Thư Viện Chùa Dược Sư
KINH TẠNG

KINH DUY MA CẬT GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

PHẦN TÁM
 
Như vậy cái không sanh diệt đó, đâu rời cái tướng sanh diệt, phải không? Cho nên nói các pháp cứu cánh không sanh, không diệt là nghĩa vô thường. Ngũ thọ ấm rỗng suốt không. Không có khởi, ấy là cái nghĩa khổ. Mình bây giờ nói khổ là vì năm ấm này. Năm ấm này là sinh, già, bệnh, chết là khổ. Bây giờ nói năm ấm này là rỗng suốt, là không. Không tại sao nói nghĩa khổ. Bởi vì tự tánh của năm ấm là không, phải không? Tự tánh của năm ấm là không. Không tức là rỗng suốt. Nhưng mà duyên hợp thì nó có năm ấm. Bởi có năm ấm nên bị sanh, già, bệnh, chết là khổ. Như vậy nói năm ấm là rỗng suốt, là không đó, là chỉ cho tánh của năm ấm. Từ cái tánh đó duyên hợp thành tướng, cho nên nói năm ấm rỗng không đó không có chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. 
Các pháp cứu cánh không có. Không có ấy là nghĩa không. Các pháp cứu cánh không là vì sao? Bởi vì các pháp không có một pháp nào tự có, mà đợi duyên hợp mới có. Không pháp nào tự có thì cứu cánh là không chớ gì. Như vậy mới gọi là nghĩa không. 
Còn nơi ngã và vô ngã không hai, ấy nghĩa vô ngã. Đó, nếu mình thấy cái ngã này là thật. Rồi vô ngã cũng là thật. Tức là thấy hai phải không? Vì vậy cho nên thấy ngã và vô ngã, hai cái đều là giả dối. Bởi cái vô ngã có rời cái ngã không? Như bây giờ mấy chú đang thấy mình thật, đó là gì? Đó là hữu ngã. Rồi một ngày nào tu thấy thân này nó không thật, không có chủ, thì lúc đó là gì? Như vậy hữu ngã, vô ngã cũng căn cứ trên thân này mà thôi. Như vậy cùng một thân này mà mình không mắc kẹt bên hữu ngã, bên vô ngã tức là một niệm bình đẳng. Niệm bình đẳng ấy là nghĩa vô ngã. 
Rồi nói rằng pháp xưa không sanh, nay không diệt, đó là nghĩa tịch diệt. Tịch diệt tức là Niết bàn. Bây giờ mình thấy được pháp tánh xưa nay không sanh, không diệt. Thấy được như vậy đó là nghĩa tịch diệt. Còn nếu thấy tướng của pháp là sanh là diệt, là đẹp, là xấu là có, là không, đó là chưa đi tới chỗ tịch diệt được. Như vậy muốn đạt được tới chỗ tịch diệt, đạt đến chỗ Niết bàn thì thấy các pháp nguyên thể là không sanh là không diệt. 
Như vậy ở đây Ngài Ca Chiên Diên căn cứ trên pháp tướng mà nói nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn. Còn ngược lại với ông Duy Ma Cật đứng trên pháp tánh để nói, cho nên vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt đó, nó ngược lại với cái thấy, cái hiểu theo nghĩa tương đối mà mình đang học. Tới phiên Ngài A Na Luật. 
Phật bảo Ngài A Na Luật: 
Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
A Na Luật bạch Phật rằng: 
( Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại ngày xưa, ở một chỗ đi kinh hành. Khi đó có Phạm Vương tên là Nghiêm Tịnh cùng với các vị Phạm Vương đồng đến (hay là chung đến chữ “Câu” là chung). Phóng hào quang sáng suốt đến chỗ của con cúi đầu làm lễ, hỏi con rằng: 
( A Na Luật, thiên nhãn của Ngài thấy được bao nhiêu? (hay là thấy được đến đâu) 
Con liền đáp với họ rằng: 
( Này Nhơn giả! Tôi thấy được thế giới tam thiên, đại thiên. Cõi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni này như là xem trái A Ma Lặc ở trong lòng bàn tay. 
Khi đó ông Duy Ma Cật đến hỏi con rằng: 
( Vâng! Ngài A Na Luật, thiên nhãn của Ngài thấy, đó là làm ra tướng thấy, hay không làm ra tướng mà thấy? Giả sử làm ra tướng thì cùng với ngoại đạo ngũ thông không khác. Nếu không làm ra tướng ấy là vô vi. Vô vi thì không nên có thấy. 
