- 13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN
BIỆT
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong
rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng,
Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. Trong khi đi khất
thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử[02].
Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên
đi khỏi, không có ở nhà.
Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một
con chó trắng[03]
đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn.
Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại; thấy Ngài,
nó liền sủa. Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng:
“Ngươi không nên làm như vậy. Nhà người hết ó
rồi lại sủa.
Chó trắng nghe nói, giận dữ từ trên giường nhảy
xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.
Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, thấy chó trắng
có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây
nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà rằng:
“Ai quấy rầy con chó của tôi, khiến nó rất đổi
giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn
thiểu não vậy?”
Người nhà trả lời:
“Chúng tôi không ai quấy rầy con chó trắng cả
khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên
lùm cây nằm buồn thiểu não. Ma-nạp nên biết, ngày nay có
Sa-môn Cù -đàm đến đây khất thực, con chó trắng đã thấy liền
chạy tới sủa. Sa-môn Cù-đàm nói với con chó trắng rằng, ‘Ngươi
không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa’. Này
Ma-nạp, do vậy nên khiến con chó trắng rất đổi giận dữ, từ
trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử vừa nghe xong tức thì
nổi giận, muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế
Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục Sa-môn Cù-đàm như
vậy, ông liền ra khỏi Xá-vệ, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô
lượng đại chúng đứng vây quanh trước sau, Đức Thế Tôn trông
thấy Anh Vũ Ma-nạp Đo -đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các
Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến
không?”
Các Tỳ-kheo trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, dạ thấy”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử mà mạng chung ngay bấy
giờ thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc tất sanh địa
ngục. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta đang nổi cơn thịnh
nộ. Nếu có chúng sanh nào, do bởi tâm sân nhuế, thân hoại mạng
chung tất đến chỗ ác, sanh vào địa ngục”.
Rồi Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến chỗ Đức Phật,
nói với Thế Tôn rằng:
“Hôm nay Sa-môn Cù-đàm có đến nhà tôi khất thực
phải không?”
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
“Hôm nay Ta có đến nhà ông khất thực”.
“Cù-đàm, ông nói gì với con chó trắng của tôi,
khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên
lùm cây nằm buồn thiểu não?”
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
“Hôm nay vào lúc trời vừa sáng, Ta đắp y mang
bát vào Xá-vệ khất thực, lần lượt khất thực đến nhà ông. Lúc
ấy con chó trắng trông thấy Ta từ xa đi đến. Thấy Ta, nó liền
sủa. Ta nói với con chó trắng rằng, ‘Người không nên làm như
vậy. Nhà ngươi hết la ó[04]
rồi lại sủa’. Vì vậy, con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên
giường nhảy xuống, đến bên đống cây nằm buồn thiểu não”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi Thế Tôn:
“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với
tôi?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi
Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi đi hỏi lại Đức Thế
Tôn ba lần:
“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với
tôi?”
Đức Thế Tôn cũng ba lần nói:
“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi
Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý”.
Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng:
“Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi.
Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông,
tên là Đô-đề vậy”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe nói xong, nổi giận
gấp bội. Ông muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế
Tôn, muốn hạ nhục Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng,
hạ nhục như vậy, ông nói với Đức Thế Tôn:
“Cha tôi là Đô-đề thực hành sự bố thí lớn lao,
thiết những cuộc trai tự vĩ đại, sau khi thân hoại mạng chung
nhất định sanh lên Phạm thiên. Chớ do nhơn gì, duyên gì mà
sanh vào loài chó hạ tiện này?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Đô-đề, cha của ông do bởi tăng thượng mạn ấy
nên sanh vào loài chó hạ tiện”.
Phạm chí tăng thượng mạn,
Chết rồi sanh sáu nơi:
Chó, gà, heo và sói,
Lừa năm, địa ngục sáu.
