Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG

ÐƯỜNG TU KHÔNG HAI
(Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận)
Minh Tâm
Nhà Xuất Bản Thanh Văn - USA 1991

05- PHẨM VĂN THÙ SƯ LỢI
 
Lúc bấy giờ, Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi đi thăm bệnh. Ngài bạch: “Bực Thượng Nhân kia khó bề đối đáp vì đã thâm đạt Thật Tướng, khéo nói pháp mầu, trí tuệ vô ngại, biện tài thông suốt. Tuy thế, con xin vâng lời Phật đến thăm bệnh ông.” 
Văn Thù Sư Lợi, phiên âm chữ Phạn Manjusri, dịch nghĩa là Diệu Ðức đầy đủ ba đức lớn: Tín, Hạnh, Trí, thường được gọi là Ðại Trí Văn Thù vì Ngài đã chứng được thật trí, liễu ngộ Phật Tánh, là bậc Thượng Thủ trong hàng Bồ Tát. Tất cả các đại đệ tử và Bồ Tát không dám tới thăm bệnh Cư Sĩ Duy Ma Cật vì ông đã thâm nhập kho tàng bí mật của chư Phật tượng trưng cho Căn Bản Trí hoặc Vô Sư Trí, Ðức Di Lặc chuyên về Duy Thức cùng các vị khác không đủ trí huệ để đối đáp, chỉ có Ngài Văn Thù Sư Lợi đã chứng Hậu Ðắc Trí hoặc Hữu Sư Trí mới kham lãnh nhiệm vụ đi thăm bệnh, mới đủ tài đối đáp với ông Duy Ma Cật. 
Ðây là cuộc đối thoại đấu lý cao siêu tuyệt vời giữa hai vị chứng ngộ Phật Tánh, chuyển Thức thành Trí, rời tướng nhập Tánh, nên các Bồ Tát, Thanh Văn đệ tử, Trời người rất đông cung kính đi theo Ngài Văn Thù vào thành Tỳ Xá Li, đến nhà Cư Sĩ Duy Ma Cật. Vị này biết được liền dùng sức thần thông làm cho trong nhà trống rỗng không có đồ đạc gì, không có thị giả hầu hạ, chỉ để một cái giường ông nằm. Cư sĩ lên liếng chào khách: “Quý hóa lắm, Ngài Văn Thù tới thăm bệnh. Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy.” Bồ Tát Văn Thù đáp: “Phải đấy, Cư Sĩ . Nếu đã đến tức là không đến, nếu đã đi tức là không đi.” 
Phẩm này nói về bệnh của thân, nhưng thâm ý là muốn dạy chúng sinh điều trị bệnh của tâm, điều phục tâm. Dẹp bỏ các đồ đạc không có người hầu hạ, chỉ còn mộl cái giường, là ý muốn nói dẹp hết các phiền não, các tư tưởng chấp trước, cho đến các niệm thiện (thị giả) cũng không giữ, chỉ còn lại Tâm thanh tịnh mà thôi. Nếu còn phân biệt thiện ác là chưa được Nhất Tâm. Vừa gặp mặt nhau, sau câu chào thường lệ, Cư Sĩ Duy Ma Cật đã mời quý khách nếm ngay Pháp vị: Tướng thì không mà Tánh thì thật, thân người tuy không thật mà vẫn có tới lui đi đến, con mắt tuy giả huyễn mà vẫn trông vẫn thấy. 
Ðứng về Pháp Tánh hay Thật Tướng thì tất cả là Không, Bồ Tát biết là giả huyễn, nhưng chúng sinh thấy là có. Ðoạn này giống Kinh Kim Cang phá chấp các tướng trạng bên ngoài mà chỉ thẳng Thể Tánh bên trong, tuy Tánh là Không nhưng thân tướng vẫn có đến đi tới lui, mắt tuy vô ngã nhưng vẫn trông thấy. Ðứng về tướng thì có thân người đi từ chỗ này đến chỗ khác, có mắt thấy mọi sự vật, nhưng đứng về Tánh thì tất cả quy về Một, chẳng có không gian rộng lớn mà cũng chẳng có thời gian lâu dài, Kinh Hoa Nghiêm nói: Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất. Một trong mười tôn hiệu của Ðức Phật là Như Lai, do câu Vô Sở Tùng Lai Nhi Vô Sở Khứ, nghĩa là không từ đâu mà lại, không đi tới chỗ nào, chẳng đi chẳng lại thì gọi là Như Lai. 
Quốc Sư Ðại Ðăng nói với Nhật Hoàng Hậu Ðề Hồ: “Ta xa nhau từ vô lượng kiếp mà vẫn chưa hề rời nhau chốc lát. Ta đối mặt nhau suốt ngày mà chưa hề gặp nhau lần nào.” Giáo lý nhà Phật trình bày trong Kinh Duy Ma Cật có nhiều chỗ tưởng là phi lý nhưng đó chính là vấn đề vạn thù sai biệt nhưng vẫn đồng nhất thể, Phật Giáo dùng giáo lý vô niệm vô tâm Bát Nhã để nghĩ tới cái không nghĩ được, để phân biệt cái không phân biệt được, đi tới sự thăng hoa tột cùng là Ngộ (Satori), đó là tinh thần vô phân biệt, không chia cắt thời gian và không gian, mà chỉ thấy tất cả mọi sự mọi vật dung thông trong một điểm duy nhất gọi là Ðương Xứ. Cần vượt qua các hàng rào của tri thức, các quan niệm hẹp hòi để vươn lên tới Trí Huệ Bát Nhã vô cùng tận, lúc đó thì núi chẳng phải là núi nữa, nước chẳng phải là nước nữa, mà núi vẫn là núi, nước vẫn là nước, Thiền Sư Bách Trượng đã thấy được như vậy. Ðừng chấp vào danh từ ngôn ngữ là các ước lệ do tri thức tạo nên mà do quán sát mọi vấn đề trên một bình diện cao rộng hơn, siêu việt hơn, thân chứng đến chỗ không còn lời nói mà chỉ có cành hoa sen Phật đưa lên, Ngài Ca Diếp mỉm cười thông cảm, thế là xong. 
