|
- Kinh Trung Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- KINH
NALAKAPANA
-
(Nalakapanasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn trú giữa dân chúng Kosala (Câu-tát-la) tại Nalakapana, rừng
cây Palasa. Lúc bấy giờ nhiều Thiện gia nam tử có danh tiếng, vì
lòng tin Thế Tôn, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình, như Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà) Tôn giả Nandiya, Tôn
giả Kimbila, Tôn giả Bhagu, Tôn giả Kundadhana, Tôn giả Revata,
Tôn giả Ananda và một số Thiện gia nam tử danh tiếng khác. Lúc bấy
giờ, Thế Tôn ngồi ở giữa trời, có chúng Tỷ-kheo vây quanh. Rồi Thế
Tôn nhân vì các Thiện gia nam tử ấy, bảo các Tỷ-kheo:
- – Này các
Tỷ-kheo, các Thiện gia nam tử ấy vì lòng tin Ta đã xuất gia, từ bỏ
gia đình, sống không gia đình. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy có
hoan hỷ trong Phạm hạnh không ?
- Khi được nói
vậy, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng. Lần thứ hai... (như trên)... lần
thứ ba, Thế Tôn, nhân vì các Thiện gia nam tử ấy, bảo các Tỷ-kheo:
- – Này các
Tỷ-kheo, các Thiện gia nam tử ấy vì lòng tin Ta đã xuất gia, từ bỏ
gia đình, sống không gia đình. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy có
hoan hỷ trong Phạm hạnh không ?
- Cho đến lần
thứ ba, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.
- Rồi Thế Tôn
suy nghĩ như sau: "Nay Ta hãy hỏi các Thiện gia nam tử ấy". Rồi
Thế Tôn bảo Tôn giả Anuruddha:
- – Này các
Anuruddha, các Ông có hoan hỷ trong phạm hạnh không ?
- Bạch Thế Tôn,
thật sự chúng con hoan hỷ trong Phạm hạnh.
- – Lành thay,
lành thay, các Anuruddha. Này các Anuruddha, thật xứng đáng cho
các Ông, những Thiện gia nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, các Ông có hoan hỷ trong Phạm hạnh. Này
các Anuruddha, trong khi các Ông với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi
thanh xuân, với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, thời
các Ông, này các Anuruddha, với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh
xuân, với tóc đen nhánh, lại xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Này các Anuruddha, các Ông không vì mệnh lệnh của vua mà
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì
mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Các Ông không vì nợ nần... không vì sợ hãi... Các Ông
không vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình. Nhưng có phải với tư tưởng như sau: "Ta bị sanh,
già, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi
phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ
uẩn này" mà các Ông, này các Anuruddha, vì lòng tin, xuất gia từ
bỏ gia đình, sống không gia đình ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn.
- – Và xuất gia
như vậy, này các Anuruddha, người Thiện gia nam tử cần phải làm gì
? Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp. Nếu không chứng
được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn, thời dục tham xâm
chiếm tâm và an trú, sân xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm, thụy
miên... trạo cử, hối quá... nghi hoặc... bất lạc... giải đãi xâm
chiếm tâm và an trú. Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp,
vị ấy chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn. Này
các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp, vị ấy chứng được hỷ lạc
hay một trạng thái khác an tịnh hơn, thời dục tham không xâm chiếm
tâm và an trú, sân không xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm thụy
miên... trạo cử hối quá... nghi hoặc... bất lạc... giải đãi không
xâm chiếm tâm và an trú. Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện
pháp, vị ấy chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn.
- Này các
Anuruddha, các Ông nghĩ về Ta như thế nào ? Các lậu hoặc nào liên
hệ đến phiền não sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ
di thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, các lậu hoặc
ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân
tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một
pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp, sau khi suy tư
phân tích, đoạn trừ một pháp ?
- – Bạch Thế
Tôn, chúng con không có nghĩ như vậy về Thế Tôn: "Các lậu hoặc nào
liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả
khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, các lậu
hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư
phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ
một pháp; sau khi suy tư phân tích từ bỏ một pháp; sau khi suy tư
phân tích, đoạn trừ một pháp". Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ về Thế
Tôn như sau: "Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh khởi
hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh,
già, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy đã được Như Lai đoạn
trừ. Do vậy, Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp;
sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp, sau khi suy tư phân
tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp.
- – Lành thay,
lành thay, này các Anuruddha ! Các lậu hoặc liên hệ đến phiền não,
sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến
sanh, già, chết trong tương lai đã được Như Lai đoạn trừ, cắt tận
gốc rễ, làm cho như thân cây tala không thể sanh lại, không thể
sanh khởi trong tương lai. Ví như, này các Anuruddha, cây tala đầu
cây đã bị chặt đứt, không thể lớn lên nữa, cũng vậy này các
Anuruddha, các lậu hoặc liên hệ đến phiền não... (như trên)...
không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai sau khi suy tư
phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ
một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư
phân tích, đoạn trừ một pháp.
- Này các
Anuruddha, các Ông nghĩ thế nào ? Do thấy mục đích đặc biệt nào,
Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ tử đã từ trần, đã mệnh
chung, nói rằng. "Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ
này".
- – Bạch Thế
Tôn, đối với chúng con, các pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng
Thế Tôn làm lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn,
tốt lành thay nếu Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này.
