Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG

ÐƯỜNG TU KHÔNG HAI
(Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận)
Minh Tâm
Nhà Xuất Bản Thanh Văn - USA 1991

02- PHẨM PHƯƠNG TIỆN
 
Trong các Kinh Phật, nhân vật chính thường là Ðức Phật Thích Ca, A Di Ðà, Dược Sư... hoặc các Ðại Bồ Tát Quán Thế âm, Di Lặc, Ðịa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền... hoặc các Thanh văn Ðại Ðệ Tử Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp, Tu Bồ Ðề..., các Thanh Văn đem những chỗ chưa hiểu biết hay còn nghi ngờ ra thưa hỏi để Phật dạy cho nghe, hoặc chính Phật gọi các đệ tử ra dạy trực tiếp, như Kinh A Di Ðà, đó là lối vô vấn tư thuyết. Ở đây, người giữ vai trò chính lại là một cư sĩ tại gia, nhưng không phải một cư sĩ tầm thường, mà là một người đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, sâu trồng cội lành, được vô sinh pháp nhẫn, du hí thần thông, được chư Phật khen ngợi, Ðế Thích Phạm Vương (là các Vua Trời), Vua Quan thế gian, Bà La Môn, dân chúng thảy đều kính trọng. 
Chúng ta thường phân biệt có hai hạng đệ tử Phật: xuất gia và tại gia. Xuất gia có ba nghĩa cao siêu, đứng về Lý: 
1) Xuất phiền não chi gia: ra khỏi nhà phiền não, tội lỗi. 
2) Xuất vô minh chi gia: ra khỏi nhà vô minh, tối tăm. 
3) Xuất tam giới chi gia: ra khỏi nhà ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). 
Xuất gia còn một nghĩa thứ tư, đứng về Sự, đó là xuất thế tục chi gia: ra khỏi nhà thế tục, rời bỏ gia đình vợ con quyến thuộc, địa vị trong xã hội để vào chùa, tu hành đạo giải thoát, giữ giới trì trai, diệt trừ phiền não, đoạn hết vô minh, vượt khỏi ba cõi.
Ðệ tử tại gia là những người còn ở trong nhà thế tục, có gia đình và bổn phận đối với xã hội, họ hàng, cha mẹ, vợ con, bè bạn... Phần đông người tại gia vì còn bận rộn việc đời, tu hành chưa rốt ráo, trí tuệ chưa sáng suốt, chưa ra khỏi nhà phiền não, nhà vô minh, nhà ba cõi; nhưng cư sĩ Duy Ma Cật đây là trường hợp đặc biệt, ông đã chứng quả vô sinh, ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, nhưng vì muốn cứu độ chúng sinh nên dùng phương tiện thị hiện trong đời làm trường giả. 
Ðoạn kinh này muốn nói lên lý Bất Nhị, đừng phân biệt xuất gia tại gia, cao thấp, tịnh uế... mà thấy rằng các đệ tử Phật tuy hai mà một, xuất gia hay tại gia ai tu hành tinh tấn, diệt hết vô minh, phát huy trí huệ sẵn có là được giác ngộ và giải thoát. 
Danh từ cư sĩ được định nghĩa là một đệ tử Phật tu tại gia, có gia đình vợ con, có địa vị và bổn phận trong xã hội, nhưng giữ tròn các giới cấm (năm giới căn bản hoặc 58 giới Bồ Tát), tu hành các lời Phật dạy, thực hành Bồ Tát Ðạo, quên mình làm lợi ích cho chúng sinh, tuy thân còn lẫn lộn trong cõi trần ô trược, nhưng tâm đã thanh tịnh không nhuốm bụi trần (cư trần bất nhiễm trần, thị danh cư sĩ). 
Theo định nghĩa trên, muốn làm cư sĩ không phải là dễ, số người xứng danh cư sĩ không có bao nhiêu. Bây giờ người ta thường dùng danh từ cư sĩ để chỉ các đệ tử Phật tại gia, tức là các ưu-bà-tắc và ưu-bà-di là những người thân cận ngôi Tam Bảo để phụng sự cúng dường và tu học, như thế là lạm dụng và gượng ép. Phần đông chúng ta chỉ nên nhận là Phật Tử tại gia mà thôi, dành chư cư sĩ cho những vị đã thanh tịnh tu hành tiến xa trên đường Ðạo. 
Ở phẩm Phật Quốc, người đứng ra bạch Phật xin được nghe pháp là Cư Sĩ Bảo Tích. Ðến phẩm Phương Tiện này, nhân vật quan trọng được nói đến là Cư Sĩ Duy Ma Cật, ông phương tiện hiện thân có bệnh để các người tới thăm, rồi nhân đó mà nói Pháp dạy dỗ khuyến khích mọi người tu hành. Rõ ràng là Kinh này muốn đề cao vai trò cư sĩ thực hành Bồ Tát Ðạo, lợi tha, giác tha, nhưng vẫn không làm giảm giá trị của hàng xuất gia, đại diện là Bồ Tát Văn Thù tới luận Ðạo với Cư Sĩ Duy Ma Cật, cả hai vị đều đạt lý Bất Nhị, xa lìa các vấn đáp, im lặng vào pháp môn Không Hai. Quý vị độc giả chờ đọc tới Phẩm thứ IX sẽ rõ. 
Phẩm thứ II này được gọi là phẩm Phương Tiện. Phương là phương pháp, tiện là tiện dụng. Phương tiện, do chữ Phạn Upaya, là những biện pháp đem ra dùng để tiện bề thích hợp với căn cơ, với hoàn cảnh, với thời đại, với trình độ tiến hóa của một chúng sinh, một dân tộc, một xã hội, một quốc gia.... Trong Phật Giáo, phương tiện là những gì thiết lập tạm thời để dùng vào mục đích khai ngộ, giúp người khác chứng hiểu Chân Lý. Phương tiện có thể là hành động hoặc ngôn từ. Các bậc đại sư thường hay có phương tiện trí (Upaya Jnana) tức là khả năng sáng tạo những phương tiện thích ứng với mọi căn cơ, mọi trường hợp. 
Chân Lý chỉ có thể thực chứng chứ không thể diễn bày. Giáo lý nhà Phật không có mục đích trình bày Chân Lý mà phải được xem như là những phương tiện hướng dẫn người tu hành trong việc thực chứng Chân Lý. Những phương tiện muốn được thành công cần phải khế cơ nghĩa là hợp với căn trí của từng cá nhân hay từng nhóm người, đáp ứng đúng những trường hợp riêng rẽ đặc biệt. Một phương tiện không thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Vì vậy các Ðạo Sư phải sáng tạo ra vô số phương tiện khác nhau. Ðức Phật dạy 84 ngàn pháp môn tức là 84 ngàn cửa đi vào tòa nhà Chân Lý, các pháp môn công phu tu hành như niệm Phật, thiền, đọc chú, lễ lạy, các pháp khí như tượng Phật, kinh điển, sách vở, chuông mõ, thực hành Lục Ðộ, Tứ Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên... tất cả đều là phương tiện. 
Một trong những công năng lớn của phương tiện là phá chấp, đập vỡ những thành kiến cố chấp để giúp người tu hành thoát ra ngoài sự kiềm chế của tri thức và ảo giác mà họ đang bám víu hay mắc kẹt. Trong Ðạo Phật, một trong những chướng ngại cho sự giác ngộ là những kiến thức đã thu thập được, gọi là Sở Tri Chướng. Sự hiểu biết của con người dù là chân thật hay ảo giác đều được xây dựng trong thế giới khái niệm. Nếu ta ôm chặt những khái niệm ấy, ta sẽ bị kẹt hoài trong vòng Biến-Kế-Sở Chấp mà không có cơ hội thể nhập thực tại. 
Danh từ phương tiện luôn luôn đi đôi và đứng đối lập với danh từ cứu cánh. Phương tiện không phải là cứu cánh, phương tiện là giả, cứu cánh là thật. Các Kinh Ðại Thừa đề cao phương tiện, nương phương tiện để đạt cứu cánh, nương ngón tay để thấy mặt trăng, nhờ bè mà sang tới bờ bên kia. Nhưng đừng lầm phương tìện vớì cứu cánh, đừng nhìn ngón tay mà quên mặt trăng. Khi đạt cứu cánh rồi thì phải bỏ phương tiện, tới bờ rồi thì bỏ bè lại, đừng vác lên vai làm gì cho nặng nề vô ích. Phương tiện nếu bị nhận lầm là cứu cánh thì không còn có ích lợi mà lại làm cản trở việc tìm Chân Lý. Kinh Pháp Hoa đưa ra thí dụ ba xe là muốn nói Phật phương tiện chia Phật Ðạo Nhất Thừa làm ba thừa, khi ra khỏi nhà lửa thì được xe lớn tốt đẹp hơn nhiều đó là Phật Thừa, chỉ có một, không hai, không ba. 
Chúng ta được đọc nhiều câu chuyện các Thiền Sư dùng phương tiện dạy đệ tử vượt qua những chỗ kẹt do chấp trước mà ra, Ngài Ðơn Hà chẻ tượng Phật, các Tổ quát mắng, nắm mũi đệ tử hoặc ném đá xuống nước, có khi im lặng không nói... đều là dùng phương liện để khai thông cho đệ tử, mắc kẹt chỗ nào thì gỡ chỗ đó, không ai giống ai. 
