Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG

KINH DUY MA CẬT GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ 

 PHẦN BẢY
 
Con khi ấy, bạch Thế Tôn, nghe thấy lời này rồi thì được chưa từng có. Liền đối với tất cả Bồ tát sâu khởi tâm cung kính. Lại khởi nghĩ thế này, đây là hàng danh tiếng được biện tài trí tuệ mới có thể nói được như thế. Ai nghe mà không phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Con từ đây trở về sau không có dám khuyên người dùng pháp Thanh văn hay pháp Bích Chi Phật để cho họ thực hành. Thế nên con không kham đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
Như vậy đoạn này đứng về phần khất thực. Ngài Ca Diếp và Ngài Tu Bồ Đề là 2 vị có tâm lệch một bên. Ngài Ca Diếp thì thương người nghèo. Thường thường mình nói mình thương người nghèo thì lẽ ra không dám nhận của họ, phải không? Bởi vì họ đã nghèo rồi mà mình nhận của họ nữa thì họ lại nghèo thêm. Nhưng mà ngược lại Ngài Ca Diếp vì thương người nghèo cho nên nđi khất thực trong xóm nghèo để cho họ gieo căn lành, để sau này họ mới giàu được. Chớ bây giờ nếu mình sợ họ nghèo mình không dám khất thực, không dám yêu cầu họ làm phước, thì tâm ích kỷ của họ lại càng thêm. Như vậy đời sau làm sao có phước. Như vậy chẳng lẽ đời người nghèo, đời sau nghèo, nghèo hoài sao. 
Cho nên muốn chuyển cái tâm của họ từ cái nghèo trở thành giàu, vì vậy Ngài tìm mấy người cùi, cúng khất thực họ nữa. Đó cũng là tâm từ bi mới làm được như vậy. 
Ngược lại Ngài Tu Bồ Đề thì sao? Cứ tìm nhà giàu khất thực. Cũng vì lòng từ bi. Ngài quan niệm đơn giản, họ dư mình xin một chút  không thấm vào đâu. Như vậy họ không thiếu. Như vậy cái khất thực của mình nó không làm thiệt thòi cho người cúng. 
Như vậy ai cũng từ bi hết mà nó trở thành lệch. Một bên thì nặng muốn gieo duyên với người nghèo. Một bên nghĩ mình xin mà người ta không bị thiệt thòi bao nhiêu, không khổ khó cho họ, cho nên nhắm người giàu. 
Như vậy đều vì lòng từ bi mà có thiên lệch. Cho nên ở đây mới dẫn ra câu chuyện, khi ông Duy Ma Cật thấy Ngài đi tới xóm nghèo khất thực rồi, ông nói rằng: Ông có lòng từ bi mà nó không có gốc. Bỏ người giàu mà đến xin người nghèo, lòng từ bi của ông không có bình đẳng. Bây giờ ổng mới hướng dẫn đây. Ngài Ca Diếp phải trụ nơi pháp bình đẳng. Nghĩa là phải trụ nơi pháp bình đẳng mới nên đi khất thực. Mình muốn khất thực phải trụ pháp bình đẳng để khất thực. Pháp bình đẳng để khất thực là thế nào? Tức là lên thứ lớp, đi nhà nào? 
