|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- KINH TẠNG
-
ÐƯỜNG TU KHÔNG HAI
(Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận)
Minh Tâm
Nhà Xuất Bản Thanh Văn -
USA
1991
-
13- PHẨM PHÁP CÚNG DƯỜNG
-
-
Pháp, dịch nghĩa chữ Phạn Sanskrit Dharma hoặc chữ Pali Dhamma,
có nhiều nghĩa hết sức rộng rãi. Cổ đức thường định nghĩa Pháp
là: Nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải, nghĩa là nắm giữ tự
tánh vật nào đi vật đó, có những quy tắc riêng biệt để phát sinh
lời giải thích của vật đó. Thí dụ: Cái bàn hình chữ nhật hoặc
vuông hoặc tròn, bằng gỗ hoặc sắt hoặc đá, có bốn chân, dùng để
bầy sách vở hoặc bát đĩa ăn cơm, ai thấy cũng biết ngay là cái
bàn. Vậy cái bàn là một pháp.
-
Không những pháp là những vật có hình tướng, có thể thấy, nghe,
ngửi, nếm, xúc chạm được, mà những vật không hình tướng như tham
giận buồn vui, khổ sướng, các tư tưởng cao siêu hoặc thấp hèn
cũng là pháp, cho đến các vật không có thật như lông rùa sừng
thỏ, trứng trâu... cũng là pháp. Tóm lại, mọi sự mọi vật có thật
hay tưởng tượng, vật chất hoặc tinh thần đều là pháp.
-
Nhưng chữ Pháp ờ đoạn kinh này chỉ có nghĩa là lời dạy của chư
Phật, là các kinh điển cao quý nhiều lợi ích, là các pháp môn tu
hành đưa chúng sinh tới bờ giác.
-
Cúng dường là lối đọc trệch của hai chữ Cung Dưỡng. Cung là cung
cấp, lo cho đầy đủ. Dưỡng là nuôi lớn. Cung dưỡng là cung cấp
vật thực để nuôi lớn thân tâm. Ngoài lương thực, tiền bạc, quần
áo, thuốc men, nhà ở, vật dụng để nuôi thân, còn có kinh kệ sách
vở, lời khuyên dạy, nếp sống thanh cao để làm gương... để nuôi
lớn tâm tánh, tất cả đều là vật cúng dường. Tại sao lại đọc
trệch ra cúng dường ? Vì hai chữ cung dưỡng chỉ có ý nghĩa tầm
thường như con cung dưỡng cha mẹ, người dưới cung dưỡng người
trên các thức ăn vật chất để nuôi thân cho no ấm mà thôi, không
có vấn đề khuyến khích tu hành, tu tâm dưỡng tánh. Dùng chữ cung
dưỡng e tầm thường thấp thỏi quá nên người xưa đọc trệch ra cúng
dường để tỏ bầy lòng tôn kính ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Cúng
dường bao gồm mọi sự hy sinh tiền bạc, vật thực, thời giờ, sức
khỏe, có khi luôn cả thân thể và sinh mạng nữa. Trong Kinh Pháp
Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát, ngài Hỷ Kiến Bồ Tát đốt tay rồi đốt
thân để cúng dường Phật. Nãm 1963 tại Sài Gòn, Bồ Tát Thích
Quảng Ðức tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và nguyện dùng ngọn lửa
từ bi soi sáng nhà cầm quyền lúc đó đừng kỳ thị tôn giáo. Ðây là
những tỷ dụ nói lên sự hy sinh cao cả, quên thân mình, vì chúng
sinh.
-
Cúng dường có hai thứ:
-
1) Tài cúng dường, gồm tiền bạc, vật thực, quần áo, thuốc
men....
-
2) Pháp cúng dường.
-
Tài cúng dường đem lợi ích an lạc cho thân. Pháp cúng dường đem
lợi ích an lạc cho tâm. Pháp cúng dường có nhiều cách, nhiều ý
nghĩa từ thấp lên cao:
-
1) In kinh, dịch sách Phật để ấn tống, truyền bá Pháp Bảo.
-
2) Nghe lời Phật dạy, tin hiểu, thọ trì, giải nói, thuyết pháp
độ sinh.
-
3) Truyền dạy các pháp môn tu hành như niệm Phật, tu thiền, trì
chú, tụng kinh, để mọi người y pháp tu hành.
-
4) Tinh tấn tu hành, giữ gìn Chánh Pháp, trưởng dưỡng Pháp Thân,
tiếp nối ngôi Tam Bảo.
-
5) Theo Kinh Hoa Nghiêm, Pháp cúng dường là cúng dường bằng cách
sống và làm theo lời Phật dạy để lợi ích và hóa độ chúng sinh,
chịu thay thế hết thảy đau khổ cho chúng sinh, siêng tu thiện
căn, không rời sự nghiệp Bồ Tát, không bỏ Tâm Bồ Ðề rộng lớn.
