-
Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật du hóa trong nước Ương-già
[02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến A-hòa-na
[03] , ở tại tịnh xá Kiền-nhã.[04]
Bấy giờ sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng, Đức
Thế Tôn đắp y cầm bát đi vào A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn
xong, sau buổi trưa, Ngài cất y bát, rửa tay chân, vắt
ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng để nghỉ trưa[05].
Tôn giả Ô-đà-di, cũng sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm,
đắp y cầm bát vào thôn A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong,
sau buổi trưa, Tôn giả cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn
lên vai, đi theo hầu sau Phật mà nghĩ rằng, “Nếu Thế Tôn đi
nghỉ trưa ở đâu, mình cũng đến nghỉ mát ở đó.”
Rồi Thế Tôn vào trong rừng, đến dưới một gốc
cây, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết già. Tôn giả Ô-đà-di cũng đi
vào khu rừng ấy, cách Phật không xa, đến dưới một gốc cây,
trải ni-sư-đàn ngồi kiết già.
Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di, riêng một mình ngồi
tĩnh tọa chỗ thanh vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ”Đức
Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang
lại sự an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng
ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc cho chúng
ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất
thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng
ta.”
Vào lúc xế, Tôn giả Ô-đà-di từ chỗ ngồi đứng
dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui ngồi
một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Ô-đà-di, ông không thiếu thốn gì, được an
ổn khoái lạc, sức khỏe vẫn như thường chăng?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, an ổn
khoái lạc, và sức khỏe vẫn như thường.”
Thế Tôn lại hỏi rằng:
“Này Ô-đà-di, vì sao ông không thiếu thốn,
thường được an ổn, và sức khỏe vẫn như thường?”
Tôn giả Ô-đà-di đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, con riêng một mình ngồi tĩnh tọa
chỗ thanh vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ‘Đức Thế Tôn
làm lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại sự
an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta các
pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc cho chúng ta. Đức
Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất thiện, làm
tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.’
“Bạch Thế Tôn, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo
rằng, ‘Hãy dứt trừ việc ăn quá ngọ.’
[06] Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham
không nhẫn, không muốn, không vui, mà nghĩ rằng, ‘Nếu có Phạm
chí, Cư sĩ tín tâm đi đến chúng viên bố thí, tạo phước rộng
rãi, chúng ta tự tay nhận lấy đồ ăn; nhưng Thế Tôn hôm nay dạy
ta từ bỏ điều này; Đức Thiện Thệ dạy ta dứt tuyệt điều này.’
Chúng con lại nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn ấy không tiêu hóa
nổi đồ ăn.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế
Tôn, kính trọng, bất kham, cho nên chúng con chấm dứt việc ăn
sau giờ ngọ.
“Lại nữa, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng,
‘Các ông hãy dứt trừ việc ăn tối.’ Bạch Thế Tôn, chúng con
nghe rồi mà không kham, không nhẫn, không thích, không vui.
Chúng con nghĩ rằng, ‘Trong hai bữa ăn rất tối thượng, tối
diệu, tối thắng, tối mỹ mà Thế Tôn nay dạy ta chấm dứt cả.’
Chúng con lại nói rằng, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi
đồ ăn.’
“Bạch Thế Tôn, khi xưa có một cư sĩ mang rất
nhiều đồ ăn thức uống ngon lành trở về nhà, bảo người nhà
rằng, ‘Các ngươi hãy lấy đồ ăn này đem cất một chỗ. Ta sẽ tụ
tập mọi người để ăn ban đêm, không ăn buổi sáng và buổi trưa.’
Bạch Thế Tôn, nếu các nhà bày soạn các món ăn rất ngon lành
thượng diệu, chỉ ăn trong ban đêm mà ta thì buổi sáng và buổi
trưa, nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ việc đó, Đức Thiện Thệ
dạy ta dứt trừ việc đó.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu
đức của Thế Tôn, kính trọng bất kham, cho nên chúng con chấm
dứt việc ăn ban đêm.
