-
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng
Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử
[02] sanh ác kiến như vầy: “Tôi hiểu Thế Tôn nói
pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh, nhưng
không đổi khác’.”
Các Tỳ-kheo nghe như vậy, liền đi đến chỗ
Tỳ-kheo Trà-đế hỏi:
“Này Trà-đế, thầy thật có nói như vầy: Tôi biết
Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây thức này luân chuyển và
tái sanh nhưng không đổi khác’ chăng?”
Tỳ-kheo Trà-đế đáp:
“Này chư Hiền, tôi thực sự hiểu Đức Thế Tôn nói
pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển, và tái sanh nhưng
không đổi khác’.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo khiển trách:
“Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế
Tôn, xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng
không nói như vậy. Này Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức
Thế Tôn dùng vô lượng phương tiện nói thức này do duyên mà
khởi, có duyên thì sanh, không duyên thì diệt. Này Trà-đế thầy
nên xả bỏ ác kiến này đi.”
Tỳ-kheo Trà-đế bị các Tỳ-kheo khiển trách nhưng
vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói: ”Đây là điều
chân thật, ngoài ra đều hư vọng” và lặp lại ba lần như vậy.
Các Tỳ-kheo không thể khuyên Trà-đế xả bỏ ác
kiến ấy, liền đứng dậy ra về, và đến chỗ Phật. Đảnh lễ dưới
chân Phật rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trà-đế sanh ác kiến như
vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Ở đây thức này
luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác.’ Bạch Thế Tôn,
chúng con nghe vậy liền đến chỗ Tỳ-kheo ấy và hỏi: Này Trà-đế,
thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Thế Tôn nói như vầy, ‘Ở
đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác’
chăng?’ Trà-đế đáp chúng con rằng: Này chư Hiền, tôi thật sự
hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển và
tái sanh nhưng không đổi khác’. Chúng con khiển trách: ‘Thầy
chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức Thế
Tôn là không tốt, Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này
Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn đã dùng vô số
phương tiện nói thức này do duyên mà khởi, có duyên thì sanh,
không duyên thì diệt. Này Trà-đế, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy
đi.’ Chúng con khiển trách như vậy, nhưng Tỳ-kheo ấy vẫn cố
chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói: ‘Đây là chân thật,
ngoài ra là hư vọng’, và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn,
chúng con không thể khuyên Tỳ-kheo Trà-đế bỏ ác kiến ấy, liền
đứng dậy ra về.”
Đức Thế Tôn nghe xong, bảo một Tỳ-kheo:
“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế nói như vầy: ‘Đức
Thế Tôn gọi thầy’.”
Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy vâng lời Đức Thế Tôn, từ
chỗ ngối đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng
rồi đi. Đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế, nói lại lời Phật dạy: “Đức Thế
Tôn gọi thầy.”
Tỳ-kheo Trà-đế liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát
chân rồi ngồi sang một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Ngươi có thật nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế
Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức luân chuyển, và tái sanh
nhưng không đổi khác’ chăng?”
Tỳ-kheo Trà-đế đáp:
“Bạch Thế Tôn, con thật sự hiểu Thế Tôn nói
pháp như vầy: ‘Thức này luân chuyển và tái sanh không đổi
khác’.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Thế nào là thức?”
Tỳ-kheo Trà-đế đáp:
“Thức này nói năng, cảm thọ, hành động, và sai
bảo hành động. Đứng dậy và sai bảo đứng dậy, nó tạo tác các
nghiệp thiện ác chỗ này chỗ kia để rồi thọ báo.”
Đức Thế Tôn quở:
“Này Trà-đế, do đâu mà ngươi hiểu Ta thuyết
pháp như vầy? Người nghe từ miệng người nào mà nói Ta thuyết
pháp như vậy? Ngươi là kẻ ngu si. Ta không nói một chiều,
ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các Tỳ-kheo khiển
trách, ngươi bấy giờ phải đúng như pháp mà trả lời. Để Ta hỏi
lại các Tỳ-kheo đã.”
Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các thầy cũng hiểu Ta nói pháp như vậy, ‘Thức
này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác chăng?’.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Các ngươi hiểu Ta nói pháp như thế nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Thức
do duyên mà khởi, Thế Tôn nói thức do duyên mà khởi. Thức có
duyên thì sanh, không duyên thì diệt’. Chúng con hiểu Thế Tôn
nói pháp như vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các
ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Vì sao? Ta cũng nói pháp như
vậy: ‘Thức do duyên mà sanh. Ta nói thức do duyên là khởi.