Tướng không đến mà đến: đứng về Tánh thì thân người không thật có, là giả huyễn, nhưng đứng về Tướng thì vẫn có thân người tới lui. Ðây là phá ngã chấp, đề cao Ngã Không. Tướng không thấy mà thấy: đứng về Tánh thì con mắt (tượng trưng cho tất cả sáu căn) là vô ngã vô thường không thật, nhưng đứng về Tướng thì con mắt vẫn thấy, sáu căn hay sáu giác quan vẫn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, phân biệt, sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vẫn có, nhưng là giả huyễn, đây là phá pháp chấp, đề cao Pháp Không. 
Cư Sĩ Duy Ma Cật đưa ra câu chào dựa trên lập trường Thể Tánh, Ngài Văn Thù dùng Thật Tướng mà đáp lại: “Phải đấy, thân người sinh ra thật không từ đâu đến mà mai đây ra đi thật chẳng đi về đâu.” Ðoạn này so sánh Pháp Thân với nhục thân. Xác thân mắt phàm thấy được là giả huyễn, không thật có, vô thường vô ngã, còn Pháp Thân mắt phàm không thấy lại là chân thật, thường trụ. Ngài Văn Thù thay mặt Ðức Phật hỏi thăm bệnh cư sĩ nhân đâu mà sinh ? Ông Duy Ma Cật đáp: Chúng sinh có nhục thân nên có bệnh, nhục thân là do si ái mà sinh ra; đây là thuyết Mười Hai Nhân Duyên, Si (Vô Minh) là nhân quá khứ sinh ra quả hiện tại là nhục thân, ái là nhân hiện tại sinh ra quả tương lai (luân hồi sinh tử). Chúng sinh vì si ái mà chịu nhân quả luân hồi trong ba cõi sáu đường, Bồ Tát vì lòng Ðại Bi thương xót chúng sinh, vì trực nhận được lý Vạn Vật Ðồng Nhất Thể, nên chúng sinh đau bệnh thì Bồ Tát cũng đau bệnh, Bồ Tát phải ở trong cõi Ta Bà gần gụi chúng sinh, thông cảm đau bệnh để tìm phương cứu độ. Chỉ khi nào chúng sinh hết bệnh si ái thì Bồ Tát mới khỏi phải tới lui giúp đỡ. Vì muốn cứu độ chúng sinh nên Bồ Tát phải thị hiện làm chúng sinh, giống như chúng sinh cũng có thân có bệnh, có già, có chết, để thân cận chúng sinh, vì đồng loại đồng cảnh thì dễ dàng thông cảm cứu vớt. Ðó là Tâm Ðại Bi, đồng nhất thể, vô phân biệt. Ví như mẹ hiền thương con, vì con có bệnh nên mẹ lo lắng chăm sóc hao mòn sức khỏe, chỉ khi nào con hết bệnh thì mẹ mới khoan khoái an vui. Bệnh của mẹ là tình mẫu tử thương con, bệnh của Bồ Tát phát nguồn từ lòng Ðại Bi vậy. 
Nhà trống rỗng không có đồ đạc, không có thị giả hầu hạ: Muốn hết bệnh phiền não thì phải biết mọi sự vật là giả, không thật có, các Bồ Tát biết các pháp như huyễn vì các Ngài đã tỉnh giác, ra khỏi giấc mộng dài, còn chúng sinh thấy các sự vật là có thật, được thì vui mất thì buồn. Các Bồ Tát không cần đồ đạc, thị giả nên tâm được giải thoát. Chúng sinh còn nằm mộng, không đến mà thấy đến, thí dụ: nằm mơ thấy đến Việt Nam, tỉnh dậy không thấy đến đó. Không thấy mà thấy, cũng đồng nghĩa như vậy, thí dụ: nằm mơ thấy cảnh Chợ Bến Thành, tỉnh dậy không thấy gì cả. Chúng sinh thấy đẹp xấu, thiện ác, ưa ghét... là tùy theo nghiệp lực vọng tưởng, ghét ai thì đẹp cũng cho là xấu, yêu ai thì ác cũng bảo là lành. Cái thấy của chúng sinh bị lệch lạc. Bồ Tát thấy bằng con mắt trí huệ bình đẳng vô sai biệt, nhìn suốt qua hình tướng vô thường để thấy cái thể bất sinh bất diệt. 
Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng trên lập trường giác ngộ mà nói, không đồ đạc, không thị giả, vì cõi Phật vốn Không, vô ngã, vô pháp. Tâm đã thanh tịnh thì không phân biệt, không tật đố phiền não. Muốn được như vậy, phải lấy không làm không, phải buông xả tất cả mọi quan niệm yêu ghét, không còn chấp một tí gì nữa, hết chấp ngã chấp pháp thì tâm mới không phân biệt. Còn Ngài Văn Thù, tuy cũng đồng ý như vậy, nhưng thôi nói việc đó, hãy nói việc bình thường, nếu cứ nói hoài những việc cao siêu thì dễ chán, không hợp hoàn cảnh, nên nói chuyện thực tế thường ngày, không xa rời đời sống. Bệnh Cư Sĩ nhân đâu mà sinh? Làm sao hết bệnh? Cư Sĩ Duy Ma Cật đáp: “Vì si mê ái dục mà có bệnh. Vì chúng sinh bệnh nên tôi bệnh. Khi nào chúng sinh hết bệnh thì tôi lành.” 