Bạch Thế Tôn khi ấy con lặng thinh. Những vị Phạm Vương kia nghe lời nói ngyà rồi thì được chưa từng có. Liền làm lễ mà hỏi rằng: 
( Ở trên đời này ai có được chân thiên nhãn? 
Ông Duy Ma Cật đáp: 
( Có Phật Thế Tôn có được chân thiên nhãn. Thường ở trong chánh định, phải thấy cõi các chư Phật không do hai tướng. 
Khi ấy đức Phạm Vương Nghiêm Tịnh và quyến thuộc, 500 vị Phạm Thiên đều được pháp tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lễ dưới chân ông Duy Ma Cật. Bỗng nhiên không hiện, cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy. 
Đoạn này chúng ta thấy cũng hơi đơi giản. Ở ông Duy Ma Cật thì ông nhìn khác với Ngài A Na Luật. Ngài A Na Luật được thiên nhãn, thấy thế giới tam thiên, đại thiên của Phật Thích Ca giống như nhìn trái ổi hay trái xoài ở trong lòng bàn tay. Bây giờ chúng ta cầm một trái ổi, trái xoài để trong lòng bàn tay, nhìn thấy rõ không? Không có nghi tí nào hết. Thế giới đức Phật Thích Ca giáo hóa, không phải chỉ cái thế giới Ta Bà này thôi mà nói cả thế giới tam thiên đại thiên. Có thể theo mình hiểu bây giờ là cả một thái dương hệ vậy. Chớ không phải chỉ trong thế giới riêng của mình. Thấy thế giới nhiều đó bằng thấy thấy đó một trái cây trong lòng bàn tay. Mình thấy cái thấy đó quá mức phải không? Quá sức tưởng tượng của mọi người. Nhưng bị ông Duy Ma Cật hỏi một cái rồi bí. Ông hỏi như vậy, Ngài thấy đó là do có tướng mà thấy hay không tướng mà thấy. Nếu có tướng thì giống như hàng ngũ thông của ngoại đạo. Ngoại đạo được ngũ thông. Trong đó có Thiên Nhãn Thông thì cũng thấy được rộng như là ông A Na Luật. Còn nếu không tạo ra tướng mà thấy đó, đã không tướng thì đó là vô vi. Vô vi làm sao có thấy. Như vậy có tướng thấy thì ông đồng với ngoại đạo. Còn nếu không tạo ra tướng mà thấy đó, đã không tướng thì đó là vô vi. Vô vi làm sao có thấy. Như vậy có tướng thấy thì ông đồng với ngoại đạo. Còn nếu không tướng mà thấy thì không tướng thì không thấy, thì như vậy là sai. Ngang đó ông bí, ông đáp không được. 
Như vậy Thiên Nhãn đó đối với ông Duy Ma Cật là Thiên nhãn còn nằm ở trên đối đãi. Chưa phải là Thiên nhãn chân thật. Con nên sau này chư Thiên mới hỏi ông: “Thế nào là chân Thiên nhãn? Ở trên đời này ai có chân Thiên nhãn?” Ông đáp: “Chỉ có Phật mới có chân Thiên nhãn đó thôi”. Chân thiên nhãn của Phật thế nào? Ở ngay trong chánh định mà thấy cái cõi nước của chư Phật, mà không bị hai tướng có và không. Như vậy đức Phật đi tới chỗ hằng được chánh định, không còn kẹt ở hai bên. Cho nên Ngài thấy tất cả cõi nước chư Phật. 
Lời nói này mấy chú thấy có quá hay không? Bởi vì như Ngài A Na Luật chỉ thấy thế giới trong phạm vi giáo hóa của đức Phật Thích Ca. Chớ chưa thấy vị A La Hán nào nói: Tôi thấy cõi Phật này, cõi Phật kia, phải không? Còn đức Phật, Ngài thấy đó chính là cái thấy của Ngài. Thí dụ như bây giờ tụng kinh Di Đà thì thấy đức Phật thấy được cõi Phật Di Đà không? Rồi thấy cõi Phật Đông phương không? Rồi thấy cõi Phật Dược Sư. Thấy bao nhiêu cõi Phật. Như vậy cái thấy của đức Phật vượt hẳn cái thấy của A Na Luật xa. Quá xa phải không? Bởi vậy Ngài nói ở đâu đó có cõi Phật đó, đức Phật tên gì đang nói Pháp... còn các vị A La Hán đâu thấy cái đó. Như vậy chúng ta mới thấy rằng trên phương diện tu hành phương diện tu hành còn ở trong đối đãi mà tâm được thanh tịnh thì cái thấy cũng rộng lắm rồi. Nhưng khi vượt khỏi đối đãi mà tâm hoàn toàn thanh tịnh. Ở trong chánh định tức là hoàn toàn thanh tịnh. Không có bao giờ động, thì chẳng những nhìn ở một cõi Phật mà thấy vô số cõi Phật nữa. Như vậy mới thấy giá trị của sự tu. 
