KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
14. PHẨM TÂM
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, ở trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, Tôn giả Phù-di[02] cũng ở tại thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự[03].

Lúc bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Phù-di khoác y, ôm bát vào thành Vương xá để khất thực. Tôn giả Phù-di suy nghĩ rằng: “Hãy khoan vào thành Vương xá khất thực. Ta nên đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử[04]“.

Rồi thì Tôn giả Phù-di đi đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử. Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử từ xa trông thấy Tôn giả Phù-di đến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Tôn giả Phù-di nói như vầy:

“Kính chào Tôn giả Phù-di. Tôn giả Phù-di lâu không đến đây. Xin mời ngồi trên giường này”.

Tôn giả Phù-di ngồi xuống, Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả Phù-di rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Phù-di, tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho”.

“Tôn giả Phù-di đáp:

“Này Vương đồng tử, muốn hỏi điều gì cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.

Vương đồng tử liền hỏi:

“Thưa Tôn giả Phù-di, có Sa-môn Phạm chí đi đến chỗ tôi và nói với tôi rằng, ‘Này Vương đồng tử, người nào có ước nguyện tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có uớc nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả’. Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý gì, có thuyết gì chăng[05]?”

Tôn giả Phù-di nói:

“Này Vương đồng tử, tôi chưa được đích thân nghe Đức Thế Tôn nói, cũng chưa được nghe các vị phạm hạnh nói lại, nhưng này Vương đồng tử, có thể Đức Thế Tôn đã nói như vầy, ‘Người nào có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả[06]“.

Vương đồng tử thưa rằng:

“Nếu Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý như vậy, thuyết như vậy, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời trên thế gian này, Ngài quả là Bậc Tối Thượng. Thưa Tôn giả Phù-di, xin mời ngài thọ trai tại đây luôn”.

Tôn giả Phù-di im lặng nhận lời. Sau khi biết Tôn giả Phù-di đã im lặng nhận lời rồi, Vương đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các món ngon sạch, mỹ diệu với đủ thức nhai, thức nuốt, tự tay châm chước, khiến Tôn giả thọ dùng no đủ.

Khi Tôn giả ăn xong, Vương đồng tử thu dọn chén bát, múc nước rửa, rồi lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Tôn giả Phù-di thuyết pháp cho Vương đồng tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Vương tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên, đem những điều đã bàn luận với Vương đồng tử thuật lại hết với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Phù-di, sao ngươi không đem bốn ví dụ nói cho Vương đồng tử rõ?”

Tôn giả Phù-di hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bốn ví dụ ấy là những gì?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định[07], người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối[08].

“Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách tà vạy, tức là vắt nơi sừng con bò vậy. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, hoặc vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên tất sẽ chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì tất sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa, cho bò ăn uống no nê rồi vắt sữa nơi vú nó thì chắc chắn lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa, cho bò ăn no nê rồi vắt nơi vú nó, thì chắc chắn lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách chân chánh, là vắt nơi vú con bò. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, chắc chắn không thể có tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, cũng chẳng phải không có ước nguyện. Người ấy muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, thì chắc chắn không thể có tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách tà vạy, là khuấy nước lã. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ướùc nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn được tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn có được tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách chân chánh, là khuấy lạc. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, nên chắc chắn không có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu mà đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, thì chắc chắn không có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách tà vạy, là ép cát.    Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện mà tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống nên chắc chắn có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống thì chắc chắn có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách chân chánh, là ép hạt mè. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, định chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa, bèn lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi nên chắc chắn không có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có lửa mà lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi thì chắn chắn không có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách tà vạy, là dùi củi ướt.

“Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không được chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa bèn lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi nên chắc chắn có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có lửa, lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi thì chắc chắn có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách chân chánh, là dùi củi khô. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu ngươi nói cho Vương đồng tử nghe bốn ví dụ này, Vương đồng tử nghe xong chắc chắn sẽ rất hoan hỷ, cúng dường thầy suốt đời, như áo, chăn, uống ăn, ngọa cụ, thuốc thang và đủ các thứ nhu dụng khác cho đời sống”.

Tôn giả Phù-di thưa:

“Bạch Thế Tôn, trước đây con chưa từng được nghe bốn ví dụ này, thì lấy đâu để nói lại. Duy chỉ hôm nay mới được nghe Thế Tôn nói mà thôi”.

Phật thuyết giảng như vậy. Tôn giả Phù-di và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.126 Bhūmija-sutta.
[02] Phù-di. Pāli: Bhūmija.
[03] Xem các kinh số 166, 171.
[04] Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử, Pāli theo bản Hán: Jīvasena Kumāra. Nhưng, tên trong bản Pāli: Jayasena rājakumara.
[05] Trong bản Pāli, cả bốn trường hợp đều không đắc quả (abhabbā phalassa adhigamāya).
[06] Có sự nhầm lẫn trong bản dịch Hán. Xem nộïi dung kinh.
[07] Bản Hán: tà kiến, tà kiến định. Bản Pāli, nêu Thánh đạo tám chi, từ tà kiến cho đến tà định.
[08] Hán: vô đạo. Pāli: ayoni hesā.
-ooOoo-