“Bạch Thế Tôn, con lại nghĩ rằng, ‘Nếu có
Tỳ-kheo phi thời đi vào thôn ấp khất thực, hoặc có thể gặp kẻ
đạo tặc đang hành sự hay chưa hành sự, hoặc gặp cọp, gặp nai,
hoặc gặp cả cọp nai, hoặc gặp beo gặp gấu, hoặc gặp cả beo
gấu, hoặc sống
[07] ở những chỗ như vậy, hoặc gặp voi dữ, ngựa dữ,
bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy
đánh, hoặc té vào mương rãnh, hoặc rơi vào hầm xí, hoặc cỡi
lên bò đang nằm, hoặc lọt xuống hầm sâu, hoặc vướng vào bụi
gai, xem xét thấy nhà trống mà bước vào nhà như vậy, khi vào
trong đó rồi, người con gái thấy rủ rê làm việc bất tịnh hạnh
xấu xa.
“Bạch Thế Tôn, xưa có một Tỳ-kheo trong đêm tối
mịt, trời mưa lâm râm, chớp lóe như lửa xẹt, mà phi thời đi
vào nhà người ta khất thực. Bấy giờ người đàn bà đi ngoài rửa
chén bát. Khi ấy người đàn bà này trong cơn chớp lóe, trông xa
thấy Tỳ-kheo tưởng là quỷ. Thấy rồi, bà ta kinh hãi, lông tóc
dựng ngược, thất thanh la lớn, tức thì ngả xuống
[08], miệng nói rằng, ‘Ông là ma! Ông là ma!’ Tỳ-kheo
mới nói với người đàn bà ấy rằng, ‘Này cô em, tôi không phải
là ma đâu, tôi là Sa-môn đến khất thực.’ Bấy giờ người đàn bà
ấy giận và mắng vị Tỳ-kheo rất nhức nhối, rất dữ dằn rằng,
‘Sa-môn hãy vong mạng cho lẹ đi! Bố mẹ Sa-môn hãy chết cho lẹ
đi! Dòng họ Sa-môn hãy tuyệt diệt đi! Sa-môn hãy lòi ruột đi!
Sa-môn trọc đầu, đen thui, tuyệt tự, không con cái! Hãy cầm
dao bén mà tự mổ bụng đi! Chớ đừng đi khất thực phi thời ban
đêm. Ôi chao! Tại Sa-môn mà tôi bị té!’ Bạch Thế Tôn, con nhớ
vị ấy rồi tâm sanh hân hoan. Bạch Thế Tôn, con nhờ sự hân hoan
này mà sung mãn châu thân, chánh niệm chánh trí, phát sanh hỷ,
khinh an, lạc, định. Bạch Thế Tôn, con nhờ định này, sung mãn
châu thân mà được chánh niệm chánh trí. Như vậy, bạch Thế Tôn,
con không thiếu thốn gì, thường được an ổn, khoái lạc, khí lực
bình thường.”
Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di, ông nay không
phải như người ngu si kia, khi Ta nói với người ngu si ấy
rằng, ‘Các ông hãy từ bỏ điều này’, thì nó nói rằng, ‘Đó là
việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng nay Thế Tôn
dạy ta phải từ bỏ việc ấy. Thiện Thệ muốn ta dứt tuyệt việc
ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại sa-môn này không tiêu hóa
nổi đồ ăn’, rồi nó không từ bỏ. Không phải chỉ với Ta mà nó
không vừa ý, không nhẫn thọ; đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn
giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người
ngu si kia bị trói buộc rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt
gao không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như có một con ruồi bị dính
dưới bãi nước mũi. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc chết. Này
Ô-đà-di, hoặc có người nói rằng: ”Con ruồi kia tuy bị dính mà
không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao nên có thể
đoạn tuyệt, có thể giải thoát, nói như vậy có đúng không?”
Ô-đà-di bạch rằng:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con ruồi
đã bị dính. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc bị chết. Thế nên, bạch
Thế Tôn, con ruồi kia bị dính rất cứng, rất chặt, càng lúc
càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.”