Bây giờ chúng ta đi sâu vào từng câu từng chữ trong phẩm Phương Tiện: Trưởng Giả Duy Ma Cật đã từng cúng dường vô lượng các Ðức Phật, nghĩa là ông đã tu hành nhiều đời nhiều kiếp, có duyên lớn gặp nhiều Phật để hy sinh cúng dường, mà thứ cúng dường quý hơn hết là Pháp cúng dường: hy sinh hết thảy cho Chánh Pháp, sống đúng với Chánh Pháp, đem Chánh Pháp ra truyền bá cho tất cả chúng sinh vì Phật đã dạy: Pháp cúng dường là lối cúng đường cao cả nhất. 
Phật là đấng giác ngộ, cúng dường vô lượng Phật là hy sinh của báu thế gian để dâng lên Ðấng giác ngộ, ngõ hầu được giác ngộ như Phật. Phật đã ra ngoài ba cõi, đâu còn hưởng những của báu thế gian làm gì? Vậy cúng dường vô lượng Phật nên được hiểu theo nghĩa ẩn là hy sinh mọi lạc thú thế gian để được giác ngộ, bỏ đi những của cải vật chất để phát huy những đức tánh Từ Bi Hỷ Xả, tu hành Lục Ðộ vạn hạnh, Trí Huệ được sáng suốt. Phật là Pháp, cúng dường Phật là cúng dường Pháp, là thực hành Pháp, là sống đúng với Chánh Pháp. 
Cúng dường vô lượng Phật còn có một nghĩa rộng nữa là làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Phật là Phật đã thành, là Như Lai xuất triền, còn chúng sinh là Phật sẽ thành, là Như Lai tại triền. Tâm, Phật chúng sinh tam vô sai biệt, vậy cúng dường chư Phật là làm lợi ích cho chúng sinh. 
Sâu trồng cội lành là đã làm nhiều công đức trong nhiều đời nhiều kiếp, đã gieo trồng nhiều hột giống lành vào A Lại Da Thức, đã làm nhiều việc tốt, đã tạo nhiều duyên lành, nhân tốt thì quả ngọt, luật nhân quả, duyên khởi, nghiệp báo không hề sai lầm. 
Biện tài vô ngại là có tài nói năng biện thuyết trôi chảy, không bị ngập ngừng mà vẫn đúng với Chân Lý. Một nhà hùng biện, một giáo sư nổi danh ở đời có tài nói lưu loát, nhưng chỉ thông thạo một vấn đề chuyên môn của mình, nếu bị hỏi sang lãnh vực khác thì bị kẹt, như vậy không gọi là biện tài vô ngại được. Ðây là không nói đến những thuyết khách dụng xảo ngôn để gạt gẫm thuyết phục người nghe, những kẻ lớn tiếng thao thao bất tuyệt để lấn áp người khác, những kẻ dùng lời nói thêu dệt nịnh bợ người khác để lừa dối nghe theo ý họ, hoặc để che giấu những lỗi lầm, chối bỏ những tật xấu. Có biện tài vô ngại trong Phật Giáo là nhờ học hỏi chân chánh nên nắm vững vấn đề, tâm ý và lời nói được thông suốt rành rẽ, đúng sự thật, việc làm đúng với lời nói có mục đích lợi lạc chúng sinh khiến người nghe vui vẻ mà tin theo, không hề bị áp bức mà phải tuân lệnh. 
Du hí thần thông. Du là chơì, Hí là vui, thần thông nói cho đủ là Thần Túc Thông nghĩa là có phép biến hóa các thân hình, biến chỗ này hiện chỗ kia, bay đi qua lại các cõi, được tự tại vô ngại không bị vật chất ngăn trở. Du hí thần thông là có pháp thuật biến hiện khắp nơi, lấy sự hóa độ chúng sinh làm vui. Cũng có nghĩa là chứng ngộ Chân Tánh, hiển phát oai lực, xuất nhập dễ dàng không bị ngăn ngại, do trí huệ sáng suốt, tự nhiên không cầu mà có thần thông, khác với những phép lạ của ngoại đạo do tu luyện mong cầu mà được, với mục đích tự lợi mà thôi, nên còn bị ngăn ngại. 
Trưởng giả Duy Ma Cật nhờ có du hí thần thông mà dùng phương tiện thị hiện các thân hình ở các cõi để hóa độ chúng sinh, thị hiện có bệnh để mọi người tới thăm, nhân cơ hội gặp gỡ nhiều người mà nói pháp. 
Tổng Trì, dịch nghĩa chữ Phạn Dharani phiên âm là Ðà La Ni, có nghĩa là công năng giữ gìn các pháp lành không cho mất, các pháp dữ không cho sinh. Ðà La Ni có bốn thứ: 
1) Pháp Ðà La Ni: đối với các pháp Phật dạy, người nghe nắm giữ không quên. 
2) Nghĩa Ðà La Ni: nắm giữ không quên những nghĩa lý sâu xa. 
3) Chú Ðà La Ni: do sức thiền định, phát ra những lời bí mật có oai lực thần hiệu lớn lao không lường, gọi là Thần Chú. 
4) Nhẫn Ðà La Ni: An trú nơi Thật Tướng của các Pháp. 
Các bài thần chú hay chân ngôn đều giữ nguyên tiếng Phạn chứ không dịch ra tiếng Tàu hay tiếng Việt vì thuộc phần mật kín của Kinh tạng. Kinh tạng gồm có hai phần: Hiển và mật. Phần hiển thì được dịch nghĩa, diễn giảng, bình luận để hiển lộ Chân Lý cho mọi người đều thấy. Phần mật thì chỉ Phật với Phật mới hiểu thấu được, chúng sinh chỉ dùng lòng tin rnà dụng đọc. 
Bồ Tát Long Thọ giải nghĩa Ðà La Ni là Năng Trì và Năng Già. Năng Trì là hay nắm giữ mọi điều lành tốt đã tạo được, không để cho tan mất, ví như một cái bình đựng nước không cho chảy rỉ. Năng Già là hay che lấp, không cho các niệm ác phát sinh đâm thọc vào, hoặc khi niệm ác phát sinh thì nắm giữ lại không cho tác động. 
Vậy Ðà La Ni có công năng giúp người tu hành nắm giữ các điều thiện đã làm được và ngăn che các điều ác không cho phát sinh ra. Sở dĩ chư Tổ không dịch các bài chú mà chỉ đọc nguyên chữ Phạn phiên âm, vì hễ dịch nghĩa là lạc vào vòng danh từ ngôn từ kẹt trong trí phân biệt: Cứ để nguyên tiếng Phạn thì vừa không hiểu nghĩa, vừa trúc trắc khó đọc, người trì chú phải đặt hết tâm trí vào, cứ đọc như máy, không hiểu nghĩa thì ý thức không tác động, lần lần đạt được cái Tâm vô phân biệt, tức là làm sáng tỏ Căn Bản Trí mà ai cũng có. 
Đà La Ni là tâm ấn của Phật. có một thần lực gia trì không thể nghĩ bàn, ví như bí phù của Vua trao cho vị tướng cầm quân dẹp giặc nơi xa, ai cũng phải tuân lệnh, kẻ nghịch phải phục tòng. Người tu hành tuy đã tinh tấn nhưng trong A Lại Da Thức vẫn chứa sẵn nhiều hột giống ác, tập khí nhiều đời vẫn còn tiềm phục, vậy cần phải có một định lực kiên cố để khắc phục, niệm chú là một phương pháp vô phân biệt để có Ðịnh. Trì chú giúp người tu hành có thêm thần lực, tâm không phân biệt, trừ hết vọng tưởng, mà vọng hết thì Chân hiện, cái Chân Tâm ấy là tuyệt đối, vượt khỏi vòng ngôn ngữ, văn tự nghĩa lý. 
Những người tu theo Mật Tông chuyên trì chú, nhưng cần đọc đúng giọng, khi bổng khi trầm, lúc mau lúc chậm, riêng một chữ ÚM hay chữ HÙM là phải có công phu tu luyện lâu dài mới đọc đúng giọng được. Ðây là một phương pháp dùng âm thanh cảm thông với chư Phật, dùng làn sóng từ tính (magnetic) sao cho cùng một làn sóng điện, cùng cường độ rung động với Phật, với Chân Tâm thì sẽ có cảm ứng, oai lực phát sinh. Phật, Tâm đều thanh tịnh, khi chúng sinh cảm ứng với Phật với Tâm thì cũng được thanh tịnh. Trì chú cũng còn là phương pháp đọc những tiếng khó đọc, lại không hiểu nghĩa, để cột chặt miệng lưỡi ý thức, vọng tâm không cho điên đảo vọng động chạy theo trần cảnh bên ngoài, mà phải quay vào bên trong, tập trung tâm ý vào một nơi thì Ðịnh sẽ phát sinh, đưa tới Trí Huệ. 
Sức vô úy là sức mạnh không sợ sệt gì nữa. Trong các thứ bố thí có vô úy thí là quý nhất, nghĩa là ban cho chúng sinh sự không sợ hãi. Chúng sinh hay sợ bệnh, sợ già, sợ chết, sợ mất của, sợ chia lìa, sợ khổ, sợ ma... nay   hiểu được Phật Pháp, nắm vững lý vô ngã, luật vô thường, nhân quả, duyên khởi, nghiệp báo... thì không còn sợ hãi gì. Hết sợ thì tâm an định thanh thản tự tại hết mộng tưởng điên đảo, hưởng Niết Bàn an lạc. 