Thí dụ: Đây là nhà giàu, mình cũng khất thực. Kế đó nhà nghèo mình cũng khất thực. Nhà nào tùy tới đâu người ta cho thì nhận, chớ không có lựa xóm nghèo tới, hoặc lựa xóm giàu tới. Đó mới gọi là bình đẳng. Nhưng mà tới đây, ông qua cái lý, vì không ăn nên đi khất thực. Không ăn khất thực làm chi, phải không? Ăn mới khất thực chớ, không ăn khất thực làm gì? Mà ở đây nói vì không ăn nên đi khất thực. Mà ai không ăn? Nếu thân này thì phải có ăn, phải không? Đây ông muốn đi sâu cái lý. Nghĩa là mình đi khất thực mình sống, tu đó là vì để nhận ra cái pháp thân. Sống với pháp thân. Mà cái đó có ăn không? Nó không có ăn. Nhận được cái đó thì mới đi khất thực. Vì hoại hòa hợp tướng mới nên đi khất thực. Hoại hòa hợp tướng là thân này nè! Ngũ uẩn hòa hợp hay là tứ đại hòa hợp. Vì không có nuôi dưỡng, không có tiếp tục tướng hòa hợp này nữa mới đi khất thực. Như vậy đi khất thực là vì sự giải thoát vái tướng hòa hợp phải không? Mới đi khất thực. Chớ nếu mình vì tiếp tục đời sau làm người hoặc làm trời gì đó, khất thực cái đó là không đúng. Cho nên hoại và hợp vì bất thọ, không thọ nên đi khất thực, nhận thức ăn kia. Không thọ tức là thường chúng ta có 5 giác quan. Năm giác quan đó đối với năm trần, có cảm thọ. Nhưng đây pháp thân có 5 giác quan không? Cho nên nói là không thọ. Như vậy đó, dùng đó mà đi khất thực. Dùng cái tưởng không tu, tức là cái tưởng thân này giống như chỗ trống, rồi 5 thứ ấm hợp lại, chớ nó không có thật. Như vậy xóm làng cũng là cái nhóm hợp lại không thật. Mình tưởng như vậy đó mà đi vào xóm làng khất thực. Bảo mình thấy sắc cùng với người mù đồng. Nghe tiếng cùng với vang đồng. Ngữi mùi cùng với gió đồng. Khi ăn vị không phân biệt. Khi xúc chạm như trí chứng. Mấy cái này quí vị nghe thấy dễ hiểu không? Thấy sắc như mù là làm sao? Thấy làm sao như mù được. Như mù là không thấy. Đã là thấy mà tại sao như mù? Bởi vì chúng ta thấy mà không có thêm phân biệt đẹp xấu. Cho nên thấy là như mù, chớ không phải là không thấy. Thấy mà không có niệm phân biệt đẹp xấu. Vì vậy mà nói thấy như mù. Nghe như vang. Nghe khen, nghe chê, đều như tiếng vang ở trong núi, ở dưới hồ, dưới ao dội lại mà thôi. Nếu mình được hai cái đó thì tu dễ chưa. Thấy sắc mà như mù, nghe tiếng mà như vang. Nghe người ta chửi và nghe người ta khen, hai cái đều là vang hết trơn thì mình khỏe không? Nhưng mà bây giờ nghe chửi thì mặt đỏ, phải không? Nghe khen thì miệng cười, là tại sao? Là vì mình chưa sống với cái pháp bình đẳng đó, rồi nói rằng ăn vị mà không phân biệt làm sao. Khi đồ ăn để vô lưỡi mình không phân biệt là làm sao? Không phân biệt tức là không biết ngon dở chớ gì, phải không? Nếu không biết ngon dở thì cái lưỡi đó bỏ đi rồi. Hết cảm giác rồi. Như vậy thì sao? Không phân biệt nghĩa là làm sao? Vị để vào lưỡi ngon, thì vẫn biết ngon, dở thì vẫn biết dở. Nhưng đừng có ngon mà thích, dở mà ghét đó, thì được rồi. Gọi là không phân biệt. Chứ đừng nói rằng như vậy cái lưỡi mình tu không biết đời nào, vì để vô lưỡi lúc nào cũng phân biệt hết, phải không? Mà đây bảo rằng, đối vị không phân biệt. Rồi mình cứ ngỡ rằng không phân biệt là để vô lưỡi không biết ngon dở gì hết. Cái đó là quá sai lầm. Nghĩa là con mắt thấy mà như mù. Tức là thấy mà không phân biệt đẹp xấu. Nếu đẹp vẫn biết đẹp, xấu vẫn biết xấu. Nhưng không có cái niệm để đuổi theo cái đẹp, để chán ghét cái xấu, thì đó gọi là mù. Lưỡi nếm vị ngon biết ngon, dở biết dở. Chớ làm sao không biết. Nhưng mà ngon không có cái luyến, dở không có cái ghét, cái chán. Đó không biết vị là vậy. 
