- 11. PHẨM PHẠM CHÍ
- (Phần Đầu)
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời, sau khi Đức Phật Bát-niết-bàn chưa
bao lâu, Tôn giả A-nan du hóa tại thành Vương xá.
Lúc bấy giờ đại thần Vũ Thế[02],
nước Ma-kiệt-đà, đang chỉnh trị thành Vương xá để phòng ngừa
dân Bạt-kỳ[03].
Rồi đại thần Vũ Thế sai Cù mặïc Mục-kiền-liên, một người làm
ruộng[04],
đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.
Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc sáng sớm khoác y
ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, rồi Tôn giả A-nan nghĩ
rằng: “Hãy gác việc khất thực trong thành Vương xá lại đã. Ta
hãy đến chỗ Cù-mặïc Mục-kiền-liên, người làm ruộng.”
Phạm chí Cù-măïc Mục-kiền-liên[05]
từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, bèn rời chỗ ngồi đứng
dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Tôn giả A-nan,
bạch rằng:
“Kính chào A-nan, lâu nay không thấy đến. Xin
mời ngồi trên chỗ này.”
Tôn giả A-nan liền ngồi trên chỗ ngồi đó.
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi chào hỏi
Tôn giả A-nan, rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:
“Bạch A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe
cho chăng?”
Tôn giả A-nan trả lời rằng:
“Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi đi. Tôi nghe xong sẽ
suy nghĩ .”
Bèn hỏi rằng:
“Bạch A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với
Sa-môn Cù-đàm chăng?”
Trong khi Tôn giả A-nan và Phạm chí Cù-mặc
Mục-kiền-liên đang thảo luận vấn đề này thì đại thần Vũ Thế
nước Ma-kiệt-đà đang đi ủy lạo những người làm ruộng[06],
đến chỗ của Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng.
Đại thần Vũ Thế từ xa trông thấy Tôn giả A-nan ở trong chỗ
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng, bèn đi đến
chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ngồi xuống một bên,
hỏi rằng:
“Bạch A-nan, vừa rồi cùng với Phạm chí Cù-mặc
Mục-kiền-liên thảo luận vấn đề gì vậy? Vì việc gì mà cùng hội
họp ở đây?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Vũ Thế, Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên hỏi tôi
rằng ‘A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm
chăng?”
Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
“A-nan, ngài trả lời ông ấy như thế nào?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào
sánh ngang với Thế Tôn được.”
Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang
với Thế Tôn được. Nhưng có Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm
trong lúc tại thế lập nên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta
Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa của các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay là
nơi nương tựa của các người?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào
được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến[07],
được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại
thế lập lên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là
nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và ngày nay đang là chỗ nương
tựa cho chúng tôi.”
Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang
với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn
Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta
Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo và ngày nay đang
là chỗ nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay là nơi nương
tựa cho các người. Nhưng có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa
hiệp và bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn
là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay đang là nơi
nương tựa của các người?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, cũng không có Tỳ-kheo nào được
chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế
Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay
đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang
với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn
Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta
Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay
đang là nơi nương tựa cho các người. Cũng không Tỳ-kheo nào
được Tăng chúng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi
Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy
nay đang là nơi nương tựa cho các người. Này A-nan, nếu vậy
các người hiện tại không có ai để nương tựa, nhưng cùng sống
hòa hiệp, không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp,
cùng hiệp nhất như nước với sữa, khoái lạc du hành như trong
lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, ông đừng nói rằng chúng tôi không
có ai để nương tựa. Vì sao vậy? Thật sự chúng tôi có nơi nương
tựa.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đáp rằng:
“Bạch A-nan, những điều được nói trước và sau
sao lại không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một
Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào
được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi
Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay
đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có Tỳ-kheo nào
được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi
Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy
nay là nơi nương tựa cho chúng tôi’. Nhưng này A-nan, do nhân
gì, duyên gì, nay lại nói rằng ‘Thật sự chúng tôi có nơi nương
tựa’?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, chúng tôi không nương tựa nơi
người, nhưng nương tựa nơi pháp. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi
nương tựa nơi thôn ấp mà sống, vào ngày mười lăm là ngày
thuyết Tùng giải thoát, cùng tập họp ngồi tại một chỗ. Nếu có
Tỳ-kheo nào hiểu biết pháp, chúng tôi thỉnh vị ấy thuyết pháp
cho chúng tôi. Nếu chúng Tăng ấy được thanh tịnh, chúng tôi
hoan hỷ phụng hành pháp mà Tỳ-kheo ấy đã nói. Nếu chúng Tăng
ấy không thanh tịnh, tùy theo pháp được nói, chúng tôi khuyên
dạy làm cho đúng[08].”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:
“Bạch A-nan, không phải các ngài khuyên dạy làm
cho đúng, nhưng chính là pháp khuyên dạy làm cho đúng. Như
vậy, A-nan, một ít pháp hay có nhiều pháp thảy đều có thể được
tồn tại lâu dài, và như vậy A-nan, các ngài sống hòa hiệp
không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp
nhất như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Sa-môn Cù-đàm
tại thế.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
“Này A-nan, có vị nào đáng tôn kính chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, có vị xứng đáng được tôn kính.”
Vũ Thế bạch rằng:
“Bạch A-nan, những điều được nói sao lại trước
sau không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một
Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào
được Thế Tôn trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau
khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo” để vị ấy
nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có một
Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo
này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các
Tỳ-kheo’ để nay vị ấy đang là nơi nương tựa cho chúng tôi.
Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì nay lại nói rằng ‘Có vị
xứng đáng được tôn kính’?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Vũ Thế, Thế Tôn, bậc Tri kiến, là Như Lai,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã có dạy về mười pháp đáng
tôn kính[09].
Nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào có mười pháp này, chúng tôi
cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”
“Những gì là mười?
“Này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ
Tùng giải thoát, lại khéo thu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội
lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.
Này Vũ Thế, nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực hành trì
tăng thượng giới thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng
dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo học rộng nghe
nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự bác văn, đối với những
pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, cụ
túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, đối với các pháp như vậy,
học rộng nghe nhiều, tụng thuộc cho đến hằng nghìn, chuyên ý
tư duy quán sát, thấy rõ, hiểu sâu[10].
Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực đa văn thì
chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ
sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ấy xứng đáng là
thiện tri thức, xứng đáng là thiện bằng hữu, xứng đáng là
người bạn đồng hành tốt. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy
Tỳ-kheo nào thật sự xứng đáng là thiện tri thức, thì chúng tôi
cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo
ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích đời sống
viễn ly, thành tựu cả hai sự viễn ly là thân và tâm. Này Vũ
Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào thật sự rất ưa thích đời
sống viễn ly thì chúng tôi ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn
phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích sự tĩnh
tọa, nội hành tĩnh chỉ vắng lặng[11],
cũng không rời tư sát, thành tựu quán hạnh, tăng trưởng không
hành[12].
Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất ưa thích sự
tĩnh tọa, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường,
tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt
che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không
luyến tiếc. Cũng như con nhạn mang theo đôi cánh bay liệng
trong hư không; cũng vậy, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn
chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc.
Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tri túc thì
chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ
sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành
chuyên niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã tập hành từ
lâu, những gì đã từng nghe từ lâu, hằng ghi nhớ không quên.
Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất chánh niệm thì
chúng tôi thường ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ
sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành tinh
tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu tập các thiện pháp, hằng tự
khởi ý, chuyên nhất kiên cố, đối với các gốc rễ thiện pháp
không từ bỏ phương tiện. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy
Tỳ-kheo nào rất tinh cần thì chúng tôi cùng ái kính, tôn
trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu hành trí tuệ,
quán pháp hưng suy, được như thật trí, thánh tuệ minh đạt,
phân biệt thông suốt để chân chánh diệt tận sự khổ. Này Vũ
Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực tu hành trí tuệ
thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng,
lễ sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo các lậu đã diệt
tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri,
tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong,
không còn tái sanh nữa’. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy
Tỳ-kheo nào các lậu đã diệt tận, thì chúng tôi cùng ái kính,
tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
“Lại nữa, này Vũ Thế, Thế Tôn, Bậc Tri Kiến,
là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng thuyết
mười pháp xứng đáng được tôn kính này. Này Vũ Thế, khi chúng
tôi thấy Tỳ-kheo nào hành mười pháp này thì chúng tôi cùng ái
kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”
Lúc bấy giờ, đám đông ở đây cất cao tiếng lớn
nói[13]:
“Có thể tu tập con đường chánh trực chứ không
phải không thể tu. Nếu ai tu tập con đường chánh trực, chứ
không phải không thể tu thì vị ấy là A-la-hán ở trong đời,
xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự. Nếu các ngài
đối với con đường chánh trực nên tu tập mà có thể tu tập, thế
thì trong đời các ngài là A-la-hán, xứng đáng ái kính, tôn
trọng, cúng dường, lễ sự[14].”
Rồi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà cùng với
đám tùy tùng nói:
“A-nan, nay đang trú tại đâu?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Tôi đang du hành tại Vương xá này, ở trong
Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.”
“A-nan, vườn trúc Ca-lan-đà thật là khả ái,
đáng ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích. Ban ngày không ồn ào, ban
đêm vắng lặng, không có muỗi mòng, ruồi nhặng, không lạnh,
không nóng. A-nan, ngài thích sống trong Trúc lâm Ca-lan-đà
chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thật vậy, Vũ Thế, vườn trong Trúc lâm
Ca-lan-đà rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày
không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không
có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Này Vũ Thế, tôi thích
trú trong vườn Trúc lâm Ca-lan-đà ấy. Vì sao? Vì được Tôn giả
ủng hộ[15].”
Lúc ấy, đại tướng Bà-nan[16]
cũng ở giữõa đám đông ấy. Đại tướng Bà-nan thưa:
“Thật vậy, Vũ Thế, vườn trong Trúc lâm
Ca-lan-đà rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày
không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không
có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Tôn giả ấy thích trú
tại Trúc lâm Ca-lan-đà. Vì sao vậy? –Vì Tôn giả này hành thiền
tứ, ưa thích thiền tứ[17].”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà nghe xong bèn
nói:
“Này đại tướng Bà-nan, trước đây, khi Sa-môn
Cù-đàm du hành lạc viên Kim-bệ-la[18],
này đại tướng Bà-nan, lúc bấy giờ tôi nhiều lần đến thăm
Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm hành thiền tứ, ưa
thích thiền tứ, tán thán tất cả thiền tứ.”
Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng:
“Vũ Thế, đừng nói rằng: Sa-môn Cù-đàm tán thán
tất cả thiền tứ. Vì sao vậy? Thế Tôn có khi tán thán thiền tứ,
nhưng có khi không tán thán.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma Kiệt lại hỏi:
“A-nan, Sa-môn Cù-đàm không tán thán thiền tứ;
nhưng không tán thán loại thiền tứ nào?”
Tôn giả A-nan đáp rằng:
“Vũ Thế, hoặc có người bị trói buộc bởi tham
dục mà phát khởi tham dục, không biết như thật sự xuất yếu.
Người ấy vì bị chướng ngại bởi tham dục cho nên thiền tứ, tăng
gia thiền tứ mà trầm trọng thiền tứ[19].
Đó là loại thiền tứ thứ nhất mà Thế Tôn không tán thán.
“Lại nữa, Vũ Thế, hoặc có người bị triền phược
bởi sân nhuế mà móng khởi sân nhuế, không biết như thật sự
xuất yếu, người ấy vì bị chướng ngại bởi sân nhuế cho nên
thiền tứ, tăng gia thiền tứ mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó
là loại thiền tứ thứ hai Thế Tôn không tán thán.
“Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi thùy
miên mà móng khởi thùy miên, không biết như thật sự xuất yếu.
Người ấy vì bị chướng ngại bởi thùy miên cho nên thiền tứ,
tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại
thiền tứ thứ ba mà Thế Tôn không tán thán.
“Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi nghi
hoặc mà móng khởi nghi hoặc, không biết như thật sự xuất yếu.
Người ấy vì bị chướng ngại bởi nghi hoặc cho nên thiền tứ,
tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại
thiền tứ thứ tư Thế Tôn không tán thán.
“Này Vũ Thế, Thế Tôn không tán thán bốn loại
thiền tứ này.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:
“Bạch A-nan, bốn loại tư sát này thật đáng
ghét, là những trường hợp đáng ghét, Sa-môn Cù-đàm không tán
thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
“A-nan, những loại thiền tứ nào được Sa-môn
Cù-đàm tán thán?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Vũ Thế, tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp,
cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Vũ Thế, Thế
Tôn tán thán bốn loại thiền tứ này.”
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:
“Bạch A-nan, bốn loại thiền tứ này thật đáng
tán thán, là những trường hợp đáng tán thán, được Sa-môn
Cù-đàm tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy.
A-nan, tôi nhiều việc ứ đọng, xin phép cáo từ.”
Tôn giả A-nan nói:
“Xin cứ tùy ý.”
Rồi đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà sau khi
nghe Tôn giả A-nan nói, cẩn thận ghi nhớ, từ chỗ ngồi đứng
dậy, đi quanh Tôn giả ba vòng rồi trở lui.
Lúc bấy giờ Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau
khi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đi không bao lâu, bạch
rằng:
“Bạch A-nan, phải chăng những điều tôi hỏi đã
không được trả lời?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Mục-kiền-liên, quả thật tôi đã không trả lời.”
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:
“A-nan, tôi lại có điều muốn hỏi, mong nghe cho
chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ
suy nghĩ.”
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bèn hỏi rằng:
“A-nan, giải thoát và tuệ giải thoát của Như
Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của
A-la-hán, ba giải thoát này có sự sai biệt nào và có sự thắng
liệt nào chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Mục-kiền-liên, giải thoát và tuệ giải
thoát của Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải
thoát của A-la-hán, ba giải thoát này không có sai biệt, cũng
không có sự thắng liệt.”
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:
“Bạch A-nan, mong ngài ở lại đây dùng cơm.”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời.
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên biết Tôn giả
A-nan im lặng nhận lời bèn rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, tự tay
lấy nước, rửa dọn các thức ăn rất tịnh diệu với các loại nhai
và nuốt rất thịnh soạn, tự tay châm chước cho đến no đủ. Ăn
xong, dọn dẹp chén bát, dùng nước rửa xong, lấy một cái giường
nhỏ ngồi riêng một bên nghe pháp. Tôn giả A-nan thuyết pháp
cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau
khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát
ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, Tôn giả A-nan đứng dậy ra về[20].
Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Đại thần Vũ Thế
nước Ma-kiệt-đà và Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi nghe
Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
36. Tương đương Pāli M. 108 Gopaka-Moggallāna-suttam.
-
[02] Ma-kiệt-đà đại
thần Vũ Thế. Pāli: Vassakāro brāmao Magadhamahāmatto. Xem
cht.5, kinh 142.
-
[03] Xem kinh 142.
Theo bản Pāli, chuẩn bị đánh nhau với Pajjo, chứ không phải
với Vajji (Bạt-kỳ).
-
[04] Cù-mặc
Mục-kiền-liên điền tác nhân. Pāli: gopakamogallānassa
brāhmaiassa kamman-to, chỗ làm việc của Bà-la-môn
Gopaka-Moggallāna. Trong bản Hán, kammanta, chỗ đang làm
việc, được hiểu là kassaka: nông phu?