Hàng phục ma oán; Ma có hai loại: nội ma và ngoại ma. Nội ma là những thói hư tật xấu, thú tính thấp hèn, dục vọng điên cuồng, chủng tử độc ác tham sân si... tiềm ẩn, ngủ ngầm trong lòng chúng ta và luôn luôn chờ cơ hội hiện hành, tác động xúi giục chúng ta làm những điều xằng bậy, cản trở chúng ta đi về nẻo giác. Nội ma rất khó trị, chỉ có Trí Huệ sáng suốt và công phu tu hành sâu dày mới trừ được chúng. 
Ngoại ma là những trần cảnh bên ngoài lôi cuốn chúng ta vào đường tội lỗi: thầy tà bạn ác, ngũ dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nghỉ), đời sống khó khăn... thường thúc đẩy chúng ta phạm tội. Ngoài ra, còn được gọi là ma những hương linh chưa đi tái sinh, còn vơ vẩn nơi bờ sông ngọn cỏ, bụi cây, có thể hiện hình khiến người ta sợ hãi. Danh từ ma, do phiên âm chữ Phạn Marat dịch là Ma Vương, chuyên làm chướng ngại người tu hành. Khi Thái Tử Tất Ðạt Ða ngồi thiền định dưới cội Bồ Ðề sắp thành chánh quả, Ma Vương sợ hãi liền sai ba con gái thật đẹp (ma nữ) hiện ra trước Thái Tử để quyến rũ, một cô gảy đàn, một cô ca hát, một cô uốn mình nhảy múa, hòng dùng sắc đẹp âm thanh mê hoặc Thái Tử, nhưng Thái Tử an nhiên tự tại, tâm không động, bảo rằng: “Các túi da nhơ bẩn kia hãy đi nơi khác, ta không dùng.” Ba ma nữ liền biến mất. 
Ðây là một ẩn dụ diễn tả Thái Tử đã chiến thắng si mê dục vọng trong lòng, mà cũng có thể là những hột giống tham ái tiềm ẩn bên trong, nay xuất hiện dưới hình thức ma nữ để cám dỗ và làm cản trở con người sắp thoát khỏi vòng ảnh hưởng của chúng. Thắng được những con ma này không phải là dễ, và chính nhờ chiến thắng oai hùng này mà Thái Tử Tất Ðạt Ða thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. 
Trên đường tu hành, chúng ta chắc chắn sẽ gặp nhiều loại ma như trong Kinh đã nói: nào Thiên Ma Ba Tuần, nào ngũ ấm ma, nào ma vương ma nữ, nào nội ma ngoại chướng, chúng ta cần có trí huệ sáng suốt để hàng phục ma oán, thoát ra ngoài vòng lưới nguy hiểm của tham sân si, vượt qua khỏi mọi trở ngại thử thách, giữ tâm như gỗ đá trước mọi cám dỗ, giữ tâm như đất trước mọi trái ý nghịch lòng, dùng gươm trí huệ để chặt đứt phiền não trói buộc, nhờ Chánh Kiến và Chánh Tinh Tấn mà bước qua mọi cạm bẫy hầm hố chông gai... thì chủng tử ác sẽ tiêu lần, mọi hắc ám tối tăm sẽ tan biến trước sự xuất hiện của mặt trời trí huệ. 
Danh từ oán có nghĩa là oán gíận, căm hờn, thù hằn nằm sẵn trong lòng, chỉ chờ dịp là vùng dậy, xuất hiện phá phách trả thù. Oán là do các nghiệp dữ mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ, những nhân ác gây buồn khổ cho các chúng sinh. Khi đủ duyên thì các hột giống oán hận tác động kết thành quả đắng mà chúng ta phải lãnh chịu, các chúng sinh sẽ gây ra các điều chướng ngại để trả oán khiến chúng ta phải khổ sở ân hận buồn rầu đau đớn. Người có trí huệ thực hành bốn Tâm Vô Lượng Từ Bi Hỷ Xả, tu pháp vô ngã, xả hết oán thù thì tâm được an định tự tại, biến oán thành thân, cải thù thành bạn, chỉ thấy tất cả chúng sinh là một, không hai, không khác. Vậy hàng phục ma oán là diệt trừ các dục vọng xấu xa thấp hèn, tham sân si phiền não vô minh là những chướng ngại trên đường giải thoát. 
Thấu rõ pháp môn thâm diệu. Ở đây, chữ pháp môn có nghĩa là phương pháp tu hành, là những lời dạy của Phật làm phép tắc khuôn mẫu cho các đệ tử nương vào đó mà được nhập Ðạo, ví như đi qua cửa mà vào nhà. Kinh Phật thường nói có 84 ngàn pháp môn là muốn ám chỉ các phương pháp tu hành thì rất nhiều. Phật là thầy thuốc giỏi tùy bệnh cho thuốc, bệnh nhiều thứ thì thuốc cũng phải nhiều loại. Chân Lý chỉ có một, nhưng đường lối đi tới Chân Lý thì nhiều, ví như một ngôi nhà có nhiều cửa, chúng sinh tùy căn cơ, tùy ý thích, tùy sức mà chọn một lối đi, một cửa vào, một pháp môn thích hợp, miễn làm sao bước qua cửa vào trong nhà là được, cửa nào cũng vậy, pháp môn nào cũng thế, hễ vào được nhà, nhập được Ðạo, thấy được Chân Lý là tốt, là cao quý. 
Ngoài ý nghĩa thông thường nói trên, danh từ Pháp Môn Bất Nhị có một ý nghĩa cao siêu để chỉ cái Chân Lý tuyệt đối, tương đương với Chân Tâm, Phật Tánh, Chân Như, Bồ Ðề, Viên Giác, Lý Tánh, Bản Thể, Ðạo, KHÔNG,... Ðây là những danh từ rnà các tôn giáo và triết học tạm dùng một cách gượng ép để chỉ cái tuyệt đối siêu việt vượt ra ngoài vòng danh từ ngôn ngữ tâm duyên, chỉ khi nào chứng ngộ mới biết rõ mà thôi. 
Trong phẩm thứ IX của Kinh này, Cư Sĩ Duy Ma Cật hỏi các vị Bồ Tát: “Thế nào là Bồ Tát vào Pháp Môn Bất Nhị ?” tức là thể nhập Chân Lý tuyệt đối. Mỗi Bồ Tát tùy theo chỗ hiểu của mình mà nói. Ðến lượt Bồ Tát Văn Thù phát biểu ý kiến: “Không nói không rằng, không chỉ không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào Pháp Môn Không Hai.” Rồi ngài Văn Thù hỏi ông Duy Ma Cật ông này im lặng không nói. Bồ Tát Văn Thù khen rằng: “Hay thay ! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là vào Pháp Môn Không Hai.” 
Thâm là sâu, diệu là nhiệm mầu. Thấu rõ pháp môn thâm diệu là thấy biết rõ ràng phương pháp sâu kín nhiệm mầu để vào cửa Ðạo, và cũng có ý nghĩa cao siêu hơn, đó là thâm nhập Chân Lý, minh tâm kiến tánh, chứng ngộ lý KHÔNG, đạt tới tuyệt đối. 
Khéo nơi trí độ. Trí là trí huệ, độ là vượt sang bờ bên kia, dịch nghĩa chữ PRAJNA PARAMITA, phiên âm là Bát Nhã Ba La Mật Ða. Khéo nơi trí độ là ngưởi tu hành đã phát huy được cái trí huệ sẵn có của mình, vượt qua sông mê bể khổ sang tới bờ bên kia là bờ giác ngộ và giải thoát. Cao hơn một bực, có nghĩa là người tu hành đã thức tỉnh và thấy mình vẫn ở bờ bên kia. 
Nói bờ bên kia là phải có bờ bên này, ở giữa là dòng sông phiền não sinh tử ngăn cách đôi bờ. Phật Giáo Nam Tông dạy: Chúng sinh ở bờ bên này chịu khổ sở, tham sân si trói buộc, vô minh che lấp Chân Tánh nên mê mờ vọng tưởng điên đảo, luân hồi..., phải cố gắng tu hành vượt qua sông phiền não sinh tử sang tới bờ bên kia là giác ngộ, giải thoát, an lạc, hết sinh tử luân hồi, đắc Niết Bàn. 
Cùng một ý ấy, nhưng Phật Giáo Ðại Thừa dạy hơi khác: không có đôi bờ bên này và bên kia, không có dòng sông phiền não sinh tử, mà chúng sinh có đầy đủ tánh Phật, vốn là giác ngộ giải thoát, chỉ vì một niệm bất giác nổi lên, như người mê ngủ nằm chiêm bao cảm thấy có hai bờ sông, mình ở bên này, xa cách với bờ bên kia muôn trùng. Khi tỉnh giấc mộng, mở con mắt Ðạo, thì thấy mình vẫn tự tại giải thoát, chẳng có dòng sông, chẳng có đôi bờ. Ðể diễn tả lý ẩn thâm diệu này, Kinh Pháp Hoa đưa ra hai tỷ dụ: anh cùng tử và anh say rượn. Anh cùng tử không biết mình là con ông trưởng giả gìau sang, cứ cam tâm chịu khổ làm thuê làm mướn bẩn thỉu dơ dáy, khi được cha chỉ bày mới biết mình thật là con, được sung sướng. Anh say rượu được bạn cbo viên ngọc cột vào vạt áo mà khôug biết, cứ cam phận nghèo hèn, đến khi bạn gặp lại nói cho biết mới đem ngọc ra buôn bán và được giàu có. 