Thọ các xúc như trí chứng. Câu này khó hiểu đó. Tức là khi mình có cảm thọ về phần xúc chạm như trí chứng. Trí chứng là làm sao? Tức là ngay cái trí chứng như thật. Chớ không có phải như cảm giác của mình. Bởi vì thường thường cái xúc nó có cái cảm giác. Những cảm giác đó có ưa thích, vui buồn. Nhưng bây giờ tất cả cái thọ đó, xúc chạm đó, mình đều biết đúng như trí nhận ra. Chớ không phải như tình cảm hay cảm giác. Bởi vì tất cả cái xúc chạm mình điều thấy nó như là huyễn, như là hóa, không có thật. Không có gì thật hết. Cho nên tâm không nhiễm trước. Đây mới giải thích nè! Các pháp như tướng huyễn. Không tự tánh, không tha tánh. Xưa không sanh, nay không diệt. Như trí chứng đó, mình phải thấy như vậy. Đó là đoạn nói rằng mình ăn hay thọ thực phải có những điều kiện đó. 
Bây giờ lại nói thêm, nếu mà hay không xả 8 tà vào 8 giải thoát. Dùng tướng tà vào pháp chánh. Đây là tư cách bình đẳng. Không có thấy bên kia tà, bên đây chánh. Bên kia là pháp trói buộc, bên đây là pháp giải thoát. Không còn kẹt bên này, bên kia, dùng một thức ăn mà thí tất cả, đó là chỉ cho cái bình đẳng đó. Nghĩa là một tướng bình đẳng không có khác. Cho nên một tức là tất cả, hay tất cả tức là một. Cúng dường Phật và chư Hiền Thánh, nhiên hậu mình mới ăn. Cái đó dễ hiểu rồi. Người ăn như thế thì không có phiền não cũng không có lìa phiền não. Chẳng nhập định ý cũng chẳng khởi định ý. Khởi tức là xuất đó. Không trụ thế gian cũng không trụ niết bàn. Tức là đi tới cái nhất tướng bình đẳng. Mà đã nhất tướng bình đẳng thì không còn có phiền não hay ly phiền não hai bên nữa. Cũng không có nhập định và xuất định. Không có trụ thế gian và trụ Niết bàn. Bởi vì Niết bàn và thế gian là hai bên. Nhập định, xuất định là hai bên. Phiền não và lìa phiền não là hai bên. Nghĩa là tới chỗ bình đẳng thì không còn kẹt hai bên. Người thí cho ông không có pháp lớn cũng không có pháp nhỏ. không có tăng, cũng không có giảm. 
Như vậy vì chỗ bình đẳng đó nếu thấy có lớn có nhỏ thì hết bình đẳng rồi. Thấy có thêm có bớt thì không phải là bình đẳng rồi. Cho nên không lớn không nhỏ. không tăng không giảm. Đó mới là đi vào Phật đạo, không phải kẹt bên Thanh Văn. Bởi vì Thanh Văn còn nhìn trên đối đãi. Còn Phật đạo là đi tới bình đẳng, không còn đối đãi nữa. Nếu mình được như vậy mới là hành Phật đạo. 
Như vâỵ đoạn đó nói cho mình thấy rõ, nếu người nhận thức ăn như vậy mới không uổng công người thí chủ. Đoạn sau chỉ là nói thêm của Ngài Ca Diếp thôi. 
Tóm lại, cho dễ hiểu thì đoạn này, ý Ngài Duy Ma Cật muốn nhắc rằng, người khất thực, phải có cái tâm bình đẳng. Khi được cái tâm bình đẳng rồi thì nhìn thấy các pháp không còn hai bên. Mà chính không thấy các pháp có hai bên đó đó, mới đi thẳng vào Phật đạo. Nếu còn thấy có hai bên chưa phải là Phật đạo. Đó là đoạn của Ngài Ca Diếp. 
