|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
ÐƯỜNG TU KHÔNG HAI
(Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận)
Minh Tâm
Nhà Xuất Bản Thanh Văn -
USA
1991
-
09- PHẨM VÀO PHÁP MÔN KHÔNG HAI
-
-
Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo các vị Bồ Tát rằng: Thế nào là Bồ Tát
vào Pháp Môn Không Hai? Xin cứ theo chỗ hiểu biết và tùy ý thích
mà nói.
-
Phẩm này là trọng yếu của Kinh Duy Ma Cật, là trung tâm điểm của
giáo lý Ðại Thừa chủ trương bỏ tướng trạng để nhập Tánh Thể.
Phẩm này tuy dài nhưng tóm lại có thể chia ra làm ba phần:
-
1) Phần đầu trình bầy các chủ trương, chỗ thích ý hoặc xu hướng
công phu tu tập hoặc sự tu chứng của 31 vị Bồ Tát để vào Pháp
Môn Không Hai.
-
2) Phần thứ hai là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trình bầy ý kiến của
Ngài.
-
3) Phần thứ ba là chủ trương của ông Duy Ma Cật.
-
Danh từ không hai (Bất Nhị) có nghĩa là không phải là hai, không
có đối đãi giữa một và hai. Không Hai có phải là một không? Nói
Một cũng không đúng, chỉ tạm dùng thôi, vì nói một là ám chỉ có
cái khác, không phải một, là hai, là ba, bốn gì đó. Thí dụ: Một
là đối với nhiều, sáng đối với tối, xấu đối với tốt... nói bên
này là nghĩ tới bên kia, luôn luôn có hai cái đối đãi với nhau.
-
Chúng ta hãy học vài ý kiến của một số vị Bồ Tát.
-
Bồ Tát Ðức Thủ nói: Ngã, ngã sở là hai. Nhân có ngã mới có ngã
sở, nếu không có ngã thì không có ngã sở, đó là vào Pháp Môn
Không Hai.
-
Ngã là ta, ngã sở là cái của ta. Vì chấp có ngã, cái ta là thật
có, nên chấp luôn có ngã sở nghĩa là những cái của ta, thuộc về
ta, chúng cũng thật có. Chấp có ngã và ngã sở thì phải bảo vệ
chúng, cưng chiều chúng, ai đụng đến là không được, mong cho
chúng được tốt đẹp, sống lâu giầu bền, hơn mọi người khác. Nhưng
mọi mong cầu đâu có được như ý muốn, sinh già bệnh chết, vô ngã
vô thường... ai mà tránh được. Càng chấp ngã và ngã sở nhiều thì
càng đau khổ lắm. Nếu xả bỏ được lòng cố chấp, hiểu ngã và ngã
sở là Không, là không có thật, là giả huyễn, được không vui, mất
không buồn, hiểu biết luật Trời, nắm vững Chánh Pháp, an nhiên
tự tại, hết khổ được vui, hết đối đãi thị phi, mà vượt lên trên
tất cả để thể nhập vào Chân Như vô cùng vô tận, đó là vào Pháp
Môn Không Hai.
-
Bồ Tát Bất Thuấn nói: Thọ, không thọ là hai. Nếu các pháp không
thọ thì không có được, vì không có được nên không thủ xả không
gây không làm, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Thọ là nhận, là chịu. Không thọ là không nhận, không chịu. Ðược
khen thì vui, bị chê thì buồn, đó là có thọ. Khen không vui, chê
không buồn là không thọ. Vui buồn, sướng khổ, nổi sân si là tâm
bị động, là có thọ. Nếu đối cảnh mà tâm không động là không thọ.
