-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng
Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na
[02] thường tu tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị
nào trước mặt Mâu-lê-phá-quần-na mà nói xấu ,
[03] các Tỳ-kheo-ni, thầy liền sân hận, hằn học cho
đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt Tỳ-kheo-ni nói xấu
Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân
hận hằn học cho đến cãi vã. Một số đông các Tỳ-kheo nghe như
vậy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một bên
thưa rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na
thường tụ tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt
Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói xấu các Tỳ-kheo-ni, thầy ấy
nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào
trước mặt các Tỳ-kheo nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na, các
Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã.”
Đức Thế Tôn nghe rồi liền bảo một Tỳ-kheo: “Hãy
đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na mà nói rằng: ‘Đức Thế Tôn
gọi thầy’.”
Một Tỳ-kheo nghe Phật dạy như vậy bèn thưa:
”Kính vâng, bạch Thế Tôn”, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật,
nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.
Vị Tỳ-kheo đó đến chỗ Tỳ-kheo
Mâu-lê-phá-quần-na nói rằng: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”
Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nghe vậy liền đến
chỗ Phật đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói:
“Phá-quần-na, có thật ngươi thường tụ hội cùng
các Tỳ-kheo-ni? Và có vị nào trước mặt ngươi nói xấu các
Tỳ-kheo-ni, ngươi nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi
vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo-ni nói xấu ngươi, các
Tỳ-kheo-ni ấy liền sân hận hằn học, cho đến cãi vã?
Phá-quần-na, có thật vậy không?”
Phá-quần-na thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn! Điều đó có thật.”
Thế Tôn liền hỏi:
“Phá-quần-na, ngươi há không phải là chí tín,
lìa bỏ gia đình sống không gia đình mà học đạo?”
Phá-quần-na đáp:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật hỏi:
“Phá-quần-na, như vậy, ngươi chí tín, lìa bỏ
gia đình, sống không gia đình mà học đạo, phải học như thế
này, nếu có dục, có niệm nào y cứ trên thế tục
[04] , hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên
vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Phá-quần-na,
ngươi nên học như vậy.”
Rồi Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ông có phải chí tín, lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình mà học đạo chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa phải, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn lại bảo:
“Các ông chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không
gia đình, mà học đạo, hãy học như thế này, nếu có dục, có niệm
nào y trên thế tục, hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y
trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Các
ngươi hãy học như vậy.
“Một thời, Ta đã từng nói với các Tỳ-kheo rằng,
‘Này các Tỳ-kheo, hoặc có Tỳ-kheo được nhiều người biết đến
[05], hoặc có Tỳ-kheo ít được biết đến, tất cả các
vị ấy hãy học Nhất tọa thực.[06]
. Học Nhất tọa thực rồi, vô vi, vô cầu, không bệnh tật, thân
thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn sảng khoái.’ Các Tỳ-kheo
ấy, hoặc được biết đến nhiều, hoặc ít được biết đến, tất cả
đều học theo điều Nhất tọa thực. Sau khi học theo điều Nhất
tọa thực, vô vi, vô cầu, không tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng,
khí lực dồi dào, an ổn, sảng khoái. Những Tỳ-kheo ấy hài lòng
Ta. và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách nhiều. Các
Tỳ-kheo nhân đó mà sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành
[07]
“Cũng như người điều khiển chiếc xe ngựa, tay
trái cầm cương, tay phải cầm roi, nó theo tám con đường mà di,
muốn đến nơi nào cũng được. Các Tỳ-kheo như vậy rất hài lòng
Ta, và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách nhiều. Các
Tỳ-kheo nhân đó sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành.
“Cũng như khoảng đất tốt có rừng cây sa-la.