Đến Ngài Tu Bồ Đề, ông này hơi khó hơn chút nữa. 
Phật bảo Tu Bồ Đề: 
Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: 
Bạch Thế Tôn, con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại  thuở xưa con vào nhà ông để mà khất thực (Tùng khất thực tức là để mà khất thực). Khi ấy ông Duy Ma Cật nhận bát của con (chữ “Thủ” là nhận chớ không phải là “Giữ”). Nhận bát của con rồi múc đồ ăn để đầy bát. Rồi bảo con rằng: 
Vâng! Ngài Tu Bồ Đề, nếu đối với thức ăn mà bình đẳng. Các pháp bình đẳng thì đối với thức ăn, cũng bình đẳng. Như thế mà thực hành khất thực đó thì mới thì đó mới nên nhận lấy thức ăn. Nếu ông Tu Bồ Đề không đoạn tham sân si cũng không chung cùng với nó (chữ “Câu” là “chung”. Không chung cùng với nó). Không phá hoại thân mà tùy nhất tướng (nghĩa là thân mình không bị phá hoại mà thuộc về một tướng). Không diệt si ái mà khởi được giải thoát. Do tướng ngũ nghịch mà được giải thoát. Cũng không có giải, cũng không có phược. Không thấy Tứ đế và không phải không thấy Tứ đế. Không được quả cũng không phải không được quả. Không phàm phu, không lìa pháp phàm phu. Không thánh nhân, không chẳng thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp mà không lìa các tướng mới có thể nhận thức ăn. Nếu ông Tu Bồ Đề không thấy Phật, không nghe pháp những ngoại đạo kia. Lục sư ngoại đạo kia là thầy của ông. Nhưng những lục đạo đó, lục sư ngoại đạo đó, mà ông xuất gia, những ông thầy đó đọa thì ông cũng phải đọa. Như vậy mới nên nhận thức ăn. 
Nếu ông Tu Bồ Đề vào trong các tà kiến không đến bờ giải thoát hay là bờ Niết Bàn. Trụ trong 8 nạn, mà không được không nạn. Đồng với phiền não lìa pháp thanh tịnh. Ông được vô tránh tam muội thì tất cả chúng sanh cũng được cái định ấy. Người thí cho ông gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông không rơi vào ba đường ác. Ông cùng với chúng ma cùng nắm tay nhau làm bạn lữ. Ông cùng với chúng ma và các trần lao đồng không có khác. Đối với tất cả chúng sanh mà có tâm quán, chê bai Phật, hủy bánh pháp, không vào chúng Tăng (“Chúng Số” tức là chúng Tăng) trọn không được diệt độ. Ông nếu như thế thì mới nên nhận thức ăn. 
Khi ấy, Bạch Thế Tôn! Nghe nói lời này rồi, con mờ mịt (“Man nhiên” là mờ mịt) không biết phải nói thế nào, không biết dùng cái gì mà đáp (Tức là không biết nói thế nào, không biết dùng lời gì mà đáp). Con liền để cái bát đó muốn chạy ra khỏi nhà ông (Sợ quá! Nghe nói hoảng hốt quá!). Ông Duy Ma Cật mới nói rằng: 
Vâng! Ngài Tu Bồ Đề, nhận bát chớ có sợ. Ý ông nghĩ sao? Như Lai mà có hóa ra người, người ấy đem cái việc này nói cái việc này, hay là đem việc này hỏi ông thì ông có sợ chăng? 
Con thưa: 
Không vậy. 
Ông Duy Ma Cật mới nói: 
Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Nay ông không nên có chỗ sợ. Vì cớ sao? Tất cả lời nói không lìa tướng ấy. Đến người trí thì không chấp vưn tự, cho nên không có sợ, vì cớ sao? Vì văn tự cái tánh nó lìa. Không có văn tự ấy là giải thoát. Tướng giải thoát ắt là các pháp vậy. 