Ăn rau chê nhạt miệng, ăn thịt khen ngon, đó là có thọ. Chấp ăn
chay là phải, ăn thịt là trái cũng là có thọ, vì còn thấy phải
trái, khen chê. Ăn để sống, không chấp chay mặn, không chấp mặn
nhạt ngon dở, thì là không thọ. Nói vậy không có nghĩa là khuyến
khích người ăn chay trường nên ăn thịt, vì quý vị đó không thể
ăn thịt được nữa, mà chủ yếu là giữ tâm không động, không phân
biệt, không chấp trước. Các tu sĩ Bắc Tông ăn chay trường là y
theo giới luật Bắc Tông, không nên chấp thọ khó chịu nếu thấy
các tu sĩ Nam Tông còn ăn thịt cá do Phật Tử cúng dường, vì Nam
Tông chủ trương đi khất thực ai cúng gì ăn nấy, bất tùy phân
biệt, không phạm giới cấm. Nếu khởi tâm phân biệt chay mặn cao
thấp là còn thọ. Các tu sĩ Nam Tông đắp y, để hở vai bên phải là
cung kính. Các tu sĩ Bắc Tông mặc áo phải kín cả hai tay mới là
tề chỉnh, hở vai là thô lỗ, không kín đáo đúng phép. Nếu biết
tùy phong tục địa phương mà giữ tâm không động, không chê cười,
là không thọ. Nếu còn chấp là hở hoặc kín là có thọ. Nơi này cho
là phải, là Chân Lý; nơi khác cho là trái, là phi lý. Ðừng chấp
thọ, đừng chê bai, đừng động tâm, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
Bồ Tát Ðức Ðảnh nói: Nhơ sạch là hai. Thấy được tánh chân thật
của nhơ thời không có tướng sạch, thuận theo tướng diệt, đó là
vào Pháp Môn Không Hai.
-
Nhơ sạch là tùy người, tùy phong tục địa phương, có điều mình
cho là nhơ thì người khác cho là sạch. Người Việt Nam ăn cơm
bằng bát đũa, cho là sạch; nếu bốc cơm bằng tay thì cho là nhơ.
Người Ấn Ðộ bốc cơm bằng tay cho là sạch, dùng bát đũa cho là
nhơ. Người lương thiện cho đồng tiền kiếm được một cách bất
chính là nhơ, kẻ trộm cướp cho là sạch. (Có người nói: đồng tiền
không có mùi. Xin để quý vị phê bình). Nếu còn thấy có nhơ sạch
đối đãi là còn chấp tướng, khi thấy được Thể Tánh chân thật của
các pháp thời không chấp hai tướng nhơ sạch nữa, thuận theo
tướng diệt, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Bồ Tát Phất Sa nói: Thiện, Bất Thiện là hai. Nếu không khởi
Thiện và Bất Thiện, vào gốc không tướng mà thông suốt được, đó
là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Thiện và Bất Thiện đôi khi cũng khó phân biệt, cùng một việc làm
mà người cho là thiện, người cho là bất thiện. Hồi Pháp thuộc,
có vị sư giúp những thanh niên ái quốc chống Pháp ẩn náu trong
chùa, do lòng từ bi, đó là thiện, nhưng đối với nhà cầm quyền
Pháp thì đó là vi phạm luật pháp, là bất thiện. Xử tử kẻ giết
người được coi là đúng luật là thiện; đối với người giữ giới sát
sinh thì giết một sinh vật đã là phạm tội huống chi giết người.
Giữ tâm thanh tịnh không động không chấp, không ích kỷ thì sẽ
không bị thiện ác chi phối, không bị hình tướng bề ngoài che
đậy, có cái thấy thông suốt vào Thể Tánh, đó là vào Pháp Môn
Không Hai.
