Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu Dịch
ĐẠI KINH DỤ DẤU CHÂN VOI
(Mahahatthipadopamasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana
(Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đây, Tôn giả
Sariputta (Xá-lợi-phất) gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Hiền giả Tỷ-kheo!
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả
Sariputta nói như sau:
– Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loại
động vật đều thâu nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này được
xem là lớn nhất trong tất cả dấu chân về phương diện to lớn. Cũng
vậy, chư Hiền giả, tất cả các Thiện pháp đều tập trung trong Bốn
Thánh đế. Thế nào là trong Bốn Thánh đế? Trong Khổ Thánh đế, trong
Khổ tập Thánh đế, trong Khổ diệt Thánh đế, trong Khổ diệt đạo
Thánh đế.
Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là
khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, điều gì cầu không
được là khổ, tóm lại Năm thủ uẩn là khổ. Chư Hiền, thế nào là Năm
thủ uẩn? Chính là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành
thủ uẩn, thức thủ uẩn. Chư Hiền, thế nào là sắc thủ uẩn? Bốn đại
và sắc khởi lên từ bốn đại. Chư Hiền, thế nào là bốn đại? Chính là
địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới.
Chư Hiền, thế nào là địa giới? Có nội địa giới, có
ngoại địa giới. Chư Hiền, thế nào là nội địa giới? Cái gì thuộc
nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ, như tóc,
lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành
cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, và bất cứ
vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị
chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội địa giới. Những gì thuộc
nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa
giới. Cần phải như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như
sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái
này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát địa giới
với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm
từ bỏ địa giới. Chư Hiền, một thời xảy ra khi ngoại thủy giới dao
động, trong thời ấy ngoại địa giới bị biến mất. Chư Hiền, tánh vô
thường của ngoại địa giới xưa ấy có thể nêu rõ, tánh hủy hoại có
thể nêu rõ, tánh đoạn diệt có thể nêu rõ, tánh biến dịch có thể
nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp
thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay
tôi là. Chư Hiền, nếu có những người khác mắng nhiếc, chỉ trích,
chọc tức, nhiễu não Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ như sau: "Khổ thọ khởi
lên nơi tôi, thọ này thuộc tai xúc chạm, thọ này do nhân duyên,
không phải không do nhân duyên, do nhân duyên gì? Do nhân duyên
xúc". Vị ấy thấy xúc là vô thường, thấy thọ là vô thường, thấy
tưởng là vô thường, thấy hành là vô thường, thấy thức là vô
thường. Tâm của vị này hoan hỷ, thích thú, tịnh chỉ, quyết định,
tùy thuộc giới đối tượng. Chư Hiền, nếu những người khác xử sự với
Tỷ-kheo không có hoàn hảo, không có tốt đẹp, không có khả ái, hoặc
dùng tay xúc chạm, hoặc dùng đá xúc chạm, hoặc dùng gậy xúc chạm,
hoặc dùng gươm xúc chạm, vị ấy tuệ tri như sau: "Sự thể của thân
này là như vậy, nên tay có thể xúc chạm, đá có thể xúc chạm, gậy
có thể xúc chạm, gươm có thể xúc chạm. Thế Tôn đã dạy như sau
trong ví dụ cái cưa: "Chư Tỷ-kheo, nếu có kẻ trộm cướp hạ tiện lấy
cái cưa hai lưỡi cắt từng phần tay và chân. Nếu ai ở đây sanh ý
phẫn nộ, người ấy không làm đúng lời Ta dạy"... Ta sẽ tinh cần,
tinh tấn, không dải đãi. Niệm được an trú không có loạn niệm, thân
thể được khinh an, không dao động, tâm được định tỉnh nhất tâm.
