|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH KHÔNG GÌ
CHUYỂN HƯỚNG
-
(Apannakasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời, Thế
Tôn du hành giữa dân chúng Kosala với Đại chúng Tỷ-kheo và đến
tại Sala, một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala. Các Bà-la-môn
gia chủ ở Sala được nghe tiếng đồn như sau: "Sa-môn Gotama,
giòng họ Thích-ca, xuất gia từ gia tộc Thích-ca, đang du hành
giữa dân chúng Kosala với Đại chúng Tỷ-kheo, đã đến Sala". Tiếng
đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: "Đây là Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,
Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới
này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với
chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời, loài Người. Khi đã chứng
ngộ. Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết
pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ. Ngài
truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay,
sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy". Rồi các Bà-la-môn gia
chủ ở Sala đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, một số người đảnh lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lời chào đón hỏi
thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm
thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế
Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi
ngồi xuống một bên; có người yên lặng ngồi xuống một bên. Thế
Tôn nói với các Bà-la-môn gia chủ ở tại Sala đang ngồi xuống một
bên:
- – Này các Gia
chủ, các Ông có vị Đạo sư khả ý nào mà các Ông có lý do đặt được
lòng tin không ?
- – Bạch Thế
Tôn, chúng con không có vị Đạo sư khả ý nào để chúng con có lý
do đặt được lòng tin.
- – Này các Gia
chủ, nếu các Ông không có một vị Đạo sư khả ý nào, thời hãy lấy
pháp không gì chuyển hướng này mà thực hành. Này các Gia chủ,
pháp không gì chuyển hướng này được khéo thọ trì, khéo thành
tựu, sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài cho các Ông. Và này các
Gia chủ, thế nào là pháp "không gì chuyển hướng" ?
- Này các Gia
chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những lập thuyết như sau, có
những quan điểm như sau: "Không có (kết quả của) bố thí, không
có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không
có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này,
không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại
hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn
chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố
về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với thắng
trí". Nhưng này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói
đối nghịch với các vị Sa-môn, Bà-la-môn kia, những vị này nói
như sau: "Có (kết quả của) bố thí, có (kết quả của) lễ hy sinh,
có (kết quả của) tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện
ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh,
trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn
chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời
sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Này các Gia chủ, các
Ông nghĩ thế nào, có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói
những lời đối nghịch với nhau ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- – Ở đây, này
các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau,
có quan điểm như sau: "Không có (kết quả của) bố thí, không có
(kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có
kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này,
không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại
hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn
chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố
về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí".
Đối với những vị này sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra: Sau khi từ
bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện
hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác
hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy ? Vì
những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm,
sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự
lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có đời sau,
nếu có quan điểm nào nói rằng không có đời sau, thời đó là một
tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng không có đời
sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói
rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có đời sau,
nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu thuẫn đối
nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có
đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời sau,
thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục
ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy,
trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được
chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các
bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê
người, như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do
duyên tà kiến.
- Ở đây, này
các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có đời sau,
thời vị này sau khi thân hoại mạng chung, tự ngã cảm thấy an
toàn. Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung
sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn đời sau
không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là
đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại bị những người có
trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương
hư vô luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp
bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách;
sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạn
xứ, địa ngục. Như vậy pháp "không gì chuyển hướng" này bị chấp
trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía,
và bỏ phía thiện pháp.
- Ở đây, này
các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau,
có quan điểm như sau: "Có (kết quả của) bố thí, có (kết quả của)
lễ hy sinh, có (kết quả của) tế tự, có kết quả, quả báo của các
nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các
loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh
hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời
này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Đối với
những vị này, sự kiện này sẽ chờ xẩy ra: Sau khi từ bỏ ba ác
pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp
nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý
thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy ? Vì những vị
Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế
của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh
của các thiện pháp. Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói
rằng có đời sau, thời đó là một chánh kiến. Vì rằng có đời sau,
nếu có ai suy tư rằng có đời sau, thời đó là chánh tư duy. Vì
rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau thời đó là chánh
ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời
không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được
có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác
là có đời sau, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì
sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê
người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các
thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh
ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận
với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện
pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
- Ở đây, này
các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có đời sau, thời vị
này sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên thiện thú,
Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn cho đời sau không có đi nữa,
nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật,
thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán
thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương hữu
luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may
mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi
thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời
này. Như vậy, "pháp không gì chuyển hướng" này được chấp trì,
được thực hành đúng đắn bởi vị này chấp nhận cả hai phía, bỏ qua
hai phía bất thiện pháp.
