương[07].
Bấy giờ Tôn giả Đàm-di bị các vị Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi
ra khỏi các tinh xá địa phương, liền vấn y, mang bát du hành
đến nước Xá-vệ, dần dà đến vườn Cấp cô độc, rừng Thắng, nước
Xá-vệ. Rồi Tôn giả Đàm-di đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân
Ngài, ngồi sang một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương
không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm
đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi
các chùa địa phương.”
Khi đó, Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Thôi đủ rồi, này Đàm-di, cần chi phải nói việc
đó.”
Tôn giả Đàm-di chắp tay hướng Phật, bạch lại
một lần nữa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương
không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm
đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi
các tinh xá địa phương.”
Đức Thế Tôn cũng lần thứ hai bảo rằng:
“Đàm-di, thuở xưa, ở châu Diêm-phù này có các
thương nhâân đi thuyền ra biển, mang theo con ó tìm bờ. Bọn
người ấy ra biển chưa bao xa, họ thả con ó tìm bờ. Nếu con ó
tìm bờ đến được bờ của biển cả, nó sẽ vĩnh viễn không trở lại
thuyền. Nếu con ó tìm bờ không đến được bờø của biển cả, nó sẽ
trở lại thuyền. Ngươi cũng vậy, này Đàm-di, bởi vì ngươi bị
các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các chùa địa phương
nên ngươi mới trở về chỗ Ta. Thôi, đủ rồi Đàm-di, còn cần gì
phải nói điều đó nữa.”
Tôn giả Đàm-di bạch lại lần thứ ba:
“Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương
không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm
đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi
các tinh xá địa phương.”
Đức Thế Tôn cũng lại lần thứ ba bảo rằng:
“Đàm-di, ngươi trụ trong Sa-môn pháp mà vị các
Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương
sao?”
Lúc đó Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi đứng
dậy, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Sa-môn trụ trong
pháp Sa-môn?”
Đức Thế Tôn dạy:
“Này Đàm-di, thuở xưa, khi con người sống đến
tám vạn tuổi. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi,
châu Diêm-phù này cực kỳ giàu sang hạnh phúc, dân cư đông đúc,
thôn ấp gần nhau bằng khoảng một con gà bay.
“Khi con người sống đến tám vạn tuổi, con gái
đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Đàm-di, khi con người sống
đến tám vạn tuổi, chỉ có các bệnh như vầy: đại tiện, tiểu
tiện, lòng dục, ăn uống và già.
“Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi,
có một vị vua tên là Cao-la-bà[08],
thông minh trí tuệ, làm Chuyển luân vương, có bốn loại binh
chủng chỉnh trị thiên hạ; là Pháp vương hành theo chánh pháp,
thành tựu bảy báu. Bảy báu là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu,
ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu; đó là bảy báu. Có
đủ một ngàn người con, tướng mạo đoan chánh, dũng mãnh vô úy,
có thể khuất phục mọi kẻ địch. Vua ấy thống lãnh tất cả cõi
đất đai cho đến biển cả, không cai trị bằng dao gậy mà chỉ
bằng chánh pháp trị hóa, khiến được an ổn.
“Đàm-di, vua Cao-la-bà có một gốc cây tên là
Thiện trụ ni-câu-loại thọ[09]
vương[10].
Đàm-di, Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có năm cành. Cành thứ
nhất dành cho vua và hoàng hậu ăn. Cành thứ nhì dành cho thái
tử và các quan ăn. Cành thứ ba dành cho nhân dân trong nước
ăn. Cành thứ tư dành cho Sa-môn, Phạm chí ăn. Cành thứ năm
dành cho cầm thú ăn. Đàm-di, quả của cây Thiện trụ ni-câu-loại
thọ vương lớn bằng cái hủ hai thăng, mùi vị như mật nguyên
chất. Đàm-di, quả Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không ai
canh giữ mà cũng chẳng ai trộm cắp. Về sau có một người đói
khát gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, nó đến cây
Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương ăn quả rồi bẻ gãy cành cây hái
quả đem về. Trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có một vị
trời nương ở đó. Ông ấy nghĩ rằng: ‘Lạ thay, người ở châu
Diêm-phù vô ân, không biết báo đáp. Vì sao? Vì nó ăn quả nơi
cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương rồi bẻ gãy cành cây, hái
quả đem về. Mong cho cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không
có quả, không sanh quả nữa!’ Tức thì cây Thiện trụ ni-câu-loại
thọ vương không có quả, cũng không sanh quả.
