- 11. PHẨM PHẠM CHÍ
- (Phần Đầu)
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá,
trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ Phạm chí Uất-sấu-ca-la[02],
sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi
xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:
“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài
nghe cho mới dám trình bày.”
Thế Tôn nói:
“Hãy cứ tùy ý mà hỏi.”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la bèn hỏi rằng:
“Thưa Cù-đàm, Phạm chí thiết lập bốn loại phụng
sự cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Phạm
chí, loại phụng sự cho Sát-lợi, cho Cư sĩ[03],
cho Công sư[04].
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại phụng sự
cho Phạm chí, tức là Phạm chí phải phụng sự Phạm chí; Sát-lợi,
Cư sĩ và Công sư cũng phải phụng sự Phạm chí. Này Cù-đàm, bốn
chủng tánh này phải phụng sự Phạm chí.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại phụng sự
cho Sát-lợi tức là Sát-lợi phải phụng sự cho Sát-lợi; Cư sĩ và
Công sư cũng phải phụng sự cho Sát-lợi. Này Cù-đàm, ba chủng
tánh này phải phụng sự Sát-lợi.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại phụng sự
cho Cư sĩ, tức là Cư sĩ phải phụng sự Cư sĩ, Công sư cũng phải
phụng sự Cư sĩ. Này Cù-đàm, hai chủng tánh này phải phụng sự
cho Cư sĩ.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại phụng sự
cho Công sư, tức là Công sư phải phụng sự Công sư. Ai thấp hèn
hơn nữa để được chủ trương phải phụng sự Công sư? Duy chỉ có
Công sư phụng sự Công sư.”
Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Phạm chí, các Phạm chí có tự mình biết rõ[05]
khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh này; thiết
lập loại phụng sự cho Phạm chí, thiết lập loại phụng sự cho
Sát-lợi, cho Cư sĩ, cho Công sư?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp:
“Không biết rõ, Cù-đàm. Nhưng các Phạm chí tự
nói như vầy, ‘Ta ở trong đời này, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,
Phạm chí, từ người đến trời, Phạm chí không tự mình biết rõ
khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh, tức thiết
lập loại phụng sự cho Phạm chí, thiết lập loại phụng sự cho
Sát-lợi, thiết lập loại phụng sự cho Cư sĩ, thiết lập loại
phụng sự cho Công sư’.”
Thế Tôn nói:
“Này Phạm chí, cũng như một người đưa cho người
khác một miếng thịt, bắt ép và nói rằng ‘Này ông bạn, hãy ăn
đi và hãy trả tiền cho tôi’. Này Phạm chí, ngươi nói cho các
Phạm chí ấy cũng giống như vậy. Vì sao? Vì Phạm chí không tự
mình biết rõ khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng
tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Phạm chí, thiết lập loại
phụng sự cho Sát-lợi, cho Cư sĩ, cho Công sư.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, thế nào là phụng sự? Có loại
phụng sự, do sự phụng sự này mà chỉ có hạ liệt, chứ không có
sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Có loại phụng sự, do sự
phụng sự này mà có sự ưu thắng, chứ không có sự hạ liệt. Loại
phụng sự này chăng?
“Này Phạm chí, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại
phụng sự này chăng?
“Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư, do sự phụng
sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng
sự này chăng?
“Này Phạm chí, nếu phụng sự Phạm chí, do sự
phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại
phụng sự này chăng?
“Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư, do sự phụng
sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng
sự này chăng?”
Uất-sấu-ca-la đáp:
“Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này
mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng
sự như vậy.
“Nếu tôi phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự
ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.
“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi
không nên theo loại phụng sự này.
“Nếu phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự
phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi
không nên phụng sự như vậy.
“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi
nên phụng sự như vậy.
“Nếu phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự
phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi
nên phụng sự như vậy.”
Thế Tôn nói:
“Này Phạm chí, nếu lại có một Phạm chí đến đây,
người ấy không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên
đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, rồi Ta hỏi Phạm chí ấy
rằng: ‘Này Phạm chí, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự, do
loại phụng sự ấy mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng.
Loại phụng sự này chăng? Nếu có loại phụng sự, do sự phụng sự
này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự
này chăng? Này Phạm chí, nếu phụng sự Phạm chí, do sự phụng sự
này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự
này chăng? Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự
này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự
này chăng? Nếu phụng sự Phạm chí và do sự phụng sự này mà có
sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?
Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có
sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?’