Nay mặc cho tay xúc chạm thân này, mặc cho đá xúc chạm thân này,
mặc cho gậy xúc chạm thân này, mặc cho gươm xúc chạm thân này, lời
dạy chư Phật cần phải được thực hành. Chư Hiền, Tỷ-kheo ấy, niệm
Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương
ưng với thiện không được an trú. Do vậy, vị ấy bị dao động, bị dao
động mạnh: "Thật bất hạnh cho ta, thật không may cho ta, thật rủi
ro cho ta, thật không tốt đẹp cho ta. Dầu t ó niệm Phật như vậy,
niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương ưng với thiện
không được an trú". Chư Hiền, ví như một người dâu, khi thấy ông
nhạc, bị dao động, bị dao động mạnh. Cũng vậy, chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo ấy niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như
vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú. Do vậy, vị ấy
bị dao động, bị dao động mạnh: "Thật bất hạnh cho ta, thật không
may cho ta, thật rủi ro cho ta, thật không tốt đẹp cho ta. Dầu t ó
niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả
tương ưng với thiện không được an trú". Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo ấy,
niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, và xả
tương ưng với thiện được an trú, thì Tỷ-kheo ấy được hoan hỷ. Chư
Hiền, đến mức độ này, Tỷ-kheo đã làm thật nhiều.
Chư Hiền, thế nào là thủy giới? Có nội thủy giới, có
ngoại thủy giới. Chư Hiền thế nào là nội thủy giới? Cái gì thuộc
về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp
thủ, như mật, (viêm đàm dịch) mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ
da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu, và bất cứ
vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất
lỏng, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội thủy giới. Những
gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy giới, đều
thuộc về thủy giới. Cần phải như thật quán sát thủy giới với chánh
trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải
là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán
sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với
thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới. Chư Hiền, một thời xảy ra khi
ngoại thủy giới dao động, nước cuốn trôi làng, cuốn trôi thị trấn,
cuốn trôi thành phố, cuốn trôi xứ, cuốn trôi quốc độ. Chư Hiền,
một thời xẩy ra khi nước biển đại dương hạ thấp một trăm do-tuần,
hạ thấp hai trăm do-tuần, hạ thấp ba trăm do-tuần, hạ thấp bốn
trăm do-tuần, hạ thấp năm trăm do-tuần, hạ thấp sáu trăm do-tuần,
hạ thấp bảy trăm do-tuần. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển
đại dương dâng cao đến bảy cây ta-la, dâng cao đến sáu cây ta-la,
dâng cao đến năm cây ta-la, dâng cao đến bốn cây ta-la, dâng cao
đến b ây ta-la, dâng cao đến hai cây ta-la, dâng cao chỉ đến một
cây ta-la. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương cao
đến bảy đầu người, dâng cao đến sáu đầu người, dâng cao đến năm
đầu người, dâng cao đến bốn đầu người, dâng cao đến ba đầu người,
dâng cao đến hai đầu người, dâng cao chỉ đến một đầu người. Chư
Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến nửa
thân người, dâng cao chỉ đến hông, dâng cao chỉ đến đầu gối, dâng
cao chỉ đến gót chân. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại
dương không có để thấm ướt đốt ngón chân. Chư Hiền, tánh vô thường
của ngoại thủy giới xưa ấy có thể nêu rõ; tánh hủy hoại có thể
nêu; tánh đoạn diệt có thể nêu rõ; tánh biến dịch có thể nêu rõ...
(như trên)... và xả tương ứng với thiện được an trú. Chư Hiền, cho
đến mức độ này, vị Tỷ-kheo đã làm thật nhiều.
Chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới, có
ngoại hỏa giới. Chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về
nội thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp
thủ. Như cái gì khiến cho hâm nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho
thiêu cháy; cái gì khiến cho những vật được ăn uống, nhai, nếm, có
thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác thuộc nội thân,
thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ. Chư Hiền,
như vậy gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới và những
gì thuộc ngoại hỏa giới, đều thuộc về hỏa giới. Cần phải như thật
quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải
của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của
tôi". Sau khi như thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như
vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa giới. Chư
Hiền, một thời xẩy ra khi hỏa giới dao động. Lửa thiêu cháy làng,
thiêu cháy thị trấn, thiêu cháy thành phố, thiêu cháy xứ, thiêu
cháy quốc độ. Lử háy cho đến cuối hàng cây cối, cho đến cuối hàng
đường lớn, cho đến cuối hàng chân núi, cho đến cuối hàng thủy
biên, hay cho đến cuối hàng khu đất khả ái, rồi lửa bị tắt vì
không nhiên liệu. Chư Hiền, một thời xảy ra khi loài người đi kiếm
lửa phải dùng lông gà và dây gân. Chư Hiền, tánh vô thường của
ngoại hỏa giới xưa ấy có thể nêu rõ; tánh hủy hoại có thể nêu rõ;
tánh đoạn diệt có thể nêu rõ; tánh biến dịch có thể nêu rõ... (như
trên)... và xả tương ưng với thiện được an trú. Chư Hiền, cho đến
mức độ này, Tỷ-kheo đã làm thật nhiều.