“Rồi lại có một người đói khát, gầy còm, nhan
sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, đi đến cây Thiện trụ
ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả, tức
thì đến vua Cao-la-bà tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nên biết,
cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không
sanh quả nữa’.
“Vua Cao-la-bà nghe xong, trong khoảnh khắc như
người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi Câu-lâu-sấu, đến cõi
Tam thập tam thiên, đứng trước Thiên Đế Thích[11]
mà tâu rằng: ‘Tâu Câu-dực[12]
nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả,
cũng không sanh quả nữa. Khi đó, Thiên Đế Thích và vua
Cao-la-bà trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay
biến khỏi cõi Tam thập tam thiên, đến nước Câu-lâu-sấu, cách
cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương đứng lại. Thiên Đế Thích
thực hiện Như ý túc như vậy[13],
bằng Như ý túc như kỳ tượng, hóa làm nước lớn, gió bão và mưa
to. Do nước lớn, gió bão và mưa to, cây Thiện trụ ni-câu-loại
thọ vương bị tróc gốc ngã đổ.
“Lúc đó có vị trời sống trên cây Thiện trụ
ni-câu-loại thọ vương nhận thấy như vậy mới buồn khổ, sầu
thương, khóc lóc chảy nước mắt, đứng trước mặt Thiên Đế Thích,
Thiên Đế Thích hỏi, ‘Thiên, vì lẽ gì mà ông buồn khổ, sầu
thương, khóc lóc rơi lệ, đứng trước mặt ta?’ Vị trời kia thưa
rằng: ‘Tâu Câu-dực, nên biết, nước lớn, gió bão, mưa to, cây
Thiện trụ ni câu loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ’. Khi ấy,
Thiên Đế Thích bảo Thọ thiên kia rằng: ‘Thiên, ông là Thọ
thiên, trụ Thọ thiên pháp[14]
mà để nước lớn, gió mạnh, mưa to làm cây Thiện trụ ni-câu-loại
thọ vương bị tróc gốc ngã đổ sao?’ Thọ thiên thưa rằng: ‘Tâu
Câu-dực, thế nào gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp?’ Thiên
Đế Thích bảo, ‘Thiên, giả sử có người muốn được rễ cây, cứ lấy
rễ cây đi; muốn được cành cây, nhánh cây, lá cây, hoa quả, cứ
đem đi, Thọ thiên không nên giận dữ, không nên ghen ghét, tâm
không nên thù hận, Thọ thiên vẫn an trụ trên thọ thiên với ý
niệm buông xả. Như vậy gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp’.
Vị trời kia lại tâu rằng: ‘Tâu Câu-dực, tôi là Thọ thiên mà
không trụ Thọ thiên pháp. Từ nay về sau tôi sẽ trụ Thọ thiên
pháp. Ước mong cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương trở lại như
cũ’. Rồi thì Thiên Đế Thích thực hiện Như ý túc như vậy. Thực
hiện Như ý túc như vậy xong, lại hóa làm nước lớn, gió bão,
mưa to. Hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to xong, cây Thiện trụ
ni-câu-loại thọ vương liền trở lại như cũ.
“Này Đàm-di, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo bị người
mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại; bị người sân giận không sân
giận lại; bị người quấy phá, không quấy phá lại; bị đánh đập
không đánh đập lại. Này Đàm-di, như vậy gọi là Sa-môn trụ
Sa-môn pháp.”
Lúc đó, Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi, trịch
vai áo đang mặc, chắp tay hướng Phật khóc lóc rơi lệ, bạch
rằng:
“Bạch Thế Tôn, con không phải là Sa-môn trụ
Sa-môn pháp. Từ nay về sau con sẽ là Sa-môn trụ Sa-môn pháp.”
Đức Thế Tôn dạy:
“Xưa có một Đại sư tên là Thiện Nhãn[15],
được các ngoại đạo tiên nhân tôn làm tôn sư, lìa bỏ ái dục,
được như ý túc. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư có vô lượng trăm
ngàn đệ tử. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp[16]
cho các đệ tử nghe. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế
pháp cho các đệ tử, trong các đệ tử có người không phụng hành
trọn vẹn, thì người ấy sau khi mạng chung, hoặc sanh lên cõi
trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi trời Tam thập tam thiên,
hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà,
hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa lạc.
Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp cho đệ tử
nghe, trong các đệ tử có người phụng hành trọn vẹn, người ấy
tu bốn phạm thất[17],
lìa bỏ dục. Khi mạng chung rồi được sanh lên cõi trời Phạm
thiên. Đàm-di, khi ấy Thiện Nhãn đại sư nghĩ rằng: ‘Đời sau ta
không nên cùng các đệ tử đồng sanh đến một chỗ. Bây giờ ta hãy
tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ
được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, sau đó Thiện Nhãn
đại sư liền tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng
chung được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, Thiện Nhãn đại
sư và các đệ tử học đạo không luống công, được quả báo lớn.
Cũng như Thiện Nhãn đại sư, có các Đại sư Mâu-lê-phá-quần-na,
A-la-na-giá Bà-la-môn, Cù-đà-lê-xá-đa, Hại-đề-bà-la Ma-nạp,
Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la và Thất-đa Phú-lâu-hề-đa[18].
“Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa cũng có
vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa
nói Phạm thế pháp cho các đệ tử. Trong số các đệ tử có người
không phụng hành trọn vẹn pháp đã dạy, người ấy sau khi thân
hoại mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặc
sanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma,
hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc,
hoặc sanh cõi trời Tha hóa. Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa khi
nói Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành trọn
vẹn pháp ấy, tu bốn phạm thất, lìa bỏ dục ái. Người ấy sau khi
thân hoại mạng chung được sanh vào cõi trời Phạm Thiên.
Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nghĩ rằng: ‘Đời sau ta
không nên cùng các đệ tử sanh cùng một chỗ. Bây giờ ta nên tu
tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được
sanh vào cõi trời Hoảng dục’. Đàm-di, sau đó vị Đại sư thứ bảy
Thất-đa Phú-lâu-hề-đa tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng
thượng từ rồi, mạng chung được sanh lên cõi trời Hoảng dục.
Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa và các đệ tử học đạo
không hư dối, được quả báo lớn.
“Đàm-di, nếu có người nào mắng nhiếc bảy vị Đại
sư và vô lượng trăm ngàn đệ tử kia, cùng đánh phá, sân nhuế,
trách móc họ, chắc chắn chịu vô lượng tội. Nhưng đối với một
Tỳ-kheo đã thành tựu chánh niệm, một đệ tử Phật chứng đắc tiểu
quả, mà có ai mắng nhiếc, đả phá sân nhuế, trách móc vị ấy thì
tội nhiều hơn thế nữa.
“Thế cho nên, này Đàm-di, các ngươi hãy luôn
luôn nhắc nhở, thủ hộ lẫn nhau. Vì sao như vậy? Vì ngoài sự
quá thất này, không còn sự quá thất nào hơn nữa[19].”
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
- Tu-niết[20],
Mâu-lê-phá-quần-na,
- A-la-na-giá
Bà-la-môn,
-
Cù-đà-lê-xá-đa,
- Hại-đề-bà-la
Ma-nạp,
- Thù-đề-ma-lệ
Kiều-đệ-bà-la và
- Thất-đa
Phú-lâu-hề-đa,
- Trong đời quá
khứ ấy
- Danh đức bảy
tông sư,
- Bi tâm, không
nhiễm ái,
- Dục kết đã
dứt trừ.
- Trăm ngàn số
đệ tử,
- Vô lượng đếm
sao vừa,
- Cũng đều ly
dục kiết,
- Dù cứu cánh
còn chưa.
- Với các tiên
nhân ấy,
- Thủ trì khổ
hạnh này,
- Ai ôm lòng
oán hận,
- Tội mắng
nhiếc nhiều thay.
- Huống chi với
Phật tử,
- Quả thấy tri
kiến ngay;
- Ai chửi mắng,
đập phá,
- Tội nghiệp
lại tràn đầy.
- Này Đàm-di,
do đó,
- Hãy biết thủ
hộ nhau;
- Sở dĩ hộ trì
nhau,
- Tội nặng nào
hơn đâu.
- Như thế thật
quá khổ;
- Bậc Thánh
cũng ghét bỏ,
- Màu da lại dữ
dằn[21];
- Chớ thủ tà
kiến xứ.
- Đó là hạng
thấp hèn,
- Thánh pháp
gọi như thế[22].
- Dù chưa lìa
dâm dục,
- Có diệu ngũ
căn này:
- Tín, tinh
tấn, niệm xứ,
- Chánh định,
chánh quán đây.
- Khổ kia mình
chịu vậy,
- Trước phải
thọ họa tai[23].
- Họa tai đã tự
thọ,
- Sau nữa gây
hại người.
- Ai hay tự thủ
hộ,
- Tất thủ hộ
bên ngoài.
