|
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
-
KINH SANDAKA KINH
- (Sandakasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn trú ở Kosambi (Kiều-thưởng-di), tại tu viện Ghosita
(Cù-sư-la). Lúc bấy giờ, du sĩ Sandaka trú ở hang Pilakka với
đại chúng du sĩ, khoảng độ năm trăm du sĩ. Rồi Tôn giả Ananda,
vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, và nói với các
Tỷ-kheo:
- – Chư Hiền,
chúng ta hãy đi đến Devakatasobbha để xem hang.
- – Thưa vâng,
Hiền giả.
- Các Tỷ-kheo
ấy vâng đáp Tôn giả Ananda. Rồi Tôn giả Ananda với một số đông
Tỷ-kheo đi đến Devakatasobbha. Lúc bấy giờ, du sĩ Sandaka ngồi
với đại chúng du sĩ đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng bàn luận
nhiều vấn đề phù phiếm như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về
ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, các
câu chuyện hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ
ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về đồ mặc, câu chuyện về
giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu,
câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng
xóm, câu chuyện về thị trấn, câu chuyện về thành phố, câu chuyện
về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về vị anh hùng, câu
chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về
người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, câu chuyện về hiện
trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, câu chuyện về hiện
hữu và không hiện hữu. Du sĩ Sandaka thấy Tôn giả Ananda từ xa
đi đến, thấy vậy liền khuyến cáo chúng của mình:
- – Các Tôn giả
hãy nhỏ tiếng ! Các Tôn giả hãy lặng tiếng ! Nay đệ tử của
Sa-môn Gotama, Sa-môn Ananda đang đến. Khi nào các đệ tử của
Sa-môn Gotama trú ở Kosambi, thời Sa-môn Ananda này là một vị
trong những vị ấy. Các Tôn giả ấy ưa mến trầm lặng, tu tập trong
trầm lặng, tán thán trầm lặng, nếu biết chúng này trầm lặng, có
thể ghé tại đây.
- Rồi các du sĩ
ấy đều im lặng. Tôn giả Ananda đến chỗ du sĩ Sandaka. Du sĩ
Sandaka thưa với Tôn giả Ananda:
- – Hãy đến,
Tôn giả Ananda ! Thiện lai, Tôn giả Ananda ! Đã lâu Tôn giả
Ananda mới tạo cơ hội này, nghĩa là đến đây. Tôn giả Ananda hãy
ngồi, đây là chỗ ngồi đã soạn sẵn.
- Tôn giả
Ananda ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ Sandaka lấy một ghế thấp
khác rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda nói với du sĩ
Sandaka đang ngồi một bên:
- – Này
Sandaka, nay các vị hội họp nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì ? Và
câu chuyện gì giữa các vị bị gián đoạn ?
- – Tôn giả
Ananda, hãy gác một bên vấn đề chúng tôi đang hội họp bàn luận.
Lát nữa Tôn giả Ananda nghe lại cũng không khó khăn gì. Lành
thay, nếu được Tôn giả Ananda thuyết cho pháp thoại vị Đạo sư
của mình.
- – Vậy này
Sandaka, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ giảng:
- – Thưa vâng,
Tôn giả.
- Du sĩ Sandaka
vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:
- – Này
Sandaka, bốn pháp phi phạm hạnh trú này, do Thế Tôn, bậc Tri
Giả, Kiến Giả, Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và bốn
pháp bất an phạm hạnh cũng được tuyên bố. Ở đây, người có trí
không thể tự mình sống Phạm hạnh và nếu sống, thời không thể
thành đạt (chánh) đạo, pháp và (chí) thiện.
- – Tôn giả
Ananda, bốn pháp phi phạm hạnh trú do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến
Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây người có
trí không thể tự mình sống Phạm hạnh, và nếu sống, thời không
thể thành đạt (chánh) đạo, pháp và (chí) thiện; bốn pháp phi
phạm hạnh trú ấy là gì ?
