- 13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN
BIỆT
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe, vi diệu
ở đoạn đầu, vi diệu ở đoạn giữa, và đoạn cuối cũng vi diệu; có
văn, có nghĩa đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là
kinh “Phân biệt ý hành” về sự thọ sanh theo ý hành[02].
Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm kỹ”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.
Phật nói:
“Sao gọi là sự tái sinh do ý hành đưa tới? Nếu
các Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán,
chứng được Sơ thiền[03],
thành tựu an trụ. Vị ấy đối với định này, vui sướng trụ ở đó.
Vị ấy đối với định kia đã ham muốn trụ ở đó, tất có trường hợp
này, trụ vào đó, khoái lạc đó, mạng chung sanh trong cõi Phạm
thân. Các trời Phạm thân[04]
sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc phát sanh do ly dục; và
Tỳ-kheo sống ở đây[05]
nhập Sơ thiền, thọ hưởng hỷ lạc do ly dục sanh. Hai thứ hỷ và
lạc do ly dục sanh này không có sai khác, cả hai đều bằng
nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó mới
sanh vào chỗ ấy. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như
vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào trong cõi Phạm thân. Như
vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa, Tỳ-kheo giác quán đã tịch tĩnh, nội
tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, chứng đệ Nhị thiền,
thành tựu và an trụ. Đối với định lực này, vị ấy vui sướng
muốn trụ ở đó. Đối với định này, khi đã trụ ở đó, tất có
trường hợp này, trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, mạng chung sanh
vào cõi trời Hoảng dục[06].
Các trời Hoảng dục sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc do
định sanh; và Tỳ-kheo trụ ở đây, nhập đệ nhị thiền, thọ hưởng
hỷ lạc do định sanh. Hai hỷ lạc do định sanh này không có sai
khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đâu
hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu
như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi
Hoảng dục thiên. Như vậy gọi là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, ly hỷ dục, xả, vô cầu, an
trụ, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được
Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, lạc trụ, chứng đệ Tam thiền,
thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở
đó. Đối với định lạc này, vị kia vui sướng muốn trụ ở đó, tất
có trường hợp này, trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, thân hoại
mạng chung sanh vào cõi Biến tịnh thiên[07].
Các trời Biến tịnh sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng diệu lạc do
ly hỷ; và Tỳ-kheo sống ở đây nhập Tam thiền này, thọ hưởng
diệu lạc do ly hỷ. Diệu lạc do ly hỷ này không có sai khác, cả
hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đâu hành định,
sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập
như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Biến tịnh
thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu
vốn có từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm
thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đối với định
này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ
ở đó, khoái lạc ở đó, thân hoại mạng chung sanh lên cõi trời
Quả thật thiên[08].
Các trời Quả thật thiên, sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng diệu
lạc do xả niệm thanh tịnh; và Tỳ-kheo sốngï ở đây, nhập đệ Tứ
thiền, thọ hưởng diệu lạc do xả niệm thanh tịnh. Hai diệu lạc
do xả niệm thanh tịnh này không có sai khác, cả hai đều đồng
nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh
vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy,
phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Quả thật thiên. Như vậy
là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả sắc tưởng,
hữu đối tưởng, không truy niệm bất cứ tưởng nào, nhập vô biên
không, thành tựu an trụ không vô biên xứ. Đối với định lạc
này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi
đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó,
khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô lượng không
xứ thiên. Các trời Vô lượng không xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở
đó, thọ hưởng vô lượng không xứ tưởng; và Tỳ-kheo ở đây thọ
hưởng vô lượng không xứ tưởng. Hai vô lượng không xứ tưởng này
không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước
tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với
định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh
vào cõi Vô lượng không xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua vô lượng không xứ,
nhập vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ vô lượng thức xứ. Đối
với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc
này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ
ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô lượng
thức xứ thiên. Các trời Vô lượng thức xứ thiên sanh ở đó,
sốngï ở đó, thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng; và Tỳ-kheo sốngï
ở đây thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng. Hai vô lượng thức
tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy?
Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia
đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy,
sẽ sanh vào cõi Vô lượng thức xứ. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua vô lượng thức xứ,
nhập vô sở hữu thì thành tựu an trụ vô sở hữu xứ. Đối với định
này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã
vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó,
khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô sở hữu xứ
thiên. Các trời Vô sở hữu xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ
hưởng vô sở hữu xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng vô
lượng thức xứ tưởng. Hai vô sở hữu xứ tưởng này không có sai
khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây
hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu
như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô
sở hữu xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả vô sở hữu xứ
tưởng, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng, thành tựu an trụ phi
hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng
muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã muốn trụ ở đó, tất có
trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào
trong Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên. Chư Thiên trên cõi
trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở
đó, thọ hưởng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng; và Tỳ-kheo
trụ ở đây thọ hưởng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng. Hai
tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy?
Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia
đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy,
sẽ sanh vào Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên. Như vậy là ý
hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả Phi hữu tưởng
phi vô tưởng xứ tưởng, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng,
thành tựu an trụ, do tuệ kiến đoạn trừ các lậu, chứng đắc tận
trí. Trong các định, định này được nói là tối đệ nhất, tối
đại, tối thượng, tối diệu. Ví như do bò mà có sữa, do sữa có
lạc, do lạc có sanh tô, do sanh tô có thục tô, do thục tô có
tinh tô. Tô tinh này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối
thượng, tối thắng, tối diệu. Do chứng đắc định này, y nơi định
này, trụ ở định này, không còn thọ lãnh sự khổ của sanh, già,
bệnh, chết. Đó là tận cùng sự khổ”.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli, M.120 Sankhārupatti-sutta.
-
[02] Ý hành sanh,
thọ sanh do hành nghiệp của ý. Pāli: Sakhāruppatti.
-
[03] Đây bắt đầu từ
Sắc giới. Bản Pāli bắt đầu từ Dục giới.
-
[04] Phạm thân
thiên, cũng nói là Phạm chúng thiên. Pāli: Brahmakāyika.
-
[05] Tỳ-kheo đang
sống ở Dục giới nhưng nhập Sơ thiền.
-
[06] Hoảng dục
thiên, hay Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Pāli:
Ābhassara.
-
[07] Biến tịnh
thiên. Pāli: Subhakihā.
-
[08] Quả thật thiên
hay Quảng quả thiên. Pāli: Vedapphalā.