Chư Hiền, thế nào là phong giới? Có nội phong giới, có
ngoại phong giới. Chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Cái gì
thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc động tánh, bị
chấp thủ, như gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong ruột, gió
trong bụng dưới, gió thổi ngang các chi tiết (tay chân), hơi thở
vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá
nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy
gọi là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì
thuộc ngoại phong giới đều thuộc về phong giới. Cần phải như thật
quán sát phong giới với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải
của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của
tôi". Sau khi thấy như thật phong giới với chánh trí tuệ như vậy,
vị ấy sanh yểm ly đối với phong giới, tâm từ bỏ phong giới. Chư
Hiền, một thời xẩy ra khi ngoại phong giới dao động, gió thổi bay
làng, thổi bay thị trấn, thổi bay thành phố, thổi bay xứ, thổi bay
quốc độ. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi trong tháng cuối mùa hạ,
loài người tìm cầu gió nhờ lá cây ta-la, nhờ cây quạt, và người ta
không mong tìm được cỏ tại chỗ có rạch nước chảy. Chư Hiền, tánh
vô thường của ngoại phong giới xưa ấy có thể nêu rõ; tánh hủy hoại
có thể nêu rõ; tánh đoạn diệt có thể nêu rõ; tánh biến dịch có thể
nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp
thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay
tôi là. Chư Hiền, nếu có những người khác mắng nhiếc, chỉ trích,
chọc tức, nhiễu não Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ như sau: "Khổ thọ khởi
lên nơi tôi này thuộc tai xúc chạm; thọ này do nhân duyên, không
phải không do nhân duyên. Do nhân duyên gì? Do nhân duyên xúc
vậy". Vị ấy thấy xúc là vô thường; vị ấy thấy thọ là vô thường; vị
ấy thấy tưởng là vô thường; vị ấy thấy hành là vô thường; vị ấy
thấy thức là vô thường; tâm của vị này hoan hỷ, thích thú, tịnh
chỉ, quyết định, tùy thuộc giới đối tượng. Chư Hiền, nếu những
người khác xử sự với Tỷ-kheo, không có hoàn hảo, không có tốt đẹp,
không có khả ái, hoặc dùng tay xúc chạm, hoặc dùng đá xúc chạm,
hoặc dùng gậy xúc chạm, hoặc dùng gươm xúc chạm, vị ấy biết như
sau: "Sự thể của thân này là như vậy nên tay có thể xúc chạm, đá
có thể xúc chạm, gậy có thể xúc chạm, gươm có thể xúc chạm". Thế
Tôn đã dạy như sau trong ví dụ cái cưa: "Chư Tỷ-kheo, nếu có kẻ
trộm cướp hạ tiện lấy cái cưa hai lưỡi cắt từng phần tay và chân,
nếu ai ở đây sanh ý phẫn nộ thì người ấy không làm đúng lời ta
dạy". Ta sẽ tinh cần, tinh tấn, không dải đãi, niệm được an trú,
không có loạn niệm, thân thể được khinh an, không dao động, tâm
được định tĩnh nhất tâm. Nay mặc cho tay xúc chạm thân này, mặc
cho đá xúc chạm, mặc cho gậy xúc chạm, mặc cho gươm xúc chạm thân
này. Lời dạy chư Phật cần phải được thực hành". Chư Hiền, Tỷ-kheo
ấy, niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng
xả tương ưng với thiện không được an trú. Do vậy, vị ấy bị dao
động, bị dao động mạnh: "Thật bất hạnh cho ta, thật không may cho
ta, thật rủi ro cho ta, thật không tốt đẹp cho ta. Dầu t ó niệm
Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương
ưng với thiện không được an trú". Chư Hiền, ví như một người dâu,
khi thấy ông nhạc, bị dao động, bị dao động mạnh. Cũng vậy, chư
Hiền, nếu Tỷ-kheo ấy niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm
Tăng như vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú. Do
vậy, vị ấy bị dao động, bị dao động mạnh: "Thật bất hạnh cho ta,
thật không may cho ta, thật rủi ro cho ta, thật không tốt đẹp cho
ta. Dầu t ó niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như
vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú". Chư Hiền,
nếu Tỷ- Kheo ấy niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng
như vậy, và xả tương ưng với thiện được an trú. Do vậy, Tỷ-kheo ấy
được hoan hỷ. Chư Hiền, cho đến mức độ này, Tỷ-kheo đã làm thật
nhiều.