Thức có duyên thì sanh, không duyên thì diệt’. Thức tùy theo
những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi tên theo duyên ấy.
Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn
thức. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh
thức, thức sanh khởi ấy được gọi là ý thức. Ví như lửa tùy
theo những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi theo duyên đó.
Lửa duyên cây mà khởi được gọi là lửa cây. Lửa duyên cỏ rác mà
sanh được gọi là lửa cỏ, lửa rác. Cũng vậy, thức tùy theo
những gì nó duyên vào đó để sanh thì gọi tên theo duyên đó.
Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn
thức. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh
thức, thức sanh khởi ấy gọi là ý thức.”
Đức Thế Tôn lại khen:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hiểu Ta nói
pháp như vậy. Nhưng Tỳ-kheo Trà-đế này là người ngu si, ghi
nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Rồi do ghi nhớ và hiểu
biết điên đảo văn và nghĩa, cho nên xuyên tạc Ta, để tự làm
tổn thương. Có phạm có tội là điều mà các vị Phạm hạnh có trí
không hoan hỷ, và cũng là một đại tội.
“Này người ngu si, ngươi có biết chỗ ác bất
thiện này chăng?”
Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế bị Thế Tôn trách mắng
ngay mặt, trong lòng buồn rầu, cúi đầu im lặng, không có lời
để biện bạch, suy nghĩ mông lung.
Đức Thế Tôn sau khi quở trách ngay mặt Tỳ-kheo
Trà-đế, nói với các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói pháp rốt ráo không phiền, không
nhiệt, hằng hữu, bất biến cho các ngươi nghe. Những người có
trí phải quán như vậy. Hãy lắng nghe. Hãy lắng nghe. Hãy khéo
suy niệm.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Đức Phật nói:
“Đây là một chân thể
[03] các ngươi có thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi có thấy
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể
ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã thấy
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể
ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể các ngươi có nghi hoặc
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi có nghi
hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể
ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi có nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật
như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, do tuệ mà thấy chân
thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể
ấy, cũng là pháp hủy diệt, do tuệ mà thấy chân thật như vậy,
thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể, các ngươi đã không còn
nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã không
còn nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể
ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã không còn nghi hoặc
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như
vậy, biết như vậy, tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh
tịnh như vậy, nên chấp trước nó, tiếc nuối nó, thủ trì nó,
không muốn xả bỏ’ và các ngươi biết Ta thường nói thí dụ chiếc
bè, khi qua rồi, những gì bị bít kín, có thể được mở cho chảy
xuôi chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh
tịnh như vậy, nhưng không chấp trước nó, không tiếc nuối nó,
không chủ trì nó, muốn xả bỏ nó’ và các ngươi biết Ta thường
nói thí dụ chiếc bè, khi biết rồi những gì bị bít kín, có thể
được mở chảy xuôi chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi
các ngươi: ‘Này Hiền giả, các ngài có tri kiến thanh tịnh như
vậy, nhưng nó có nghĩa lợi gì, có công đức gì?’ Các ngươi trả
lời thế nào?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ dị học đến hỏi chúng
con: ‘Này Hiền giả, các ngài tri kiến thanh tịnh, như vậy,
nhưng nó có nghĩa lợi gì? Có công đức gì?’ Chúng con sẽ đáp
như sau: ‘Này chư Hiền, nghĩa lợi đó là yểm ly, nghĩa lợi đó
là vô dục, nghĩa lợi đó là thấy biết như thật.’ Bạch Thế Tôn,
nếu có kẻ dị học đến hỏi, chúng con sẽ đáp như vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi
các ngươi, các ngươi nên đáp như vậy. Vì sao? Đây được nói là
sự quán sát: một là thực phẩm phần đoạn, thô hoặc tế, nghi
hoặc xúc; ba là ý niệm, bốn là thức. Bốn loại thực phẩm này
lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, do đâu
mà có? Bốn loại thực phẩm ấy, lấy ái làm nhân, do ái mà tập
khởi, từ ái mà sanh, duyên ái mà có. Ái lấy gì làm nhân, do
cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên gì mà có? Ái lấy thọ
làm nhân, do thọ tập khởi, từ thọ mà sanh, duyên thọ mà có.