Kinh điển Phật Giáo thường có câu “Quay đầu lại là bờ, đồ tể bỏ đao thành Phật” là có ý dạy chỉ cần chuyển tâm hướng về giác ngộ, hết mê là giác, hết mộng là thật, rất mau trong giây phút mà thôi. Nhưng làm thế nào để tỉnh giấc chiêm bao, quay đầu lại? Làm sao đồ tể bỏ dao? Ðó là thời điểm phát tâm tu hành, lựa chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình để vào cửa Ðạo, tu nhất kiếp ngộ nhất thời, tu hành thì lâu phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhưng lúc ngộ thì chỉ một chớp mắt, một sát na. Ví như người thợ điện phải chế tạo ra máy phát điện, bóng đèn, dây điện... mất nhiều thời giờ công phu khó nhọc, đến lúc hoàn thành thì chỉ cần ấn nhẹ ngón tay là đèn sáng rực rỡ, phá tan bóng tối. 
Vậy khéo nơi Trí Ðộ là lau hết bụi để gương in bóng sáng, là gió thổi mây bay để mặt trăng chiếu soi, chính là phát huy được trí huệ sẵn có nơi mỗi chúng sinh, chính là nhận thấy Bản Lai Diện Mục. Có trí huệ rồi lại khéo dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, giúp chúng sinh thức tỉnh thấy tất cả đều là Phật sẽ thành, lúc đó không còn hai bờ, hết nhị nguyên đối đãi, không có dòng sông phiền não ngăn cách, mà chỉ có cõi Phật thanh tịnh. Nói sang bờ bên kia là nói tạm, nói quyền, là ẩn dụ theo thế gian mà nói cho dễ hiểu, chứ đã không có dòng sông thì làm gì có bờ. Chúng sinh và Phật khác nhau ở chỗ mê và giác, mê là chúng sinh, giác là Phật, tâm niệm xấu ác là chúng sinh, tâm niệm từ bi là Phật, chỉ cần chuyển tâm từ mê thành giác, từ xấu ác thành từ bi, là chúng sinh thành Phật, mau chóng vô cùng. 
Thành tựu đại nguyện. Nguyện là lời hứa, lời thề sẽ làm một việc gì nhắm một mục đích nào đó. Ðại nguyện là phát lời thệ nguyện lớn lao, nói lời hứa mong thành tựu một mục đích cao siêu khác lời mong ước tầm thường. Ðại nguyện của người tu hành là trên cầu Phật đạo, dưới cứu chúng sinh. Chỉ khi nào làm xong đại nguyện đó thì việc tu hành mới được coi là hoàn toàn rốt ráo viên măn. Biết rõ tâm chúng sinh đến đâu. Biết rõ tâm mình đã khó, biết rõ tâm chúng sinh lại khó hơn. Tục ngữ có câu: “Suy bụng ta ra bụng người”, ta toan tính gì thì người cũng toan tính nấy. Người tu hành được sáng suốt rồi, thấu rõ Chân Tánh, tâm ý dung thông thì cảm ứng được với lòng chúng sinh, biết rõ tâm chúng sinh muốn gì, rồi tìm phương tiện dìu dắt hướng dẫn chúng sinh vào Phật Ðạo. Ðó là Tha Tâm Thông, một trong sáu phép thần thông mà người chứng Ðạo tự nhiên có, dù không mong cầu. 
Hay phân biệt rành rẽ các căn lợi độn. Chữ căn ở đây là căn cơ, căn bản, căn nguyên, có nghĩa là gốc rễ, nguồn cội. Lợi căn là tâm tính thông minh lanh lẹ sáng suốt sắc bén, còn độn căn là ngu đần, chậm lụt, chậm chạp. Hay phân biệt các căn lợi độn nghĩa là biết rõ ràng người nào căn tánh lanh lẹ sáng suốt, người nào chậm lụt ngu đần mà tùy cơ dạy bảo đúng với trí thông minh, sức hấp thụ, lòng mong cầu và sở thích của họ. 
Ở lâu trong Phật Ðạo, là đã tinh tấn tu hành lâu đời, thấm nhuần Phật Pháp, có lòng tin kiên cố, có tâm đạo vững bền không gì lay chuyển. 
Lòng đã thuần thục. Chữ thuần là khéo, có quy củ nền nếp, ròng một thứ không lẫn lộn hỗn tạp. Chữ thục là chín, nhuần nhuyển êm ái, không lộn xộn chướng ngại. Lòng đã thuần thục là tâm đã thanh tịnh, chín chắn, thành thạo, một lòng hướng về đạo giải thoát, không còn sai đường lạc lối, không còn mong cầu điều gì khác nữa. 
Quyết định nơi Ðại Thừa. Nhất định tu theo Ðại Thừa, phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, một lòng cầu thành Phật để hóa độ chúng sinh, thực hành Bồ Tát Ðạo, quên mình vì chúng sinh chứ không cầu quả vị Thanh Văn Duyên Giác của Tiểu Thừa, không mong phước báo cõi Trời và cõi người. 
Những hành vi đều khéo suy lường. Mọi việc làm của thân, miệng và ý đều được suy gẫm cẩn thận, cân nhắc kỹ càng, không làm mất lòng ai, dịu dàng êm ái mà cứu vớt chúng sinh, lời nói và việc làm thích ứng với lòng mong cầu của chúng sinh khiến chúng sinh vui thích mà tin theo. Các Bồ Tát có những hành vi khéo suy lường vì đã chuyển ý Thức thành Diệu Quán Sát Trí có công năng quán sát rõ ràng mọi tâm niệm của chúng sinh rồi tùy theo đó mà hành động, đó gọi là Tùy Thuận Chúng Sinh, lời nguyện thứ chín của Phổ Hiền Bồ Tát. Khi ý thức hết tác động thì chỉ còn trí huệ chiếu soi, mọi hành động đều khéo léo, đúng Chân Lý, hợp căn cơ. 
Giữ gìn đúng oai nghi của Phật. Trong các giới luật của Phật có sự giữ gìn đúng bốn oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm, sao cho đúng với mọi quy định, phải tề chỉnh khoan thai đàng hoàng chậm rãi như voi chúa, oai nghiêm hùng dũng mà vẫn lộ vẻ Từ Bi Hỷ Xả khiến mọi người kính trọng mà không sợ hãi, muốn thân cận chứ không lánh xa. Người tu hành cần có cử chỉ đĩnh đạc từ tốn không vội vàng hấp tấp, đây là lối tu hành bắt từ ngoài vào trong, cử chỉ bên ngoài có ngay thẳng thì tâm ý bên trong mới thanh tịnh, giống như câu tục ngữ: “Một tâm hồn thanh tịnh trong một thân thể trong sạch mạnh khỏe”.
Lòng rộng như biển cả. Mở rộng lòng, giơ hai tay để đón chúng sinh như mẹ hiền thương con, các Bồ Tát cứu độ chúng sinh không phân biệt, còn chúng sinh đau khổ là Bồ Tát còn lặn lội trong biển sinh tử để giúp đỡ, chỉ khi nào tất cả chúng sinh được an vui thì Bồ Tát mới viên thành Phật Ðạo. Bồ Tát Ðịa Tạng có lời thệ nguyện: Ðịa ngục chưa trống rỗng thì Ngài thề chẳng thành Phật, chúng sinh độ hết thì Ngài mới chứng quả Bồ Ðề. Ðức Bồ Tát Quán Thế âm có 12 lời nguyện: Thường ở biển Nam tầm thanh cứu khổ, dùng thuyền Bát Nhã đưa tất cả chúng sinh sang bờ bên kia, tiếp dẫn mọi hương linh về Tây Phương Cực Lạc. Ðức Bồ Tát Phổ Hìên có 10 lời nguyện lớn: Sám hối nghiệp chướng của chúng sinh, tùy hỷ mọi công đức, cúng dường chư Phật, hằng thuận chúng sinh, hồi hướng mọi công đức cho tất cả chúng sinh đồng thành Phật Ðạo. 
Chư Bồ Tát quên mình để hóa độ chúng sinh, làm gì cũng vì lợi ích chúng sinh, không còn chấp ngã chấp pháp, vô cầu vô chứng vô đắc, không phân biệt kẻ oán người thân, kẻ dữ người lành, vì biết Tất Cả Là Một, tâm an nhiên tự tại, cho nên gọi là lòng rộng như biển cả bao la chứa đựng vô lượng vô biên vô số các loài thủy tộc, rong rêu, sóng nước. 
Trưởng Giả Duy Ma Cật được chư Phật khen ngợi, hàng đệ tử Ðế Thích, Phạm Vương, Vua ở thế gian... thảy đều kính trọng, vì ông đã thành tựu được nhiều công đức không thể nghĩ bàn như đã nói ở trên; trong các kinh điển, chúng ta thường đọc lời Phật tán thán: Lành thay ! Lành thay ! để khen ngợi người nào làm được việc lành, đúng với Chánh Pháp, lợi ích chúng sinh, chứng minh các việc làm đều đúng Chân Lý. Còn các hàng đệ tử, Phạm Vương Ðế Thích là các Vua cõi Trời, và các Vua ở cõi người... đều kính trọng. Ðệ là em, tử là con. Ðệ tử là danh từ chỉ những người theo Phật tu hành, tự nhận là em là con Phật, đứng dưới hoặc đứng sau Phật để tỏ lòng tôn kính. 
