-
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kị[02],
cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với chúng Đại Tỳ-kheo đi
đến Mã ấp[03],
ngụ tại Mã lâm tự[04].
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là
Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi
có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, có.”
Phật lại nói:
“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là
Sa-môn, phải học pháp như thật Sa-môn, và pháp như thật Phạm
chí. Sau khi đã học pháp như thật Sa-môn và pháp như thật Phạm
chí, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư
danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc
thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những thứ cung cấp ấy
được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được
quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.
“Thế nào là pháp như thật Sa-môn và pháp như
thật Phạm chí?
“Thân hành thanh tịnh, chánh đại quang minh,
khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi thân hành thanh
tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không
ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi.
Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân hành thanh tịnh, điều cần
làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức
nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho
các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn
mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.
“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu
thân đã thanh tịnh lại phải làm những gì? Phải học khẩu hành
thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có
tỳ vết. Nhân nơi khẩu hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề
cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được
các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các thầy nghĩ rằng, ‘Ta
thân, khẩu hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không
cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải
làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để
các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của
Sa-môn.
“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân,
khẩu đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học ý hành
thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có
tỳ vết. Nhân nơi ý hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao,
không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị
Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân,
khẩu, ý hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không
cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải
làm làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không
để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của
Sa-môn.
“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân,
khẩu, ý đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học mạng
hành[05]
thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có
tỳ vết. Nhân nơi mạng hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề
cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được
các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng,
‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã
làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa,
không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo Ta nói cho các
ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà
lạc mất nghĩa của Sa-môn.
“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu
thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, lại phải làm những gì?
Tỳ-kheo phải học thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm
tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng
mưốn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không
đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[06]
mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não,
ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[07],
nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý
biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự
phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu
não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý
căn. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành
thanh tịnh, thủ hộ các căn, điều cần làm ta đã làm xong, không
cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm
phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không
để các thầy mong cầu cứu cánh của Sa-môn mà lạc mất cứu cánh
của Sa-môn.
“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu
thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, lại phải
làm những gì? Tỳ-kheo phải học chánh tri khi ra, khi vào[08],
khéo quán sát phân biệt[09];
co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang
Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói
năng hay im lặng... đều có chánh tri. Nếu các ngươi nghĩ rằng,
‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ các căn, có
chánh tri khi ra, khi vào, điều cần làm ta đã làm xong, không
cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải
làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để
các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của
Sa-môn.
“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu
thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, đã biết
rõ sự ra vào, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo nên học sống cô
độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, dưới gốc cây, những
nơi không nhàn yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm
cây, hoặc vào trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Vị ấy sau khi
ở trong rừng vắng, hoặc dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên
tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện[10],
hướng niệm nội tâm[11],
đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh cãi[12],
thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không
khởi lòng tham muốn, muốn khiến về mình. Vị ấy đối với sự tham
lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy, sân nhuế, thùy miên, trạo hối,
đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Vị
ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ. Vị ấy đã đoạn trừ
năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly
pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an
trụ.
“Tỳ-kheo với định tâm như vậy, thanh tịnh,
không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng
đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng Lậu tận trí
thông. Vị ấy liền biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là
Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết
như thật ‘Đây là Lậu’, ‘Đây là Lậu tập’, ‘Đây là Lậu diệt’,
‘Đây là Lậu diệt đạo’. Tỳ-kheo ấy đã biết như vậy, thấy như
vậy rồi, tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải
thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng
‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong,
không còn tái sanh nữa’. Ta nói vị ấy là Sa-môn, là Phạm chí,
là Thánh, là Tịnh dục[13].
“Thế nào gọi là “Sa-môn”? Là người đã đình chỉ[14]
các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu
trong tương lai, là sự phiền nhiệït, là nhân của khổ báo, của
sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.
“Thế nào gọi là “Phạm chí”? Là người xa lìa[15]
các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự
hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo,
của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Phạm chí.
“Thế nào gọi là Thánh? Là người xa lìa[16]
các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự
hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo,
của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Thánh.
“Thế nào gọi là “Tịnh dục”? Là người đã tắm rửa
sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của
hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo,
của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là
Phạm chí, là Thánh, là tịnh dục.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi
nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Bản Hán, quyển
48. Tương đương Pāli, M.39. Mahā-Assapura-sutta. Hán, tham
chiếu, No.125 (49.8).
-
[02] Ương-kị quốc;
một trong mười sáu nước lớn thời Phật. Pāli: Aga.
-
[03] Mã ấp; một thị
trấn của Ương-kị. Pāli: assapura nāma agāna nigamo.
-
[04] Mã lâm tự;
không rõ.
-
[05] Mạng hành
thanh tịnh, sinh hoạt, hay sự nuôi sống, thanh tịnh. Pāli:
parisuddho ājīvo.
-
[06] Vị phẫn tránh
cố; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraam enam…,
do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên
nhân, được hiểu là sự tranh cãi.
-
[07] Thú hướng bỉ
cố; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyy, (các pháp bất thiện)
có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).
-
[08] Chánh tri xuất
nhập; Pāli: abhikkante paikkante sapajānakārī, tỉnh giác
(biết mình đang làm gì) khi đi tới đi lui.
-
[09] Thiện quán
phân biệt; Pāli: ālokite vilokite saupajānakārī, tỉnh giác
khi nhìn trước nhìn sau.
-
[10] Chánh thân
chánh nguyện; Pāli: uju kāya paidhāya, ngồi thẳng lưng. Bản
Hán, paṇidhāya, sau khi đặt để, được hiểu là paṇidhāna: ước
nguyện.
-
[11] Phản niệm bất
hướng; Pāli: parimukha sati upahapetvā, dựng chánh niệm ngay
trước mặt (hệ niệm tại tiền).
-
[12] Tâm vô hữu
tránh; Pāli: vigatābhijjhena cetasā vharati, sống với tâm tư
không tham lam.
-
[13] Tịnh dục;
Pāli: nahātaka, người đã tắm sạch.
-
[14] Tức chỉ. Pāli:
samao...samitāassa honti pāpakā ākusalā dhammā, Sa-môn...,
là những người đã đình chỉ các pháp ác bất thiện. Theo đây,
từ samaa (Sa-môn) được giải thích là do động từ sammati:
(làm cho) yên lặng, tĩnh lặng, tĩnh chỉ, đình chỉ.
-
[15] Viễn ly; Pāli:
brāhmao...bāhitāssa honti pāpakā ākusalā dhammā, Bà-la-môn
(brāhmaa) là những người đã loại ra ngoài các pháp ác bất
thiện. Theo đây, từ brāhmaa được giải thích là do động từ
bāheti, cự tuyệt, tránh xa, loại bỏ.
-
[16] Viễn ly; Pāli:
āriyo...ārakāssa..., Thánh (āriya), là những người cách
xa... Theo đây, āriya do trạng từ ārakā, cách xa.