Ông Duy Ma Cật khi nói pháp này thì 200 Thiên tử được pháp nhãn trong sạch, cho nên con không thể đến thăm bệnh ông. 
Như vậy đoạn này là đoạn khó nhất đó, phải không? Nói những chuyện lạ lùng trái đạo lý. Nghe nói ông hốt hoảng. Đây có những tinh thần, từng phần. Phần đầu là ông muốn nói, ông muốn nói gì? Nghĩa là không đoạn tham, sân, si cũng không chung đồng với tham, sân, si. Không hoại cái thân mà tùy theo nhất tướng. Không diệt si ái mà khởi giải thoát. Dùng cái tướng ngũ nghịch mà được giải thoát. Cũng không thấy giải và phược. Cũng không thấy Tứ đế và không không thấy tứ đế... 
Đoạn này để nói chỗ chân thật, bình đẳng thì không có hai bên. Ngay ở trong tham, sân, si nó có giải thoát. Ngay trong giải thoát là từ tham, sân, si. Chớ hai pháp không có rời, không có riêng. Cho nên không có giải thoát mà cũng không có triền phược. Không có chẳng thấy Tứ đế cũng không chẳng chẳng thấy Tứ đế. Như vậy tất cả hai bên đều không có. Nếu còn nhận có hai bên là chưa thấy pháp bình đẳng. Mà thấy pháp bình đẳng thì không còn hai bên. Nếu ông không thấy được hai bên thì đó mới nên nhận thức ăn. 
Đó là một đoạn. Như vậy đoạn này để nói lên pháp không có hai bên. Đối đãi không phải là pháp thực. Bây giờ chúng ta thường nói tu là sao? Là dẹp tham sân si, phải không? Mà diệt được tham sân si thì mới giải thoát. Như vậy tham sân si diệt thì mới có giải thoát. 
Bây giờ tôi nói thí dụ. Như có người bị trói, bị lấy 3 sợi dây trói tay họ cứng ngắt vô trong cây. Như vậy họ bị ba sợi dây trói, cho nên họ mới tính làm sao? Họ muốn thoát 3 sợi dây trói đó họ phải làm sao? Phải mở, phải không? Bởi vì bị trói cho nên mới có mở. Như vậy mở là từ trói mới có mở. Còn nếu không có trói thì có mở không? Như tất cả chúng ta, về lẽ thật thì đâu có ai bị trói. Không bị trói thì đâu có mở. Còn nếu thấy mở là do bị trói. Như vậy cái trói và cái mở là có thật lâu dài hay là tạm thời. Như vậy lập giải thoát là khi nào thấy triền phược, phải không? Như vậy giải thoát có, là khi nào có triền phược. Nếu triền phược không có thì giải thoát có không. Phật tánh có triền phược và giải thoát không? Trên giả tướng thì có phược có thoát. Chớ còn trên tánh thì không có phược có thoát. Cho nên khi chúng ta hiểu thì thấy rằng pháp tánh không đối đãi. Mà mọi đối đãi đều không phải là pháp tánh. Nếu nhận được pháp tánh, như vậy mới xứng đáng đi khất thực. Đó là đoạn thứ nhất. 
Tới đoạn thứ hai này nói gì nghe khó hiểu quá! Nếu ông Tu Bồ Đề không thấy Phật, không nghe pháp. Đối với ngoại đạo Lục sư kia là thầy của ông. Ông nhơn những người kia mà xuất gia. Những người kia đọa, ông cũng theo đó mà đọa. Như vậy mới nên khất thực. Khuyên làm sao? Mình là người xuất gia mà không theo tam bảo lại theo Lục sư ngoại đạo. Đó, Lục sư ngoại đạo này có một Thiền sư giảng, Lục sư ngoại đạo đây kể tên chớ mà đó ngầm ý chỉ cho sáu căn. Sáu căn luôn luôn chạy theo sáu trần, cho nên gọi là ngoại đạo. Bây giờ mình tu là gì? Cũng là căn cứ trên sáu căn đó mà chuyển hướng nó. Cho nên nó quen thói là chạy ra ngoại trần. Bây giờ mình đổi, không cho nó dính với ngoại trần nữa. Gọi là xuất gia. Gở cái dính. Gỡ sáu căn dính với sáu trần. Gỡ đó gọi là xuất gia, rồi giải thoát. Khi mình gỡ được, không còn cho dính nữa, như vậy nó rớt hết. Thì cái chấp của mình về nó cũng rớt hết. Cho nên “Bĩ sư sở đọa nhữ nhược tùy đọa”. Như vậy mới nên nhận thức ăn. Nhận thức ăn là sau khi mình chuyển hướng được sáu căn không còn dính mắc với sáu trần. Bao nhiêu cái nó tan vỡ hết không còn chút dính mắc nào. Như vậy mới nên nhận thức ăn. 
