-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở
trong Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu[01].
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu
ở khởi đầu, vi diệu ở quảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối; có
văn, có nghĩa, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là
kinh ‘Tứ Chủng Thuyết’. Sau đây Ta sẽ phân biệt nghĩa lý của
kinh ‘Tứ Chủng Thuyết’. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo
tư niệm. Ta sẽ nói”.
Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.
Đức Phật nói:
“Thế nào gọi là phân biệt nghĩa lý của kinh Tứ
Chủng Thuyết?
“Nếu có Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng và tiêu
đích, mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ
lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ.
Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên
đối tượng, tiêu đích này mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với
dục lạc, bèn thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy phải nên biết rằng
‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly.
Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển. Do đó định này
của ta không tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy phải nên biết
như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ
lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ và vị
ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích
này, lập niệm đúng như pháp, khiến an trụ với ý chuyên nhất,
thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái,
không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến
ta an trụ, mà định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Thầy
Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ
lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ,
nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên
đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ niệm tưởng tương ưng với đệ
Nhị thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết
rằng: ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không
yểm ly tởm. Ta sanh pháp này khiến ta được thăng tiến, như vậy
không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đệ Nhị thiền’. Thầy Tỳ-kheo ấy
nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ
lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ,
nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối
tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với
tịch diệt, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta
sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng
tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly. Như vậy, không
bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết
như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không
quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu
và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy
niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng
tương ưng với Sơ thiền, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo
ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến,
cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái
chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Thầy
Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không
quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu
và an trụ. Vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối
tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý
chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà
không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này
có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắc chắn
tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không
quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu
và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy
niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng
tương ưng với đệ Tam thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì
Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái,
không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta
được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đệ Tam
thiền’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không
quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu
và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy
niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng
tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì
Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái
chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên
khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu
tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh
trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả,
niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ.
Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên
đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với
đệ Nhị thiền, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên
biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng
không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển,
do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên
biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh
trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả,
niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ;
và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu
đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất,
thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái,
không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến
ta được an trụ, do đó định này của ta chắn chắn tồn tại lâu
dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, ly hỷ, dục, xả, an trụ vô cầu, với chánh niệm, chánh
trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả,
niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ.
Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên
đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với
đệ Tứ thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết
rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không
yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta được thăng tiến, như vậy
không bao lâu nữa sẽ chứng đệ Tứ thiền’. Tỳ-kheo ấy nên biết
như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh
trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả,
niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ.
Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên
đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với
tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên
biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng
không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên có thể khiến ta bị yểm
ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo
ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ,
không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành
tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không
suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng
tương ưng với đệ Tam thiền, thành sự thối thất, thì Tỳ-kheo ấy
nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng
không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thối thất, do
đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết
như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ,
không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành
tựu và an trụ. Và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên
đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp với ý chuyên
nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không
thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta
được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu
dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có; không khổ,
không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành
tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không
suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng
tương ưng với Vô lượng không xứ, với sự thăng tiến, thì
Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái
chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta
được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô
lượng không xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ,
không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành
tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không
suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng
tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, thì
Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái,
không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể
khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu
tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy
niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và
an trụ Vô lượng không xứ. Nhưng vị ấy chấp thọ sở hành này,
không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm
tưởng tương ưng với ái lạc sắc, thành tựu sự thoái chuyển, thì
Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không
tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối
thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo
ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy
niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và
an trụ Vô lượng không xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy
niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an
trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh
pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta
sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó, định này của
ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy
niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và
an trụ Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành
này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành
niệm tưởng tương ưng với Vô lượng thức xứ, thành tựu thăng
tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không
thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta
được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô
lượng thức xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy
niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và
an trụ Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành
này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành
niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô
dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không
thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có
thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả
lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức,
thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp
thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này,
mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng không xứ, thành
tựu thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp
này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp
này nên ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại
lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức,
thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, và vị ấy chấp thọ sở
hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm
đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên
biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến,
cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta được an trụ, do
đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên
biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức,
thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp
thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà
chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô sở hữu xứ, thành tựu
thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà
không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp
này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng
đắc Vô sở hữu xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức,
thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp
thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này,
mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh,
thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp
này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến;
vì ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu
nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành
tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành
này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành
niệm tưởng tương ưng với Vô lượng thức xứ, thành tựu thoái
chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà
không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này
khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại
lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành
tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy
niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an
trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh
pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly;
vì ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta
chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành
tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành
này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành
niệm tưởng tương ưng với Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành
tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp
này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly; vì ta
sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu
nữa sẽ chứng đắc phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ’. Tỳ-kheo ấy
nên biết như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu
đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành
tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành
này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành
niệm tưởng tương ưng với sự nhàm tởm, thành tựu vô dục, thì
Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái
chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này
nên khiến ta nhàm tởm, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả
lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.
“Có tưởng và có tri[02].
Ngang mức ấy còn được tri; cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng
xứ là hành dư cao hơn hết trong sự hữu[03].
Tỳ-kheo hành thiền hãy phát khởi theo như vậy, hãy thuyết
giảng lại cho người khác biết.
Đức Phật thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau
khi Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Xem các
Kinh số 10,
55,
169.
-
[02] Tưởng tri, hay
tưởng thọ; chỉ tất cả thiền định, trừ diệt tận định. Ở định
Phi tưởng phi tưởng xứ chỉ tồn tại hai yếu tố nay. Vượt lên
nữa, là diệt tận định hay tưởng thọ diệt tận định.
-
[03] Hành dư đệ
nhất hữu.