“Này Ô-đà-di, người ngu si kia đuợc Ta bảo rằng
‘Các ngươi hãy từ bỏ điều này,’ thì nó nói như vầy, ‘Đó là
việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay
dạy ta phải từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ việc ấy!’
Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi
đồ ăn.’ Rồi nó không từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó không vừa
ý, không nhẫn thọ, mà chúng đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn
giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người
ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao,
không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu
có một thiện gia nam tử được Ta bảo rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ
điều này,” thì người ấy không nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ
nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ
bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” và cũng không nói như
vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người
ấy từ bỏ. Người ấy đối với Ta không sanh tâm không vừa ý,
không nhẫn thọ, và đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, cũng
không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, thiện
gia nam tử ấy không bị trói cứng, không chắc, không càng lúc
càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như con voi chúa tuổi đến sáu
mươi, sẽ thành một ma-ha-năng-già
[09] kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức tráng kiện,
nó bị trói chặt, nhưng nó nỗ lực chuyển mình, sự trói chặt kia
liền bị bức, và nó trở về chỗ cũ. Này Ô-đà-di, nếu có người
nói như vầy, ‘Con voi chúa to lớn kia tuổi đến sáu mươi, đã
thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức
tráng kiện, nó bị trói chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể
đoạn tuyệt, không thể giải thoát được.’ Nói như vậy có đúng
không?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con voi
chúa to lớn kia tuổi đến sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già
kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân cốt tráng kiện, bị trói chặt,
nhưng nó nỗ lực cựa mình, sự trói chặt kia liền bị bứt và nó
trở về chỗ cũ. Bạch Thế Tôn, cho nên con voi chúa to lớn kia,
tuổi đến sáu mươi, đã trở thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo,
gân cốt tráng kiện, sự trói buộc kia không chặt, không càng
lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.”
“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, với thiện gia nam
tử kia, Ta khuyên rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy
không nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải
từ bỏ! Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ
bỏ!” Và cũng không nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu
hóa nổi đồ ăn’ và người ấy liền từ bỏ. Không chỉ đối với Ta vị
ấy không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận mà đối với
những Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới cũng không sanh tâm không vừa
ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy bị trói
không chặt, không cứng, không càng lúc càng gắt gao, có thể
đoạn tuyệt, có thể giải thoát. Này Ô-đà-di, với người ngu si
mà Ta khuyên dạy rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy sẽ
nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ.
Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” và
cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’
rồi nó không chịu từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó sanh tâm
không vừa ý, không chấp nhận mà đối với các Tỳ-kheo giữ giới
cẩn thận, nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này
Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói chặt cứng, rất chặt, càng
lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như người nghèo khổ, không có
của cải, cũng không có thế lực; người ấy có một người vợ mà
cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái; chỉ có một cái nhà đổ
nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở. Lại có một
cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị
thủng không dùng được. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn
xong, rửa sạch chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát
mẻ điều hòa mà tu tập tăng thượng tâm. Người ấy thấy vậy trong
tâm nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn.
Ta thật là xấu xa vô đức. Vì sao? Vì ta có một người vợ mà cặp
mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ
có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không
thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một cái giường bị gãy
sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không dùng được
nhưng cũng không thể bỏ. Ta ưa thích Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình,
xuất gia học đạo. Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy,
‘Người nghèo khổ kia không có tiền của cũng không có thế lực,
mà bị trói buộc không cứng không chặt, không càng lúc càng gắt
gao, có thể đoạn tuyệt có thể giải thoát, nói như vậy có đúng
chăng?”
Tôn giả Ô-đà-di đáp:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người
nghèo khổ kia không có tiền của cũng không có thế lực, có một
người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái, nhưng
không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu
đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một
cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị
thủng không dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Dù người ấy ưa
thích như vị Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín,
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch
Thế Tôn, thế cho nên người nghèo khổ kia, không có tiền của
cũng không có thế lực, bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc
càng gắt gao không thể đoạn tuyệt cũng không thể giải thoát
được.”