“Anh Vũ Ma-nạp, nếu ông không tin lời Ta nói,
ông có thể trở về nói với con chó trắng rằng, ‘Nếu đời trước
là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn’. Ma-nạp, chó
trắng tất sẽ trở lên giường lớn. ‘Nếu đời trước là cha của
tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ’. Này Ma-nạp, chó
trắng tất ăn trong mâm vàng như cũ. ‘Nếu đời trước là cha của
tôi, hãy chỉ cho tôi thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy
tinh, trân bảo mà tôi không biết’. Này Ma-nạp, chó trắng chắc
chắn sẽ chỉ cho ông thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh
và châu báu mà ông không biết”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe những lời Đức Phật,
nói, ghi nhớ kỹ, nhiễu quanh Đức Thế Tôn xong rồi trở về nhà,
nói với con chó trắng rằng:
“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy
trở lên giường lớn”.
Chó trắng liền trở lên giường lớn.
“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn
trong mâm vàng như cũ”.
Chó trắng liền ăn trong mâm vàng như cũ.
“Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ chỗ kho
tàng trước kia cha tôi cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo
mà tôi không biết”.
Chó trắng tức thì từ trên giường nhảy xuống,
đi đến chỗ mà đời trước nó ngủ nghỉ, dùng miệng và chân bươi
bốn chân giường.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử liền từ chỗ đó mà được
rất nhiều báu vật. Rồi thì Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đã được báu
vật, rất đổi vui mừng, quỳ gối bên phải xuống đất, chấp tay
hướng đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, ba lần xướng lên những
lời tán thán Đức Thế Tôn:
“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều không hư dối.
Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều chắc thật. Những lời Sa-môn
Cù-đàm nói đều như thật”.
Ba lần tán thán Đức Thế Tôn xong, ông từ Xá-vệ
đi ra, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô
lượng đại chúng vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn trông thấy
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi
đến không?”
Các Tỳ-kheo trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, thấy”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bây giờ mà mạng chung
thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc chắc chắn đi đến
chỗ lành. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta rất có thiện tâm.
Nếu có chúng sanh nào do bởi thiện tâm, thân hoại mạng chung
tất đến chỗ lành, sanh vào trong thiên giới”.
Bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến chỗ Đức
Phật, cùng thăm hỏi rồi ngồi xuống một bên.
Đức Thế Tôn bảo:
“Thế nào? Này Ma-nạp, như Ta đã nói, con chó
trắng như vậy có đúng chăng, hay không đúng như vậy?”
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, thật đúng như đã nói. Kính bạch
Cù-đàm, tôi lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới
dám tỏ bày”.
“Đức Thế Tôn bảo:
“Tùy ý, ông cứ hỏi”.
“Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng
sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người
đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu,
người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có
kẻ thân hình đoan chánh, có người không đoan chánh; lại thấy
có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sanh
nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng dõi ti tiện;
lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ
thiện trí, có người ác trí”.
Đức Thế Tôn trả lời:
“Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính
mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi
nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sanh có
tốt đẹp hay không tốt đẹp”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:
“Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt
một cách rộng rãi, tôi không thể biết được. Mong Sa-môn Cù-đàm
nói một cách rộng rãi cho tôi nghe để tôi được hiểu rõ ý
nghĩa”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Ma-nạp, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ
phân biệt một cách rộng rãi cho ông nghe”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch:
“Kính vâng, tôi xin vâng lời lắng nghe”.