Người dọn rừng kia thông minh sáng suốt, không biếng nhác, tùy
lúc mà dọn sửa gốc rễ cây sa-la, thường cào bừa những rác rưới
và luôn luôn tưới nước, san bằng chỗ cao, lấp bằng chỗ thấp,
hai bên nếu cỏ dại mọc đầy thì nhổ bỏ đi, nếu cây nào cong
queo, xấu xí, không ngay thẳng, thì nhổ gốc bỏ ra ngoài, nếu
có nhánh nào đâm ngang và cong, thì chắt xuống hoặc uốn lại,
nếu gần biên vừa mới mọc thêm cây nào đều đặn ngay thẳng, thì
tùy lúc mà sửa soạn, thường cào bừa đi những rác rưới và
thường tưới nước. Như vậy, trên khu đất tốt kia rừng cây sa-la
càng ngày càng sầm uất. Cũng vậy các Tỳ-kheo làm hài lòng Ta
và Ta cũng khỏi phải khuyến giáo, khiển trách nhiều.
“Ta không nói các Tỳ-kheo là thiện ngữ, cung
thuận do các nhu dụng sinh sống, y bát, ẩm thực, giường chõng.
Vì sao vậy? Tỳ-kheo ấy nếu không nhận được các thứ ấy thì trả
lại bằng sự không thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh
không thiện ngữ cung thuận.
“Nếu có Tỳ-kheo vì viễn ly, y trên viễn ly,
sống nơi viễn ly, mà thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh
thiện ngữ cung thuận, Ta nói ấy thật sự là thiện ngữ cung
thuận. Vì sao vậy? Ở đây, một Tỳ-kheo khéo thủ hộ, khéo an trú
[08] chỉ vì người khác không nói cộc cằn. Nếu người
khác ăn nói cộc cằn thì không phẫn nộ, cũng không thù nghịch,
cũng không ưu sầu, oán hận, không hằn học giận dữ, không lộ vẻ
hung bạo. Các Tỳ-kheo kia sau khi thấy vậy bèn nghĩ rằng ‘Hiền
giả thật là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, giỏi tự
chủ, khéo định, khéo trầm tĩnh. Nếu người khác ăn nói cộc cằn
thì liền hằn học, thù nghịch, ưu phiền, ôm hận, lộ vẻ hung dữ.
Các Tỳ-kheo kia thấy vậy bèn nói ‘Hiền giả này ngoan cố, nóng
nảy, thô lỗ, không định, không tự chủ, không trầm tĩnh.’ Vì
sao vậy?
“Này các Tỳ-kheo, có một nữ cư sĩ tên là
Bệ-đà-đề
,[09],
rất giàu sang sung sướng, có nhiều tiền tài, sản nghiệp súc
mục không thể kể xiết, phong hộ thực ấp, lúa gạo đầy đủ, và
biết bao nhu dụng sinh sống khác. Bấy giờ nữ cư sĩ Bệ-đà-đề
được vang danh khắp nơi với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ
Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế,
khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’
“Bấy giờ nữ cư sĩ ấy có một nữ tỳ tên là Hắc
[10] hầu hạ. Nữ tỳ ăn nói dịu dàng, ít nhiều hành
thiện. Hắc nữ tỳ ấy bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ cư sĩ
Bệ-đà-đề được vang danh khắp nơi với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư
sĩ Bệ-đà-đề là người nhu thuận, nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi tự
chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh. Nay ta hãy thử xem chủ
nhân nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’
“Rồi Hắc nô tỳ nằm ngủ không dậy sớm. Phu nhân
gọi dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi không dậy sớm?’ Hắc tỳ nghe vậy
bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề, sự thật có sân
chứ không phải không sân, nhưng vì ta giỏi lo liệu việc nhà,
giỏi quán xuyến và chu tất, khiến cho chủ ta nữ cư sĩ Bệ-đà-đề
được vang danh với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là
người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định
tĩnh, khéo trầm tịnh.’ Nay ta hãy thử thách hơn nữa xem chủ
ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’
“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ không dậy sớm. Phu nhân gọi
dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi dậy quá trễ vậy?’
“Hắc nữ tỳ nghe vậy bèn suy nghĩ, ‘Chủ ta, nữ
cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân chớ không phải không sân. Nhưng
vì ta khéo lo liệu việc nhà, giỏi quán xuyến và chu tất, nên
chủ ta nữ cư sĩ Bệ-đà-đề mới có được vang danh với tiếng tốt
như vầy: ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn
hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh’. Nay ta lại
thử thách thật lớn, xem chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có
sân hay không sân.