Đến đoạn sau nữa mới nghe hơi lạ lùng nữa. Nếu ông Tu Bồ Đề vào các tà kiến không đến bờ kia. Trụ nơi tám nạn không được không nạn. Đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ông được về vô tránh tam muội thì tất cả chúng tăng cũng được như vậy. Người thí cho ông không gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông sẽ đọa ba đường ác. Ông cùng với chúng ma nắm tay nhau làm bạn. Ông cùng với chúng ma và các trần lao không có khác. Đối với tất cả chúng sanh có tâm quán, có tâm quán chê bai Phật, hủy báng pháp, không vào chúng Tăng, trọn không được diệt độ. Ông được như vậy mới nên nhận thức ăn. Đoạn này nói gì nghe thật là lạ lùng. Đoạn này giống hệt Thiền sư. Đố biết Thiền sư nào? Học rồi đó, nói cái tôi biết mấy chú hiểu hay không hiểu. Không phải giống Động Sơn không phải giống Lâm Tế nữa. Ai? Mấy chú nhớ Ngài Huệ Nam khi ở chỗ Ngài Từ Minh được nghe làm sao? Nghe chửi bới. Chửi bới đã rồi ông hết nhẫn nổi nữa, rồi ông nói: “Chửi bới là từ bi sao?” Ngài Từ Minh nói làm sao? Ngài Từ Minh nói làm sao cho ông ngộ. Ông nói: “Chửi bới đó là chửi bới ta, như vậy là chửi bới sao?” Ngang đó ông ngộ. 
Đây cũng giống hệt như vậy, dùng một ngôn ngữ ngược lại. Bởi vì ngôn ngữ là không thật. Ngôn ngữ là tánh ly. Bây giờ dùng ngôn ngữ ngược lại. Ngài Tu Bồ Đề nghe ngôn ngữ ngược lại, ông hoảng quá! Nói sao mà ngược ngạo? Người tu mà người cúng dường cho mình đọa ba đường ác. Rồi mình với ma giống hệt nhau không khác. Tâm mình quán chúng sanh chê Phật, hủy báng pháp... 
Như vậy đó mới nên nhận thức ăn. Nghe tới đó mà ai không hoảng, phải không? Nhưng mà đây chỉ cho ngôn ngữ tánh nó ly, không thật. Ngôn ngữ không thật mình nghe vậy mình hoảng hốt. Đó là mình chưa có thấy cái tính ngôn ngữ không thật. Mà ngôn ngữ không thật chấp là thật tức là mình còn mê muội. Vậy cho nên khi ông Tu Bồ Đề nghe tới đây rồi, ông than thở ông muốn ôm bát ông chạy. Bây giờ ông mới nói nè! Tất cả các pháp như huyễn hóa, nay ông chẳng nên sợ. Vì sao không sợ? Vì tất cả ngôn ngữ không có tánh, có văn, ấy là giải thoát. Như vậy ông mới giải thích nè! Khi mà ông dùng những chữ bạo đó làm cho Ngài Tu Bồ Đề hoảng hốt lên thì ông giải thích những ngôn ngữ tôi nói với Ngài đó nó không thật. Không thật mà Ngài thấy thật là Ngài còn mê, còn chấp. Còn mê chấp thì không đáng thọ thực. Như vậy mới thấy ý của ông Tu Bồ Đề. 