Các người theo đạo Phật thường nhận mình là Phật Tử, là con Phật, nhưng ít ai hiểu rõ ý nghĩa cao cả của chữ Phật Tử. Theo kinh điển thì Phật Tử có nghĩa như sau: “Tòng Phật khẩu sinh, tòng Pháp hóa sinh, đắc Phật Pháp phần, cố danh Phật Tử,” theo miệng Phật mà sinh ra, theo Chánh Pháp mà hóa ra, được một vài phần Phật Pháp, nên được gọi là Phật Tử (con Phật), nghĩa là nghe theo lời Phật dạy mà tu hành, tuân theo Chánh Pháp mà sống, ví như nhờ có Phật và Pháp mới có mình. Nhờ có tu có học thì mới được một vài phần Phật Pháp, cải tà qui chánh, bỏ xấu theo tốt, bỏ ác làm lành, thân tâm thanh tịnh, như vậy mới xứng danh là Phật Tử, là con Phật. Con thì phải giống cha, không giống cả mười phần thì cũng được vài phần, mới xứng đáng. Muốn xứng danh Phật Tử, người tu hành ngoài việc quy y giữ giới, phải tu tâm sửa tánh, thực hành lời Phật dạy để phál huy trí huệ, dù chưa được hoàn toàn thì cũng cố lấy đôi ba phần, chứ nếu chỉ đến chùa quy y để có pháp danh, ở nhà lập bàn thờ cho có lệ, nhưng chẳng lo sửa thân tâm, không theo học Chánh Pháp, tham sân si không bớt, sát đạo dâm không chừa, thì họ chỉ là Phật Tử bề ngoài thôi. Phật và chư Bồ Tát không phân biệt ai là Phật Tử ai không là Phật Tử, mà các Ngài thương xót tất cả như nhau, nhưng chúng sinh ai tu nấy chứng, ai tội nấy mang, Ðức Phật giơ tay cứu vớt mà chúng sinh không đưa tay ra nắm lấy lại còn ngoảnh mặt nơi khác thì Phật cũng đành chịu. Cần phải xứng danh Phật Tử cả bề ngoài lẫn bề trong mới thật là đầy đủ và chân chánh. 
Đế Thích, viết cho đủ là Thích Ðề Hoàn Nhân phiên âm chữ Phạn Sakya Devanam Indra là vị Trời chúa tể Ðạo Lợi Thiên trên chót núi Tu Di, thuộc Dục Giới. Cảnh Trời này có 33 cõi mà Ðế Thích ở cõi chính gíữa, thống lãnh cả 32 cõi kia. 
Phạm Vương hay Phạm Thiên, viết cho đủ là Ðại Phạm Thiên Vương, dịch nghĩa chữ Phạn Brahma, là vua cõi Trời Sơ Thiền, thuộc Sắc Giới. 
Vua ở thế gian là người cầm đầu một nước, có oai quyền lớn lao, mọi người dân phải theo lệnh phục tòng. Các hàng Ðệ Tử, Ðế Thích, Phạm Vương, Vua ở thế gian thảy đều kính trọng Cư Sĩ Duy Ma Cật, nhờ những công đức, hạnh lành của Ngài. Như vậy, ông Duy Ma Cật có một địa vị cao quý vô cùng, chỉ kém chư Phật, còn thì cao hơn Trời và người. Ðây là địa vị do sự tiến hóa tâm linh, do tu hành chứng ngộ, hóa độ chúng sinh chứ không phải địa vị sang giàu ở cõi đời. 
Ông Duy Ma Cật muốn cứu độ chúng sinh, dùng phương tiện khéo thị hiện làm thân trưởng giả ở thành Tỳ Xá Li. Thị là chỉ bày, hiện là cho thấy. Thị hiện là hiện ra tỏ bày cho thấy, làm gương sáng cho mọi người noi theo. Nếu hiểu theo nghĩa đen của lời kinh thì ông Duy Ma Cật cũng làm giống như Ðức Phật Thích Ca, giáng trần làm người, sinh ra như một trẻ nhỏ thường, lớn lên làm Trưởng Giả, có vợ con quyến thuộc, để mọi người thấy rõ ông cũng giống như mọí người, chỉ khác ở chỗ ông thực hành Lục Ðộ và dùng mọi phương tiện để hóa độ chúng sinh, đời sống gương mẫu. Ðây là Bồ Tát thị hiện ở đời làm Trưởng Giả, tức là một cư sĩ tại gia, có nếp sống thanh tịnh, có thần thông lớn, được tự tại, giác ngộ. 
Còn nếu muốn hiểu theo nghĩa bóng thì đoạn kinh này chỉ bày các phương pháp tu hành của người cư sĩ tại gia, dùng mọi phương tiện để tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn, như tu Lục Ðộ tu Phạm hạnh, không đắm nhiễm ba cõi, hướng về giải thoát. 
Tùy theo căn cơ, ai muốn hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng cũng được, miễn là bắt chước Cư Sĩ Duy Ma Cật tu hành nhiếp độ chúng sinh. Nếu việc làm được viên mãn tốt đẹp thì trí huệ sẽ phát huy sáng suốt, lúc đó sẽ biết Duy Ma Cật có thật hay chỉ là nhân vật tượng trưng. Ðiều quan trọng là thực hành, là làm, là tu là sửa đừng bàn lý thuyết suông. 
Sau đây là những phương pháp tu hành, những việc làm của ông Duy Ma Cật để hóa độ chúng sinh. Từ câu: có của cải nhiều vô lượng... đến câu nhiếp độ những kẻ vô trí: là nói về Lục Ðộ hay Lục Ba La Mật gồm có: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh và Trí Huệ, là sáu phương pháp tu hành của các Bồ Tát hoặc của những người phát tâm Bồ Ðề, thọ Bồ Tát Giới, tu Bồ Tát Hạnh, phá ngã chấp và pháp chấp, quên mình vì người. 
Nhiếp là sửa cho ngay thẳng, đoan chính, nghiêm trang. Ðộ là đưa qua sông mê bể khổ, tội lỗi phiền não, tới bờ bên kia. Nhiếp độ là thâu phục, giúp đỡ chúng sinh bằng những phương tiện hợp căn cơ hoàn cảnh để đạt mục đích thức tỉnh chúng sinh ra khỏi giấc đại mộng triền miên, cứu giúp họ bỏ tà theo chánh, bỏ xấu theo tốt, bỏ ác theo thiện, bỏ trầm luân hướng về giải thoát. 
Vì chúng sinh nghèo hèn khốn khổ, lại hay làm điều xằng bậy, giận dữ, biếng lười, tâm ý tán loạn vô trí nên ông Duy Ma Cật thực hành sáu Ba La Mật để đối trị, bắt đầu bằng Bố Thí và tận cùng là Trí Huệ. Bố Thí là bước đầu để thâu phục nhân tâm khiến họ cảm mến, rồi dạy họ tu tập lần lần đưa đến Trí Huệ sáng suốt, thật là một phương pháp khéo léo, dễ thành công. 
Các Bồ Tát tùy theo đối tượng mà làm các công hạnh, chúng sinh thiếu gì muốn gì cần gì thì cho nấy, nghèo đói thì cho cơm áo, làm điều xằng bậy thì dạy giữ giới, giận dữ thì dùng hạnh nhu hòa nhẫn nhục, lười biếng thì dạy chăm chỉ cần mẫn, tâm ý tán loạn thì dạy thiền định để cột giữ tâm ý, vô trí ngu si thì dạy cách làm sáng tỏ Trí Huệ để được giác ngộ. Lục Ðộ thật là những phương thuốc thần diệu để chữa trị các tâm bệnh của chúng sinh. Các Bồ Tát thực hành Lục Ðộ đến chỗ Tam Luân Không Tịch nghĩa là phá chấp hoàn toàn, không thấy có người làm, không thấy có người được hưởng, không thấy có việc làm, các Bồ Tát thấy việc phải là làm, làm xong là quên, là xả hết, tâm không dao động, an nhiên tự tại, như vậy mới là rốt ráo, vô cầu, vô chứng, vô đắc. 
Tuy làm người bạch y cư sĩ mà giữ gìn giới hạnh thanh tịnh của Sa Môn. Bạch y là áo trắng, theo phong tục Ấn Ðộ, người tại gia ưa thích mặc y phục mầu trắng vì nó không thu hút sức nóng, bụi bẩn là thấy rõ đem giặt sạch ngay. Mầu trắng cũng tượng trưng cho sự tinh khiết trong sạch, kinh sách dùng danh từ bạch y cư sĩ để chỉ những người tại gia, khác với người xuất gia thường mặc y phục mầu vàng hoặc nâu. 
Giới hạnh là những việc làm ngay thẳng không phạm các điều răn cấm của Phật. Cư sĩ tại gia giữ năm hoặc tám hoặc 58 giới Bồ Tát, Sa Di 10 giới, Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới. Khi đã tự nguyện giữ giới rồi thì suốt đời không được phạm một giới nào cả, giữ gìn hành động, lời nói và ý nghĩ nữa, không cho phạm giới. 
Sa Môn, phiên âm chữ Phạn Samana, có ba nghĩa: 
1) Cần sách: siêng làm việc thiện. 
2) Tức từ: kbông làm việc ác. 
3) Khất sĩ: đi xin ăn, trên cầu giáo pháp của Phật, dưới hóa độ chúng sinh, giữ phận nghèo, không giữ tiền. Xin ăn không phải là lười biếng ươn hèn mà là phương tiện gần gụi chúng sinh để dạy bảo, giúp đỡ. Xin ăn để khỏi lo bận tâm nấu nướng, có nhiều thời giờ tu thiền quán tưởng, làm các Phật sự. 