-
Bồ Tát Sư Tử nói: Tội, phước là hai. Nếu thông đạt được tánh của
tội thì tội cùng phước không khác, dùng tuệ kim cang quyết liễu
tướng ấy, không buộc không mở, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Tội và phước là được coi trong vòng tương đối mà thôi, vì có
việc người này cho là tội thì người khác cho là phước. Giết trâu
bò gà lợn để cúng tế thần linh hoặc tổ tiên được coi là đúng tục
lệ, có hiếu, nhưng giáo lý Ðạo Phật lại cho là phạm tội sát
sinh, không được phước gì cả. Nếu thông đạt được Tánh của tội
thì tội cùng phước không khác. Phát huy được trí huệ sáng suốt
như ngọc kim cang thì vượt lên trên tội phước tương đối, không
còn trói buộc mà phải mở, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Bồ Tát Thiện ý nói: Sinh tử, Niết Bàn là hai. Nếu thấy được tánh
sinh tử thời không có sinh tử, không buộc không mở, không sinh
không diệt, hiểu như thế đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Ðứng về tướng trạng thì có sinh tử khổ đau. Niết Bàn an lạc.
Người nào còn chán sinh tử, ưa Niết Bàn, mà chưa ra khỏi sinh tử
chưa tới Niết Bàn thì khổ đau phiền não. Nếu thấy được Tánh của
sinh tử là Không, cuộc đời là mộng huyễn, sinh cũng không mà tử
cũng không, Niết Bàn cũng không thể ra khỏi vòng sinh diệt mộng
tưởng đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Bồ Tát Phổ Thủ nói: Ngã, vô ngã là hai. Ngã còn không có thời
phi ngã đâu có được. Thấy được Thật Tánh của ngã không còn có
hai tướng, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Chúng ta chấp có ngã, có cái ta do năm uẩn họp thành. Rồi từ cái
chấp ngã đó mà tạo vô lượng tội lỗi. Ðể phá cái chấp đó, Ðức
Phật dạy lý vô ngã, giúp chúng sinh xa lìa chấp ngã và ngã sở.
Ðó là phương tiện lấy độc trị độc mà thôi. Khi Bồ Tát thâm nhập
Trí Huệ Ba La Mật thì thấy năm uẩn là Không, ngã không có thì
làm gì có phi ngã. Thật Tánh của các pháp là bất sinh bất diệt,
bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, không có hai tướng, thấy
được như vậy là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Lần lượt 31 vị Bồ Tát phát biểu ý kiến của mình, tuy có 31 câu
trả lời nhưng tất cả đều quy vào một điểm: đứng về tướng thì có
phân biệt đối đãi: Ngã và ngã sở, thọ và không thọ, nhơ và sạch,
thiện và ác, tội và phước, sinh tử và Niết Bàn... rõ ràng có hai
bên, hai phía; nhưng đứng về Thể Tánh, Thật Tướng thì vượt lên
trên sự phân biệt, nhìn thấu suốt qua hình tướng để vào Bản Thể
Chân Như thì không thấy hai, mà cũng không thấy một (vì thấy một
là ám chỉ hai), chỉ thấy tất cả là Không. chẳng phải hai chẳng
phải một, đó là Bất Nhị, Không Hai.
-
Chúng sinh thấy có sinh có diệt là hai, đó là phần tướng. Các Bồ
Tát đứng về phần Tánh thấy chẳng có gì sinh chẳng có gì diệt, mà
sinh diệt chỉ là hiện tượng giả lập huyễn hóa mộng tưởng, nằm
mộng thấy có, tỉnh giác biết là giả, không có thật. Chúng sinh
thấy sắc và không là hai, một bên có một bên không. Khi thâm
nhập Bát Nhã thì sắc tức là không, không tức là sắc. Khi đứng về
tướng là còn trong vòng đối đãi phân biệt, nhưng đứng về Tánh
nghĩa là đặt mình trong Chân Lý rốt ráo tột cùng, nhập vào Lý
Thể chân thật duy nhất vắng lặng như như bình đẳng thì không có
tướng trạng, không phân biệt tốt xấu tội phước, chẳng có không
gian và thời gian, mà chỉ thấy một sự bình đẳng tuyệt vời, một
pháp giới bao la vô cùng vô tận vô biên, trong đó tất cả mọi
pháp đều dung thông hòa hợp, tất cả là một, một là tất cả, danh
từ một cũng là gượng dùng mà thôi, vì nói một là bao hàm có hai,
có khác, nhưng ngoài danh từ một thì chẳng có danh từ nào khác
để chỉ cái Thể Tánh Chân Như đó.