“Cũng vậy, này Ô-đà-di, nếu có người ngu si mà
Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều ấy, người ấy lại nói rằng
‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn
dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng nói
‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy không
đoạn trừ. Nó không chỉ đối với Ta sanh tâm không vừa ý, không
chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận,
nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di,
thế cho nên người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng
lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không thể giải thoát.
Này Ô-đà-di, nếu một thiện gia nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi
hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói như vầy ‘Ấy là việc
nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải
từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng không nói ‘Vị Đại
Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người
không chỉ đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp
nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó
cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di,
thế cho nên thiện gia nam tử kia bị trói không cứng, không
chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể
giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như cư sĩ, con cư sĩ, rất giàu
có, sung sướng, rất nhiều tiền của, sản nghiệp súc mục không
thể tính được, phong hộ thực ấp, lúa gạo, bao nhiêu những nhu
dụng sinh sống đều rất đầy đủ. Nô tỳ, voi ngựa thôi thì không
kể. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn xong, rửa tay chân,
trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẽ điều hòa mà tu tập
tăng thượng tâm. Thấy vậy người ấy nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là
khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta nên từ bỏ sự giàu sang sung
sướng, vàng bạc châu báu, voi ngựa, nô tỳ, hâm mộ làm Tỳ-kheo,
cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình, xuất gia học đạo!’ Này Ô-đà-di, có người lại
nghĩ rằng ‘Người cư sĩ, con người cư sĩ kia bị trói rất cứng,
rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không
được giải thoát.’ Nói như vậy có đúng không?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người cư
sĩ hay con người cư sĩ kia có thể xa lìa, vứt bỏ sự giàu sang,
phú quý, vàng bạc châu báu, lúa gạo, voi ngựa, nô tỳ để làm
Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch Thế Tôn, thế
cho nên người cư sĩ hay con người cư sĩ kia bị trói không cứng
chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể
giải thoát được.”
“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, nếu một thiện gia
nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy
không nói như vầy ‘Ấy là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ
bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ
bỏ!” Và cũng không nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ
ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người không chỉ đối với Ta không
sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo
giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh tâm không vừa
ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam tử
kia bị trói không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt
gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả
[10]. Vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy niệm tương ưng
với dục
[11], bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy ham thích nó,
không đoạn, không trụ
[12], không nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó là trói
buộc, không nói là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất
thiện. Ô-đà-di, vì kết sử là bất thiện, cho nên Ta nói đó là
trói buộc, không nói là giải thoát.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả
rồi, phát sanh suy niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng
buộc. Vị ấy không ham thích nó, nhưng đoạn, trụ, nhả bỏ. Này
Ô-đà-di, Ta nói đó cũng là trói buộc, không phải là giải
thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì kết
sử bất thiện
[13], cho nên Ta nói là trói buộc, không nói là
giải thoát.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả
rồi, thỉnh thoảng ý lãng quên, song hành với suy niệm tương
ưng với dục, bị ái lạc ràng buộc, sự quán chậm nhưng bị diệt
nhanh
[14]. Này Ô-đà-di, ví như hòn sắt hay lưỡi cày sắt
trọn ngày bị đốt, nếu có người nhỏ lên đó hai hoặc ba giọt
nước, nhỏ chậm, không liên tục nước bèn tiêu tan mau chóng.
Này Ô-đà-di, cũng vậy, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi
thỉnh thoảng quên lãng, song hành với niệm tương ưng dục, bị
ái lạc ràng buộc, sự quán chậm bị diệt nhanh. Này Ô-đà-di, Ta
nói như thế là trói buộc không phải là giải thoát. Vì sao? Vì
các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì kết sử bất thiện cho
nên Ta nói là trói buộc, không nói là giải thoát.