Bồ Tát quên mình để cứu độ chúng sinh, thân cận chúng sinh để giúp đỡ, chúng sinh ở đâu thì Bồ Tát tới đó, chúng sinh bệnh nên Bồ Tát bệnh. Nhưng khác nhau ở một điểm là chúng sinh vì si ái mà bệnh, còn Bồ Tát vì lòng Ðại Bi nên bệnh theo, không rời bỏ chúng sinh. Bồ Tát Ðịa Tạng phát nguyện lớn: Ðịa ngục chưa rỗng, thề không thành Phật, chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ Ðề. 
Ðể giải quyết lòng nghi của mọi người khi thấy nhà trống rỗng, tuy đã chứng lý Không, nhưng Ngài Văn Thù cứ hỏi để ông Duy Ma Cật giải thích: Nhà ông trống rỗng vì cõi Phật vốn vẫn trống không, vô phân biệt, vô ngã vô pháp. Muốn đạt tới cái Không đó tức là muốn được giải thoát thì nào phải tìm đâu xa, mà chính tìm ngay nơi tâm hạnh của chúng sinh. Vì sao? Phải tìm nước trong ở nơi nước đục, tìm giải thoát nơi triền phược trói buộc, tìm giác ngộ nơi vô minh. Bồ Tát lìa chúng sinh thì làm sao thực hành lòng đại bi, đổ nước đục đi thì đâu ra được nước trong? Cứ gạn bỏ bùn cấu thì được nước trong, cứ hoán cải tâm tánh thì chúng sinh thành Phật (Tâm, Phật, chúng sinh tuy ba mà không khác nhau). Hễ mê là đọa lạc, là chúng sinh, cứ giác là giải thoát, là Phật. Kinh sách có câu: Hối đầu thị ngạn (quay đầu lại là bờ, bờ bên kia, bờ giải thoát). Chỉ cần quay đầu là rời bỏ hàng ngũ ma quỷ để tiến về quê cũ là cõi Phật. 
Ðó cũng là ý nghĩa câu tìm Không ở trong 62 món kiến chấp là những tà kiến chấp trước sai lầm của ngoại đạo. Người tu Bồ Tát Ðạo phải học những chấp trước đó, học để hiểu biết không còn rơi vào những sai lầm đó, cứ sống và học những kinh nghiệm của thế tục nhưng không đắm nhiễm mà vượt lên trên, vượt qua tất cả mọi việc trong đời, không chấp là được. Cứ sống ở đời mà không để đời lôi cuốn nhận chìm là được giải thoát. Pháp giải thoát phải tìm nơi chúng sinh. 
Tất cả chúng ma và ngoại đạo đều là thị giả. Ma là những chúng sinh đắm say dục lạc, không chán sinh tử, ưa làm chướng ngại người tu hành. Còn ngoại đạo là những người nhiều kiến chấp vọng tưởng, người đi tìm Chân lý ở ngoài tâm, hướng về ngoại cảnh. Thông thường, các vị trưởng lão Hòa Thượng có một người đệ tử hầu cận giúp việc, gọi là thị giả, cũng tu hành chân chánh, thầy trò giống nhau. Ở đây, thị giả của Cư Sĩ Duy Ma Cật lại là chúng ma và ngoại đạo, họ gây chướng duyên nhưng lại là trợ duyên để Bồ Tát thực hành lòng Ðại Bi. Thật vậy, nếu không có người trêu chọc, mình đâu có cơ duyên tu nhẫn nhục, nếu không có người quyến rũ, mình đâu có cơ hội quán thân bất tịnh, nhiếp hộ sáu căn ? Do đó chúng ma và ngoại đạo giúp Bồ Tát tu Lục Độ Vạn Hạnh, Bồ Tát làm chủ được Tâm ví như ông chủ sai khiến chúng ma và ngoại đạo là người giúp việc, Tâm không động thì dục lạc và kiến chấp không lôi cuốn được, nếu khéo điều khiển thì những kẻ ác lại là những ngườì giúp việc đắc lực. 
Cùng ở trong đời, nhưng chúng sinh ưa làm các việc ác, chìm đắm trong luân hồi sinh tử, còn Bồ Tát chỉ làm các việc lành, thị hiện sinh tử chứ thật ra các Ngài đã ra khỏi vòng luân hồi. Chúng sinh giữ 62 món kiến chấp, còn Bồ Tát giữ Tâm không động niệm, khác nhau ở chỗ đó mà thôi. Bồ Tát vào đời để độ đời, nếu không vào thì làm sao cứu giúp chúng sinh, vào đời mà không kẹt ở đời, chúng sinh chính là mục tiêu, là đối tượng của Bồ Tát thực hành lợi tha. Bệnh của Cư Sĩ Duy Ma Cật do lòng Ðại Bi nên chẳng do thân hay do tâm, nên hiểu chữ tâm ở đây có nghĩa là vọng thức chứ không phải Chân Tâm. Thân thì sinh diệt vô thường, tâm thì như huyễn, không thật có, vì chúng sinh bệnh nên Bồ Tát thị hiện có bệnh mà thôi. Bồ Tát không lìa chúng sinh để thấy Phật, mà thấy chúng sinh là Phật sẽ thành, nếu xa rời chúng sinh thì không thấy Phật, lìa sóng không thấy nước. 