Đức Phật nói:
“Này Ma-nạp, do nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam
hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi? Nếu có kẻ nam hay người
nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý nghĩ ác hại,
không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các loài
côn trùng. Người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi,
đến khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh
vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân
gian, tuổi thọ rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa
đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ sát
sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp
này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa
lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm
tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến
loài côn trùng. Người ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy
đủ rồi đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ
lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh
vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con đường này đưa
đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ xa
lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết,
nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ đa phần có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nhiễu
hại chúng sanh; người ấy hoặc nắm tay, hoặc dùng cây đá, hoặc
dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy thọ nghiệp này,
tạo thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung
chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp
địa ngục, lại sanh vào nhân gian, chịu nhiều tật bệnh. Vì sao
vậy? Con đường này đưa đến chỗ chịu nhiều bệnh, nghĩa là kẻ
nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết,
nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ không có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào
không nhiễu hại chúng sanh, người ấy không dùng tay nắm, không
dùng cây đá, không dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy
tạo nghiệp này, tác thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân
hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong
cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian,
không có tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến hưởng thọ
không tật bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại
chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay
người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã
nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ
tranh chấp. Người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi,
đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh
vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian,
hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa
đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay
người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. Ma-nạp nên biết,
nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ
nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời
nói êm ái hay thô bỉ cục cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh
ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy
thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung
chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp
ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao
vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh,
nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không
nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ không có oai đức? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào bên
trong ôm lòng tật đố; người ấy thấy kẻ khác được cung kính,
cúng dường liền sanh lòng tật đố; nếu thấy kẻ khác có của thì
muốn làm sao của ấy được về mình. Người ấy tạo nghiệp này, tác
thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa
đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi,
lại sanh vào trong nhân gian, không có oai đức. Vì sao vậy? Vì
con đường này đưa đến thọ báo không có oai đức, nghĩa là kẻ
nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên
biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ có oai đức lớn? Nếu có kẻ nam hay người nữ không ôm
lòng tật đố, người ấy thấy kẻ khác được cung kính cúng dường
không sanh lòng tật đố. Nếu thấy kẻ khác có của, không có lòng
ham muốn của ấy được về ta. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành
đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên
chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi,
lại sanh vào nhân gian, có oai đức lớn. Vì sao vậy? Vì con
đường này đưa đến thọ báo có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay
người nữ nào không ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này
có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ sanh vào dòng dõi đê tiện? Nếu có kẻ nam hay người nữ
nào kiêu ngạo, ngã mạn, người đáng cung kính thì không cung
kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng quý thì không
quý, đáng phụng thờ thì không phụng thờ, đáng cúng dường thì
không cúng dường, đáng nhường lối thì không nhường lối, đáng
nhường chỗ ngồi thì không nhường chỗ ngồi, đáng chấp tay hướng
về lễ bái, thăm hỏi thì không chấp tay hướng về lễ bái, thăm
hỏi. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi
thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong
địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, sanh nhằm
dòng dõi ti tiện. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo
sanh nhằm dòng dõi ti tiện, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào
kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như
vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ sanh nhằm dòng dõi tôn quý? Nếu có kẻ nam hay người
nữ nào không có lòng kiêu ngạo, đại mạn, người đáng cung kính
thì cung kính, đáng tôn trọng thì tôn trọng, đáng quý thì quý,
đáng phụng thờ thì phụng thờ, đáng cúng dường thì cúng dường,
đáng nhường lối thì nhường lối, đáng nhường chỗ thì nhường
chỗ, đáng chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi thì chấp tay hướng
về lễ bái thăm hỏi. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ
rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành,
sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào
nhân gian nhằm dòng dõi tôn quý. Vì sao vậy? Vì con đường này
đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi tôn quý, nghĩa là kẻ nam