- Cho nên hãy
tự hộ,
- Kẻ trí hoan
lạc thay!
Phật thuyết như vậy, Tôn giả và các Tỳ-kheo sau
khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli A.6.54 Dhammika-sutta.
-
[02] Bản Pāli: Phật
tại Rājagaha, núi Gijjhakūa.
-
[03] Đàm-di. Pāli:
Dhammika thera, nguyên là một Bà-la-môn ở Kosala, quy Phật
vào lúc rừng Jetavana được cúng.
-
[04] Sanh địa tôn
trưởng. Pāli: Jātibhūmiya āvasiko.
-
[05] Phật-đồ chủ,
có lẽ muốn nói Phật tháp. Bản Pāli: sattasu āvāsesu, trong
bảy trú xứ (ở địa phương). Hình như tất cả đều do Dhammika
làm chủ.
-
[06] Bản Hán: sanh
địa chư Tỳ-kheo. Bản Pāli: āgantukā bhikkhū, các Tỳ-kheo
khách.
-
[07] Bản Pāli nói:
Bị xua đuổi, Tôn giả đến một tinh xá khác cũng trong địa
phương. Nhưng vừa đđến Tôn giả lại mắng nhiếc các Tỳ-kheo ở
đó, họ lại bỏ đi và Tôn giả lại bị các Cư sĩ kéo đến xua
đuổi. Cứ như vậy, Tôn giả sống bảy nơi tất cả tại địa phương
(sabbaso jātibhūmiyam sattasu āvāsesu). Cuối cùng, Tôn giả
phải tìm đến Đức Phật tại Rājagaha, núi Gijjhakūta.
-
[08] Cao-la-bà.
Pāli: Koravya, trong các truyện bản sanh thường được nói là
vua của bộ tộc Kuru.
-
[09] Bản Cao-li
không có chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh đều có.
-
[10] Thiện trụ
ni-câu-loại thọ vương. Pāli: Suppatiha- nigrodha-rājā.
-
[11] Thiên Đế
Thích. Pāli: Sakka devānam Inda.
-
[12] Câu-dực. Pāli:
Kosika, biệt danh Thiên Đế Thích.
-
[13] Tác như kỳ
tượng như ý túc. Pāli: tathārūpa iddhābhisakhāra
abhisakhāsi, thực hiện một loại thần thông như thế.
-
[14] Thọ thiên
pháp. Pāli: rukkhadhamma, đây hiểu là đạo lý tự nhiên của
cây.
-
[15] Đại sư Thiện
Nhãn. Pāli: Sunetto nāma satthā, một trong sáu vị tôn sư cổ
đại, thường được kể trong các mẫu truyện cổ Phật giáo.
-
[16] Phạm thế pháp,
pháp dẫn đến đời sống trên Phạm thiên. Pāli:
Brahama-lokasahavyatāya dhamma.
-
[17] Phạm thất hay
phạm trụ.
-
[18] Danh sách sáu
Đại sư thời cổ: Mâu-lê-phá-quần-na, Pāli: Mūgapakkha;
A-la-na-giá Bà-la-môn, Pāli: Aranemi Brāhma; Cù-đà-lê-xá-đa,
Pāli: Kuddālakasattā; Hại-đề-bà-la Ma-nạp, Pāli: Hatthipāla
mānava; Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la, Pāli: Jotipāla govinda;
Thất-đa Phú-lâu-hề-đa, Pāli: Satta purohita.
-
[19] Pāli: Nāham
(....) ito bahiddā evarūpam khantim vādāmi. Ngoài sự nhẫn
nại này, ta nói không còn sự nhẫn nại nào như vậy nữa.
-
[20]Sunetta, xem
chú thích trên.
-
[21] Hán: tất đắc
thọ ác sắc. Pāli: nā sādhurūpa āsīde, dùng công kích người
(có sắc diện) đoan chánh. Có lẽ Hán hiểu āsīde là “hãy ngồi
gần” do gốc động từ sīdati, ngồi.
-
[22] Bản Pāli:
sattamo puggalo eso, ariyasaghassa vuccati, người ấy (xả bỏ
tà kiến) được nói là cao cả trong hàng Thánh chúng. Hình như
bản Hán hiểu ngược lại?
-
[23] Dịch sát như
vậy, nhưng không rõ nghĩa. Pāli nói: tādisam bhikkhum
āsajja, pubbeva upahaññati, ai công kích Tỳ-kheo (dù chưa ly
dục nhưng đã có ngũ diệu căn: tín, tấn v.v...) như vậy, nó
bị tai họa trước.