Thực hành cúng dường như vậy mới là chân thật cúng dường, đó là
Pháp Cúng Dường bậc nhất.
-
6) Hy sinh tất cả mọi sự mọi vật để đạt tới Chân Lý, rồi đem
Chân Lý ra truyền bá cứu giúp mọi loài chúng sinh khiến họ bỏ dữ
làm lành, được giác ngộ giải thoát, đó là pháp cúng dường cao cả
nhất.
-
Bấy giờ, Thích Ðề Hoàn Nhân bạch Phật, tán thán Kinh này và phát
nguyện cúng dường ủng hộ những người nào tin hiểu, thọ trì, đọc
tụng, giải nói kinh này. Ðức Thế Tôn khen ngợi vị Trời này và
dạy thêm: Kinh này rộng nói đạo vô thượng chánh đằng chánh giác
bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, hiện lại và vị lai. Nếu ai
thọ trì đọc tụng cúng dường Kinh Pháp này thời chính là cúng
dường chư Phật quá khứ, hiện tạì và vị lai vậy.
-
Thích Ðề Hoàn Nhân, phiên âm chữ Phạn Sakya Devanam Indra, dịch
là Ðế Thích, một vị Trời cai quản cõi Trời Ðạo Lợi, thuộc Dục
Giới. Vị Trời này thường hay tới nghe Phật thuyết pháp hiện thân
ra tán thán, phát nguyện hộ trì Phật Pháp.
-
Bất khả tư nghị tự tại thần thông quyết định Thật Tướng là bộ
kinh diễn tả Thật Tướng, Bản Thể, Chân Lý một cách cao siêu
không thể nghĩ bàn được, nếu ai thực hành đúng theo thì nhất
định có được thần thông tự tại nghĩa là tự do quyết định sự đi
lại ra vào ba cõi, không còn bị sinh tử luân hồi chi phối nữa.
-
Ðức Phật so sánh tài cúng dường nghĩa là dùng tiền bạc, vật
thực, bảy báu, dựng tháp cúng dường vô lượng chư Phật trong
nhiều kiếp... không bằng Pháp cúng dường. Tại sao? Tài cúng
dường dù lớn lao đến đâu chăng nữa cũng chỉ đem lại phước báo
hữu lậu nơi cõi Trời và người, khi hết phước báo vẫn còn phải
chịu luân hồi sinh tử. Tài cúng dường chỉ gieo nhân tốt để rồi
hưởng quả lành là phước báo nơi thân, còn pháp cúng dường làm
nẩy sinh công đức vô lậu nơi Tâm, đưa đến quả vị giác ngộ và
giải thoát. Phước báo và công đức khác nhau rất xa, như tích
truyện giữa Tổ Sư Bồ Ðề Ðạt Ma và Vua Lương Võ Ðế đã nói rõ.
Phước báo có hạn lượng, dù lớn bao nhiêu cũng có lúc hết, còn
công đức tức là quả Bồ Ðề thì không có hạn lượng, không tính đếm
được. Do đó, pháp cúng dường cao quý hơn tài cúng dường rất
nhiều.
-
Đức Phật nói thêm với vị Vua Trời: Về quá khứ: có Phật hiệu là
Dược Vương ra đời, có Vua Bảo Cái cúng dường Ðức Phật các đồ cần
dùng mãn năm kiếp, rồi bảo ngàn người con cũng phải đem thân tâm
cúng dường Phật. Các con vâng lời, trong đó có môt người con tên
là Nguyệt Cái suy nghĩ có việc cúng dường nào thù thắng hơn
không? Trên hư không có tiếng nói: Pháp cúng dường là hơn hết.
Vương Tử Nguyệt Cái không biết liền đến hỏi thì được Phật Dược
Vương dạy rằng: Pháp cúng dường là kinh thâm diệu của chư Phật
nói ra, là ấn Ðà La Ni, trên hết các kinh, nếu ai nghe tin hiểu
thọ trì đọc tụng phân biệt giải nói chỉ bày rành rẽ cho chúng
sinh, giữ gìn Chánh Pháp, đó gọi là Pháp cúng dường. Nắm vững lý
bốn đế, mười hai nhân duyên, vô thường vô ngã, y theo bốn điều
(Tứ Y), đó là pháp cúng dường thù thắng hơn hết.
-
Vương Tử Nguyệt Cái nghe pháp xong liền cởi áo đẹp và đồ trang
sức nơi thân đem cúng dường Phật Dược Vương, được thọ ký sau này
giữ gìn được thành trì Chánh Pháp. Vương Tử Nguyệt Cái liền xuất
gia tu hành, hóa độ trăm muôn ức ngườì, chính là tiền thân của
Ðức Thich Ca.