“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ đến xế trưa mới dậy. Phu
nhân gọi: ‘Hắc tỳ, sao ngươi ngủ đến xế trưa mới dậy? Ngươi đã
không chịu làm việc, cũng không bảo người khác làm. Con Hắc tỳ
này không nghe ta dạy. Con Hắc tỳ này khinh mạn ta.’ Bèn thịnh
nộ, hằn học, trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự mình
đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy đánh vào đầu
nữ tỳ. Nó vỡ đầu chảy máu. Với cái đầu, máu chảy, Hắc nữ tỳ
chạy qua nói với hàng xóm, lớn tiếng phân bua, nói xấu đủ điều
rằng: “Này các ngài, hãy xem việc làm của người nhẫn nhục, nhu
thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh là
như vậy chăng? Người ấy mắng chửi tôi: ‘Con Hắc tỳ này không
nghe lời ta dạy, con Hắc tỳ này khinh mạn ta.’ Rồi thịnh nộ,
trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự mình đi đến cánh
cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy, đánh vào đầu tôi, vỡ
đầu chảy máu.” Bấy giờ, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được đồn xa với
tiếng xấu như vầy: ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề hung dữ, nóng nảy, thô
lỗ, không tự chế, không định tĩnh, không trầm tịnh.’
“Cũng vậy, ở đây, một người khéo thủ hộ, khéo
đi, khéo đến, là do người khác không nói lời cộc cằn. Khi
người khác không nói lời cộc cằn, vị ấy không phẫn nộ, không
hằn học, không ưu phiền oán hận, không giận dữ thù nghịch,
không lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy, bèn nghĩ: ‘Hiền
giả này là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, khéo tự
chế, khéo định tĩnh, khéo tịch tịnh.’ Nếu khi có người khác
nói lời cộc cằn bèn phẫn nộ, hằn học, ưu phiền oán hận, giận
dữ, thù nghịch, lộ vẻ hung dữ, các Tỳ-kheo khác thấy vậy bèn
nghĩ rằng: ‘Hiền giả này hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, không định
tĩnh, không tự chế, không tịch tịnh.”
Lại nữa, có năm con đường của ngôn ngữ.
[11], hoặc nói đúng thời hay không đúng thời, hoặc
nói chân thật hay không chân thật hoặc nói dịu dàng hay cứng
ngắt, hoặc nói từ hòa hay sân nhuế, hoặc nói có nghĩa lợi hay
không nghĩa lợi.
Với năm con đường ngôn ngữ này, các ngươi nếu
khi người khác nói mà với tâm bị biến đổi, có thể miệng phát
ra lời nói cộc cằn, Ta nói các ngươi do đó mà bị suy thoái.
Các người hãy học, với năm con đường ngôn ngữ
này, khi người khác nói mà tâm không bị biến đổi, miệng không
phát ra lời nói cộc cằn, hãy hướng đến kẻ thù nghịch, hãy
duyên nơi kẻ thù nghịch mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với
từ biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai,
ba, bốn phương tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm tương
ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh,
rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế
gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với
xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn,
vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian,
thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.
Cũng như một người cầm cái cuốc rất lớn đến và
nói rằng: ”Tôi có thể làm cho cả mặt đất nay trở thành không
phải đất.” Người ấy bèn đào chỗ này, chỗ kia, rồi nhổ nước
miếng, nước tiểu để làm dơ bẩn. Khi người nói lời thô ác nói
như vầy: “Mong cả mặt đất này không phải là đất.” Ý ngươi nghĩ
sao? Người ấy do phương tiện ấy có thể làm cho mặt đất trở
thành không phải mặt đất được chăng?”
Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
“Không thể được bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì
cõi đất này rất sâu rất rộng, không thể lường được. Cho nên
người kia với phương tiện ấy không thể nào làm cho cõi đất này
trở thành không phải đất. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây
phiền nhọc vô ích mà thôi.”