“Này Phạm chí, nếu người Phạm chí ấy không phải
ngu, không phải si, không phải điên đảo, tâm không điên đảo,
tự do tự tại, trả lời Ta rằng: ‘Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do
sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi
không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự
này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng
sự như vậy.
‘Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi
không nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công
sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu
thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.
‘Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi
nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và
do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt,
tôi nên phụng sự như vậy’.”
Rồi Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại
phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, văn, thí xả
và tuệ. Loại phụng sự này chăng? Nếu có loại phụng sự và do sự
phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả và trí
tuệ. Loại phụng sự này chăng? Này Phạm chí, nếu phụng sự Phạm
chí và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả,
trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ,
Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí
xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Này Phạm chí, nếu phụng
sự Phạm chí và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác
văn, thí xả[06],
trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ,
Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn,
thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp:
“Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này
mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên
phụng sự như vậy.
“Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà gia
tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như
vậy.
“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi
không nên phụng sự như vậy.
“Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự
phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi
không nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí
và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả,
trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lợi, Cư
sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác
văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy.”
Thế Tôn nói:
“Này Phạm chí, nếu có một Phạm chí đến đây,
người ấy không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên
đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại và Ta hỏi Phạm chí ấy
rằng, ‘Này Phạm chí, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự và
do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ;
loại phụng sự này chăng?
‘Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà
gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự
này chăng?
‘Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự
phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại
phụng sự này chăng? Nếu phụng sự Phạm chí và sự phụng sự này
mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự
này chăng?
‘Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và sự phụng
sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại
phụng sự này chăng?’
“Này Phạm chí, nếu Phạm chí này không phải ngu,
không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo,
tự do tự tại, tất cũng sẽ trả lời Ta như vậy, rằng: ‘Này
Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín,
giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như
vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín,
giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy. Này
Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự phụng sự này mà mất
tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự
như vậy. Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự
này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên
phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Phạm chí và do sự
phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ;
tôi nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lợi, Cư sĩ, Công sư và
do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí
tuệ; tôi nên phụng sự như vậy’.”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la bạch rằng:
“Phạm chí thiết lập bốn loại tài vật tự hữu[07]
cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại tài vật tự hữu cho Phạm
chí, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lợi, Cư sĩ, Công
sư.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại tài vật tự
hữu cho Phạm chí là, này Cù-đàm, Phạm chí chủ trương rằng, tài
vật tự hữu của Phạm chí do khất cầu[08].
Nếu Phạm chí khinh mạn sự khất cầu, tức là khinh mạn tài vật
tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như
người chăn bò không thể trông chừng bò, tức là thất lợi. Cũng
vậy, Phạm chí chủ trương tài vật tự hữu của Phạm chí là do
khất cầu. Nếu Phạm chí khinh mạn sự khất cầu tức là khinh mạn
tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại tài vật tự
hữu cho Sát-lợi là, này Cù-đàm, Phạm chí chủ trương tài vật tự
hữu của Sát-lợi là cung tên. Nếu Sát-lợi khinh mạn cung tên
tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Nếu khinh mạn tài vật tự hữu
tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông
chừng được bò, tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Phạm chí
chủ trương tài vật của Sát-lợi là cung tên, nếu Sát-lợi khinh
mạn cung tên tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài
vật tự hữu tức là thất lợi.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại tài vật tự
hữu cho Cư sĩ là, này Cù-đàm, Phạm chí chủ trương tài vật tự
hữu của Cư sĩ là nông nghiệp[09].
Nếu Cư sĩ khinh mạn nông nghiệp tức là khinh mạn tài vật tự
hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người
chăn bò mà không thể trông chừng được bò tức là thất lợi. Cũng
vậy, này Cù-đàm, Phạm chí chủ trương tài vật tự hữu của Cư sĩ
là nông nghiệp. Nếu Cư sĩ khinh mạn nông nghiệp tức là khinh
mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.
“Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại tài vật tự
hữu cho Công sư là, này Cù-đàm, Phạm chí chủ trương tài vật tự
hữu của Công sư là gai[10].
Nếu Công sư khinh mạn gai tức là khinh mạn tài vật tự hữu.
Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn
bò mà không thể trông chừng bò được, tức là thất lợi. Cũng
vậy, này Cù-đàm, Phạm chí chủ trương tài vật tự hữu của Công
sư là gai. Nếu Công sư khinh mạn gai tức là khinh mạn tài vật
tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.”
Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Phạm chí, các Phạm chí có tự biết rõ[11]
khi thiết lập bốn loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh,
nghĩa là thiết lập loại tài vật tự hữu cho Phạm chí, thiết lập
loại tài vật tự hữu cho Sát-lợi, cho Cư sĩ, cho Công sư
chăng?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp rằng:
“Không tự biết rõ, bạch Cù-đàm, nhưng các Phạm
chí tự nói rằng ‘Ta ở trong đời này, chư Thiên, Ma, Phạm,
Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời, Phạm chí không tự mình
biết rõ khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh
tức là thiết lập loại tài vật tự hữu cho Phạm chí, thiết lập
loại tài vật tự hữu cho Sát-lợi, cho Cư sĩ, cho Công sư.”
Thế Tôn nói rằng:
“Này Phạm chí, cũng như một người đưa cho một
người khác một miếng thịt, bắt ép và nói rằng ‘Này ông bạn,
hãy ăn và hãy trả tiền cho tôi. Này Phạm chí, ngươi nói cho
các Phạm chí cũng giống như vậy’. Vì sao? Vì các Phạm chí
không tự mình biết rõ khi thiết lập bốn loại tài vật tự hữu
cho bốn chủng tánh tức thiết lập loại tài vật tự hữu cho Phạm
chí, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lợi, cho Cư sĩ, cho
Công sư.
“Nhưng, này Phạm chí, Ta tự mình biết rõ, thấu
triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp
tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”
Rồi Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, ý ngươi nghĩ sao? Có trường hợp
nào mà hư không này chỉ là sự không dính trước, không trói
buộc, không xúc chạm, không ngăn ngại đối với Phạm chí mà
thôi, chứ không đối với Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp:
“Này Cù-đàm, hư không này vốn không dính trước,
không trói buộc, không xúc chạm, không ngăn ngại đối với Phạm
chí, đối với Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư cũng vậy.”
“Cũng vậy, này Phạm chí, Ta tự mình biết rõ,
thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là
pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện
thú.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, ý ngươi nghĩ sao? Có trường hợp
nào chỉ riêng Phạm chí mới có thể hành từ tâm, không kết,
không oán, không nhuế, không tranh; còn Sát-lợi, Cư sĩ và Công
sư thì không thể chăng?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp:
“Cù-đàm, Phạm chí có thể hành từ tâm, không
kết, không oán, không nhuế, không tranh. Sát-lợi, Cư sĩ, Công
sư cũng vậy.”
“Cũng vậy, này Phạm chí, Ta tự mình biết rõ,
thấu triệt khi thiết lập loại tài vật tự hữu hco mọi người, đó
là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện
thú.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, ý ông nghĩ sao, nếu những người
thuộc trong chủng tánh khác nhau[12]
cùng đến đây và giả sử có một người nói với những người ấy
rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây, nếu ai sanh trong chủng tộc
Sát-lợi hay chủng tộc Phạm chí thì chỉ những người ấy mới có
thể mang bột tắm[13]
đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho sạch sẽ’. Này Phạm
chí, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ có những người thuộc
chủng tộc Sát-lợi hay Phạm chí mới có thể mang bột tắm đi tắm
rửa, trừ khử dơ bẩn cho sạch sẽ và những người thuộc chủng tộc
Cư sĩ hay không Công sư không thể mang bột tắm đi đến nước để
tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ chăng? Hay tất cả
những người trong một trăm chủng tộc khác nhau đều có thể mang
bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch
sẽ?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp:
“Cù-đàm, tất cả những người trong một trăm
chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đi đến nước để
tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ.”
“Cũng vậy, này Phạm chí, Ta tự mình biết rõ,
thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là
pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện
thú.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, ý ngươi nghĩ sao? Nếu những
người trong trăm chủng tộc khác nhau cùng đến đây và giả sử có
một người nói với họ rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây. Nếu ai sanh
trong chủng tộc Sát-lợi hay chủng tộc Phạm chí, thì những
người ấy mới có thể dùng cây chiên đàn và sa-la thật khô làm
mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy’. Này
Phạm chí, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ chủng tộc Sát-lợi
hay chủng tộc Phạm chí, những người này mới có thể dùng cây
chiên đàn và sa-la thật khô làm mồi lửa, lấy dùi mà dùi cho
phát lửa và bùng cháy? Còn những người thuộc chủng tộc Cư sĩ
hay Công sư phải lấy ván máng heo, máng chó khô, cây Y-lan-đàn
và các thứ gỗ xấu khác để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho
phát lửa và bùng cháy? Hay tất cả những người trong chủng tộc
khác đều có thể dùng bất cứ loại cây nào làm mồi lửa, rồi lấy
dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp rằng:
“Cù-đàm, tất cả những người trong chủng tộc
khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào làm mồi lửa,
rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy.”