-
Nguyệt Cái là cái lọng hình tròn như mặt trăng, các Vua Quan
dùng để che mưa nắng bụi bậm. Bảo Cái là lọng lớn hơn, quý hơn,
tượng trưng cho Vua Cha, còn Nguyệt Cái nhỏ hơn, tượng trưng cho
người con. Lọng chịu đựng cho nắng mưa gió bụi bám vào để che
chở cho Vua Quan; Vương Tử có tên là Nguyệt Cái là có ý nói vị
Vương Tử này tu hạnh nhẫn nhục, chịu đựng mọi khổ não thử thách
để giữ gìn Chánh Pháp. Vị này cởi áo đẹp và đồ trang sức nơi
thân để cúng dường Phật, tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Phật Dược
Vương đâu có cần dùng các y phục và đồ trang sức, đây có ý diễn
tả Vương Tử Nguyệt Cái hy sinh tất cả tài sản quý báu cùng các
thú vui vật chất từ trước vẫn cột chặt nơi thân, nay đem bỏ đi
để đổi lấy Chánh Pháp của Phật, tu hạnh nhẫn nhục để hàng phục
mọi ma oán, cám dỗ của năm sự ham muốn (ngũ dục lạc): tiền bạc,
sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nghỉ, vị Vương Tử này đã bỏ
những thú vui vật chất nơi thân để được những công đức nơi Tâm,
giữ gìn và truyền bá rộng rãi Chánh Pháp của Phật, hóa độ vô
lượng chúng sinh, trải qua nhiều đời nhiều kiếp được thành Phật
hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
-
Ðức Phật Thích Ca kết luận: Này Thiên Ðế, Pháp cúng dường là thù
thắng cao cả hơn hết trong các việc cúng dường, không gì sánh
kịp, các ông phải lấy Pháp cúng dường mà cúng dường các Đức Như
Lai. Thực hành Pháp cúng dường là gieo nhân lành đưa đến quả vị
Phật hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.
-
Ẩn ý của phẩm này là đề cao Pháp cúng dường, nghĩa là đem Chánh
Pháp ra cúng dường. Cúng dường ai? Phật đâu cần chúng ta cúng
dường, Ngài chỉ muốn chúng ta đem Chánh Pháp ra hoá độ chúng
sinh, vì cứu giúp chúng sinh tức là cúng dường mười phương chư
Phật. Cúng dường chư vị Tăng Ni chăng? Dâng cúng tiền bạc, quần
áo, thuốc men, giường nằm dĩ nhiên sẽ đem lại phước báo, nhưng
nhân vật chất hữu lậu chỉ đem lại quả vật chất hữu lậu mà thôi,
thí dụ: được giầu sang, mạnh khỏe, danh vọng, sống lâu... nhưng
khi hưởng hết phước thì lại theo dòng đời trôi chảy mà chịu quả
báo luân hồi. Đừng nghĩ rằng đem tài vật cúng dường chư vị Tăng
Ni là đủ rồi, chư vị đó sẽ cứu độ cho mình thoát khỏi cảnh khổ,
được nhiều hạnh phúc an lạc. Như trên đã nói, tài cúng dường đem
lợi lạc cho thân, mà thân thì vô ngã vô thường, không bền lâu,
chỉ có Pháp cúng dường mới đem lại công đức cho Tâm, nhân vô lậu
đem lại quả vô lậu, không có hạn lượng.
-
Muốn thực hành Pháp cúng dường không phải dễ, không phải chỉ in
kinh, đọc kinh, giải nghĩa kinh, mà phải sống theo kinh, mang tự
lực ra tu hành các pháp môn chân chánh, nhẫn nhục chịu đựng
nhiều thử thách đắng cay, phát Tâm Bồ Đề quên mình vì chúng
sinh, chẳng cầu phước báo Trời người mà chỉ phát nguyện mở mang
trí huệ để hóa độ chúng sinh; thực hành Pháp cúng dường còn phải
hy sinh nhiều thứ quý báu của mình, có khi mất một phần thân thể
hoặc tính mạng nữa, có bỏ cái này mới có cái kia, có bỏ của báu
thế gian mới có của báu xuất thế gian, bỏ phước báu Trời người
để vào trí huệ Hiền Thánh, bỏ sinh tử đổi lấy Niết Bàn, bỏ tự
lợi để rộng truyền Chánh Pháp... Người nào thực hành được Pháp
cúng dường như thế là đi đúng con đường của chư Phật, chư Bồ Tát
đã đi, tiếp nối hạnh nguyện của bậc Thánh Hiền là tiếp tục thắp
sáng ngọn đèn trí huệ chỉ đường cho chúng sinh thoát kiếp luân
hồi, đi về nẻo giác.
- --o0o--
|
|