-
[05] Đoạn trên nói
ông là người làm ruộng. Xem cht. trên.
-
[06] Hán: ủy lạo
điền tác nhân. Pāli: kammante anusaññāyamāno, đang đi thị
sát chỗ đang làm việc (công trường).
-
[07] Hán: vị Thế
Tôn sở tri kiến; có lẽ dư chữ sở, vì những nơi khác trong
bản Hán đều cho thấy như vậy. Pāli: tena bhagavatā janatā
passatā arahatā…, bởi Thế Tôn, Bậc Tri Giả, Bậc Kiến Giả, là
A-la-hán…
-
[08] Pāli: tasmi ce
bhaññamāne hoti bhikkussa āpatti hoti vītakamo, ta maya
yathādhamma yathāsathaa karmati, “nếu trong những điều được
thuyết ấy, có Tỳ-kheo nào vi phạm, chúng tôi khiến vị ấy làm
đúng theo Pháp, đúng theo Luật”.
-
[09] Thập pháp nhi
khả tôn kính. Pāli: dasa pasādaniyā dhammā, mười pháp khả
hỷ, khiến cho tin tưởng.
-
[10] Hán: ý sở duy
quán, minh kiến thâm đạt. Pāli: manasānupekkhitā dihiyā
suppaṭividdhā, chiêm nghiệm một cách chuyên ý, thâm nhập
bằng sự thấy rõ.
-
[11] Nội hành chánh
chỉ.
-
[12] Tăng trưởng
không hành.
-
[13] Vì các chi
tiết không được mạch lạc, không rõ đám đông này là những ai.
-
[14] Đoạn này bản
Hán hơi tối nghĩa. Trong bản Pāli, đây là lời của Vassakāra
nói với tướng quân Upananda; đại ý: đối với những vị chân
chánh tu hành, mà nếu các Tỳ-kheo không tôn trọng, thì còn
tôn trọng ai?
-
[15] Trong bản Hán:
dĩ thế tôn ủng hộ cố; có lẽ dư chữ thế. Tham chiếu Pāli:
yathā ta tumhādisehi rakkhakehi gopakehi, nhờ những người
ủng hộ, bảo vệ như ngài.
-
[16] Bà-nan, Pāli:
Upananda senāpati.
-
[17] Hành tứ lạc
tứ; hành tứ ở đây được hiểu là hành thiền. Pāli: jhāyino ca
jhānasīlino ca, là những người hành thiền, có xu hướng (tập
quán) hành thiền.
-
[18] Kim-bệ-la lạc
(hay nhạc?) viên; không rõ địa danh này, Có thể Pāli là
Kimbilā, một thị trấn bên bờ sông Hằng, trong một khu rừng
tre. Nhưng trong bản tương đương: Vesāliya Mahāvane
Kūāgārasālāya, ở giảng đường Trùng các (ngôi nhà lầu) trong
rừng Đại lâm thành Vesāli.
-
[19] Tứ, tăng tứ,
nhi trọng tứ, có thể hiểu là “dò xét, tăng gia dò xét, trầm
trọng dò xét”. Xem các thí dụ trong kinh số 131 trên. Pāli:
jhāyati pajjhāyati nijjhāyati apajjhāyati: thiền tứ (trầm
ngâm suy nghĩ), mãi miết thiền tứ (= bị dày vò), chìm đắm
thiền tứ (= bị thiêu đốt), chuyên chú thiền tứ. Trong Pāli,
động từ jhāyati (Skt. dhyāyati, danh từ phái sinh: jhāna,
Skt. dhyāna, âm: thiền), có nghĩa là tư duy hay trầm tư;
nhưng cũng có nghĩa là thiêu đốt hay hỏa táng (Hán âm:
xà-duy hay trà-tì, hỏa táng; Skt. kāyati).
-
[20] Đoạn trong
ngoặc, bản chữ Hán có thể sót; ở đây, theo những nơi khác,
thêm vào cho đủ nghĩa