“Cũng vậy, này Phạm chí, Ta tự mình biết rõ,
thấu triệt khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho mọi người. Đó
là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện
thú.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, những người trong chủng tộc khác
nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào làm mồi lửa,
rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy. Tất cả những thứ
lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều
có thể dùng vào công việc lửa. Có trường hợp nào chỉ độc nhất
loại này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có
thể dùng vào công việc lửa? Hay chỉ độc nhất loại lửa kia
không có ngọn, không có màu sắc, không có sức nóng, không có
ánh sáng, không thể dùng vào việc lửa? Hay tất cả thứ lửa ấy
đều có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, có thể dùng vào việc
lửa?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp rằng:
“Cù-đàm, những người trong trăm chủng tộc khác
nhau đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa,
rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy. Tất cả những thứ
lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều
có thể dùng vào việc lửa. Nếu nói độc nhất chỉ có loại lửa này
mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng và có thể
dùng vào việc lửa, trường hợp này không thể có.Và nếu nói rằng
độc nhất loại lửa kia không có ngọn, không có màu sắc, không
có sức nóng, không có ánh sáng, không thể dùng vào việc lửa,
trường hợp này cũng không thể có.
Nhưng tất cả thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu
sắc, có sức nóng, có ánh sáng và đều có thể dùng vào việc
lửa.”
“Cũng vậy, này Phạm chí, Ta tự mình biết rõ,
thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người. Đó là
pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện
thú.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Phạm chí, ý ngươi nghĩ sao? Nếu những
người trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại
cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và
bùng cháy, và giả sử có người mang cỏ khô hay cây khô bỏ vào
trong lửa, bốc cháy thành ngọn, thành màu sắc, thành sức nóng,
thành khói. Có trường hợp nào mà ngọn, màu sắc, sức nóng và
khói của lửa này khác với ngọn, với màu sắc, sức nóng và khói
của lửa kia khác nhau chăng?”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la đáp:
“Cù-đàm, nếu những người trăm chủng tộc khác
nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa,
rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy, và giả sử có
người mang cỏ khô hay cây khô bỏ vào trong lửa, bốc cháy thành
ngọn, thành màu sắc, thành sức nóng, thành khói, thì tôi đối
với ngọn, với màu sắc, sức nóng và khói của kửa kia không cho
rằng có sự khác nhau.”
Thế Tôn nói:
“Cũng vậy, lửa mà Ta đạt được, sự không phóng
dật mà Ta đạt được có khả năng đốt cháy sự phóng dật và mạn
cống cao. Ta đối với lửa này hay lửa kia, không hề chủ trương
có sự sai biệt.”
Phạm chí Uất-sấu-ca-la bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con
đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy y Phật, Pháp và chúng
Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm
nay, trọn đời quy y cho đến mạng tận.”
Phật thuyết như vậy. Phạm chí Uất-sấu-ca-la sau
khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli: M. 96. Esukārisutta.
-
[02] Uất-sấu-ca-la;
Pāli: Esukārī.
-
[03] Cư sĩ; Pāli:
Vessa (Phệ-xá), giai cấp thứ dân. Nơi khác, từ Cư sĩ đồng
nhất với Pāli: gahapati, gia chủ, hay trưởng giả.
-
[04] Công sư; Pāli:
Sudda (Thủ-đà-la), cùng đinh hay nô lệ.
-
[05] Hán: tự tri, ở
đây nên hiểu là “được đồng ý” theo nghĩa được thí dụ dưới.
Pāli: ki pana… sabbo loko… etad abbhanujānāti, có phải tất
cả thế gian đều đồng ý điều này?
-
[06] Nguyên Hán:
thứ cơ, chỉ sự rộng lượng, hay cho người khác.
-
[07] Pāli:
sandhana, tài sản, hay tư hữu.
-
[08] Pāli:
bhikkhacāriya, sự khất thực.
-
[09] Hán: điền tác.
Pāli: kasigorakkha, cày ruộng và nuôi bò.
-
[10] Hán: ma. Bản
Pāli: asitabyābhagī, lưỡi liềm và đòn gánh.
-
[11] Xem cht.5
trên.
-
[12] Nguyên Hán:
bách chủng nhân.
-
[13] Nguyên Hán:
tháo đậu.