Thọ lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh,
duyên đâu mà có? Thọ lấy xúc làm nhân, do xúc mà tập khởi, từ
xúc mà sanh, duyên xúc mà có. Xúc lấy gì làm nhân, do gì mà
tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Xúc lấy sáu xứ làm
nhân, do sáu xứ mà tập khởi, từ sáu xứ mà sanh, duyên sáu xứ
mà có. Sáu xứ lấy gì làm nhân, do gì tập khởi, từ đâu mà sanh,
duyên đâu mà có? Sáu xứ lấy danh sắc làm nhân, do danh sắc mà
tập khởi, từ danh sắc mà sanh, duyên danh sắc mà có. Danh sắc
lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà
có? Danh sắc lấy thức làm nhân, do thức mà tập khởi, từ thức
mà sanh, duyên thức mà có. Thức lấy gì làm nhân, do cái gì tập
khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thức lấy hành làm nhân,
do hành mà tập khởi, từ hành mà sanh, duyên hành mà có. Hành
lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên
đâu mà có? Hành lấy vô minh làm nhân, do vô minh mà tập khởi,
từ vô minh mà sanh, duyên vô minh mà có. Đó là duyên vô minh
có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên
danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ,
duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu
có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi khóc lóc, ưu khổ, ác
não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn, khổ đau này phát sanh.
“Duyên sanh có già, chết. Ở đây nói là duyên
sanh có già, chết, ý các ngươi nghĩ sao?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, duyên sanh có già, chết, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì duyên sanh, có già, chết.”
“Duyên hữu có sanh, ở đây nói là duyên hữu có
sanh, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên hữu có sanh, ý chúng con
như vậy. Vì sao? Vì duyên hữu có sanh.”
“Duyên thủ có hữu, ở đây nói là duyên thủ có
hữu, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên thủ có hữu, ý chúng con
như vậy. Vì sao? Vì duyên thủ có hữu.”
“Duyên ái có thủ, ở đây nói là duyên ái có thủ,
ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên ái có thủ, ý chúng con như
vậy. Vì sao? Vì duyên ái có thủ.”
“Duyên thọ có ái, ở đây nói là duyên thọ có ái,
ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên thọ có ái, ý chúng con như
vậy. Vì sao? Vì duyên thọ có ái.”
“Duyên xúc có thọ, ở đây nói duyên xúc có thọ,
ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên xúc có thọ, ý chúng con
như vậy. Vì sao? Vì duyên xúc có thọ.”
“Duyên sáu xứ có xúc, ở đây nói là duyên sáu xứ
có xúc, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên sáu xứ có xúc, ý chúng con
như vậy. Vì sao? Vì duyên sáu xứ có xúc.”
“Duyên danh sắc có sáu xứ, ở đây nói là duyên
danh sắc có sáu xứ, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên danh sắc có sáu xứ, ý
chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên danh sắc có sáu xứ.”
“Duyên thức có danh sắc, ở đây nói là duyên
thức có danh sắc, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên thức có danh sắc, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì duyên thức có danh sắc.”
“Duyên hành có thức, ở đây nói duyên hành có
thức, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Duyên hành có thức, ý chúng con như vậy. Vì
sao? Vì duyên hành có thức.”
“Duyên vô minh có hành, ở đây nói duyên vô minh
có hành, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên vô minh có hành, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì duyên vô minh có hành.”
Đây là duyên vô minh có hành, duyên hành có
thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên
sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có
thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già,
chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, áo não. Như vậy, toàn bộ khối
lớn khổ đau này phát sanh.
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các
ngươi nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói như vậy. Duyên vô minh
có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên
danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ,
duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu
có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ão
não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn đau khổ này phát sanh.
“Sanh diệt thì già chết diệt, ở đây nói là sanh
diệt thì già, chết diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, sanh diệt thì già, chết diệt, ý
chúng con như vậy. Vì sao? Vì sanh diệt thì già, chết diệt.”
“Hữu diệt thì sanh diệt, ở đây nói hữu diệt thì
sanh diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, hữu diệt thì sanh diệt, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì hữu diệt thì sanh diệt.”
“Thủ diệt thì hữu diệt, ở đây nói là thủ diệt
thì hữu diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, thủ diệt thì hữu diệt, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì thủ diệt thì hữu diệt.”
