KINH GÒ MỐI
(Vammikasutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông
Anathapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kumarakassapa trú tại
Andhavana. Rồi một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực
rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ Tôn giả Kumarakassapa
ở, sau khi đến, bèn đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị Thiên
ấy nói với Tôn giả Kumarakassapa: "Tỷ-kheo, Tỷ-kheo!" Gò mối này
ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng. Một Bà-la-môn nói như
sau: "Này kẻ trí, hãy cầm gươm và đào lên". Người có trí cầm
gươm đào lên, thấy một then cửa: "Thưa Tôn giả, một then cửa".
Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy then cửa lên, cầm gươm
đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con nhái: "Thưa
Tôn giả, một con nhái". Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy đem
con nhái lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên,
thấy con đường hai ngã: "Thưa Tôn giả, một con đường hai ngã".
Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí hãy lấy con đường hai ngã lên, cầm
gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một đồ lọc
sữa: "Thưa Tôn giả, một đồ lọc sữa". Vị Bà-la-môn nói: "Hãy lấy
đồ lọc sữa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào
lên, thấy một con rùa: "Thưa Tôn giả, một con rùa". Vị Bà-la-môn
nói: "Này kẻ trí, hãy lấy con rùa lên, cầm gươm đào thêm". Người
có trí cầm gươm đào lên, thấy một con dao phay: "Thưa Tôn giả,
một con dao phay". Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy con
dao phay lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên,
thấy một miếng thịt: "Thưa Tôn giả một miếng thịt". Vị Bà-la-môn
nói: "Này kẻ trí, hãy lấy miếng thịt lên, cầm gươm đào thêm".
Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con rắn hổ: "Thưa Tôn giả,
con rắn hổ". Vị Bà-la-môn nói: "Hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng
chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ". Này Tỷ-kheo, hãy đến
chỗ Thế Tôn ở và hỏi những câu hỏi ấy. Thế Tôn trả lời Tôn giả
như thế nào, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, Ta không thấy ai
trên cõi đời, với chư Thiên, các Ma vương, với Phạm thiên, các
chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể hướng
tâm để trả lời những câu hỏi ấy, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai hay
những ai đã được nghe hai vị này". Vị thiên ấy nói như vậy. Sau
khi nói xong như vậy, vị ấy biến mất ở nơi đây.
Rồi Tôn giả Kumarakassapa, sau khi đêm ấy đã mãn,
đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến xong, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi
xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Kumarakassapa
bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm nay, một vị Thiên, đêm đã gần
tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ
con ở, sau khi đến liền đứng một bên. Khi đứng một bên, vị Thiên
ấy nói với con: "Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này, ban đêm phun
khói, ban ngày chiếu sáng. Một vị Bà-la-môn nói như sau: "Này kẻ
trí, hãy cầm gươm đào lên". Người có trí cầm gươm, đào lên thấy
một then cửa... (như trên)... đệ tử Như Lai hay những ai đã được
nghe hai vị này". Bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói như vậy, nói
xong liền biến mất tại chỗ ấy. Bạch Thế Tôn, gò mối là gì, cái
gì phun khói ban đêm, cái gì chiếu sáng ban ngày, ai là
Bà-la-môn, ai là người có trí, cái gì là cây gươm, cái gì là đào
lên, cái gì là then cửa, cái gì là con nhái, cái gì là con đường
hai ngã, cái gì là đồ lọc sữa, cái gì là con rùa, cái gì là con
dao phay, cái gì là miếng thịt, cái gì là con rắn hổ?
– Này Tỷ-kheo, gò mối là đồng nghĩa với cái thân do
bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô
thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt.
Này Tỷ-kheo, cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban
đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói.
Này Tỷ-kheo, cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm,
ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là
ban ngày chói sáng.
Này Tỷ-kheo, Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
Này Tỷ-kheo, người có trí là đồng nghĩa với Tỷ-kheo
hữu học.
Này Tỷ-kheo, cái gươm là đồng nghĩa với trí tuệ của
bậc Thánh.
Này Tỷ-kheo, đào lên là đồng nghĩa với tinh tấn,
tinh cần.
Này Tỷ-kheo, cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh;
đem then cửa lên là từ bỏ vô minh; này kẻ có trí, cầm gươm đào
lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con nhái là đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm
hận; đem con nhái lên là từ bỏ phẫn nộ hiềm hận; này kẻ có trí
cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con đường hai ngã là đồng nghĩa với
nghi hoặc; đem con đường hai ngã lên là từ bỏ nghi hoặc; này kẻ
có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền
cái: dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền
cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi hoặc triền cái; đem bỏ đồ
lọc sữa lên là từ bỏ năm triền cái; này kẻ có trí cầm gươm đào
lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn,
tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn,
thức thủ uẩn; đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn; này kẻ có
trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con dao phay là đồng nghĩa với năm dục
trưởng dưỡng, tức là các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ,
khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai
nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận
thức... Các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý,
kích thích lòng dục hấp dẫn; lấy con dao phay lên là từ bỏ năm
dục trưởng dưỡng; này kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa
này.
Này Tỷ-kheo, miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham;
lấy miếng thịt lên là từ bỏ hỷ tham; này kẻ có trí, cầm gươm đào
lên là ý nghĩa này.
Này Tỷ-kheo, con rắn hổ là đồng nghĩa với vị Tỷ-kheo
đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm
con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ, là ý nghĩa này.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ,
tín thọ lời Thế Tôn dạy.