Bệnh của chúng sinh là từ bốn đại (đất, nước, gió, lửa) mà khởi, bệnh của Bồ Tát là từ lòng Ðại Bi, không do bốn đại những cũng không lìa bốn đại, vì lìa bốn đại thì không thấy chúng sinh. 
Ngài Văn Thù hỏi ông Duy Ma Cật: “Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có bệnh như thế nào?” Cùng là Bồ Tát tất nhiên hiểu nhau, cùng sáng suốt giác ngộ, cùng lìa tướng nhập Tánh, cùng thực hành từ bi lợi tha, tuy biết ông Duy Ma Cật thị hiện có bệnh mà thôi chứ không phải có bệnh thật, nhưng Bồ Tát cũng phải tới an ủi thăm hỏi, làm thế cho đúng cách. Ðây cũng là một vị Bồ Tát xuất gia tới thăm hỏi một vị Bồ Tát tại gia, tuy hai mà một, đồng kính trọng nhau, đồng luận pháp mầu, chỉ vì lợi ích chúng sinh. 
Ông Duy Ma Cật đáp lại với lập trường tích cực, lìa hai cực đoan: tuy biết thân vô thường, là gốc khổ, là vô ngã, nhưng không nhàm chán, không hoại diệt thân, mà cũng không quá quý trọng thân mà nuông chiều chăm sóc quá mức, trái lại Bồ Tát hướng dẫn người tu phải biết dùng thân làm phương tiện để đạt cứu cánh dùng thân làm bè qua sông, chính cái xác thân này sẽ đưa người tu hành tới Pháp Thân thường trụ. Biết thân vô thường thì phải tinh tấn tu hành, không giải đãi lười biếng, không chán thân chán cảnh chán đời. Biết thân là nguồn gốc của khổ nạn, nhưng bản chất là Tánh Niết Bàn, các Bồ Tát đã chứng ngộ nhưng không xa lìa thân, không vội nhập Niết Bàn, mà ở lại cõi đời đau khổ dùng thân này ở liền bên cạnh chúng sinh để chỉ đường dẫn lối tu hành. Biết thân là vô ngã mà dùng thân làm phương tiện tùy duyên hóa độ chúng sinh, quên mình giúp người. Biết thân không tịch, lặng lẽ, rốt ráo là không, nhưng vẫn tích cực hoạt động làm lợi cho người khác, chẳng chủ trương tịch diệt mà trái lại nương xác thân để đạt tới Chân Diệu Pháp Thân. 
Dù biết rằng thân này chịu khổ là do nhân quả nghiệp báo đã gây tạo từ trước, dù ăn năn sám hối, nhưng không vì những hành động quá khứ mà cam chịu khổ sợ nhọc nhằn, Bồ Tát quên quá khứ (vì quá khứ đã trôi qua không nắm lại được) không phải để tiếp tục gây lội lỗi, mà quyết tâm làm lành, làm tốt, lấy công chuộc tội. Nếu để quá khứ ám ảnh, tội lỗi ray rứt thì đau khổ hối hận theo hoài, khó dứt ra được. Chi bằng gây tội thì chuộc lỗi, bị gai lấy gai mà nhổ, té ngã nơi đâu thì chống tay nơi đó mà đứng dậy, đã sám hối rồi thì nhất định không tái phạm, mà cũng không nhắc đi nhắc lại làm gì. Nhà tối tăm bẩn thỉu lâu ngày thì phải thắp đèn là sáng, lau chùi là sạch, than thở suông không giúp ích gì.
Vẫn biết do tội trước mới có bệnh sau, thí dụ: do ăn uống không gìữ vệ sinh nên bị đau bụng, do trộm cướp mà bị vào tù ... thì từ nay phải xin chừa, không tái phạm mới là tốt, nếu cứ buồn rầu để lương tâm cắn rứt mà không sửa đổi tâm tánh, cứ chứng nào tật nấy, thì bài học quá khứ không giúp gì cho hiện tại và tương lai. Không nói vào nơi quá khứ còn có ý nghĩa là Bồ Tát không chấp sự chia cắt thời gian làm ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) mà chỉ phương tiện nói có trước có sau mà thôi, vì nơi cứu cánh tuyệt đối, nơi Thể Tánh không có thời gian vô thường mà lúc nào cũng là Chân Thường Vĩnh Cửu. Tội lỗi vốn là Không, chẳng có Thật Tướng, do Tâm sinh thì lại do Tâm diệt, hiểu vậy thì phá được cái chấp thường, chấp đoạn, lìa hai tướng cực đoan, chứng nhập Chân Như. 
