- 12. PHẨM PHẠM CHÍ
- (Phần Sau)
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng
Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, cư sĩ Tu-đạt-đa[02]
đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức
Thế Tôn hỏi:
“Gia đình của Cư sĩ có thực hành hạnh bố thí
chăng?
Cư sĩ trả lời:
“Dạ có, bạch Thế Tôn, gia đình con có bố thí;
nhưng chỉ bố thí những thức thô xấu, không được mỹ diệu, như
cơm lẫn với cám, canh lá gai, chỉ có một miếng gừng, một lá
rau.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Cư sĩ, dù bố thí những thức thô xấu, hay
bố thí những thức mỹ diệu, thì đều có quả báo. Nhưng này Cư
sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu, không tín mà bố thí, không
cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí,
không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán
nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng
như thế, tâm không muốn được nhà đẹp, không muốn được xe đẹp,
không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon,
không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm
mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như
thế.
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu nhưng
có tín mà bố thí, có tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố
thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả
báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là
do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe đẹp, muốn được áo chăn
đẹp, muốn được đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công
đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết
rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu,
không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí,
không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín
mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên
quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn được nhà
đẹp, không muốn được xe đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không
muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công
đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ,
nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, lại
có tín mà bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà
bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí,
thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được
nhà đẹp, muốn được xe đẹp, muốn áo chăn đẹp, muốn đồ ăn thức
uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí
tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như
thế.
“Này Cư sĩ, thuở xưa có Phạm chí đại trưởng giả
tên là Tùy-lam[03]
rất giàu có, của cải vô lượng, có nhiều phong hộ, thực ấp, có
nhiều châu báu, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính kể. Vị ấy
bố thí như thế này: tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy
bạc vụn, thực hành đại bố thí như vật; tám vạn bốn ngàn bát
bằng bạc đựng đầy vàng vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám
vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy vàng vụn, thực hành đại bố
thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng bạc, đựng đầy bạc vụn,
thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn thớt voi được
trang sức dây trắng đan lại, phủ lên, thực hành đại bố thí như
vậy. Tám vạn bốn ngàn con ngựa được trang sức bằng dây kim hợp
phi-na[04],
thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn con bò lấy y
làm dây thừng và phủ lên bằng y, có thể cung cấp một hộc sữa,
thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn người nữ, tư
dung đẹp đẽ, ai nhìn cũng thích, trang sức đầy đủ châu báu,
thực hành đại bố thí như vậy. Ngoài ra lại có những thức ăn,
thức nuốt khác nữa.
‘Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí như vậy; nếu lại có người bố thí thức ăn cho phàm phu
toàn cõi Diêm-phù nữa, thì so với đại bố thí kia, sự bố thí
này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, và bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù như
vậy; nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Tu-đà-hoàn,
thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, và bố
thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn như thế; nếu lại có
người bố thí thức ăn cho một vị Tư-đà-hàm, thì so với sự bố
thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, cho một trăm vị Tư-đà-hàm
như thế; nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị A-na-hàm,
thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam thực hành đại bố
thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một
trăm vị A-na-hàm như thếâ; nếu lại có người bố thí thức ăn cho
một vị A-la-hán, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn
nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam thực hành đại bố
thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một
trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán như vậy; nếu lại có
người bố thí thức ăn cho một vị Bích-chi-phật, thì so với sự
bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một
trăm vị Bích-chi-phật như vậy; nếu lại có người bố thí thức ăn
cho một Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thì so với
sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù; bố thí
thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một
trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị
Bích-chi-phật như thế; nếu lại có người tạo phòng nhà bố thí
cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, thì so với sự bố thí này hơn
nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một
trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị
Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn
phương như thế; nếu lại có người với tâm hoan hỷ, quy y Ba
ngôi tôn quý là Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, lại thọ giới, thì
so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một
trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị
Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn
phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng
Tỳ-kheo, và thọ giới; nếu lại có người trong khoảnh khắc thực
hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng
thời gian vắt sữa bò, thì so với sự bố thí kia, việc này hơn
nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Phạm chí Tùy-lam đã thực hành đại
bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí
thức ăn cho một trăm Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một
trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị
Bích-chi-phật, tạo phòng, nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn
phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng
Tỳ-kheo, thọ giới và trong khoảûnh khắc thực hành từ tâm đối
với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa
bò, như thế; nếu lại có người quán được tất cả pháp là vô
thường, khổ, không và vô ngã, thì so với sự bố thí kia, việc
làm này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, ý ông nghĩ sao? Phạm chí đại trưởng
giả Tùy-lam thuở xưa ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì
sao? Nên biết rằng, đó chính là Ta vậy. ta thuở xưa là Phạm
chí đại trưởng giả tên là Tùy-lam.
“Này Cư sĩ, Ta bấy giờ vì lợi ích cho mình,
cũng vì lợi ích cho kẻ khác, vì lợi ích cho mọi người, thương
xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn khoái
lạc cho Trời và Người. Nhưng lúc bấy giờ Ta thuyết pháp chưa
được rốt ráo, chưa rốt ráo bạch tịnh, chưa rốt ráo Phạm hạnh,
chưa thành tựu rốt ráo Phạm hạnh; nên lúc bấy giờ, Ta chưa lìa
được sanh, già, bệnh, chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thể
thoát khỏi mọi khổ đau. Này Cư sĩ, Ta nay là Bậc Xuất Thế, là
Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Thành,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên
Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Nay Ta vì lợi cho mình cũng vì lợi
ích cho kẻ khác, vì lợi ích cho mọi người, thương xót thế
gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn khoái lạc cho
Trời và Người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo
bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh, thành tựu Phạm hạnh; nên nay Ta
đã lìa khỏi sự sanh, sự già chết, khóc lóc, áo não. Ta nay đã
giải thoát khỏi mọi khổ đau.”
Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Tu-đạt-đa và các
Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Pāli, A.9.20
Velāma. Hán, tham chiếu, No.72-No.74; No.125(27.3).
-
[02] Tu-đạt-đa; tên
thật của ông Cấp Cô Độc. Pāli: Sudatta.
-
[03] Tùy-lam. Pāli:
Velāma, một tiền thân của Phật.
-
[04] Phi-na, theo
Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa 52 (Đại 54, tr.652b), đây là âm
tiếng Phạm, có nghĩa là “phước đức hành”.