“Ái diệt thì thủ diệt, ở đây nói ái diệt thì
thủ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, ái diệt thì thủ diệt, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì ái diệt thì thủ diệt.”
“Thọ diệt thì ái diệt, ở đây nói thọ diệt thì
ái diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, thọ diệt thì ái diệt, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì thọ diệt thì ái diệt.”
“Xúc diệt thì thọ diệt, ở đây nói xúc diệt thì
thọ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, xúc diệt thì thọ diệt, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì xúc diệt thì thọ diệt.”
“Sáu xứ diệt thì xúc diệt, ở đây nói sáu xứ
diệt thì xúc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý
chúng con như vậy. Vì sao? Vì sáu xứ diệt thì xúc diệt.”
“Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ở đây nói danh
sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý
chúng con như vậy. Vì sao? Vì danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.”
“Thức diệt thì danh sắc diệt, ở đây nói thức
diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, thức diệt thì danh sắc diệt, ý
chúng con như vậy. Vì sao? Vì thức diệt thì danh sắc diệt.”
“Hành diệt thì thức diệt, ở đây nói hành diệt
thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, hành diệt thì thức diệt, ý chúng
con như vậy. Vì sao? Vì hành diệt thì thức diệt.”
“Vô minh diệt thì hành diệt, ở đây nói vô minh
diệt thì hành diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, vô minh diệt thì hành diệt, ý
chúng con như vậy. Vì sao? Vì vô minh diệt thì hành diệt.”
Đây là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt
thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì
sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt,
thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu
diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, chết diệt,
sầu bi, khóc lóc, ưu não diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ
này bị diệt.
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, các ngươi
nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói như vậy. Vô minh diệt thì
hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc
diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt,
xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ
diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt
thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não diệt. Như
vậy toàn vẹn khối lớn đau khổ này cũng diệt.”
Đức Thế Tôn lại khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với quá khứ có nghĩ: ”Ta có
trong thời quá khứ, hay ta không có trong thời quá khứ? Ta có
trong thời quá khứ như thế nào? Do gì mà có trong thời quá khứ
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với vị lai có nghĩ rằng: Ta
sẽ có trong đời vị lai hay sẽ không có trong đời vị lai? Có
trong đời vị lai như thế nào? Do đâu mà có trong đời vị lai
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với bên trong mà có nghi hoặc
rằng: Đây là thế nào? Đây là cái gì? Chúng sanh này từ đâu
đến? Sẽ đi về đâu? Do nhân gì mà đã có? Do nhân gì mà sẽ có
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có giết cha mẹ, hại đệ tử Phật,
giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, có ác ý với Phật, làm đổ
máu Như Lai chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có phạm giới, xả giới, bỏ đạo
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như
vậy, biết như vậy, các ngươi có bỏ nội đạo mà tìm đến ngoại
đạo để tìm ruộng phước chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có đối với Sa-môn Phạm chí mà nói
như vầy: ‘Chư Tôn, các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều
đáng biết’ chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có cho lễ cát tường
[04] là thanh tịnh chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có thấy những kiến chấp liên hệ
đến lễ cát tường của các Sa-môn Phạm chí xen lẫn khổ, xen lẫn
độc hại, xen lẫn phiền nhiệt, xen lẫn ảo não, là chân thật
chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi khi thân thể bệnh hoạn, rất là
đau đớn, đến gần như tuyệt mạng bèn bỏ nội đạo tìm đến ngoại
đạo, tìm đến những Sa-môn Phạm chí kia những người trì loại
chú một câu, chú hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm
câu, nói rằng: ‘Xin trì chú này để tôi thoát khổ.’ Đó là tìm
đến sự khổ, tập khởi sự khổ mà mang diệt tận khổ được chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có chấp thủ sự tái sanh không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như
vậy, thấy như vậy, các ngươi có nói như vầy: ‘Chúng ta cung
kính Sa-môn, kính trọng Sa-môn, Sa-môn Cù-đàm là Bậc Tôn Sư
của chúng ta chăng?’.”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi bằng sự tự
biết, tự thấy, tự giác đối với sự chứng đắc tôi chánh giác,
các ngươi có tùy theo những điều được hỏi mà trả lời chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Ta chân chánh điều ngự
các ngươi đối với pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không
nhiệt, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí,
được thấy bởi chánh trí, được giác ngộ bởi chánh trí, vì lý do
đó mà Ta đã nói rằng: Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp
hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường hằng,
không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh
trí, được giác ngộ bởi chánh trí.