- – Ở đây, này
Sandaka, có vị Đạo sư có thuyết lý như sau, có quan điểm như
sau: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự,
không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này,
không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có loại hóa
sanh, ở đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng,
chánh hạnh, sau khi đã tự mình giác ngộ với thắng trí tuyên bố
về đời này và đời sau. Con người này do bốn đại họp thành, khi
mệnh chung, địa đại quy nhập địa giới, thủy đại quy nhập thủy
giới, hỏa đại quy nhập hỏa giới, phong đại quy nhập phong giới,
các căn nhập vào hư không. (Bốn) người, gánh quan tài với người
nằm trong quan tài là năm gánh người chết mang đi, đến chỗ hỏa
tảng và thốt ra những lời kể lể, đặc tánh của người chết. Các
xương thành màu xám như chim bồ câu, và những vật cúng dường trở
thành tro bụi. Chỉ có người ngu mới tán dương bố thí, lời nói
của họ trống không, giả dối, vô ích khi họ chấp thuyết "có sự
hiện hữu (Atthikavada)". Kẻ ngu cũng như người trí, sau khi thân
hoại mạng chung sẽ đoạn diệt, tiêu thất, không còn tồn tại sau
khi chết".
- Ở đây, này
Sandaka, người có trí suy tư như sau: "Vị Tôn sư này, thuyết lý
như vầy, quan điểm như vầy: "Không có bố thí, không có lễ hy
sinh... (như trên)... Không còn tồn tại sau khi chết". Nếu vị
Tôn sư này nói đúng sự thật, thời cái gì đã làm ở đây không phải
ta làm, cái gì được sống ở đây không phải ta sống, nhưng cả hai
chúng ta ở đây đều đồng đẳng khi chứng Sa-môn quả, và ta không
có nói: "Cả hai chúng ta, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị
đoạn diệt, tiêu thất, sẽ không hiện hữu sau khi chết". Thật sự
là quá độ hạnh lõa thể, trọc đầu, tinh tấn ngồi chỏ hỏ, nhổ lông
tóc của vị Tôn sư này; trong khi ta sống trong gia đình được con
cái bao bọc đoanh vây, thọ dụng chiên-đàn Kasi, mang dùng vòng
hoa, hương liệu phấn sáp, hưởng thọ vàng bạc, và trong đời sau
ta sẽ đồng đẳng với vị Tôn sư này về chỗ thọ sanh. Như vậy, ta
biết gì, thấy gì mà ta sẽ sống Phạm hạnh dưới vị Đạo sư này ?"
Vị ấy sau khi biết phi phạm hạnh trú này, yểm ly hạnh ấy và bỏ
đi. Như vậy, này Sandaka là phi phạm hạnh trú thứ nhất, được Thế
Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên
bố và ở đây người có trí không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và
nếu sống, thời không thể thành đạt (chánh) đạo, pháp và (chí)
thiện.
- Lại nữa, này
Sandaka, ở đây có vị Đạo sư có thuyết lý như sau, có quan điểm
như sau: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người
chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay
khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo
não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh,
lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp đoạt, đánh cướp một
nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo,
hành động như vậy không có tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén
giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất này, làm thành một đống
thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, gây
ra tội ác. Nếu đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát,
chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu,
cũng không vì vậy có tội ác, gây ra tội ác. Nếu đi trên bờ phía
Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế
lễ, cũng không vì vậy có phước báo, tạo nên phước báo. Bố thí,
tự điều phục, tự chế ngự, nói thật không có công đức, không tạo
nên công đức".
- Ở đây, này
Sandaka, người có trí suy tư như sau: "Vị Tôn sư này, có thuyết
lý như vầy, có quan điểm như vầy: "Tự làm, khiến người làm...
(như trên)... không tạo nên công đức". Nếu vị Tôn sư này nói
đúng sự thật, thời cái gì đã làm ở đây không phải ta làm, cái gì
được sống ở đây không phải ta sống; nhưng cả hai chúng ta ở đây
đều đồng đẳng khi chứng Sa-môn quả, và ta không có nói: "Hành
động cả hai (chúng ta) không tạo ra tội ác". Thật sự là quá
độ... (như trên)... mà ta sẽ sống Phạm hạnh dưới vị Đạo sư này
?" Vị ấy sau khi biết phi phạm hạnh trú này, yểm ly hạnh ấy và
bỏ đi. Như vậy, này Sandaka là phi phạm hạnh trú thứ hai, được
Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã
tuyên bố và ở đây người có trí không thể tự mình sống theo hạnh
ấy, và nếu sống, thời không thể thành đạt (chánh) đạo, pháp và
(chí) thiện.