Mình thấy đoạn này chia ra từng phần. Phần trước là chỉ cho khất thực phải tâm bình đẳng, thấy pháp bình đẳng. Như vậy đó mới nên nhận thức ăn. Phần kế là phải chuyển được sáu căn đến chỗ giải thoát thì mới gọi là đáng nhận thức ăn. Phần sau thấy ngôn ngữ là không thật, văn tực là không thật. Như vậy mới đáng nhận thức ăn. 
Ngài Phú Lâu Na Duy Đa La Ni Tử, Ngài dịch chữ Hán gọi là Mãn Từ Tử, là một vị giảng sư nổi tiếng. Nghĩa là Phật nói những pháp đơn sơ hoặc là ngắn gọn, chư Tỳ Kheo không hiểu thì hỏi Ngài. Ngài giảng rộng ra cho ai nấy đều hiểu. Bởi vậy Ngài được nổi tiếng là một người nói pháp rất giỏi, rất dài. 
Phật bảo Phú Lâu Na Duy Đa La Ni Tử: 
Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
Ngài Phú Lâu Na bạch Phật rằng: 
Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa ở trong Đại Lâm (Đại Lâm là tên rừng) ở dưới cội cây, vì các vị tân học Tỳ Kheo con nói pháp. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng: “Vâng! Ngài Phú Lâu Na. Trước phải nhập định, quán tâm của những người này, về sau mới nói pháp. Không nên đem đồ nhơ mà để trong bát báu. Phải biết sở niệm hay là chỗ nghĩ của tâm của các Ngài Tỳ Kheo này. Không nên cho cái lưu ly, đồng với thủy tinh. Ông không thể biết căn nguyên của chúng sanh thì không được phát khởi dùng pháp tiểu thừa. (phát khởi là chỉ dạy, dùng pháp tiểu thừa). Những người kia không có thương tích thì ông chớ có làm thành thương tích. Muốn đi con đường lớn thì chớ chỉ lối nhỏ. không có đem biển cả mà để vào dấu chân trâu. Không có đem ánh sáng mặt trời cho là bằng với ánh sáng con đom đóm. Này Phú Lây Na! Những vị Tỳ Kheo này xưa kia phát tâm đại thừa. Ở khoảng giữa đó quên ý này. Tại sao dùng pháp tiểu thừa mà hướng dẫn họ? Tôi xem những trí tuệ của tiểu thừa rất là cạn nhỏ. giống như là những người mù không thể phân biệt tất cả căn cơ lợi độn của chúng sanh. 
Khi ấy ông Duy Ma Cật liền nhập định khiến cho những vị Tỳ kheo này tự nhớ lại túc mạng (tức là mạng đời trước của họ), từng ở chỗ 500 đức Phật gieo trồng cội gốc công đức. Hồi hướng về vô thượng chánh đẳng Bồ đề. Liền khi đó hoát nhiên nhớ lại cái tâm trước. Khi ấy các vị Tỳ Kheo này cúi đầu lễ dưới chân ông Duy Ma Cật. Khi ông Duy Ma Cật nhân vì nói pháp thì những vị đó đều phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không thối chuyển. Con nghĩ hàng Thanh Văn không quán được căn cơ chúng sanh thì không nên nói pháp. Thế nên con không đến thăm bệnh ông ấy. 
Như vậy ở đoạn này là chỉ nói pháp thì phải hợp cơ, phải không? Thuyết pháp thì phải hợp cơ. Mà muốn thuyết pháp hợp cơ thì phải biết trình độ, căn cơ của người ta mà nói. Chớ đừng nói với tánh cách thấy đâu nói đó, biết đâu nói đó. Như vậy không có lợi ích cho người. Người trình độ cao mà mình nói pháp thấp thì chỉ có hại chớ không có lợi. Ngược lại người trình độ thấp mà nói pháp cao chỉ vô ích đối với họ thôi. Cho nên nói pháp phải hợp cơ. Ngài Mãn Từ Tử hay Phú Lâu Na này, Ngài thuyết pháp chỉ nghe Phật nói rồi Ngài ôn lại cho những vị Tỳ Kheo, chớ Ngài không có thấy, không biết được căn cơ những vị đó. 