hay người nữ nào không kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết,
nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ không có của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào
không làm thí chủ, không thực hành bố thí cho Sa-môn, Phạm
chí, cho kẻ nghèo cùng đơn độc ở xa đến xin những thứ như đồ
ăn, thức uống, quần áo, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa,
giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy tạo nghiệp này,
tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn
đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục,
lại sanh vào nhân gian, không có của cải. Vì sao vậy? Vì con
đường này đưa đến thọ báo không có của cải, nghĩa là kẻ nam
hay người nữ nào không biết làm người thí chủ, không thực hành
bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ có nhiều của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào biết
làm người thí chủ, biết thực hành bố thí. Người ấy bố thí cho
Sa-môn, Phạm chí và kẻ nghèo cùng, cô độc từ xa tới xin những
thứ như đồ, ăn thức uống, áo quần, mền, vòng hoa, hương thoa,
nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy thọ nhận
nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung
chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp
ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có nhiều của cải. Vì sao
vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có nhiều của cải, nghĩa
là kẻ nam hay người nữ nào làm người chủ bố thí, biết thực
hành hạnh bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như
vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào
không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí
danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng
‘Thưa chư tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào
là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là
không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ
đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa
của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như
thế nào?’ Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy
thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng
chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn
kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì
sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi,
nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia
hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay
người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào
thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh
đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa
chư tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế
nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào
là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào lào đen? Trắng và
đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý
nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế
như thế nào?” Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ
nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung
chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp
ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao
vậy? –Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp,
nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi
việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Ma Mạp nên biết, tạo tác nghiệp tương xứng với
đoản thọ, tất chịu đoản thọ. Tạo nghiệp tương xứng với trường
thọ, tất được trường thọ. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều
tật bệnh, tất phải chịu nhiều tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương
xứng với ít tật bệnh, tất được ít tật bệnh. Tạo tác nghiệp
tương xứng với sự không đoan chánh, tất phải thọ sự không đoan
chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với đoan chánh, tất được đoan
chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với không oai đức, tất phải
chịu không oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với oai đức, tất
được oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi ti tiện,
tất phải sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Tạo tác nghiệp tương xứng
với dòng dõi tôn quý, tất được sanh vào dòng dõi tôn quý. Tạo
tác nghiệp tương xứng với không của cải, tất bị không của cải.
Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều của cải, tất được nhiều
của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ kém cỏi, tất bị
trí tuệ kém cỏi. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ tốt
đẹp, tất được trí tuệ tốt đẹp.
“Này Ma-nạp, đó là những điều Ta đã nói từ
trước rằng ‘Chúng sanh do hành nghiệp của chính mình, do
nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, tùy theo nghiệp xứ cao
thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp’”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con
đã hiểu! Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, quy y Pháp và chúng
Tỳ-kheo. Cúi xin Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ
ngày nay, trọn đời tự quy y cho đến tận mạng. Bạch Đức Thế
Tôn, bắt đầu ngày nay, mong Ngài vào nhà Đô-đề như vào nhà
Ưu-bà-tắc khác tại Xá-vệ, để cho nhà Đô-đề được lợi nghĩa,
được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài[05]“.
Phật thuyết như vậy. Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử và
vô lượng chúng sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
44. Tương đương Pāli, M.135. Cūakammavibhaga-suttam. Hán,
biệt dịch, No.78 Phật Thuyết Đâu-điều Kinh, khuyết danh
dịch; No.79 Phật Thuyết Anh Vũ Kinh, Lưu Tống
Cầu-na-bạt-đà-la dịch; No.80 Phật Vị Thủ-ca Trưởng Giả
Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh, Tùy, Pháp Trí dịch; No.81
Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng Kinh, Tống, Thiên Tức Tai dịch.
-
[02] Anh Vũ Ma-nạp
Đô-đề Tử. No.79: Anh Vũ Ma-lao Đâu-la Tử; No.78: Đâu-diệu Tử
Cốc; No.80: Đáo-đề-đa Tử Thủ-ca Trưởng giả; No.81: Đâu-nễ-dã
Tử Du-ca Trưởng giả; Pāli: Subha māava Toddeyyaputta, niên
thiếu Bà-la-môn tên là Subha, con trai của Todeyya.
-
[03] Bạch cẩu.
No.78: con chó tên Loa; No.79 nó tên là Bối(in lầm là cụ) và
No.81 gọi nó là Thương-khư, phiên âm tương đương Pāli là
Sakha: con sò.
-
[04] Hán: để;
Nguyên-Minh: hộ(giữ); bản Thánh: nha(tru).
-
[05] No.79 kết
luận, Phật nói: đời sau ai nghe kinh này mà lông dựng đứng,
nước mắt chảy sẽ được gặp Phật Di-lặc trong tương lai.