Chư Hiền, như một khoảng trống được bao vây bởi cây
gậy, bởi dây leo, bởi cỏ, bởi bùn, được biết là một nhà ở. Cũng
vậy, Chư Hiền, một khoảng trống được bao vây bởi xương, bởi dây
gân, bởi thịt, bởi da, được biết là một sắc pháp. Chư Hiền, nếu
nội mắt không bị hư hại, nhưng ngoại sắc không vào trong tầm mắt,
không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp
không có hiện khởi. Chư Hiền, nếu nội mắt không bị hư hại, ngoại
sắc vào trong tầm mắt, nhưng không có sự quy tụ xúc chạm thích
hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, chỉ khi
nào nội mắt không bị hư hại, ngoại sắc vào trong tầm mắt, có sự
quy tục xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp có hiện khởi.
Bất cứ sắc pháp gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong sắc thủ
uẩn; bất cứ cảm thọ gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thọ
thủ uẩn; bất cứ tưởng gì được hiện khởi như vậy đều được quy tụ
trong tưởng thủ uẩn; bất cứ hành gì được hiện khởi như vậy đều quy
tụ trong hành thủ uẩn; bất cứ thức gì được hiện khởi như vậy đều
quy tụ trong thức thủ uẩn. Vị ấy tuệ tri như sau: "Như vậy, như
người ta nói, có sự quy tụ, sự tập hợp, sự hòa hợp của năm thủ uẩn
này. Thế Tôn đã nói như sau: "Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy
thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên
khởi". Những pháp này do duyên khởi lên chính là năm thủ uẩn. Sự
tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức
là khổ tập; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là sự
khổ diệt". Cho đến mức độ này, Chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Chư Hiền, nếu nội tại không bị hư hại... nếu lỗ mũi
không bị hư hại... nếu lưỡi không bị hư hại... nếu thân không bị
hư hại... nếu nội ý căn không bị hư hại nhưng ngoại pháp không vào
trong tầm của ý căn, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì
thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, nếu nội ý căn
không bị hư hại, ngoại pháp vào trong tầm của ý căn, nhưng không
có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có
hiện khởi. Chư Hiền, chỉ khi nào nội ý căn không bị hư hại, ngoại
pháp vào trong tầm của ý căn, có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì
thức phần thích hợp có hiện khởi. Bất cứ pháp gì được hiện khởi
như vậy đều quy tụ trong sắc thủ uẩn; bất cứ cảm thọ gì được hiện
khởi như vậy đều quy tụ trong thọ thủ uẩn; bất cứ tưởng gì được
hiện khởi như vậy đều quy tụ trong tưởng thủ uẩn; bất cứ hành gì
được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong hành thủ uẩn; bất cứ thức
gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thức thủ uẩn. Vị ấy tuệ
tri như sau: "Như vậy, như người ta nói, có sự quy tụ, sự tập họp,
sự hòa hợp của năm thủ uẩn này. Thế Tôn đã nói như sau: "Ai thấy
được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp,
người ấy thấy được lý duyên khởi". Những pháp này do duyên khởi
lên chính là năm thủ uẩn. Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê
say trong năm thủ uẩn này tức là khổ tập; sự nhiếp phục tham dục,
sự từ bỏ tham dục tức là sự khổ diệt". Cho đến mức độ này, chư
Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy
- --o0o--
|