Ba cõi là Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Dục Giới là cõi chúng sinh còn tình dục, nhơ uế, ô trược, như cõi Ta Bà này. Sắc Giới là cõi chúng sinh đã thanh tịnh hơn, không còn tình dục, nhưng còn hình sắc. Vô Sắc Giới là cõi chúng sinh không còn hình sắc, nhưng còn tư tưởng. Tất cả chúng sinh trong ba cõi, từ địa ngục cho đến các cõi trời cao nhất, đều chưa ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, còn phải tái sinh nhiều đời nhiều kiếp. 
Cư Sĩ Duy Ma Cật vì muốn độ người nên dùng phương tiện khéo thị hiện làm ông trưởng giả, do lòng từ bi ứng thân xuống cõi trần chứ không bị nghiệp báo dắt dẫn nữa, vì ông đã được giải thoát từ lâu, tuy hiện thân ở đời mà tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, ví như người đóng trò trên sân khấu, cũng hò hét múa may nhưng khi vai trò hoàn tất, cởi bỏ mũ áo râu ria thì không còn dính dấp gì đến vai trò vừa đóng. Bồ Tát Duy Ma Cật đã khéo đóng vai trò cư sĩ, bên trong là mật hạnh cùa người giác ngộ vô nhiễm, bên ngoài là tại gia cư sĩ, nhưng là một người khác thường, thường tu phạm hạnh, ưa sự xa lìa... Ðoạn kinh này đề cao những đức hạnh của Bồ Tát, tuy ở trong đời mà không đắm nhiễm thế tục còn mang thân hình của một cư sĩ mà Tâm đã thanh tịnh, đó là biểu tượng hai mặt của một thực thể bất khả phân, hiện tượng và bản thể tuy hai mà một, động không lìa tịnh, sóng không rời nước, như câu thơ sau đây diễn tả: 
Thân tuy ở cõi Ta Bà, 
Mà lòng đã gửi bên tòa hoa sen. 
Chúng ta đừng chấp tướng bề ngoài mà hãy cố gắng đi sâu vào bên trong, thâm nhập bản thể, dùng phép nội quán để thấy bộ mặt thật của mình (Bản Lai Diện Mục). Ngài Duy Ma Cật thị hiện làm cư sĩ nhưng chính là một vị Ðại Bồ Tát nên mới có được những đức hạnh cao quý như vậy. Chúng ta hãy xem những hành động của ông trong khi lăn lộn ở thế gian, tiếp xúc với mọi hạng người trong mọi hoàn cảnh. 
Cư sĩ Duy Ma Cật an nhiên tự tại đi vào những nơi nhơ uế như sòng bạc, nhà hát, ổ điếm, quán rượu... mà không sợ nhiễm ô, vì Ðịnh đã vững, Huệ đã sáng, Tâm thanh tịnh thì ngoại cảnh không làm lay động thân tâm, không cám dỗ nổi. Ngài cần đi vào những nơi tội lỗi để cứu chúng sinh, nếu cứ đứng ngoài cửa hoặc đằng xa mà nói thì làm sao cảm hóa người khác được. Bồ Tát phải hòa quang đồng trần thân mật sát cánh với người đời thì mọi người mới thông cảm, quý mến, nghe lời, đó là Bồ Tát khéo dùng phương tiện thân cận để độ chúng sinh. 
Ông Duy Ma Cật không kiêu căng tự phụ cho rằng chỉ học Phật Pháp là đủ, là cao quý mà lại còn học hỏi các pháp ngoại đạo, đọc sách thế tục... để mở mang kiến thức, học hỏi rộng rãi các pháp môn tu hành, ông thật có một tâm hồn rộng mở vì biết rằng Vạn Giáo Ðồng Nhất Lý, các tôn giáo tuy có hình thức khác nhau nhưng đều do một Lý mà ra, đều suy tầm Chân Lý, đường đi có khác mà mục đích lại giống nhau, đó là trở về nguồn gốc, thâm nhập bản thể, phát huy Trí Huệ, nhập một với Chân Như. 
Cư Sĩ Duy Ma Cật giữ vững lòng tin, có chánh kiến, đem pháp Ðại Thừa ra làm lợi ích cho chúng sinh, nhiếp độ lớn nhỏ, dạy dỗ trẻ thơ vì biết rằng tất tả chúng sình đều có Phật Tánh, trước sau rồi cũng thành Phậl. Dù trẻ thơ hoặc người ngu đần chưa kham nổi giáo lý cao siêu, nhưng cứ gieo hột giống tốt vào tâm điền, sau này đủ duyên sẽ nẩy mầm, đơm hoa, kết quả. Tuy học rộng hiểu nhiều, biện tài vô ngại, giảng nói Ðại Thừa nhưng ông lại không ngã mạn kiêu căng tự đắc, mà lại cung kính tất cả mọi người, lấy đó làm việc cao quý nhất trong sự cúng dường, đó là vì ông đã thấy mỗi chúng sinh là một vị Phật sẽ thành, bổn phận Bồ Tát là phải giáo hóa để chúng sinh đi mau trên con đường thành Phật. Vì nhìn thấu suốt Phật Tánh bên trong mọi người nên ông hết lòng cung kính, đúng như lời nguyện thứ nhất của Bồ Tát Phổ Hiền: Nhất giả lễ kính chư Phật. Cung kính lễ Phật, cung kính cúng dường chúng sinh đều là những phương pháp khéo léo để diệt trừ ngã chấp, phá hết ngã mạn kiêu căng. 
Tuy thị hiện là trưởng giả, còn làm ăn buôn bán nhưng không phải mục đích kiếm nhiều lời lãi, mà dùng tiền để bố thí cho kẻ nghèo, vả lại, ông được tôn quí nhất trong hàng các trưởng giả nên mọi người đều nghe theo, trong bất cứ giai cấp nào: Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, Vương Tử, Ðại Thần, cao như Phạm Vương, Ðế Thích, thấp xuống hàng thứ dân, ông đều khéo léo dùng mọi phương tiện để khuyên dạy nên ai ai cũng y lời mà tu hành để được an lạc. 
Trên đây là đoạn kinh tả các sự việc để làm nổi bật tư cách cao quý của ông Duy Ma Cật, thấy chúng sinh sống trong cảnh khổ mà không biết là khổ, cứ ham vui tạo nghiệp ác nên ông phải dùng nhiều phương tiện để hóa độ. Thí dụ nhà lửa trong kinh Pháp Hoa cũng cùng một ý đó. 
Các hàng chúng sinh thiếu đức tánh gì thì ông Duy Ma Cật dạy họ bổ túc những đức tánh đó ngõ hầu trở nên những người toàn thiện, phước huệ song tu. Ðoạn kinh này rất giống phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa nói về Ðức Bồ Tát Quán Thế âm thị hiện các thân hình khác nhau để thuyết pháp cứu độ mọi loài chúng sinh. 
Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa ẩn như sau: Khi một người bất cứ ở giai cấp địa vị nào mà quên mình làm lợi ích giúp đỡ người chung quanh thì chính ngay lúc đó, họ đang thực hành Bồ Tát Ðạo hoặc có thể nói họ chính là Bồ Tát hiện thân. Chúng ta đừng lầm tưởng các Bồ Tát phải có tướng hảo quang minh, hào quang sáng rực, bay trên mây hiện thần thông... Các Ngài thường sống lăn lộn với người đời mà không ai hay biết. Một người nhảy xuống sông vớt một em bé sắp chìm, một người khác xông vào nhà cháy để cứu một cụ già không tìm được lối ra, một nông dân thấy đập nước sắp bị nước xoáy thủng liền vác cuốc, lấy đất đá lấp lỗ hổng, một phụ nữ thấy cây cầu gỗ lung lay liền mang búa, gỗ, đinh ra chèn cho chắc, một y tá xông vào chiến trận để cứu thương bệnh binh, mộl bà già dùng lời nói ngọt ngào khuyên nhủ người buồn khổ, một trẻ em dắt người mù qua đường... đó là những hành vi vì người chứ không vì minh, chư Bồ Tát hiện thân hoặc các người dân thường hành Bồ Tát Ðạo đều như nhau cả. Chư Tăng Ni hoặc các cư sĩ đi thuyết pháp, các người giàu có làm việc phước thiện mà không có lòng mong cầu, thậm chí đến các loài vậl biết hy sinh cứu giúp đồng loại, các cây to cho bóng mát, các dòng suối cho nước ngọt... cũng đều có thể là các Bồ Tát thị hiện làm lợi ích chúng sinh, những thí dụ như vậy kể ra bao nhiêu cũng không hết. 
Tóm lại, trưởng giả Duy Ma Cật đã khéo thị hiện các thân hình để hóa độ chúng sinh bỏ ác theo thiện, tu dưỡng thân tâm để tất cả đều tiến bước trên con đường giải thoát, biết rõ đời là khổ, thân xác vô thường nên phải mong cầu được thân Phật, được Pháp Thân như đoạn sau nói rõ. 
Trưởng giả Duy Ma Cật muốn quy tụ một số đông người để nói pháp, ông liền hiện thân có bệnh. Như trên đã nói, ông là bậc tôn quý trong các giai tầng xã hội, làm nhiều công hạnh khó làm cứu giúp nhiều người, ai ai cũng tôn kính quý trọng, nay nghe tin ông bệnh, mọi người từ Quốc Vương, Ðại Thần, Cư Sĩ, Bà La Môn cho đến thứ dân, đều đến thăm bệnh, đông tới vô số ngàn người, ông nhân dịp này mới rộng nói pháp cho mọi người nghe. 