-
Chúng ta cần bỏ qua sự dùng giác quan và ý thức tầm thường mà
chúng ta vẫn quen dùng để phân biệt mọi vật có hình tướng khác
nhau: cao thấp, rộng hẹp, vuông tròn, xấu đẹp, đen trắng... mà
phải cố gắng vươn lên trên, dùng trí huệ mà nhận xét đến chỗ tận
cùng thì thấy tất cả mọi sự mọi vật đều giả hợp, vô ngã vô
thường, không thật có, không bền vững, trước còn sau mất, trước
có sau không. Ðó mới là giai đoạn đầu của quá trình chuyển Thức
thành Trí, tùng Tướng nhập Tánh. Tiến lên một bước nữa thì thoạt
nhìn qua tướng trạng bề ngoài mà đã thấy ngay cái Bản Thể Nhất
Như, không cần chờ phân tích các tướng tan hoại. Ðó là cái Lý
Thể chân thật duy nhất vắng lặng như như bình đẳng lìa hẳn mọi
sai khác đối đãi. Cái Lý Thể đó không thể dùng danh từ ngôn ngữ
tâm duyên để diễn tả, nhưng nếu không diễn tả thì làm sao người
khác hiểu được, cho nên các Bồ Tát gắng gượng tạm dùng danh từ
Không Hai.
-
Sau khi 31 vị Bồ Tát tạm dùng danh từ ngôn ngữ để diễn tả thế
nào là Bồ Tát vào Pháp Môn Không Hai, đến lượt Ngài Văn Thù. Vị
Bồ Tát này được xưng tụng là Ðại Trí, có trí huệ lớn nhất trong
các hàng Ðại Bồ Tát, Ngài nói: Ðối với tất cả các pháp không nói
không rằng, không chỉ không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào
Pháp Môn Không Hai.
-
Ngài Văn Thù đã chứng ngộ Chân Lý, biết rằng ngôn từ không diễn
tả được Thực Thể phải xa lìa các lời nói năng vấn đáp, phải trải
qua kinh nghiệm sống, phải thân chứng mới biết cái Thực Thể bất
Sinh bất diệt tiềm ẩn trong mọi loài chúng sinh, cái đó ở Phật
không hơn, ở chúng sinh không kém. Tuy Ngài Văn Thù biết các
pháp xa lìa các vấn đáp, nhưng Ngài vẫn dùng tiếng nói để đáp
lại câu hỏi của các vị Bồ Tát, dùng ngôn ngữ để nói về cái mà
ngôn ngữ không diễn tả được.
-
Ðến lượt ông Duy Ma Cật thì ông im lặng không nói năng chi cả.
Ðây là chỗ cao tột của bộ Kinh này, đưa chúng sinh vượt qua ngôn
ngữ mà vào Thể Tánh Chân Như, ví như thiền sư vượt đầu sào trăm
trượng để nhảy vào hư không. Ðây chính là chỗ Tổ Sư Ðạt Ma ngồi
tham thiền quay mặt vào tường chín năm không nói, Ngài Ðại Ca
Diếp mỉm cười khi Ðức Thích Ca dơ cành hoa sen trong hội Linh
Sơn, và chính Ðức Thích Ca cũng diễn tả bằng câu nói: “Trong 49
năm trời thuyết pháp, ta chưa hề nói lời nào”. Ðứng về tướng thì
có nói, nhưng đứng về Tánh thì không nói, vì Chân Lý vượt ra
ngoài ngôn ngữ thì dùng ngôn ngữ diễn tả Chân Lý làm sao được.
