-
-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa Câu-lâu-sấu, tại đô ấp
Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[02].
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về
tâm trí của người khác[03]
thì không thể biết được sự Giác ngộ chánh đẳng của Thế Tôn.
Vậy làm thế nào để tìm hiểu[04]
Như Lai[05]?”
Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của pháp, Thế Tôn
là chủ của pháp, pháp do nơi Thế Tôn mà có. Ngưỡng mong Ngài
thuyết cho, chúng con nghe được rồi sẽ thấu rõ nghĩa lý.”
Phật liền bảo rằng:
“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe rõ và khéo suy
nghĩ. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho các ông nghe.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời mà lắng nghe.
Thế Tôn bảo rằng:
“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về
tâm trí của người khác, phải do hai sự kiện để tìm hiểu Như
Lai, một là sắc được biết bởi mắt và hai là tiếng được nghe
bởi tai.
“Pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có hay
không có nơi Tôn giả ấy[06]?
Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và
tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, lại phải tìm
hiểu nữa.
“Pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai[07],
có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng
những pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn
giả ấy. Nếu ở đây không có, phải tìm hiểu thêm nữa.
“Pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai, có
hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp
bạch tịnh được biết bởi mắt và tai có nói Tôn giả ấy. Nếu ở
đây có, lại phải tìm nữa.
“Tôn giả ấy đã thực hành pháp ấy lâu dài hay
chỉ thực hành tạm thời? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy
thực hành pháp ấy lâu dài chứ không phải tạm thời. Nếu là
thường thực hành, lại phải tìm hiểu thêm nữa.
“Tôn giả ấy[08]
nhập vào thiền này vì danh dự, vì lợi nghĩa, hay không vì danh
dự và lợi nghĩa? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy nhập
vào thiền này không phải vì tai hoạn[09].
“Nếu có người nói như vầy, ‘Tôn giả ấy thích tu
hành[10]
không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt
tận[11]’,
thì nên hỏi người ấy rằng, ‘Này Hiền giả, với hành vi nào, với
năng lực nào, với trí tuệ nào để Hiền giả có thể tự mình nhận
xét chân chánh rằng, ‘Tôn giả ấy thích tu hành không phải vì
sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’?’ Nếu
người ấy trả lời như vầy, ‘Tôi không biết tâm trí của vị ấy,
cũng không phải do sự kiện nào khác mà biết. Nhưng vị Tôn giả
ấy, hoặc khi sống một mình, hoặc khi ở giữa đại chúng, hoặc ở
giữa chỗ tập họp, nơi đó hoặc có Thiện thệ hay những người thọ
hóa bởi Thiện thệ[12],
hoặc là bậc Tông chủ, hoặc là người được thấy bởi vật dục[13],
này Hiền giả, tôi cũng không tự mình hiểu biết vị ấy[14].
Tôi nghe từ chính Tôn giả ấy mà trực tiếp ghi nhận như vầy,
‘Ta thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành
dục, vì dục đã diệt tận’ Này Hiền giả, với hành vi như vậy,
với năng lực như vậy, với trí tuệ như vậy, khiến tôi tự mình
nhận xét chân chánh mà nói rằng, ‘Tôn giả ấy thích tu hành
không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt
tận’.’
“Trong đây này lại cần phải hỏi thêm nữa về Như
Lai, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường
hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp hỗn tạp được
biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư
chăng? Nếu có pháp bạch tịnh, có trường hợp pháp ấy bị diệt
tận vô dư chăng?’ Như Lai bèn trả lời người ấy rằng, ‘Nếu có
pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này
bị diệt tận vô dư. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và
tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư.’
“Nếu có pháp ô nhiễm được nhận biết bởi mắt và
tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao
giờ sanh khởi trở lại nữa. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi
mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ,
không bao giờ sanh trở lại nữa. Nếu có pháp bạch tịnh, thì Ta
với pháp bạch tịnh như vậy, cảnh giới như vậy, đạo Sa-môn như
vậy, Ta như vậy mà thành tựu Chánh pháp luật này.