Ðứng trên lập trường bản thể thì không có ta có người, không có bệnh có khổ, nhưng trong cuộc đời tương đối, nơi thế gian vẫn có ta có người, có  bệnh có khổ, nếu phủ nhận là lại lạc vào bệnh chấp không. Vì còn thấy có ta có người nên phải lấy bệnh mình mà thương bệnh người, đồng bệnh tuơng lân, lấy lòng mình mà đo lòng người, Bồ Tát thị hiện có bệnh để hiểu thấu cái khổ khi bị bệnh mà thông cảm chúng sinh đã đeo bệnh suốt nhiều đời nhiều kiếp, chịu khổ não vô cùng tận. Có hiểu rõ hoàn cảnh của người mới dễ tìm ra phương thuốc cứu giúp, biết bệnh do nghiệp báo cũ sinh ra nên Bồ Tát dạy chúng sinh giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý cho thanh tịnh, không làm việc ác, chỉ làm việc lành, đem công đức hồi hướng cho tất cả chúng sinh thì các nghiệp cũ được tan đi, mọi bệnh khổ tiêu trừ, ví như vị thầy thuốc giỏi tìm đúng gốc bệnh, cho đúng thuốc, bệnh tất tiêu tan. Các vị Bồ Tát nguyện làm thầy thuốc giỏi (Y Vương) để chữa thân bệnh và tâm bệnh cho tất cả chúng sinh, Bồ Tát thị hiện có bệnh mà không buồn rầu, vẫn tinh tấn cứu giúp chúng sinh, vui với Tâm Bồ Ðề lợi tha. 
Ðó là Bồ Tát không bệnh phải an ủi Bồ Tát có bệnh như vậy. Còn Bồ Tát có bệnh phải điều phục tâm mình như thế nào? Tâm đây không phải là Chân Tâm, mà là vọng thức nên cần phải điều phục. Bồ Tát có bệnh phải nghĩ rằng: bệnh là ở thân, có thân thì có bệnh, thân do bốn đại (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp mà thành, giả gọi là thân; khi bốn đại không hòa hợp thăng bằng thì thân tự nhận là có bệnh. Nếu biết bốn đại không tự chủ tự tại, có thành có hoại, có hợp có tan, thì biết thân này vô ngã; thân đã vô ngã thì những cái của ta (ngã sở) cũng là không, không ta, không người, không chúng sinh, không thọ mạng, không chấp bốn tướng này mà trở về sống với Tánh Thể bình đẳng không hai. Tánh Thể này là Không, Như Như Bất Động, là Chân Ngã Niết Bàn. Tánh Thể này không hề có bệnh. Ðây là điểm khác biệt giữa Bắc Tông và Nam Tông, Bắc Tông chủ trương thâm nhập Tánh Không của Trí Huệ Bát Nhã, còn Nam Tông chủ trương dứt thọ cảm để cầu chứng Niết Bàn. Nam Tông thấy có chúng sinh đau khổ nên cần tu hành thoát khổ, chứng Niết Bàn an vui. Còn Bắc Tông thấy tất cả là một, chẳng hai, nên Bồ Tát không lìa chúng sinh, không nhập Niết Bàn. 
Bệnh là ở thân, có thân nên có bệnh, có bệnh là do chấp ngã, bỏ chấp ngã là phá được thân kiến, có trí huệ sáng suốt hiểu biết sự thật, khi đã trừ được ngã và ngã sở rồi thì thấy tất cả là một, bình đẳng như nhau, ai cũng là bà con quyến thuộc, không còn yêu ghét oán thân; đẹp xấu khen chê, ngon dở... đều không làm dao động tâm mình. 
Ông Duy Ma Cật hiện thân cư sĩ có vợ con quyến thuộc, nhưng ông hiểu biết sáng suốt, hành động như một vị Đại Bồ Tát, sau khi thị hiện có bệnh, rồi điều phục vọng tâm để thoát khổ, nhưng thấy chúng sinh vẫn còn chìm đắm trong cảnh khổ của ba cõi sáu đường, nên ông thấy còn bổn phận cứu độ chúng sinh, dạy dỗ chúng sinh dứt trừ gốc bệnh. Gốc bệnh là vô minh, vọng thức, loạn tưởng điên đảo, phiền não, dính níu sáu trần trong ba cõi là gốc của Sinh, mà Sinh chính là nguyên nhân của Già, Bệnh, Chết. Chúng sinh sở dĩ chịu cảnh khổ luân hồi từ vô số kiếp, thống khổ triền miên trong cảnh tối tăm mờ mịt chưa biết ngày nào ra khỏi, chỉ vì chưa tìm ra gốc bệnh để trừ. Nay đã biết gốc bệnh rồi thì phải trừ diệt nó bằng pháp quán Vạn Pháp Vô Sở Ðắc, mọi vật không có gì là được cả. Vì sao? Vì sáu căn là huyễn hóa, sáu trần là ảo ảnh, sáu thức mê lầm. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu: Vì không có gì được nên các Bồ Tát tâm không ngăn ngại, không lo sợ điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. 
Bồ Tát có bệnh mà điều phục được tâm mình như vậy thì mới thật là chánh giác. Dẹp được oán tặc gọi là dõng mãnh, dẹp được gốc Sinh, Già, Bệnh, Chết gọi là Bồ Tát. Nhưng có một điểm rất quan trọng vi tế cần phải lưu ý, kẻo hành từ bi mà lạc vào ái kiến. Nếu Bồ Tát còn thấy có ta, có người, có bệnh, vì ta bệnh nên thương người bệnh, đó là ái kiến từ bi, cần phải bỏ. Vì sao? Thấy có ta thì làm lâu sẽ mỏi mệt, hành từ bi nhiều sẽ nhàm chán, thấy có người thì khi người kia đau khổ mình thương, nếu người kia xấu ác thì mình ghét, thấy có bệnh hay lây, truyền nhiễm nguy hiểm thì mình tránh, tâm mình sẽ khởi niệm phân biệt bất bình đẳng, khi đó lòng từ bi bị thương tổn, không còn vô tư. Ðể tránh ái kiến từ bi, trong khi cứu giúp mọi người, Bồ Tát luôn luôn giác tỉnh, vô ngã , vô pháp, mở rộng lòng từ bi luôn luôn sẵn sàng với bất cứ ai, bất luận trường hợp nào, hoàn cảnh dù thuận dù nghịch, không cần đợi duyên, không cần đủ duyên, lòng từ bi quảng đại này được gọi là Vô Duyên Từ. 