Sở dĩ phải dùng lời nói, thuyết pháp, in kinh dịch sách... là
tạm dùng phương tiện để dắt dẫn chúng sinh trong bước đầu tu
học, sau đó thì người tu phải tự mình tìm một phương pháp thích
hợp với căn cơ của mình để vươn lên, vượt ra khỏi vòng tương đối
để nhập vào Tuyệt Ðối, đó là vào Pháp Môn Không Hai.
-
Ông Duy Ma Cật im lặng không nói, nhưng để chứng minh sự nhập
Thể cao tột đó, Ngài Văn Thù khen ngợi: đó mới là vào Pháp Môn
Không Hai. Ðây là Ngài Văn Thù muốn chỉ rõ cho chúng sinh biết
rằng ông Duy Ma Cật đã vượt lên trên ngôn ngữ để nhập Thể Tánh
chứ không phải ông Duy Ma Cật không biết, không trả lời nổi câu
hỏi. Cũng trong tinh thần siêu việt đó, kinh sách có câu: Ngôn
ngữ Ðạo đoạn, nghĩa là lời nói làm đứt Ðạo.
-
Chủ ý của Phẩm này là khuyên chúng sinh rời bỏ những chấp trước
tầm thường trong danh từ ngôn ngữ, mà cần thâm nhập vào nghĩa ẩn
của lời Phật trong kinh, vượt ra ngoài khuôn sáo nhỏ hẹp để vươn
lên, nhập vào Bản Thể Chân Như vô cùng vô tận. Ðây cũng là chỗ
thấy của hàng Bồ Tát phát lòng đại từ đại bi đại hỷ đại xả, vì
thấy chúng sinh đang bị đau khổ trong địa ngục vô minh, làm sao
các Ngài tự tại an vui được; vì sao? vì Bồ Tát và chúng sinh là
một, không hai, Bất Nhị.
-
Lấy thêm một thí dụ cụ thể thường ngày cho dễ hiểu:
-
Chúng ta đứng ở dưới đất thì phân biệt rõ ràng người này với
người kia, vật này với vật nọ, nào kích thước, mầu sắc, xấu đẹp,
quý tiện... khác nhau rất nhiều. Ðó là chúng ta nhận xét, so
sánh, phân biệt tương đối. Nếu chúng ta đứng trên sân thượng một
tòa nhà mười tầng thì lúc đó sự so sánh phân biệt đã bớt rõ, chỉ
thấy người đi qua đi lại mà không thấy mặt mày xấu đẹp, quần áo
sang hèn mới cũ được nữa. Nếu chúng ta đứng trên nóc một tòa nhà
chọc trời 100 tầng thì chỉ thấy lờ mờ những điểm nhỏ di động,
không khác biệt nhau bao nhiêu, sự tương đối so sánh phân biệt
đã giảm đi rất nhiều. Nay nếu chúng ta ngồi trên một máy bay
phản lực siêu thanh bay thật mau trên độ cao mười cây số thì
chúng ta không còn phân biệt gì bên dưới, mà chỉ thấy một màu
trắng trinh nguyên, đồng nhất vô sai biệt.
-
Ðây là tạm thí dụ mà thôi, chứ còn thấy mầu trắng là còn tương
đối phân biệt trắng với đen, còn đối đãi với các mầu khác, chưa
tới chỗ tột cùng cao siêu tuyệt đối. Chúng ta là những người còn
đứng dưới thấp, các Bồ Tát là những vị đã ở trên cao, sự thấy
biết của chúng ta thua kém cạn hẹp, sai lầm, còn sự thấy biết
của các Bồ Tát thì cao siêu và đúng sự thật. Nhưng nếu chúng ta
chịu tin theo học hỏi và làm đúng các lời dạy của Ðức Phật và
chư vị Bồ Tát thì lần lần chúng ta cũng chuyển phần nào đôi mắt
thịt thành cặp mắt trí huệ, sự hiểu biết của chúng ta cũng cao
rộng thêm lên, sự chấp ngã ích kỷ mỏng dần, rồi có ngày tan vỡ
để chúng ta nhập một với Bản Thể của vạn vật, như các giọt nước
gặp nhau trong biển cả, lúc đó chỉ còn một vị nước mặn chứ không
còn phân biệt nước suối hay nước sông, khi đó chúng ta đã vào
Pháp Môn Không Hai vậy.