Như vậy với ông Duy Ma Cật, ông nhập định khiến người ta nhớ được bổn tâm. Còn mình bây giờ nhập định không được rồi sao đây. Bây giờ, phải làm sao? Bởi vậy phải dò dẫm. Khi muốn nói pháp thì phải dò dẫm để biết trình độ, căn cơ của họ. Bởi vì thuở xa xưa mình không biết được. Nhưng sở thích hiện tại mình dò dẫm một hồi có thể biết để nói pháp cho họ. Kế đến. 
Phật bảo Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên: 
Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
Ngài Ca Chiên Diên bạch Phật rằng: 
Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa Phật vì các thầy Tỳ Kheo lược nói pháp yếu. Con liền sau đó mới diễn bày nghĩa kia (Nghĩa là, nghĩa gì, nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa không, nghĩa vô ngã, nghĩa tịch diệt (tức là Niết bàn). Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng: 
Vâng! Ngài Ca Chiên Diên, không nên dùng cái tâm hạnh sanh diệt mà nói pháp thật tướng. Này Ca Chiên Diên, các pháp cứu cánh không sanh không diệt ấy là nghĩa vô thường. Ngũ thọ ấm rỗng suốt, không có chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. Các pháp cứu cánh không có (vô sở hữu tức là không có), ấy là nghĩa vô ngã. Pháp xưa không sanh nay ắt không diệt, ấy là nghĩa tịch diệt. 
Khi nói pháp này những vị Tỳ Kheo tâm liền được giải thoát. Cho nên con không có thể đến thăm bệnh ông ấy. 
Như vậy, Ngài Ca Chiên Diên cũng là một người rất nổi tiếng về giảng pháp. Nhưng bây giờ Ngài ôn lại những lời Phật dạy cho những vị Tỳ Kheo nghe. Khi đó bị ông Duy Ma Cật quỡ. Ôn lại cái gì. Ôn lại cái nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa không, nghĩa vô ngã, nghĩa tịch diệt. Bốn cái đó: Vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn hay là tịch diệt là tứ pháp ấm đó. Bốn điều rất là quan trọng ở trong Phật pháp. Bốn điều này theo ông Duy Ma Cật nói thấy làm sao? Không có dùng tâm hạnh sanh diệt mà nói thật tướng các pháp. Ông chuyển về nói: Vô thường, không, vô ngã và Niết bàn là đứng về pháp tướng hư dối mà nói. Chớ không phải thật tướng. Tức là tướng đối đãi hư dối mà nói. Bây giờ muốn nói pháp thật tướng thì phải làm sao? Đây ông giải thích: các pháp cứu cánh không sanh, không diệt. Ấy là nghĩa vô thường. Đã không sanh, không diệt, sao gọi là vô thường. Mình nói vô thường là làm sao? Bởi vì nó có sinh diệt, phải không? Sinh diệt cho nên nói vô thường. Mà đã không sinh, không diệt, tại sao nói vô thường. Đứng về pháp tánh không sanh, không diệt nhưng mà duyên hợp thành tướng. Mà duyên hợp thành tướng thì mới có sanh có diệt. Nên sanh diệt đó là tướng của các pháp. Gọi nó là vô thường. Mà pháp tánh là không sanh, không diệt. Cũng như cái bàn này, cái tánh bàn là không, phải không? Nhưng mà duyên hợp thì có. Như vậy từ cái tánh không đó, cái tánh không có sanh, có diệt không? Nhưng mà khi duyên hợp rồi có. Bởi duyên hợp có cho nên mới có sinh diệt là vô thường. Như vậy nói vô thường là chỉ cho giả tướng duyên hợp. Còn pháp tánh thì không sanh, không diệt. 
--o0o--