“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này mà
người khác nói, đúng thời hay không đúng thời, chân thật hay
không chân thật, dịu dàng hay cứng ngắt, từ hòa hay sân nhuế,
nói có nghĩa lợi hay không có nghĩa lợi. Các ngươi đối với năm
con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm biến đổi,
hay miệng phát ra lời nói thô ác, Ta nói các ngươi do đó mà
tất phải suy thoái. Các ngươi hãy học, với năm con đường của
ngôn ngữ này. Khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng
không phát ra lời nói thô ác, hướng đến người nói ấy, duyên
nơi người nói ấy mà khởi tâm từ mẫn, như mặt đất tâm hành
không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô
lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành
tựu an trú. Các ngươi hãy học như vậy.
“Cũng như một người cầm cây đuốc bằng cỏ rất
lớn mà nói như vầy: ‘Tôi với cây đuốc bằng cỏ này đun nóng
sông Hằng cho sôi sục lên’. Các ngươi nghĩ sao? Người ấy bằng
phương tiện ấy có thể làm cho sông Hằng nóng và sôi lên
chăng?”
Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì
sông Hằng kia rất sâu, rất rộng không thể do lường được. Cho
nên người ấy với phương tiện ấy không thể làm cho sông Hằng
nóng và sôi sục lên được. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây
phiền nhọc vô ích mà thôi.”
“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này, nếu
người khác nói đúng thời hay không đúng thời, nói chân thật
hay không chân thật, nói dịu dàng hay cứng ngắt, nói từ hòa
hay sân nhuế, nói có nghĩa lợi hay không nghĩa lợi; các ngươi
đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác nói, hoặc
tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời nói thô ác. Ta nói các
ngươi do đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học năm con đường
ngôn ngữ này, nếu khi người khác nói mà tâm không biến đổi,
miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người ấy, duyên nơi
người ấy, khởi tâm từ mẫn, tâm hành như sông Hằng, không kết,
không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng vô
biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an
trụ. Các người hãy học như vậy.
“Cũng như thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, tay cầm
đủ các loại màu và nói như thế này: ‘Ở nơi hư không này, tôi
vẽ lên các hình tượng, rồi y tô lên các loại màu’, các ngươi
nghĩ sao? Thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ ấy, bằng phương tiện ấy,
có thể vẽ lên hư không các hình tượng, rồi tô lên các loại màu
này chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không thể, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Hư không
này không phải là vật sắc, không thể thấy, không có đối ngại.
Do đó, thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, bằng phương tiện ấy không
thể vẽ lên hư không các hình tượng rồi tô lên các loại màu.
Thợ vẽ và đệ tử của thợ vẽ chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà
thôi.”
“Cũng vậy, bằng năm con đường ngôn ngữ này mà
người khác nói, hoặc đúng thời hay không đúng thời, hoặc chân
thật hay không chân thật, hoặc dịu dàng hay thô lỗ, hoặc từ
hòa hay sân nhuế, hoặc có nghĩa lợi hay không có nghĩa lợi,
các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác
nói, tâm không biến đổi. Miệng không phát ra lời thô ác, hướng
đến người khác nói, duyên nơi người khác nói, mà khởi tâm từ
mẫn, tâm hành hư không, không kết, không oán, không nhuế,
không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến
mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như
vậy.