“Này Ô-đà-di, cùng ở nơi gốc rễ của khổ, mà du
hành không sanh tử, ở nơi vô thượng ái tận mà thiện tâm giải
thoát
[15]. Này Ô-đà-di, Ta nói là giải thoát, không nói
là trói buộc. Vì sao? Vì các kết sử đã chấm dứt. Này Ô-đà-di,
vì các kiết sử đã chấm dứt cho nên Ta nói là giải thoát không
nói là trói buộc.
“Này Ô-đà-di, có sự an lạc không phải là thánh
lạc mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của
mụt nhọt, gốc rễ của gai nhọn, có thức ăn
[16], có sanh tử, không nên tu, không nên tập hành,
không nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu
tập. Này Ô-đà-di, có sự lạc gọi là thánh lạc, là sự lạc vô
dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không có thức
ăn, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta
nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, thế nào gọi là sự lạc không phải
là thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc
rễ của mụt nhọt, là gốc rễ của tên dâm, có thức ăn, có sanh
tử, không nên tu, không nên tập hành, không nên phát triển, Ta
nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập? Nếu nhân nơi ngũ dục
mà sanh lạc, sanh hỷ, đó là sự lạc không phải là thánh lạc, mà
là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt,
gốc rễ của gai nhọn, có thức ăn, có sanh tử, không nên tu tập,
không nên tập hành, không nên phát triển, Ta nói đối với sự
lạc ấy không nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, thế nào là có sự lạc được gọi là
thánh lạc? Đó là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tĩnh,
lạc chánh giác, không có thức ăn, không sanh tử, nên tu, nên
tập hành, nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất
thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó
là sự lạc được gọi là thánh lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn
ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không thực, không sanh tử,
nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy
nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất
thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng
đắc Sơ thiền thành tựu an trú. Thánh nói đó là di động. Trong
đó những gì mà Thánh nói là di động? Trong đó có giác có quán
nên Thánh nói là di động.
“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động?
Nầy Ô-đà-di, Tỳ-kheo giác quán tịch tịnh, nội tâm tĩnh chỉ,
nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh,
chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đó là điều mà Thánh
nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Nếu
đạt được hỷ này Thánh nói là di động.
“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động?
Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo xả ly hỷ dục, xả, vô cấu, an trụ chánh
niệm, chánh trí thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh
xả, niệm, an trú lạc,
[17] chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Đó
là điều mà Thánh nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh
nói là di động? Vì có tâm lạc
[18] nên Thánh nói là di động.
“Trong đây những gì mà Thánh nói là không di
động? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn đã
diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ
thiền, thành tựu và an trú. Đó là điều mà Thánh nói là không
di động.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện
pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ
thiền thành tựu và an trụ. Này Ô-đà-di, ở đây Ta nói chưa được
hoàn toàn, chưa đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ.
Trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo giác quán đã
dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định
sanh, đạt đến Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đấy là sự quá
độ, được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đây cũng chưa
đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến
sự quá độ
[19]. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di,
Tỳ-kheo ly hỷ dục, xả, an trú vô cầu, chánh niệm chánh trí,
thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ
lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trú. Đây là sự
quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói ở đây cũng
chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự
quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo
lạc diệt, khổ diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc,
xả niệm thanh tịnh, đạt đến cõi Tứ thiền, thành tựu và an trú.
Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó
cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt
đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di,
Tỳ-kheo vượt qua khỏi tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng,
không tư duy đến bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không,
chứng vô lượng không xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ
được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa đạt
được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự
quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo
vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng
vô lượng thức xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được
nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa đạt được
hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ.
Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua
tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng đắc vô sở hữu
xứ, thành tựu và an trụ. Đây là sự quá độ được nói đến trong
đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa được hoàn toàn, không đạt
đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những
gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo nhập qua tất cả vô sở hữu
xứ, nhập phi hữu tưởng, phi vô tưởng, chứng phi hữu tưởng phi
vô tưởng xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói
đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói cho đến phi hữu tưởng phi vô
tưởng xứ cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ,
không đạt đến sự quá độ.