- Này các Gia
chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, có lập thuyết như sau, có quan
điểm như sau: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến
người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn
hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây
áo não, tự mình gây ra sợ hãi, hay khiến người gây ra sợ hãi,
sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh
cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người,
nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh
xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một
đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy có tội ác, có
gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam
sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết,
đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy có tội ác, có
gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc
sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ,
cũng không vì vậy có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của
phước báo". Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói
những lời đối nghịch với các Sa-môn, Bà-la-môn kia. Các vị này
nói như sau: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến
người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn
hay khiến người gây phiền muộn, gây ác não hay khiến người gây
ác não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát
sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp
một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói
láo, hành động như vậy của tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén
giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt,
thành một chồng thịt, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra
sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông
Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt
nấu khiến người đốt nấu, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây
ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông
Hằng, bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, thì
do nhân duyên này, có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của
phước báo. Bố thí, điều phục, tự chế, nói thật, đều có phước
báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo".
- Vì sao vậy ?
này các Gia chủ, có phải những Sa-môn, Bà-la-môn này nói lời đối
nghịch với nhau ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- – Ở đây, này
các Gia chủ, có những Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau,
có quan điểm như sau: "Tự làm hay khiến người làm,... (như
trên)... không đưa đến phước báo". Đối với những vị này, sự kiện
này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp thân thiện
hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác
pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực
hành theo. Vì sao vậy ? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy
sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự
thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì
rằng có tác dụng, nếu có quan điểm nào nói rằng không có tác
dụng, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu ai có suy
tư rằng không có tác dụng, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có tác
dụng, nếu có ai nói rằng không có tác dụng, thời đó là tà ngữ.
Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng không có tác dụng, thời
tự mẫu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có tác
dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác là
không có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp,
và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình
chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ,
các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự
đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu
pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác bất thiện pháp
sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
- Ở đây, này
các Gia chủ, người có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có tác
dụng, thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, tự ngã cảm thấy
an toàn. Nếu có tác dụng, thời vị này sau khi thân hoại mạng
chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn
không có tác dụng đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn,
Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại,
bị những người có trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà
kiến, chủ trương không tác dụng". Còn nếu có tác dụng, thời vị
này cả hai mặt đều gặp sự bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị
những người có trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ
sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy pháp "không
gì chuyển hướng" này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị
này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ qua phía thiện pháp.
- Ở đây, này
các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau,
có quan điểm như sau: "Tự làm hay khiến người làm... (như
trên)... có đưa đến phước báo". Đối với những vị này, sự kiện
này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác
hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện
pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị
này thật hành theo. Vì sao vậy ? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này
thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp,
sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì
rằng có tác dụng, nếu có quan điểm nào nói rằng có tác dụng,
thời đó là chánh kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai suy tư
rằng có tác dụng, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có tác dụng,,
nếu có ai nói rằng có tác dụng, thời đó là chánh ngữ, vì rằng có
tác dụng, nếu có ai nói rằng có tác dụng thời không tự mâu thuẫn
đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có tác dụng. Vì rằng
có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác là có tác dụng,
thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục
ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy
trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được
chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối
nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự
không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này
khởi lên, do duyên chánh kiến.
- Ở đây, này
các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có tác dụng, thời
vị này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện
thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn tác dụng không có đi nữa,
nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời
vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán:
"Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có tác
dụng". Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự
may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau
khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi
đời này. Như vậy, pháp "không gì chuyển hướng" này được chấp
trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía,
và bỏ qua phía bất thiện pháp.
- Này các Gia
chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan
điểm như sau: "Không có nhơn, không có duyên, các loài hữu tình
bị nhiễm ô; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô.
Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh
tịnh, vô nhân vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không
có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố
gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình,
tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không tự tại, không lực,
không tinh tấn. Các chúng sanh ấy bị dắt dẫn, chi phối bởi định
mệnh, bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. Các chúng sanh ấy
hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của họ". Này các
Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối
nghịch với những Sa-môn, Bà-la-môn ấy. Những vị này đã nói như
sau: "Có nhân có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô ; không có
nhân, không có duyên các loài hữu tình bị nhiễm ô. Có nhân, có
duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có nhân, không
có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Có lực, có tinh
tấn, có nhân lực, có sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng
sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng
đều không phải không tự tại, không có lực, không có tinh tấn.