Khi mình không bị ái kiến che lấp Chân Tâm thì không bị ràng buộc mà lại còn đi cởi mở sự ràng buộc cho chúng sinh. Tự cởi trói trước rồi mới cho chúng sinh sau. Nếu biết thân ta không thật có, chúng sinh không thật có, sợi dây trói không thật có thì không cần phải cởi cũng vẫn giải thoát tự tại. Lúc làm việc cứu giúp chúng sinh cần sáng suốt áp dụng trí huệ và phương tiện, nếu sơ ý thì cởi biến thành trói. 
Nếu thực hành phương tiện để điều hòa tâm ý (uống trà, ngâm thơ, thiền hành, cắm hoa...) một cách đúng sức, đúng thời thì mình cảm thấy thoải mái an vui, đó là phương tiện cởi. Nhưng nếu dùng quá sức, hoặc say mê, không đúng lúc, thân tâm bị chi phối lôi cuốn thì đó là phương tiện trói. Cúng dường Tam Bảo đúng sức đúng thời, thân tâm hoan hỷ thì là phương tiện cởi. Nhưng nếu phải chạy ngược chạy xuôi, làm việc quá sức, hoặc đi vay nợ, thân mệt tâm buồn thì việc cúng dường Tam Bảo là phương tiện trói. Hướng dẫn gia đình đi Chùa, lễ Phật tụng Kinh đúng lúc, đúng tuổi, hợp căn cơ,  khiến mọi người vui vẻ thì là  phương tiện cởi. Nếu mọi người phải làm những việc đó một cách uể oải không thích hợp, miễn cưỡng mà làm thì là phương tiện trói. Tóm lại, những việc gì làm tham sân si giảm là phương tiện cởi, là tốt; những việc gì làm tham sân si tăng là phương tiện trói. 
Chúng sinh có nhiều tâm tư ý thích khác nhau, có những thú vui riêng, nếu trái ý là không nghe; nếu người ta không muốn thì mình đừng dùng sức mà kéo vào Thiên Ðường. Nếu ngườì ta muốn vào Ðia Ngục, mình dùng sức kéo ra họ cũng chẳng theo. Do vậy, Bồ Tát phải khéo léo, tùy duyên phương tiện mà dẫn dắt, khi thuận khi nghịch, sau phải dùng Trí Huệ mà hóa độ. Muốn họ theo, mình phải làm gương tốt trước, mình không uống rượu mới khuyên người đừng uống rượn, mình không nói dối mới khuyên người đừng nói dối, mình cởi trói cho mình trước rồi hãy cởi trói cho người khác, đó gọi là Thân Giáo, có đủ phương tiện huệ và huệ phương tiện. 
Áp dụng đúng phương tiện để tiêu trừ tham sân si thì gọi là có huệ phương tiện. Nhưng áp dụng sai hoặc quá đắm nhiễm phương tiện khiến tham sân si tăng trưởng thì gọi là không có huệ phương tiện. Tập thể dục đúng sức để được mạnh khỏe, là có phương tiện hnệ. Nếu quá say mê tập quá sức thì hại sức khỏe, đó là không có phương tiện huệ. 
Thường quán thân vô thường, vô ngã, khổ và Không gọi là có Huệ. Dùng mọi duyên lành, không ngại khổ nhọc, để độ chúng sinh gọi là có Phương Tiện. Có Huệ Phương Tiện là phương tiện có trí huệ soi sáng, hóa độ chúng sinh mà vẫn tỉnh giác, không chấp trước vì biết vô ngã, vô nhân. Gặp người bội bạc vẫn làm ơn, bị hiểu lầm không nản chí, kiên trì làm mọi việc lành, dù hoàn cảnh thuận hay nghịch cũng không lùi bước. Còn Phương  Tiện Huệ là có Trí Huệ sáng suốt để áp dụng phương tiện thích hợp làm lợi ích cho chúng sinh, tùy duyên hóa độ. Nếu Bồ Tát đem lòng ham muốn, nóng giận, tà kiến, hoặc vì danh lợi mà làm việc lành, thí dụ : cúng dường Tam Bảo nhiều tiền để được khen, được tiếng giầu có hơn người, để thỏa lòng ganh tỵ... thì đó không phải là Phương Tiện Huệ. Bồ Tát thi ân coi như đôi dép rách mang vứt bỏ, làm rồi quên, bị hiểu lầm coi như thử thách ngưỡng cửa Ðạo Hạnh, chẳng cần biện bạch, đó là có đủ Huệ và Phương Tiện vậy. 
Thân bệnh cũng có thể làm phương liện để tiến tu đạo hạnh, không vì có bệnh mà chán thân. Khi nằm dưỡng bệuh, ta có thể quán thân vô thường vô ngã, khổ và Không, ngoài ra còn lợi dụng phương tiện nằm nghỉ để niệm Phật, tu thiền, đọc kinh sách, suy ngẫm lý đạo, mở mang trí huệ,... thì đó chính là Huệ Phương Tiện. Ví như chúng ta có chiếc xe hơi để di chuyển, thỉnh thoảng xe bị hư thì phải sửa chữa để lại đem dùng nữa, không vì xe hỏng mà vứt đi. Có sự hiểu biết sáng suốt thì gặp việc xấu cũng chuyển thành tốt, đó là có Phương Tiện Huệ. Gặp hoàn cảnh nghịch, gặp ác duyên mà mình vẫn nhẫn nhục tu hành, vượt qua chướng ngại thì gọi là có Huệ Phương Tiện. 