“Này Ô-đà-di, có chăng một kết sử nào, hoặc ít
hoặc nhiều tồn tại lâu dài mà Ta nói chưa được hoàn toàn,
không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ; kết sử ấy Ta
nói không đoạn trừ?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Không có, bạch Thế Tôn!”
Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Này Ô-đà-di, ông không
phải như người ngu si kia khi Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ
điều này’ người ấy lại nói rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu
gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ! Thiện
Thệ bảo ta phải từ bỏ! Và cũng nói rằng ‘Vị Đại Sa-môn này
không tiêu hóa nổi đồ ăn’ rồi người ấy không chịu từ bỏ. Không
chỉ đối với Ta người ấy sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận;
mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận người ấy
cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế
cho nên người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc
càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không giải thoát được.
“Này Ô-đà-di, nếu có thiện gia nam tử nào mà Ta
khuyên rằng: ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói
như vầy ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng
Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ! Thiện bảo ta phải từ bỏ!’ Và
cũng không nói như vầy ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi
đồ ăn.’ Rồi người ấy liền từ bỏ. Người ấy đối với Ta không
sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, và đối với các Tỳ-kheo
giữ gìn giới cẩn thận vị ấy cũng không sanh tâm không vừa ý,
không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện nam tử kia bị
trói không cứng không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có
thể đoạn trừ, có thể giải thoát.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi
nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Bản
Hán, quyển 50. Tương đương Pāli, N.66 Laukikopama-sutta.
-
[02]
Ương-già. Pāli: Anga, một trong mười sáu đại quốc phía đông
Magadha, cách con sông Campa. Bản Pāli: Agauttarāpesu.
-
[03]
A-hòa-na. Pāli: Āpana, một thị trấn ở trong Aguttarāpa, một
bộ phận của nước Aga.
-
[04]
Kiền-nhã. Pāli: Keniya; dịch là ”Chúng tụ”, Phiên Phạn Ngữ
10 No.2130, Đại 54 tr.1041b).
-
[05] Trú
kinh hành. Pāli: divāvihāra, “an trú ban ngày” tức nghỉ
ngày, hay nghỉ trưa, không phải kinh hành đi bộ.
-
[06] Quá
trung thực. Pāli: divāvikālabhojanam: ăn phi thời ban ngày.
-
[07] Vãng,
Tống-Nguyên-Minh: trú.
-
[08] Đọa
thần, xẩy thai; Tống-Nguyên-Minh: đọa thân.
-
[09]
Ma-ha-năng-già; Pāli: mahānāga. Bản Pāli: rañño nāgo, con
voi của vua.
-
[10] Hành
xả. Pāli: upadhipahānāya paipanna, hướng đến đoạn trừ hữu dư
y, thực hành để xả trừ sanh y (hữu y).
-
[11] Dục
tương ưng niệm; Pāli: upadhipaisayuttā sarasakappā, những
niệm tưởng và tư duy liên hệ chặt với sanh y.
-
[12] Bất
trụ, ở đây nên hiểu là ”làm cho không tồn tại”; Pāli:
anabhāva gameti.
-
[13] Pāli:
indriyavemattatā hi me... viditā, Ta nói, có sự sai biệt về
căn tánh.
-
[14] Trì
quán tốc diệt. Pāli: dandho... satuppādo... nam khippameva
pajahati, niệm khởi lên chậm nhưng bị đoạn tuyệt nhanh.
-
[15]
Pāli: upadhi dukkhassa mūlan ti viditvā iti norupadhi
hoti upadhisakhaye vimutto, sanh y là gốc rễ của khổ; sau
khi biết như vậy, trở thành không sanh y, giải thoát với sự
diệt tận của sanh y.
-
[16] Thực,
đồng nghĩa với duyên; xem kinh 52 trên.
-
[17]
Tống-Nguyên-Minh: lạc trụ không. Bản Cao-li: lạc trụ thất.
Pāli: sukhavihāra, an trú nơi lạc.
-
[18] Tâm
lạc. Pāli: upekhāsukham, xả và lạc.
-
[19] Quá độ.
Pāli: samatikkama, sự vượt qua.