Vì hiện thân có bệnh nên trước hết ông nói về thân. Ðây là lần đầu tiên Trưởng Giả Duy Ma Cật lên tiếng trong bộ kinh này. Từ đầu kinh đến đoạn này đều là những lời Phật và các đệ tử, chư Thiên nói ra để giới thiệu Cư Sĩ Duy Ma Cật, bây giờ là lúc ông lên tiếng, mà lời đầu tiên là một tiếng nổ lớn như sấm sét làm mọi người kinh hoàng. Thông thường thì ai cũng quý cái xác thân, nó đói thì cho ăn, mùa lạnh thì mặc áo ấm, mùa nóng thì dùng tơ lụa mát mềm, nó đau yếu thì lo thuốc thang cứu chữa tẩm bổ, thoa dầu thơm, bôi son đỏ, giữ gìn sao cho xác thân khỏe mạnh trẻ đẹp. Cũng vì cưng chiều xác thân quá đáng mà người ta thường gây nhiều tội lỗi phiền não, đúng như Lão Tử đã nhận xét: “Ta có nạn lớn vì ta có thân; nếu ta không có thân thì làm gì có nạn.” Bồ Tát Duv Ma Cật nói thẳng, không cần vòng vo gì cả: “Này các ngài, cái huyễn thân này thật là vô thường... người có trí sáng suốt không bao giờ nương cậy nó.” 
Huyền là giả, không thật, do biến hóa tưởng tượng sinh ra, trước có sau không, chẳng bền chắc. Cái xác thân mà ai cũng quý trọng bảo vệ, nghĩ nó là thật, là chắc, là bền, là tốt thì ông Duy Ma Cật nói là huyễn, là giả, là không thường, không bền chắc... đúng là một trái bom nổ liệng vào thành kiến từ xưa của người ta khiến họ kinh hoàng đến tột độ. Ông nói thân vô thường để phá cái chấp thường của chúng sinh, xác thân biến hoại, thay đổi từng giây phút, điều này thì khoa học cũng công nhận trong mỗi giây một số tế bào trong thân thể chúng ta già yếu, chết đi và được một số tế bào khác thay thế. 
Theo luật vô thường, xác thân được sinh ra, lớn lên, trụ ở đời một khoảng thời gian dài hay ngắn, đổi khác vì bệnh, vì tai nạn, vì già yếu, rồi sau cùng là bị chết, tiêu diệt (sinh, lão, bệnh, tử hoặc sinh, trụ, dị, diệt). 
Sở dĩ chúng ta cho xác thân ăn ngon mặc đẹp là mong cho nó thoả mãn sung sướng bền lâu, nay biết nó vô thường thì chẳng nên tiếp tục làm điều sái quấy tội lỗi (sát sinh, ăn thịt, uống rượu, tà dâm...) nữa, mà phải hướng về một cáì gì cao quý hơn, thường còn bất biến, đó là Pháp Thân. Nhưng cũng không vì thế mà phế bỏ xác thân, hủy hoại tàn phá nó bằng cách tự tử, biết thân vô thường thì phải tinh tấn tu hành cho gấp, ví như lửa cháy trên đầu pbải dập tắt cho mau, không lần chần từ từ được. Cần lìa bỏ hai thái cực: nuông chiều xác thân hoặc ép xác khổ hạnh, mà phải theo Trung Ðạo, giữ xác thân sạch sẽ khỏe mạnh để tu hành đắc Pháp Thân, ví như nuôi con ngựa hay, cho ăn vừa phải, không no quá, không đói quá, thì nó sẽ đưa chúng ta về tới đích mau lẹ an lành. Mục đích đoạn kinh này là phá trừ chấp ngã, chấp thường, hai căn bệnh rất phổ thông và rất khó chữa. 
Sau khi nói tổng quát về thân vô thường, không bền chắc, mau hư hoại, không tin cậy được, trưởng giả Duy Ma Cật liền kể rõ các chi tiết, thật là một lốì trình bày có quy củ trước sau, đưa ra những nhận xét sai lầm tổng quát của mọi người rồi sau mới phân tích tỉ mỉ. 
Thân như đống bọt không thể cầm nắm là ý muốn diễn tả không gian vô thường; thân như bóng nổi không thể còn lâu là diễn tả thời gian vô thường, xác thân vừa trẻ đẹp đó mà chẳng bao lâu đã già nua, tóc đen đã điểm sương rồi. Thân như ánh nắng dợn giữa đồng, nói lên sự vô thường biến dịch mau chóng, và sự ảo ảnh của thị giác, lấy không làm có, lấy giả làm thật, Thân như cây chuối không bền chắc, mau hư hoại. Thân như vật huyễn thuật, do điên đảo mà ra; thân như cánh chiêm bao, do hư vọng mà thấy có. Hai câu này nghĩa lý thật rõ ràng, chúng sinh điên đảo vọng chấp, thân như giả huyễn ví như do ảo thuật làm ra mà cứ tưởng như có thật, giống như khi nằm chiêm bao, thấy cảnh nào cũng nghĩ là thật, thấy cọp rượt là chạy cuống quít kêu cứu, thấy bị ngã từ núi cao là rú lên, kinh sợ hết hồn... nhưng khi tỉnh giấc thì biết mình vừa nằm mộng, đâu còn cọp còn núi? 
Phật Giáo chủ trương rằng chúng sinh đang sống trong cảnh mộng lớn, đang nằm chiêm bao trong suốt mấy mươi năm trường, những gì chúng ta hưởng sướng hoặc chịu khổ trong cuộc đời đều là giả. Chỉ cần làm sao thức tỉnh, hết chiêm bao, sẽ thấy mọi cảnh tượng, danh lợi, ân oán, gia đình thân thuộc, đều là giả do vọng thức tạo nên. Khi giác ngộ Chân Tâm thì vọng thức tan biến. Lão Giáo có câu chuyện giấc mộng kê vàng (Hoàng Lương Mộng) ý nghĩa tương tự. Chúng sinh điên đảo chấp không làm có, hư vọng chấp giả làm thật do đó bị trầm luân khồ sở. Phật dạy vô thường vô ngã, thấy rõ sự thật thì sẽ hết khổ, được an vui giải thoát. 
Thân này như bóng của hình do nghiệp duyên hiện, thân này như vang của tiếng do nhân duyên thành: ý kinh đây muốn diễn tả luật nhân quả nghiệp báo duyên khởi, xác thân sở dĩ có là do nhiều nguyên nhân từ trước, cái này có là do cái kia có, cái này không là do cái kia không, quả theo nhân như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Kinh Pháp Cú có câu: Ðau khổ đi theo tội lỗí như bánh xe đi theo vết chân con bò kéo xe. 
Thân như mây nổi, như điện chớp, sanh diệt mau lẹ, niệm niệm không dừng: đây là luật vô thường biến dịch, thân ta thay đổi từng giây phút, người có trí phải biết rõ và tinh tấn tu hành. Ðoạn kinh này nhắc đến bài kệ quan trọng của Kinh Kim Cang: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán, nghĩa là tất cả pháp hữu vi, mọi sự mọi vật đều như mộng, như giấc chiêm bao, như bọt nước, như hình bóng, như giọt sương, như ánh chớp, cần phải quán sát như  vậy. 
Trong đoạn sau, từ câu: thân này không chủ... cho đến câu thân này như rắn độc, như giặc cướp, như chốn không tụ vì do ấm, giới, nhập họp thành, là ý kinh muốn nói xác thân là vô ngã, không có tự thể, không tự chủ, do Bốn Ðại (Ðất, Nước, Gió, Lửa), Năm ấm (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), 12 Nhập (sáu căn nhập với sáu trần), 18 Giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức) họp thành. Vì do nhân duyên hòa hợp mới có nên xác thân chỉ là giả có, giả hợp, không bền chắc, không đáng ưa, chớ ham tiếc, phải nhàm chán nó. Nhưng nhàm chán xác thân thì phải ưa cái gì quý hơn, đó là thân Phật, vì thân Phật là Pháp Thân. 
Ðức Phật có ba thân: 
1) Pháp Thân, dịch chữ Phạn Dharmakaya, bất sinh bất diệt, thường trụ, rộng lớn vô cùng tận, lấy pháp làm thân, mà pháp thì ở đâu cũng có. đồng nghĩa với những danh từ Chân Như, Pháp Giới Tánh, Như Lai Tạng... Pháp Thân là chỗ sở y chứa nhóm tất cả công đức trong Pháp Giới. Phật lấy Pháp Tánh Chân Như làm thân nên gọi là Pháp Thân. Phật có xuất thế hay không, Pháp Thân cũng y như vậy, Pháp Thân ở khắp nơi, là bản thể của muôn loài chúng sinh, Phật và chúng sinh đều có như nhau, nhưng ở Phật thì nó sáng suốt chiếu soi rực rỡ, ở chúng sinh thì nó bị vô minh che mờ. Pháp Thân chính là nơi chúng sinh trở về sau khi diệt hết phiền não vô minh, phát huy trí huệ sẵn có, vậy nó chính là nguồn gốc của vạn vật, là Bản Thể của muôn loài, là Bản Lai Diện Mục, là Phật Tánh vậy. 