“Cũng như một cái túi bằng da mèo đã được thuộc
mềm, rất mềm nhũn, hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp,
và có một người hoặc nắm hoặc đấm, hoặc lấy đá chọi, hoặc dùng
gậy đánh, hoặc lấy dao chém, hoặc đập xuống đất, các ngươi
nghĩ sao? Cái túi da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm
hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, bấy giờ lại phát ra
tiếng kêu xì xộp nữa chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì
cái túi ấy bằng da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm
hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp nữa, cho nên nó không
còn phát ra tiếng xì xộp nữa.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có người khác,
nắm tay đấm các ngươi, hoặc vác đá chọi, hoặc xách gậy đánh,
hoặc lấy dao chém các ngươi, nếu khi bị người khác nắm tay
đấm, vác đá chọi, dùng gậy đánh, lấy dao chém, mà tâm biến
đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói các ngươi nhân đó
tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy. Nếu bị người khác
nắm tay đấm, vác đá chọi dùng gậy đánh, lấy dao chém, tâm
không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến
người đánh đập, duyên nơi người đánh đập mà khởi tâm từ mẫn,
tâm hành như cái túi da mèo, không kết, không oán, không nhuế,
không tranh, rộng rãi, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến
mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như
vậy.
“Nếu có giặc cướp đến, bằng lưỡi cưa bén, cắt
xẻ tay chân chi tiết. Này các ngươi, nếu có giặc cướp đến,
dùng lưỡi cưa bén mà xẻ tay chân chi tiết các ngươi mà các
ngươi hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói
các ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy:
nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén cưa xẻ tay chân các
ngươi chi tiết, mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời
thô ác, hướng đến người cắt xả ấy, duyên nơi người cắt xả ấy
mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương,
thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy trên
dưới, bao trùm tất cả tâm tương ưng với từ, không kết, không
oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên,
khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng
vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán,
không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu
tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi
hãy học như vậy.”
Rồi bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo luôn luôn
suy niệm về lưỡi cưa bén cho giáo huấn của Sa-môn. Các ngươi
sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo
huấn của Sa-môn rồi, các ngươi há còn thấy rằng: ‘Người kia
nói lời thô ác không khả ái đối với ta, sau khi ta nghe không
thể chịu đựng nổi chăng?’.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không có, bạch Thế Tôn!”
Đức Thế Tôn lại tán thán các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn
suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Sau khi
luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn
Sa-môn, các ngươi nếu sống ở phương Đông, chắc chắn được an
lạc, không có các khổ nạn. Nếu sống ở phương Nam, phương Tây
và phương Bắc, cũng chắc chắn được an lạc, không có các khổ
hoạn.
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi luôn luôn suy
niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Các ngươi
sau khi suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn,
đối với các thiện pháp các ngươi đã an trụ, Ta còn không nói,
huống nữa là nói đến sự suy thoái. Chỉ còn sự tăng trưởng
thiện pháp ngày đêm, chứ không còn sự suy thoái nữa.
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn
suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn; các
ngươi sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho
giáo huấn Sa-môn rồi, trong hai quả chắc chắn được một. Hoặc
ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc Cứu cánh trí, hoặc chứng
A-na-hàm nếu còn hữu dư y.”
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi
nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương
đương Pāli, M. 21. Kakacūpamasutta.
-
[02]
Mâu-lê-phá-quần-na. Pāli: Moliyaphagguna.
-
[03] Đạo
thuyết. Pāli: avaana bhāsati, nói điều không tốt.
-
[04] Nguyên
Hán: y gia. Pāli: gehasita.
-
[05] Đa sở
tri thức, chỉ người nổi tiếng.
-
[06] Nhất
tọa thực, ngữ nguyên không rõ, nhưng ý nghĩa: ăn một ngày
một lần. Xem thêm cht.2,
Kinh 194 dưới. Pāli: ekāsana-bhojana.
-
[07] Nguyên
Hán: sanh niệm hướng pháp thứ pháp. Pāli:
satuppādakaraīya... bhikkhusu, cần khơi dậy chánh niệm nơi
các Tỳ-kheo.
-
[08] Thiện
thệ hành,Nguyên-Minh: thiện du hành.
-
[09] Cư sĩ
phụ Bệ-đà-đề. Pāli: Vedehikā nāma gahapatānī.
-
[10] Tì danh
Hắc. Pāli: Kāī nāma dāsī.
-
[11] Ngũ
ngôn đạo hay ngũ ngữ lộ. Xem Tập Dị 13, No.1536, Đại 26,
tr.421c). Pāli: Pañca Vacanapathā.