KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
18. PHẨM LỆ
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật Niết-bàn không lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Lúc bấy giờ có một Phạm chí dị học, vốn là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia, sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên nói với Tôn giả A-nan rằng:

“A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, muốn hỏi cứ hỏi, Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Dị học Phạm chí bèn hỏi:

“Sự kiện như vầy. Những quan điểm[02] này bị gác lại [03], bị loại bỏ, không được giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên[04]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt [05]; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt duyệt?’ Sa-môn Cù-đàm có biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, sự kiện như vầy. Đối với những quan điểm này, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, biết các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết.”

Phạm chí dị học lại hỏi:

“Sự kiện như vầy. Những quan điểm này Sa-môn Cù-đàm gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Sa-môn Cù-đàm biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, sự kiện như vầy. Những quan điểm này được Đức Thế Tôn, Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Này Dị học Phạm chí, kiến như vậy, thủ như vậy, sanh như vậy, đến đời sau như vậy, những vấn đề như vậy là điều mà Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu biên hay thế giới vô biên, thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Những quan điểm ấy được biết như vậy. Các quan điểm ấy phải được biết như vậy.”

Dị học Phạm chí bạch rằng:

“A-nan, nay tôi tự quy A-nan.”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, ông đừng tự quy nơi tôi. Cũng như tôi tự quy y nơi Phật ông cũng nên tự quy như vậy.”

Dị học Phạm chí nói:

“A-nan, nay tôi tự quy Phật, Pháp, và Tỳ-kheo Tăng. ‘Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy cho đến tận mạng’.”

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Dị học Phạm chí nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, A.7.51. Avyākata. Hán, biệt dịch, No.93.
[02] Kiến. Pāli: dihigata, thường được dịch là kiến thú, xu hướng của kiến chấp.
[03] Xả trí, chỉ những vấn đề thuộc bất khả thuyết. Xem ý nghĩa, Kinh 222 ở sau. Pāli avyākāta, vô ký.
[04] Nguyên Hán: thế hữu để, thế vô để, dịch sát: “thế gian có đáy hay không có đáy”.
[05] Nguyên Hán: Như Lai chung, bất chung.
-ooOoo-