Như bây giờ chúng ta tu, mấy chú có lúc nào tâm an một chút thì lúc đó trí mình sáng một chút. Còn khi tâm mình bất an thì trí mình rối loạn. Cho nên tu thiền là cốt cho tâm yên định. Mà tâm yên định thì trí sáng. Trí sáng đó không phải sáng bằng trí thôi mà sáng cả ra sáu căn. Bởi ra sáu căn nên mới gọi là lục thông đó. Chính nhờ yên tịnh mà phát ra, chớ không phải nhờ cái thuật luyện tập mà có. Những người nào luyện tập mới có thần thông thì thần thông do luyện tập được. Mà luyện tập được thì nó còn hoài hay mất. Đã luyện tập được thì lúc nào không luyện tập nó không công hiệu. Còn ở đây do tâm mình an định mà trí tự sáng. Cho nên an định được tâm mình thì đó là thần thông chân thật. Chớ không phải thần thông do công phu luyện tập mà được. Cho nên đức Phật, tâm Ngài hoàn toàn an định thì gọi là thường ở trong chánh định mà thấy cõi chư Phật. Đó là chỗ tu hành, không phải mình nói huyền bí mà đây là nói một lẽ thật. Bởi vì có vị A La Hán nào mà nói thấy thế giới nhiều đâu, phải không? Nói chỉ thấy trong phạm vi thế giới này. Còn đức Phật, Ngài thấy thế giới chừng bao nhiêu? Ngài thấy trong bầu hư không này thế giới nhiều như cát sông Hằng. Con sông Hằng chảy từ núi tuyết ra tới biển đông. Tính ra trên 1000 cây số. Chừng bao nhiêu cát? Bây giờ mình nói sông Đồng Nai thôi, chừng hơn 100 cây số đó, mấy chú thấy chừng bao nhiêu cát? Không thể nào mình đếm được số cát số cát sông đồng nai Đồng Nai. Huống nữa là sông Hằng, nó dài lê thê như vậy. Phật ví dụ Ngài thấy thế giới trong bầu hư không này nhiều như số cát sông Hằng. Lời nói như vậy đó, không phải tự Phật ước thuyết mà nói. Chính là do trí tuệ sáng suốt của Ngài thấy được. Những điều đó có bằng chứng trong kinh nói rõ ràng chớ không phải là ước thuyết hay tưởng tượng. Những điều đó chúng ta mới thấy công phu tu đem lại lợi ích. Và lợi ích đó vượt ra ngoài thường tình cái hiểu biết củ con người. Cho nên những điều Phật nói mà chúng ta bây giờ khó hiểu là tại vì cái thấy của Ngài vượt quá tầm vóc của chúng ta có thể biết. Vậy mà Ngài còn nói làm sao? Ngài nói vô trong rừng Ngài thấy lá cây trong rừng, Ngài mới lấy một nắm lá, Ngài nắm trong tay, Ngài hỏi: 
( Nắm lá ta nắm trong tay đây là nhiều, hay là lá cây trong rừng nhiều đó? 
Chư Tỳ Kheo trả lời rằng: 
( Lá cây mà Phật nắm trong tay quá ít. Còn lá cây trong rừng thì vô số kể. 
Phật nói: 
( Cũng vậy, cái biết của ta mà đem  dạy các ngươi đó, cái số đem ra dạy giống như là lá cây trong tay ta  nắm vậy. Còn cái ta biết không dạy, không nói được đó nhiều như lá cây trong rừng. 
Mấy chú nghĩ cái thấy, cái biết của Phật đối với mình cỡ nào. Nó quá tầm vóc tưởng tượng của mình. Đó để thấy rằng những cái mà Phật thấy chưa cần thiết, Ngài cũng không, Ngài cũng không nói cho mình biết. Mà chính Ngài đã thấy, Ngài đã biết. Cho nên cái tu đến chỗ tâm thanh tịnh bình đẳng thì hiệu quả nó không thể nào lường được. Không thể nào dùng trí phàm tục mình mà có thể biết đến được. Kế đây là ông Ưu Bà Ly. 