Bồ Tát có bệnh nên điều phục tâm mình như thế, mà không trụ trong đó, cũng không trụ nơi tâm không điều phục. Ðó là Bồ Tát không còn chấp vào việc điều phục tâm mình nữa, vượt qua mọi cố gắng, làm chủ được vọng thức quay về với Chân Tâm, khi ấy mới thật là đầy đủ hạnh Bồ Tát, không theo phàm phu, không theo hạnh Thanh Văn. Phàm phu thấy đời là khổ, bỏ việc đời để tu Ðạo, thấy có vọng thức điên đảo cần điều phục, chưa điều phục được thì buồn bực, thối chí nản lòng. Thấy cuộc đời đau khổ quá nhiều mà mình không thoát ra khỏi, thành ra tiêu cực chán đời. Trong giai đoạn này, phàm phu cần lắng lòng bền chí định tâm, nhờ có Ðịnh nên Trí Huệ soi sáng, qua được cơn khủng hoảng tiêu cực phát tâm dõng mãnh tích cực tu hành. Còn hàng Thanh Văn cũng thấy đời nhiều nỗi khổ đau, vọng thức điên đảo như sóng bể, các Ngài cố gắng điều phục tâm  ra khỏi cuộc đời, nhập Niết Bàn an lạc. Cả hai thái độ đó đều không đúng với hạnh Bồ Tát. Chư vị Bồ Tát không chấp có đời khổ, có Niết Bàn vui, có vọng thức phải điều phục, mà các Ngài lìa hai bên khổ vui, lìa phiền não vọng thức, mà vượt lên trên tất cả với Tâm tỉnh giác hoàn toàn, khéo ứng dụng hoàn cảnh thuận nghịch, khéo tùy thuận căn cơ chúng sinh, vào cảnh nghịch mà vẫn thản nhiên tu được, chứ không sợ mà lánh xa như hàng Thanh Văn, không chìm đắm trong dục lạc như phàm phu. Các Bồ Tát có đủ bản lãnh để lấy độc trị độc, chuyển xấu thành tốt, chuyển ồn ào thành yên lặng. Thí dụ: Trong lớp học, các học sinh nói chuyện lao xao, thầy giáo phải nói nhỏ nhẹ, lớp vẫn ồn, không làm việc được. Lúc đó, thầy giáo phải nói lớn tiếng, lấy thước gõ mạnh lên bảng, khiến học trò im lặng. Lớp học yên rồi thì Thầy không gõ bảng nữa và bắt đầu giảng bài. Nếu thầy tiếp tục gõ bảng thì không giảng bài được. Các Bồ Tát cũng vậy, lúc đầu cần điều phục tâm ví như thầy giáo cần gõ bảng, khi tâm đã thanh tịnh rồi thì không còn trụ vào việc điều phục nữa, ví như lớp học đã yên rồi, Thầy giáo không cần gõ bảng. 
Các Bồ Tát vì hạnh nguyện quên mình lợi ích chúng sinh, nên có lúc thị hiện làm người xấu, việc ác, chỉ để hóa độ chúng sinh, giúp đở chúng sinh mà thôi. Trong Kinh có câu: Dù thực hành sáu pháp thần thông mà không dứt hết lậu hoặc (phiền năo) là hạnh Bồ Tát. Có khi Bồ Tát thị hiện tham sân si mà làm Phật sự, tham vì người, sân vì muốn giúp người, si để cảnh tỉnh người. Thí dụ: Tham mở mang buôn bán để mướn nhiều người giúp họ có việc làm sinh sống, đem tiền lời làm việc từ thiện, chứ tâm không mong hưởng lợi cho riêng mình; giả bộ nóng giận để dạy người tu, khiến người hối hận mà không làm việc ác; giả bộ mê mờ tội lỗi để làm gương xấu, mọi người thấy mà bỏ dữ làm lành. Giận người thân là mong họ tốt, mắng nhiếc con là mong con ngoan. Nếu tâm mình thật có tham sân si thì là phàm phu, còn thị hiện tham sân si, tâm vẫn thanh tịnh thì là Bồ Tát. Nếu vì mình mà tham sân si thì có tội. Nếu vì cảnh tỉnh người mà tham sân si thì là hạnh của Bồ Tát. Ðó chính là phương tiện, nhờ có trí huệ chiếu sáng mà uyển chuyển tùy duyên giúp đỡ chúng sinh, không chấp chặt cứng nhắc. 