“Lại nữa, có ba sự kiện hội hợp để thác vào
thai mẹ. Đó là cha mẹ tụ tập tại một chỗ, người mẹ trong thời
kỳ có thể thọ thai, và hương ấm đã đến. Do ba sự kiện này hợp
hội mà thác vào thai mẹ. Thai mẹ kéo dài chín tháng hay mười
tháng rồi sanh. Sau rồi được nuôi dưỡng bằng máu. Máu đó ở
trong Thánh pháp gọi là sữa mẹ. Rồi thì các căn lớn dần cho
đến thành tựu, ăn cơm, ăn cháo, dầu tô thoa mình, rồi mắt nó
thấy sắc, ưa thích sắc đẹp, ghét bỏ sắc xấu. Nó không lập niệm
tại thân, với một tâm nhỏ mọn; nó không như thật biết tâm giải
thoát, tuệ giải thoát, những pháp ác bất thiện được sanh ra,
không bị diệt tận vô dư, không bị hủy hoại, không dư tàn. Tai,
mũi, lưỡi, thân ý cũng như vậy. Ý biết pháp, ưa thích cái đẹp,
ghét bỏ cái xấu. Nó không lập niệm tại thân, với một tâm nhỏ
mọn. Nó không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Những pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận vô dư,
không bị hủy hoại, không dư tàn. Nó tùy những gì ưa, ghét mà
lãnh nạp cảm thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc, không
khổ. Nó hoan lạc với cảm lạc ấy, tìm cầu, chấp trước, chấp thủ
cảm thọ ấy. Nó sau khi hoan lạc với cảm thọ ấy, tìm cầu chấp
trước, chấp thủ cảm thọ ấy rồi. Nếu nó là cảm thọ lạc, vì do
chấp thủ và duyên thủ mà có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh
có già chết, ưu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não. Như vậy toàn vẹn
khối lớn khổ đau này phát sanh.
“Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ
để sự tương tục trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa
Tử chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ để sự tương
tục bị trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử.”
“Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước,
Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu. Mắt vị ấy thấy sắc, nhưng đối với sắc đẹp không hoan lạc
chấp trước, đối với sắc xấu không ghét bỏ. Vị ấy lập niệm tại
thân với một tâm vô lượng, biết như thật là tâm giải thoát,
tuệ giải thoát, các pháp ác bất thiện đã sanh bị tận diệt vô
dư, bị hủy hoại không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng
như vậy. Ý biết pháp đối với cái đẹp không hoan lạc, chấp
trước, đối với cái xấu không ghét bỏ. Lập niệm tại thân với
một tâm vô lượng. Biết như thật là tâm giải thoát, tuệ giải
thoát, các pháp bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị hủy
hoại không dư tàn. Vị ấy như vậy, diệt những gì yêu ghét được
lãnh nạp bởi thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc không
khổ. Vị ấy không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm cầu,
không chấp trước, không chấp thủ cảm thọ ấy. Do không hoan lạc
theo cảm thọ ấy, không tìm cầu, không chấp trước, không chấp
thủ theo cảm thọ ấy, nếu có cảm thọ lạc, nó liền diệt. Lạc
diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh
diệt, sanh diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ,
ảo não cũng diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này đều
diệt.
“Này Tỳ-kheo, đây há không phải là đầy đủ về ái
diệt, giải thoát chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ về ái diệt
giải thoát.”
Khi nói pháp này, ba ngàn đại thiên thế giới ba
lần chấn động, hết động lại động nữa, hết rung lại rung nữa,
hết rền lại rền nữa. Cho nên kinh này gọi là: ”Ái tận giải
thoát.”
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau
khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
-
[01] Tương
đương Pāli: M.38. Mahā-Tahāsankhaya-sutta.
-
[02] Trà-đế
Kê-hòa-đa Tử. Sāti Kevaa Putta, con người đánh cá.
-
[03] Chân
thuyết; Pāli: Phūta. Được hiểu là một thực thể, một sự hữu,
một sinh vật. Trong văn mạch bản Hán, cần phải hiểu là ”Một
sự vật đang hiện hữu”.
-
[04] Cát
tường; Pāli: mangala: có nghĩa “cát tường” mà cũng có nghĩa
là ‘lê đàn’, ở đây nên hiểu theo nghĩa sau.