“Có đệ tử tịnh tín đến thăm viếng Như Lai,
phụng sự Như Lai, nghe pháp từ Như Lai, và được Như Lai nói
pháp cho, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu
càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Sau khi được
Như Lai nói pháp cho nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao
siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc
bạch; nghe như vậy như vậy rồi, vị ấy biết tường tận[15]
pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi
Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’ vậy.
“Ở đây, lại cần hỏi thêm vị ấy rằng, ‘Này Hiền
giả, do hành vi nào, do năng lực nào, do trí tuệ nào để Hiền
giả có thể biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng
đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị
Chánh Đẳng Giác?’ Vị ấy sẽ trả lời như vầy, ‘Này Hiền giả, tôi
không biết tâm của Thế Tôn, cũng không do sự kiện nào khác mà
biết. Tôi do nơi Thế Tôn mà có tịnh tín như vậy. Thế Tôn nói
pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp
vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Này
Hiền giả, như Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, và tôi nghe như
vậy như vậy, Như Lai nó pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng
lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo
đoạn hắc bạch, và tôi nghe như vậy như vậy rồi, biết tường tận
pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi
Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’. Này Hiền
giả, tôi do hành vi như vậy, năng lực như vậy, trí tuệ như
vậy, khiến tôi biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà
chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn
là vị Chánh Đẳng Giác’.’
“Nếu ai có hành này, lực này, trồng sâu gốc rễ
tịnh tín nơi Như Lai, tín căn đã vững, thì được gọi là tín
tương ưng với trí bất hoại, do thấy được gốc rễ. Sa-môn, Phạm
chí, Chư thiên, Ma, Phạm và các hàng thế gian khác không thể
tước đoạt được. Hãy như vậy mà tìm hiểu Như Lai. Hãy như vậy
mà nhận biết chính đáng về Như Lai.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương đương
Pāli, M. 47. Vimsaka-sutta.
-
[02] Câu-lâu-sấu,
xem các kinh 177, 175.
-
[03] So Pāli:
Vīmasakena bhikkhunā parassa cetopariyāyam ājānantena
“Tỳ-kheo tư sát muốn biết tập tánh (cetopariyāyam) của người
khác”.
-
[04] Cầu giải.
Pāli: samannesanā.
-
[05] Đại ý: làm sao
biết Như Lai có phải là Chánh đẳng giác hay không?
-
[06] Bản Pāli: nơi
Như Lai.
-
[07] Pháp hỗn tạp,
lẫn lộn cả tịnh và nhiễm. Pāli: vītimissā cakkhusotaviññeyyā
dhammā.
-
[08] Bản Hán, bỉ
Tôn đoạn trước trong bản Pāli nói là Như Lai; bỉ Tôn ở đoạn
này, Pāli nói: ñattajjhāpanno āyasmā bhikkhu, “Tôn giả
Tỳ-kheo nổi tiếng này”.
-
[09] Bản Pāli: tìm
hiểu xem sự nguy hiểm có khởi lên cho Tôn giả hữu danh này
không, và biết rằng không.
-
[10] Hán: lạc hành;
Pāli: uparata, tịch tĩnh hay trấn tĩnh, tự kềm chế.
-
[11] Pāli:
vitarāgattā kāme na sevati khayā rāgassā ti, không hành theo
dục, vì đã ly dục, diệt tận dục.
-
[12] Thiện thệ, vi
thiện thệ sở hóa. Pāli: ye ca tattha sugatā ye ca tattha
duggatā, “những người ở nơi đó là hành phục (thiện hành) hay
khốn nạn (ác hành)”. Sugatā, duggatā, những người hạnh phúc
hay khốn nạn (thiện hành, ác hành), ở đây không phải là danh
hiệu chỉ cho Đức Phật như thường gặp trong mười hiệu Phật.
-
[13] Nhân thực khả
kiến, do ăn mà được thấy (xuất hiện). Pāli: ye ca idhekacce
āmisesu sandissati, một số người ở đây bị lôi cuốn theo vật
dục. Bản Hán hiểu sandissati (bị lôi cuốn) là được thấy (khả
kiến), do gốc động từ passati (thấy).
-
[14] Ngã bất tự
tri. Pāli: nāyasmā ta tena avajānāti, Tôn giả ấy không vì
vậy mà khinh bỉ người đó.
-
[15] Hán: tri đoạn;
Pāli: abhiññāya.