-
Ðể áp dụng vào cuộc đời, thực hành Pháp Môn Không Hai trong xã
hội, chúng ta đừng nhìn đời sống có hai mặt đối đãi tốt xấu,
thiện ác, quen lạ, thân sơ, xuất gia tại gia, chiến tranh hòa
bình... cái nhìn đó chưa được toàn diện, còn thiếu sót, mà phải
nhìn cuộc sống trong thế gian với Tâm tĩnh lặng, nhờ trí huệ
chiếu soi, không thương ghét thù hận, thấy chúng sinh có hình
tướng sai khác, tính nết khác nhau, nghiệp báo nặng nhẹ, nhưng
tất cả đều có chung một cái cao cả mà không một danh lừ ngôn ngữ
nào diễn tả được, nói ra là sai, vẽ ra là trật, nghĩ đến là
biến, gượng dùng các danh từ Bản Thể, Chân Như, Thật Tướng, Phật
Tánh, Bản Lai Diện Mục, Chân Tâm,... tạm chỉ mà thôi. Chúng ta
dùng các phương tiện như niệm Phật, tụng Kinh, trì Chú, tu
Thiền, quán tưởng... để diệt trừ vọng tưởng, giữ Tâm được an
định, phát huy trí huệ sẵn có, bao nhiêu tạp niệm lắng xuống,
chúng ta có cái nhìn đúng đắn về con người, về xã hội, về mọi
hoàn cảnh; nhất là biết rõ chúng ta là ai, có mặt trên thế gian
này với mục đích gì, và sẽ đi về đâu ? Hiểu biết được vậy là
chúng ta vào Pháp Môn Không Hai.
-
Trong phẩm này, các Bồ Tát thị hiện phân biệt nói năng dùng
nhiều danh từ ngôn ngữ, để hướng dẫn chúng sinh trong giai đoạn
mới học mới tu, rồi Ngài Văn Thù phá chấp ngôn ngữ, nó không thể
diễn tả Chân Lý mà chỉ là phương tiện mà thôi, chỉ là chiếc bè
đưa qua sông, là ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng Ngài vẫn phải
dùng ngôn ngữ hóa độ chúng sinh. Ðến ông Duy Ma Cật mới là tuyệt
đối cao siêu, dùng sự im lặng đưa dắt chúng sinh thể nhập Bản
Tánh Như Như Bất Ðộng, vì không thể nói ra được.
-
Chúng ta đang sống trong cuộc đời tương đối, chưa thể làm như
ông Duy Ma Cật được, nhưng đừng chấp lời thị phi, lắng lòng soi
tâm lặng lẽ, đừng nói nhiều, không nói những lời vô ích làm buồn
người khác, mà nên nói ít, nói đúng thời, đúng pháp, làm lợi ích
chúng sinh. Các bậc Thánh Hiền, các người hiểu biết thường ít
nói hoặc không nói (tri giả bất ngôn), còn chúng ta nói quá
nhiều vì chúng ta chắng biết Chân Lý (ngôn giả bất tri).
-
Nghe xong phẩm này, trong chúng có năm ngàn Bồ Tát đều vào Pháp
Môn Không Hai, chứng vô sinh pháp nhẫn. Chỉ có các Bồ Tát đã có
trí huệ mới thể nhập Chân Lý, còn các Thanh Văn và Trời người
thì không hiểu được.
- --o0o--
|
|