(Không phải) các chúng sanh ấy bị dẫn dắt, chi phối bởi định
mệnh bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. (Không phải) họ hưởng
thọ khổ lạc y theo sáu loại thác sanh của họ".
- Này các Gia
chủ, các Ông nghĩ thế nào ? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn
này nói lên những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- – Ở đây này
các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau,
có quan điểm như sau: "Không có nhân, không có duyên... (như
trên)... họ cảm thọ khổ lạc..". Đối với những vị này, sự kiện
này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp thân thiện
hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác
pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này sẽ
thực hành theo. Vì sao vậy ? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không
thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp,
sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì
rằng có nhân, nếu có quan điểm nào nói rằng không có nhân, thời
đó là một tà kiến. Vì rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng không
có nhân thời đó là tư duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng
không có nhân, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói
rằng không có nhân, thời tự mâu thuẫn, đối nghịch với các vị
A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng có nhân, nếu có ai thuyết
phục người khác là không có nhân, thời sự thuyết phục ấy chống
lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp,
người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của
người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà
tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục
chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác
bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
- Ở đây, này
các Gia chủ, người có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có nhân,
thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, tự cảm thấy an toàn.
Nếu có nhân thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh
vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn không có nhân đi
nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật,
thời vị này ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở
trách. "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương không
nhân". Còn nếu có nhân, thời vị này, cả hai mặt đều gặp sự bất
hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau
khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ,
địa ngục. Như vậy, pháp "không có chuyển hướng" này bị chấp trì,
bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và
bỏ qua phía thiện pháp.
- Ở đây, này
các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau,
có quan điểm như sau: "Có nhân, có duyên... (như trên)... họ cảm
thọ hưởng lạc". Đối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy
ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý
ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện
hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo.
Vì sao vậy ? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm,
sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự
lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có nhân,
nếu có quan điểm nào nói rằng có nhân, thời đó là chánh kiến. Vì
rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng có nhân, thời đó là chánh tư
duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời đó là
chánh ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời
không tự mẫu thuẫn, đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được
có nhân. Vì rằng có nhân, nếu có ai thuyết phục người khác là có
nhân, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự
thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê
người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các
thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh
ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận
với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện
pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
- Ở đây, này
các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có nhân, thời vị
này sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú,
Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn không có nhân đi nữa, nếu lời
nói của các Sa-môn; Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này
ngay trong hiện tại, được những người có trí tán thán: "Người
này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có nhân". Còn nếu
có nhân thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong
hiện tại, được những người có trí tán thán, sau khi thân hoại
mạng chung, sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Như
vậy, pháp "không gì chuyển hướng" này được chấp trì, được thực
hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía và bỏ qua phía
bất thiện pháp.
- Này các Gia
chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, có quan
điểm như sau: "Không thể có một vô sắc toàn diện". Lại có một số
Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn, đối nghịch với các Sa-môn,
Ba la môn ấy. Các vị này đã nói như sau: "Có thể có một vô sắc
toàn diện". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào ? Có phải
những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn, đối
nghịch nhau ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- – Ở đây, này
các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: "Những Sa-môn,
Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan niệm như sau:
"Không thể có một không sắc toàn diện", ta không có thấy như
vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan
điểm như sau: "Có thể có một không sắc toàn diện", ta không có
biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận
một bên và tuyên bố: "Đây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm,"
thời như vậy không xứng đáng với ta. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào
có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có một
không sắc toàn diện", nếu lời nói của những Sa-môn, Ba la môn ấy
đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sanh
tại chỗ các chư Thiên có sắc do ý sở thành. Còn nếu những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như
sau: "Có thể có một không sắc toàn diện", nếu lời nói của những
Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta
chắc chắn sẽ tái sanh tại chỗ các chư Thiên không sắc, do tưởng
sở thành. Do duyên với cái gì có sắc, chấp gậy, chấp kiếm, đấu
tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng
ngữ đều được thấy. Những sẽ không có những sự việc này trong một
không sắc toàn diện". Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm
ly, sự ly tham, sự diệt tận các sắc pháp.
- Này các Gia
chủ, có một số Sa-môn. Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan
điểm như sau: "Không thể có một sự hữu diệt (Bhavanirodha) toàn
diện". Này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời
mâu thuẫn đối nghịch với các Sa-môn, Bà-la-môn. Các vị này đã
nói như sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện". Này các Gia
chủ, các Ông nghĩ thế nào ? Có phải những Sa-môn, Bà-la-môn này
nói những lời mâu thuẫn đối nghịch nhau ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- – Ở đây, này
các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: "Những Sa-môn,
Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau:
"Không thể có sự hữu diệt toàn diện", ta không có thấy như vậy.
Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm
như sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện", ta không có biết
như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận một
bên và tuyên bố: "Đây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm", thời
như vậy không xứng đáng với ta. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, có
lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có một sự
hữu diệt toàn diện", nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy
đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sanh
chỗ các chư Thiên không sắc do tưởng sở thành. Còn nếu những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như
sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện", nếu lời nói của
những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy
ra: Ta chắc chắn sẽ nhập Niết-bàn ngay trong hiện tại. Những Tôn
giả Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm
như sau: "Không thể có một sự hữu diệt toàn diện", thời quan
điểm này của các vị ấy gần với tham ái, gần với kiết sử, gần với
ái lạc, gần với chấp trước, gần với chấp thủ. Còn những Sa-môn,
Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có
thể có sự hữu diệt toàn diện", thời quan điểm này của những vị
ấy là gần với ly tham, gần với không kiết phược, gần với không
ái lạc, gần với không chấp trước, gần với không chấp thủ". Do
suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự vô tham, sự diệt
tận đối với các hữu.
- Này các Gia
chủ, có bốn hạng người này có mặt ở trong đời. Thế nào là bốn ?
Ở đây, này các Gia chủ, có người tự hành khổ mình chuyên tâm tự
hành khổ mình. Ở đây, này các Gia chủ, có người hành khổ người,
chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này các Gia chủ, có người vừa
tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ
người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này các Gia chủ, có
người vừa tự không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành
khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ
người. Vị này không hành khổ mình, không hành khổ người, ngay
trong hiện tại, không có tham dục, không có khao khát, cảm thấy
mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Và này các
Gia chủ, thế nào là người tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ
mình ? Ở đây, này các Gia chủ, có người sống lõa thể, sống phóng
túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch... (như kinh
Kandarakasuttam số 51)... Như vạy người ấy dưới nhiều hình thức,
sống chuyên tâm hành khổ thân mình. Như vậy, này các Gia chủ,
được gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ
mình. Và này các Gia chủ, thế nào là hạng người hành khổ người,
chuyên tâm hành khổ người ? Ở đây, này các Gia chủ, có người là
người đồ tể giết trâu bò, là người đồ tể giết heo... (như
trên)... và những người làm các nghề ác độc khác. Như vậy, này
các Gia chủ, được gọi là người hành khổ người, chuyên tâm hành
khổ người. Và này các Gia chủ, thế nào là người vừa tự hành khổ
mình, chuyên tâm hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm
hành khổ người ? Ở đây, này các Gia chủ, có người làm vua, thuộc
giai cấp Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh... (như trên)... vì sợ
đòn gậy, vì sợ nguy hiểm, với mặt tràn đầy nước mắt, khóc lóc
làm các công việc. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi là hạng
người vừa tự hạnh khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa
hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Và này các Gia chủ,
thế nào là hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên
tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm
hành khổ người; ngay trong hiện tại không có tham dục, không có
khao khát, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, thân
trú vào Phạm thể ? Ở đây, này các Gia chủ, Như Lai xuất hiện ở
đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri... (như trên)... sau khi từ
bỏ năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở
thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú
Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm
với tứ... Thiền thứ hai.... Thiền thứ ba... chứng và trú Thiền
thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Với tâm định
tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến,
dễ sử dụng, vững chắc, định tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng
tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như
một đời, hai đời... (như trên)... như vậy vị ấy nhớ đến nhiều
đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não,
nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, định tĩnh như vậy, vị ấy dẫn
tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với
thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của
chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao
sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do
hạnh nghiệp của họ. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu
nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc định
tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy
biết như thật: Đây là khổ,... (như trên)... biết như thật: Đây
là con đường đưa đến sự đoạn trừ các lậu hoặc. Nhờ hiểu biết như
vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát
khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân giải thoát
như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết:
"Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm, đã làm sau đời
hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Như vậy, này các Gia
chủ, được gọi là hạng người không tự hành khổ mình, không chuyên
tâm tự hành khổ mình, không hành khổ người, không chuyên tâm
hành khổ người; ngay trong hiện tại, không có tham dục, không có
khao khát, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào
Phạm thể.
- Khi được nói
vậy, các Bà-la-môn, gia chủ trú ở Sala bạch Thế Tôn:
- – Thật vi
diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama !
Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng
ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc
hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể
thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều
phương tiện trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả
Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả
Gotama chấp nhận cho chúng con làm những người cư sĩ. Từ nay cho
đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
- --o0o--
|
|