2) Báo Thân, có hai thứ: 
a) do chữ Phạn Sambhogakaya, là cái thân tốt đẹp do công phu tu hành nhiều đời nhiều kiếp mà có, người phàm không trông thấy mà chỉ có chư Phật thấy được mà thôi. Báo Thân do Lý và Trí kết hợp mà thành, là ngôi vị quan trọng nhất mà chúng sinh có thể nương vào, đó là cõi Cực Lạc mà người tu theo pháp môn Tịnh Ðộ niệm Phật A Di Ðà đến chỗ nhất tâm bất loạn được vãng sinh về đó, gá trong búp sen. 
b) do chữ Phạn Karmakaya, là thân do nghiệp duyên dẫn dắt và do cha mẹ sinh ra để trả quả báo. Báo thân của chúng sinh là Karmakaya, bị luật nhân quả nghiệp báo chi phối. Còn Báo Thân của Phật, Bồ Tát là Sambhogakaya, vì lòng từ bi mà xuất hiện nơi đời, các Ngài tự nguyện bước vào cuộc đời để hóa độ chúng sinh chứ không phài bị luật nhân quả nghiệp báo chi phối.
 Phật Giáo Nam Tông chủ trương rằng Thái Tử Tất Ðạt Ða là Báo Thân Karmakaya cuối cùng của Ðức Phật, giáng trần làm người tu hành tinh tấn diệt trừ nốt vi tế vô minh, phải trả nốt vài quả báo nhỏ như bị Ðề Bà Ðạt Ða làm hại, chân chảy máu, bị vu oan... và cuối cùng xả bỏ Báo Thân ở vườn Sa La để được Pháp Thân. 
Còn Phật Giáo Bắc Tông thì cho rằng Ðức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp, và Thái Tử Tất Ðạt Ða là ứng Thân thị hiện ở cõi Ta Bà, làm gương sáng cho mọi người noi theo. 
Báo Thân Sambhogakaya của chư Phật Bồ Tát tốt đẹp rực rỡ, có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Còn Báo Thân Karmakaya của chúng sinh đẹp hay xấu, sướng hay khổ, sống lâu hay chết yểu đều do nghiệp báo chi phối quyết định theo luật nhân duyên nghiêm minh không hề sai chạy. 
3) Ứng Thân,  do chữ Phạn Nirmanakaya, còn được gọi là hóa thân hoặc ứng hóa thân, có hình tướng, có sinh diệt, chúng sinh thấy được. Có hai loại Ứng Thân: 
a) Chư Phật và Bồ Tát thị hiện như người thường, có cha mẹ sinh ra, lớn lên tu hành thanh tịnh, làm nhiều công đức, hóa độ chúng sinh. Ðây chính là trường hợp Ðức Phật ứng thân thị hiện làm Thái Tử Tất Ðạt Ða, theo lối giải thích của Bắc Tông. 
b) Chư Phật và Bồ Tát tùy ý biến biện ra nhiều hình tướng, tùy duyên hiện thân: nam nữ, già trẻ, cầm thú, núi sông, Trời Rồng... để cứu độ chúng sinh trong một khoảng thời gian và không gian nào đó, rồi biến mất. Ðức Quán Thế Âm, Ðức Di Lặc dùng nhiều Ứng Thân thị hiện ở cõi Ta Bà để làm lợi ích cho muôn loài. 
Xin tạm lấy một thí dụ cho dễ hiểu: Pháp Thân ví như mặt trăng (nguyệt thể), Báo Thân ví như ánh sáng mặt trăng (nguyệt quang), còn Ứng Thân ví như bóng mặt trăng in đáy nước (nguyệt ảnh). Nói một cách khác, Pháp Thân là Thể, Báo Thân là Tướng, Ứng Thân là Dụng, tuy ba mà một, tuy một mà ba. Trong quyển sự tích Phật Bà Quan âm có câu: 
Cơ thân ngồi núi Phổ Ðà, 
Thân lên cõi Phật, thân qua dưới đời. 
Cơ thân thường trụ bất biến thì lúc nào cũng ở núi Phổ Ðà, đó là Pháp Thân. Thân lên cõi Phật là Báo Thân, còn thân qua dưới đời là Ứng Thân. 
Muốn được Pháp Thân tức là thân Phật, đoạn tất cả bệnh chúng sinh thì phải phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Phát tâm là tư tưởng đầu tiên muốn tu hành, muốn cất bước chân đầu tiên trên đường hướng về giác ngộ. Phát tâm là Văn, Tư, Tu, là Tín, Nguyện, Hạnh, là Tri Hành hợp nhất Trước hết phải nghe lời Phật dạy qua các kinh sách, nghe lời chư Tổ, quý Thầy, các thiện tri thức, rồi suy ngẫm, thấy đúng thấy phải thì thực hành, tu tâm dưỡng tánh. Phải có lòng tin, tin Phật là đấng giác ngộ chỉ dạy phương pháp tu hành chân chánh, tin Pháp là món thuốc chữa được bệnh khổ, tin Tăng là các vị xuất gia tu hành thanh tịnh, tin mình có đủ khả năng tu hành đến chỗ giải thoát. Ðã có lòng tin rồi thì phải phát nguyện thề quyết chí tiến bước tới mục đích là thành Phật để cứu độ muôn loài. Sau đó phải thực hành các pháp môn hợp với căn cơ (niệm Phật, tu thiền...) để phát sinh Ðịnh và Huệ, được sáng suốt giác ngộ. 
Tri và Hành phải hợp nhất, tu và học phải đi đôi. Tri đứng một mình thì lạc vào lý thuyết suông, Hành thiếu Tri thì dễ lầm lạc. Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đẫy sách, là đếm bò cho người, là đếm bạc cho ngân hàng, mình chẳng có gì. 
Vậy phát tâm là bước đầu nhưng hết sức quan trọng cho người tu hành, ai mong hết khổ được vui, muốn thành Phật thì phải phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, dịch nghĩa chữ Phạn Anudhara Samma Sambodhi, thường được phiên âm là A Nậu Ða La Sam Miệu Sam Bồ Ðề. Vô Thượng là quả vị Phật, không còn ai hơn, không gì cao hơn được nữa. Chánh Ðẳng là cấp bậc chân chánh, cao nhất. Chánh Giác là giác ngộ sáng suốt chân chánh, không còn mê lầm, sau khi đã hết vô minh. 
Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu: Chư Phật ba đời nương vào Trí Huệ mà được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy Trí Huệ là điều kiện cần yếu để thành Phật, là bước cuối cùng trên đường giải thoát. 
Nhưng đừng tưởng Bát Nhả Ba La Mật Ða và Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác là hai cái khác nhau. Theo Luận Ðại Trí Ðộ thì Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác tức là Bát Nhã, chỉ có khác danh từ mà thôi. Thật vậy, muốn được giác ngộ sáng suốt hoàn toàn không gì hơn phải là người có Tâm hoàn toàn thanh tịnh, có trí huệ sáng suốt triệt để. Vậy đứng về phương diện trí huệ sáng suốt thì gọi là Bát Nhã, còn đứng về phương diện tỉnh thức giác ngộ chân chánh thì gọi là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hai phương diện của một Tâm hoàn toàn thanh tịnh. 
Trưởng giả Duy Ma Cật vì những người đến thăm bệnh mà nói pháp làm cho vô số ngàn người đều phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác: đây là kết quả, là sự lợi ich của bài pháp mà ông Duy Ma Cật đã phương tiện nói ra, vô số ngàn người nghe lời chân thật đều thức tỉnh và khởi tâm cầu quả vị Phật. Phát tâm mới là bước đầu, là khởi hành, bỏ tà quay về chánh, bỏ mê hướng về ngộ. Có đi là có đến, bước đầu tuy khó khă nhưng phát âm là nhân, chứng ngộ là quả, chỉ cần tinh chuyên ròng rặc mà tu hành là bảo đảm có kết quả tốt. 
Bồ Tát dùng mọi phương tiện để hóa độ chúng sinh, có khi Bồ Tát tiến tới chúng sinh, có khi Bồ Tát làm cho chúng sinh tìm tới Bồ Tát. Ở đây, ông Duy Ma Cật dùng phương tiện có bệnh để mọi người tới thăm ngõ hầu có duyên gặp gỡ để tỏ bày Chánh Pháp. Hiện thân có bệnh là phương tiện, rộng nói Chánh Pháp là cứu cánh, phương tiện khéo thì dễ đạt cứu cánh. Phẩm Phương Tiện dạy rằng: người tu hành đã chứng được vô sinh pháp nhẫn không xa lánh cuộc đời mà dùng phương tiện thị hiện ở đời, khéo lợi dụng mọi hoàn cảnh (cờ bạc, nhà điếm, quán rượu, buôn bán, học đường, chính trị...), mọi giai tầng xã hội để chỉ dạy chúng sinh những phương pháp tu hành hoán cải tâm tánh, ví như hoa sen mọc trong bùn, chuyển chất bùn hôi tanh thành mùi thơm thanh khiết Bồ Tát lăn mình vào cuộc đời, quên mình để cứu chúng sinh, hy sinh tất cả để hiến dâng cho mục đích cao siêu là lợi ích chúng sinh, vì Bồ Tát đã thấy Lý Bất Nhị, mình và chúng sinh chẳng phải hai, mình là chúng sinh, chúng sinh là mình. Khi đã Quy Nhất rồi thì không còn phân biệt ta với người mà chỉ cảm thấy một dòng sông chan hòa chảy suốt qua mọi chúng sinh, mọi nơi, mọi thời gian, đó là Tâm Ðại Bi, là Trí Vô phân Biệt. 
--o0o--