- Sau khi được
nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- – Này các
Anuruddha, Như Lai không vì mục đích lường gạt quần chúng, không
vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích lợi lộc, trọng
vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý nghĩ: Như vậy
quần chúng sẽ biết Ta"; mà Như Lai giải thích sự tái sanh các vị
đệ tử đã từ trần đã mệnh chung, nói rằng: "Vị này tái sanh ở chỗ
này, vị này tái sanh ở chỗ này". Và này các Anuruddha, có những
Thiện gia nam tử có tin tưởng với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ
cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm trên như thật
(Tathata). Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu
đời cho các vị ấy.
- Ở đây, này
các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tên như thế này đã
mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Vị ấy an trú chánh
trí". Vị Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có
giới hạnh như vậy, Tôn giả này có pháp như vậy, Tôn giả này có trí
tuệ như vậy, Tôn giả này có an trú như vậy, Tôn giả này có giải
thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh, đa văn,
bố thí và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy,
này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. Ở đây, này các
Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tên như thế này, đã mệnh
chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ
phần kiết sử vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không
còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã
được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy, Tôn giả này có pháp
như vậy... (như trên)... có trí tuệ như vậy,... có an trú như vậy,
Tôn giả này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng
tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia bèn chú tâm trên như
thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. Ở
đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tâm như thế
này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt
trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham , sân, si, vị ấy
chứng Nhất Lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt
tận khổ đau". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả
này có giới hạnh như vậy... Tôn giả này có giải thoát như vậy".
Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị
kia bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo
được sống lạc trú. Ở đây, này các Anurudha, Tỷ-kheo có nghe:
"Tỷ-kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về
vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn
bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn giả ấy đã được
thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... Tôn
giả này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin...
(như trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật.
Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú.
- Ở đây, này
các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này
đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Vị ấy an trú chánh
trí". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới
hạnh như vậy, Tôn ni này có pháp như vậy, Tôn ni này có an trú như
vậy, Tôn ni này có giải thoát như vậy. Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng
tin... (như trên)... khi nhớ đến trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm
trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống
lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni
với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này:
"Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập
Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn ni
ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như
vậy... Tôn ni này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni nhớ đến lòng
tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia liền chú tâm trên như
thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. Ở
đây, này các Anuruddha, vị Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên
như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi
diệt trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy
chứng Nhứt lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt
tận khổ đau". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này
có giới hạnh như vậy... (như trên)... Tôn ni này có giải thoát như
vậy". Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ
của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha,
Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni
có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có
tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự
lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn
ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như
vậy ... (như trên) ... Tôn ni này có giải thoát như vậy".
Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị
kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha,
Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú.
- Ở đây, này
các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này
đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ
năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ
ấy, không còn phải trở lui đời này nữa". Tôn giả ấy đã được thấy
hay được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... có pháp như
vậy... có trí tuệ như vậy... có an trú như vậy... Tôn giả này có
giải thoát như vậy". Nam cư sĩ khi nhớ đến lòng tin... (như
trên)... và trí tuệ của vị kia, liền chú tâm trên như thật. Như
vậy, này các Anuruddha nam cư sĩ được sống lạc trú. Ở đây, này các
Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này đã
mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba
kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng Nhất
lai chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt tận khổ đau".
Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới
hạnh như vậy... (như trên)... Tôn giả này có giải thoát như vậy".
Nam cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị
kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nam cư
sĩ được sống lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe:
"Nam cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố
về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu không
còn bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn giả ấy đã
được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy...
(như trên)... có giải thoát như vậy. Tôn giả ấy khi nhớ đến lòng
tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như
thật. Như vậy, này các Anuruddha, nam cư sĩ được sống lạc trú.
- Ở đây, này
các Anuruddha, nữ cư sĩ có nghe: "Nữ cư sĩ với tên như thế này đã
mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm
hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy,
không còn phải trở lui ở đời này nữa". Nữ nhân ấy đã được thấy hay
đã được nghe: "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy... có pháp như
vậy... có trí tuệ như vậy... có an trú như vậy... nữ nhân này có
giải thoát như vậy". Nữ cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... (như
trên)... và trí tuệ của vị kia, liền chú tâm trên sự thật. Như
vậy, này các Anuruddha, nữ cư sĩ được sống lạc trú. Ở đây, này các
Anurudha nữ cư sĩ có nghe: "Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh
chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết
sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng Nhất lai,
chỉ phải trở lui đời này một lần nữa, rồi sẽ diệt tận khổ đau". Nữ
nhân ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Nữ nhân này có giới hạnh
như vậy ... (như trên) ... nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ
cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị
kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư
sĩ được sống lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha, nữ cư sĩ có nghe:
"Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố
về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu không
còn bị đọa lạc, chắc chắn được chánh giác". Nữ nhân ấy đã được
thấy hay đã được nghe. "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy, nữ nhân
này có pháp như vậy, nữ nhân này có trí tuệ như vậy, nữ nhân này
có an trú như vậy, nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ nhân ấy
khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh, sự đa văn, bố thí và trí tuệ của
vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ
cư sĩ được sống lạc trú.
- Như vậy, này
các Anuruddha, Như Lại không vì mục đích lường gạt quần chúng,
không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi
lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý
nghĩ: "Như vậy quần chúng sẽ biết Ta", mà Như Lai giải thích sự
tái sanh của các đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng: "Vị
này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ này". Và này các
Anuruddha, có những Thiện gia nam tử có tin tưởng, với tín thọ cao
thượng, với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú
tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an
lạc lâu đời cho các vị ấy.
- Thế Tôn
thuyết giảng như vậy. Tôn giả Anurudda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn
dạy.
- --o0o--
|
|