Phật bảo Ngài Ưu Ba Ly: 
( Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
Ngài Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: 
( Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại thuở xưa có hai vị Tỳ Kheo phạm về luật hạnh (tức là phạm giới) cho là hổ thẹn (hay cho là xấu hổ) không dám đến hỏi Phật. Đến hỏi con rằng: 
( Vâng! Ngài Ưu Ba Ly. Chúng tôi phạm giới luật, thật là xấu hổ. Không dám đến hỏi Phật. Cúi mong Ngài Ưu Ba Ly giải quyết cái nghi ngờ cho chúng tôi để được thoát khỏi những lỗi này. 
Con liền đúng như pháp mà giải nói cho những vị này. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng: 
( Vâng! Ngài Ưu Ba Ly. Không nên thêm tội cho hai vị Tỳ Kheo này. Phải thẳng trừ diệt. Chớ có làm nhiểu loạn cái tâm của hai vị ấy. Vì cớ sao? Vì tánh tội nó không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Như lời Phật nói vì tâm cấu cho nên chúng sanh cấu. Vì tâm tịnh cho nên chúng sanh tịnh. Tâm không ở trong, không ở ngoài,không ở chặng giữa. Như cái tâm này, cái tội cấu cũng vậy, các pháp cũng vậy, không ra ngoài cái như. Như Ngài Ưu Ba Ly khi do cái tâm tướng mà được giải thoát thì thật có cấu chăng? 
Con trả lời rằng: 
( Không vậy. 
Ông Duy Ma Cật mới nói: 
( Tất cả chúng sanh tâm tướng không có cấu. Cũng lại như vậy. Vâng! Ông Ưu Ba Ly, vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh. Này Ngài Ưu Ba Ly, tất cả pháp sanh diệt không trụ, không dừng, như huyễn, như điện. Các pháp không có đối đãi cho đến một niệm cũng không dừng. Các pháp đều là vọng kiến như mộng, như dương điện, như mặt trăng trong nước, như bóng trong gương, do vọng tưởng sanh. Người mà biết được như thế đó, đó mới gọi là giữ giới luật. Người biết được như thế đó, ấy mới gọi là khéo hiểu. 
Khi ấy hai thầy Tỳ Kheo nói: 
( Thật là thượng trí thay. Ngài Ưu Bà Ly không có thể nào bì kịp Ngài là người giữ giới bậc trên đó, Ngài là người giữ giới hơn hết mà cũng không thể nói được. 
Con liền đáp rằng: 
( Nếu mà từ bỏ đức Như Lai hay là ngoài đức Như Lai ra, chưa có hàng Thanh Văn, Bồ Tát nào hay chế phục được nhạo thuyết biện tài của ông Duy Ma Cật. Trí tuệ minh đạt của ông là như thế vậy. 
Khi ấy hai thầy Tỳ Kheo mới dứt hết nghi ngờ. Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Liền phát nguyện rằng khiến cho tất cả chúng sanh đều được biện tài như thế. Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật. 
Như vậy đoạn này chúng ta thấy Ngài Ưu Ba Ly đứng trên phương diện nào mà kết tội, mà giải nghi cho mấy vị đó? Tức là đứng trên mặt giới tướng. Đứng trên mặt giới tướng mà giải nghi. Mà đã đứng trên mặt giới tướng thì thí dụ người phạm giới uống rượu hay là phạm giới dâm dục chẳng hạn, thì giới tướng có tha được không? Khi kết tội thì đó là tội không thể chối được, không thể bỏ được, không thể thoát được. Cho nên đứng về mặt giới tướng thì khi đã làm tội rồi, tội đó là tội thật, chớ không thể nào giảm chế được. 
Còn ông Duy Ma Cật ông đứng về phương diện nào mà ông nói về tội? Tức là về cái tánh. Bên kia đứng về tướng thì bên đây đứng về tánh. Như mỗi đêm chúng ta sám hối thì có câu sau, nói gì đó. nguyên chữ Hán là: 
Tội tánh bổn không do tâm tạo. 
Tâm nhược diệt thời tội diệt vong. 
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không. 
Thị tắc danh vi chơn sám hối. 