Trong suốt đoạn kinh tiếp theo là nói về 37 phẩm trợ đạo, các pháp môn tu hành, Bồ Tát đều thực hành mà không rời Phật Pháp. Trợ Ðạo là giúp Ðạo, giúp người tu đi trên đường chân chánh, tới chỗ rốt ráo giác ngộ. Trợ là giúp, là phụ, nên chưa phải là chánh, biết vậy mà Bồ Tát vẫn tu, vì biết đó là duyên tốt, là bè đưa qua sông, tới bờ bên kia thì bỏ bè, lúc đó Chánh Pháp còn bỏ huống chi là pháp hoặc trợ đạo. Phật Pháp không cố định, mà biến hóa cho hợp thời hợp cơ, người tu hạnh Bồ Tát không nhất thiết tu theo pháp nào, chúng sinh cần gì cho nấy, thích gì dạy nay, miễn là đưa họ tới chỗ giác ngộ. Nhưng không vì thế mà quá mềm yếu, nếu chúng sinh muốn những điều sai trái thì cương quyết từ chối, hoặc thị hiện nóng giận quát mắng, dùng oai lực để đưa họ trở về chánh đạo. Ðó là Bi Trí Song Tu, có từ bi nhưng vẫn nương trí huệ soi sáng, có trí huệ nhưng vẫn từ bi nhu hòa. Có từ bi mà thiếu trí huệ thì dễ thành mềm yếu, dễ bị tình cảm chi phối, không cương quyết. Có trí huệ mà thiếu từ bi thì dễ thành khắc khổ lạnh lùng, chúng sinh nể sợ mà không thích gần gụi. Vì vậy Bồ Tát phát huy trí huệ nhưng không bỏ từ bi, làm gì cũng chỉ vì chúng sinh. Tuy đã chứng Niết Bàn thanh tịnh mà vẫn không lìa cõi Ta Bà nhơ uế, là vì để hóa độ chúng sinh. 
Các Bồ Tát đã chứng ngộ quán sát cõi Phật vắng lặng như hư không, nhưng vẫn phương tiện hóa ra nhiều cõi Phật khác nhau tùy ý mong cầu của chúng sinh. Dù đã chứng quả Phật nhưng vẫn không bỏ đạo Bồ Tát. Như Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn là một vị Cổ Phật danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vẫn ứng hiện nhiều thân ở cõi Ta Bà để tầm thanh cứu khổ. Các Bồ Tát điều phục được tâm mình như thế thì gọi là đủ hạnh Bồ Tát, ở nơi sinh tử không nhiễm ô, ở Niết Bàn vẫn độ chúng sinh, tuy hóa độ tất cả chúng sinh mà không yêu thương dính níu, không đắm say chấp trước, tuy xa lìa tất cả phiền não ràng buộc mà không diệt tận thọ tưởng, tuy biết tất cả là Không mà vẫn làm mọi công đức, tuy biết vô ngã vô tướng mà vẫn không bỏ một chúng sinh nào, tuy biết vô tác mà vẫn thị hiện làm mọi việc lành, tuy biết vô khởi mà vẫn phát tâm tu hành thanh tịnh, tuy biết vô đắc mà vẫn giúp chúng sinh hưởng quả vị giải thoát, tuy đã tịch diệt mà vẫn hiện thân trong vòng sinh tử, tuy đã rốt ráo trong sạch mà vẫn tùy chỗ ứng thân, phòng dâm quán rượu là nơi thường lui tới, không ngoài mục đích dẫn dắt chúng sinh ra khỏi nơi u mê tội lỗi. Dù thực hành các pháp bất sinh bất diệt mà Bồ Tát vẫn dùng tướng hảo trang nghiêm đeo chuỗi ngọc tràng hoa, y phục lộng lẫy để làm vui đẹp lòng người khiến họ kính quý mà theo, chứ các Ngài chẳng còn đắm say những đồ trang sức y phục. Cũng có lúc thị hiện làm Thanh Văn Duyên Giác ở nơi núi rừng tịch mịch, tu hạnh đầu đà khổ cực mà vẫn không rời Trung Ðạo, tất cả chỉ vì chúng sinh, họ muốn gì là các Ngài tùy thuận, tùy duyên hóa độ, chỉ cần họ biết quay đầu trở lại bỏ dữ theo lành, phát tâm Bồ Ðề là được. 
Có sức mạnh khả năng như vậy thì mới có thể phát lời thệ nguyện lớn như Bồ Tát Ðịa Tạng: “Ðịa ngục chưa trống, thề chẳng thành Phật. Chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ Ðề.” Có điều phục được tâm mình như đã nói ở trên thì mới có thể thực hành Bồ Tát Ðạo một cách rốt ráo. 
Sau khi ông Duy Ma Cật nói xong có tám ngàn vị Trời phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Các vị Trời tu mười điều lành, có nhiều phước báo, chịu ít phiền não, hưởng nhiều dục lạc nay được nghe những công hạnh lợi tha của Bồ Tát Ðạo, như người mê chợt tỉnh, như đang ở nơi tối được ra chỗ sáng, sự hiểu biết được chiếu soi rực rỡ, cặp mắt đui mù được lành, bèn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, trên cầu Phật Ðạo, dưới độ chúng sinh. Oai lực của lời Cư Sĩ Duy Ma Cật đã chuyển hóa lòng tham đắm dục lạc, say mê hưởng phước của các vị Trời biến thành tâm vị tha, bớt lòng ích kỷ mà phát tâm Bồ Ðề, thật là hy hữu. 
Huyền nghĩa của Phẩm này là những người tu hạnh Bồ Tát phải điều phục tâm mình trước, rồi hãy đi an ủi hóa độ chúng sinh. Tất cả do Tâm tạo, tâm an thì cảnh thuận, tâm tịnh quốc độ tịnh. Khi tâm thanh tịnh rồi thì tha hồ ung dung tự tại vào ra ba cõi, các duyên thuận nghịch chẳng làm động lòng, chúng sinh khó dạy chẳng làm lui bước, làm mọi việc với lòng không mong cầu, lặn lội trong bùn nhơ để cứu vớt chúng sinh với tâm vô phân biệt, Như Như Bất Ðộng, vì các Bồ Tát đã hòa mình với chúng sinh, Tất cả Là Một. 
--o0o--