Tánh tội vốn là không. Mà tánh tội vốn là không đó, làm sau mà kết được rằng tội đó cố định, phải không? Bây giờ tôi nói từ từ cho mấy chú thấy. Như chúng ta làm tội, thì trước từ cái gì mà có. Cái gì mà khởi ra tạo tội? Trước là do ý thức nó nhiễm, phải không? Nhiễm trước mà khởi ra tạo tội. Từ ý thức khởi, rồi thân, miệng mới bắt đầu thực hành. Thân, miệng thực hành thì thành ra cái nghiệp, thành ra tội. Như vậy cái động cơ chủ yếu tạo tội là ý thức. Nhưng bây giờ hỏi ý thức nó ở đâu, nó thật hay không thật? Cho nên ở đây mới nói những câu, cái tội đó, tánh nó không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa. Bây giờ tìm coi ý thức mình khởi tạo đó, nó ở đâu. Nó ở trong, hay nó ở ngoài, hay nó ở chặng giữa. Ý thức tìm lại là mất phải không? Ý thức chỉ là một mới vọng tưởng nó liên tục tạm gọi là ý thức. Như vậy vọng tưởng liên tục đó nó không thật, bản chất nó là không? Khi biết cái gốc tạo tội nó là không, thì cái nghiệp do tội tạo ra nó thật được không? Được không? Cái nghiệp không thật thì tướng của tội thật được không? 
Bây giờ tôi thí dụ: Như có người cất nhà lầu ba từng. Tầng số một, tầng số hai, tầng số ba. Bây giờ tầng số một đó lại là tầng dở. Hỏng, hư, không bền, không chắc. Tầng số 2, số 3 bền chắc được không? Tất cả 2 tầng kia từ tầng số 1 mà thành, nếu tầng số 1 mà hư, hoại, 2 tầng kia thì sao? Cũng theo đó mà hư mà hoại. Cũng như vậy, từ cái tâm khởi tội, tức là khởi cái niệm tạo tội lỗi. Tạo thành nghiệp tội lỗi cho nên có kết quả thọ tội lỗi phải không. 
Như vậy 3 giai đoạn tâm, rồi thân, khẩu tạo thành tội, gọi là nghiệp tạo. Hay là tạo thành nghiệp tội. Rồi mới chịu quả báo của tội. Nhưng ngay tâm là cái gốc đó, nó lại không thật. Nó không thật thì hai phần kia thật được không. Như vậy nếu đứng trên tướng tội mà luận thì nó chưa có cứu cánh. Phải đi thẳng về tánh tội thì thấy nó không thật. Nếu nó không thật thì tôị còn hay hết. 
Như vậy để trở lại bài sám hối hằng đêm chúng ta đó “Tội tánh bổn không”, tánh tội vốn là không. Do cái gì tạo? Do tâm tạo. Mà tâm đó lại không thật nữa. Không thật nên khi nhìn lại nó mất thì tâm nó diệt. Tâm diệt thì tội theo đó cũng không còn. Như vậy gọi là chơn sám hối, về tánh tội đó. còn như Ngài Ưu Ba Ly nói đây là về tướng tội. 
Như vậy đoạn số một này, Ngài Duy Ma Cật muốn chỉ cho chúng ta thấy tánh tội nó là không tướng. Vì nó không phải trong, không phải ngoài, không phải chặng giữa. Nó không tướng. Mà không tướng tức là nó không thật. Nếu chúng ta trở về tự tánh tìm ra không có, như vậy ngay đó tội sẽ thanh tịnh. 
Cho nên đây ông dẫn đoạn sau để thấy. Phật nói vì tâm cấu cho nên chúng sanh cấu, tâm tịnh cho nên chúng sanh tịnh. Hồi nãy dẫn về tánh tội. Bây giờ nói tánh của tâm phải không? Chúng sanh thành cấu là do tâm cấu. Chúng sanh thành tịnh là do tâm tịnh. Có phải vậy không? Như mình bây giờ thành người xấu là do cái gì? Do cái tâm nghĩ xấu cho nên mới thành người xấu phải không. Do tâm nghĩ tốt mới thành người tốt. Như vậy thành tốt, thành xấu, gốc từ tâm. Tốt, xấu gốc từ tâm, mà bây giờ tâm ở đâu? Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Cái tâm như thế, tội cũng vậy. Như vậy thì các pháp cũng vậy. Nó không ra ngoài các duyên. Tức là xét cho kỹ thì tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, để thấy rằng tâm không thật có, phải không? mà nếu tâm không thật có, tìm cho cuối cùng thì trở về lặng lẽ, như như. Tâm đã như như thì các tội cũng như. Các tôi như thì chúng sanh cũng như. Chung ta tu nếu biết phản quang lại cái tâm thì thấy nó không thật. Thấy nó không thật thì theo đó tội lỗi dứt. Thấy được như vậy mới là thấy tột cùng của tội lỗi. Chớ còn trên giả tướng mà nói thì tội lỗi là tướng hư dối. Bởi vì thân này và nghiệp, hai cái đó đều là tướng biến dịch, không có thật. Như vậy trở lại sự tu hành là phải tìm tận cái tánh tội và tìm tận cái tánh của tâm. 
Đây mới dẫn chứng cho Ngài Ưu Ba Ly dễ hiểu. Như là Ngài Ưu Ba Ly do tâm tướng mà khi được giải thoát thì thật có cái cấu chăng? Vậy thì cái tâm tướng của Ngài do tu hành được thanh tịnh mà được giải thoát. Khi giải thoát nó còn có cấu hay không? Ngài Ưu Ba Ly đáp rằng “không”. Ngài Duy Ma Cật mới kết luận rằng tất cả tâm chúng sanh, tâm tướng chúng sanh không cấu. Cũng lại giống như vậy, nghĩa là nếu tâm chúng sanh cố định là cấu thì mình có bỏ cái cấu được cái tịnh không? Nếu nó cố định thì đâu bỏ được, phải không? Như vậy cấu chỉ là lớp vỏ bề ngoài. Chớ khi mình phá được lớp vỏ bề ngoài đó thì tâm cấu đều trở thành thanh tịnh. Cho nên mới nói ai tu cũng có thể trở thành Phật được. Hay là ai tu cũng có thể giải thoát được. Bởi vì có thể giải thoát hay là cái thể của Phật đã sẵn ở mọi người. Chỉ bị những phiền não cấu nó phủ che bên ngoài. Khi chúng ta phá vở được lớp phiền não cấu đó thì tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, chớ không có gì lạ hết. Như vậy mới thấy rằng trên đường tu không phải mình làm chuyện không thể làm được. Bởi vì nó đã có sẵn, mà đã có sẵn thì tất nhiên khéo tìm. Khéo kêu bằng gạt bỏ nhơ nhớp phiền não đó thì nó sẽ sạch. Cũng như tôi thường dụ, như mình có của báu. Như hòn ngọc hay số vàng, mình để trong hủ mình chôn. Giả sử người cha chôn rồi bảo con rằng: “Ba có chôn hủ vàng hay hủ ngọc ở đâu đó, bây giờ ba có chết thì con đào lên, con lấy xài”. Khi người cha chết, người con biết rõ chỗ cha chôn, chỉ đó biết rành rẽ. Khi biết mình có hủ ngọc ngay ở chỗ đó, đào lên liền lấy được và xài được. Người đó có ngán đào không? Ngán đào không? Ngán quá! Sao mà đất không, không thấy, tôi không muốn đào chút nào hết. Có nghĩ vậy không? Mà sao? Cha chết rồi liền lấy cuốc, lấy xuổng ra đào liền, phải không? Bởi vì mình đã có mà dại gì không lấy ra xài. 
Bây giờ cũng vậy, tất cả chúng ta Phật đã chỉ mình có tâm giác ngộ, mình có được cái giải thoát ngay nơi mình chớ không thiếu. Phật chỉ cho mình rõ ràng. Mình nghe kinh Phật, mình hiểu được điều đó rõ ràng. Bây giờ mình có ngán tu không? Ngán không? Nó có rồi, mà không chịu khơi ra xài để cầu giác ngộ giải thoát như Phật. Chẳng lẽ ngồi lúc lắc hoài, ngán quá! Nếu mà lúc lắc hoài, ngán quá! Thật là người biết có của mà không chịu tìm xài. Người ta khen là sáng suốt khôn ngoan hay là ngu dại. Đó thật là dại khờ, phải không? Cho nên chúng ta la người vinh hạnh nhất trong bao nhiêu chúng sanh, biết được mình có của báu, giác ngộ, giải thoát đó. Biết rõ rồi thì mỗi người cố gắng, nỗ lực mà khơi dậy nó. Dẹp hết những nhơ cấu chung quanh để cái đó nó hiện ra. Chớ đừng chần chờ, đừng nhút nhát, uổng một đời của mình. Đó là nói để cho thấy rõ tinh thần ở đây.
--o0o--