- Lại nữa, này
Sandaka, ở đây, có vị Đạo sư có thuyết lý như vậy, có quan điểm
như vầy: "Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị
nhiễm ô; không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình sẽ bị
nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được
thanh tịnh, không nhân không duyên, các loài hữu tình sẽ được
thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực,
không có cố gắng của người. Tất cả loài hữu tình, tất cả chúng
sanh, tất cả sanh loại, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không
lực, không tinh tấn. Họ bị dắt dẫn chi phối bởi định mệnh, bởi
sự trùng hợp, bởi tự tánh. Họ hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu sanh
loại".
- Ở đây, này
Sandaka, người có trí suy tư như sau: "Vị Tôn sư này có thuyết
lý như vầy, có quan điểm như vầy: "Không có nhân, không có
duyên... (như trên)... họ hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu sanh
loại". Nếu vị Tôn sư này nói đúng sự thật, thời cái gì đã làm ở
đây không phải ta làm, cái gì được sống ở đây không phải ta
sống, nhưng cả hai chúng ta ở đây đều đồng đẳng khi chứng Sa-môn
quả, và ta không có nói: "Cả hai chúng tôi, không có nhân, không
có duyên sẽ được thanh tịnh". Thật sự là quá độ... (như trên)...
mà ta sẽ sống theo hạnh ấy dưới vị Đạo sư này ?" Vị ấy sau khi
biết phi phạm hạnh trú này, yểm ly hạnh ấy và bỏ đi. Như vậy,
này Sandaka là phi phạm hạnh trú thứ ba, được Thế Tôn, bậc Tri
Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây
người có trí không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống
thời không thể thành đạt (chánh) đạo, pháp và (chí) thiện.
- Lại nữa, này
Sandaka, ở đây có vị Đạo sư có thuyết lý như vầy, có quan điểm
như vầy: "Có bảy thân này không bị làm ra, không làm ra, không
bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đảnh
núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động, không chuyển biến,
không xâm hại nhau. Chúng không thể ảnh hưởng đến lạc hay khổ
với nhau, hoặc cả khổ và lạc. Thế nào là bảy ? Địa thân, thủy
thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc, và thứ bảy là mạn. Bảy
thân này không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không
sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng
như trụ đá. Chúng bất động, không chuyển biến, không xâm hại
nhau. Chúng không thể ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc
cả khổ và lạc. Ở đây, không có người giết hại hoặc người bị giết
hại, người nghe hoặc người nói, người biết hoặc người khiến cho
biết, khi có một ai dùng lưỡi kiếm sắc bén chém đầu, thời không
ai tước đoạt sanh mạng của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy
thân mà thôi. Có tất cả là 14 trăm ngàn chủng loại thác sanh,
lại có thêm 60 một trăm và 6 một trăm. Có 5 một trăm loại nghiệp
và có 5 nghiệp (theo 5 căn), lại có 3 nghiệp (về thân, khẩu, ý),
lại có toàn nghiệp (thân và khẩu), bán nghiệp (ý), có 62 đạo, 62
trung kiếp, 6 giai cấp, 8 nhân địa; 4900 sanh nghiệp, 4900 kẻ du
hành, 4900 chỗ ở của loài Naga, 2000 căn, 3000 cảnh địa ngục, 36
trần giới, 7 tưởng thai, 7 vô tưởng thai, 7 tiết thai (sanh từ
đốt, hay ly hệ thai ?) 7 loài Thiên, 7 loài Người, 7 loài Quỷ, 7
hồ nước, 7 pavutas (núi hay hồ nhỏ), 7000 pavutas, 700 papatas
(vực thẳm), 7 mộng, 700 mộng có 8.400.000 đại kiếp, trong thời
gian ấy kẻ ngu và người trí, sau khi lưu chuyển, luân hồi, sẽ
trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện: "Với giới này, với giới
cấm này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, tôi sẽ làm cho
chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những
nghiệp đã được thuần thục, bởi những nhẫn thọ liên tục không thể
đo lường, khổ và lạc với những vật đo lường, trong luân hồi
không có tăng giảm, không có cao thấp. Ví như cuộn chỉ được tung
ra sẽ được kéo dài đến một mức độ nào đó. Cũng như vậy, kẻ ngu
và người trí, sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ chấm dứt khổ đau".
- Ở đây, này
Sandaka, người có trí suy tư như sau: "Vị Tôn sư này có lý
thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: "Có bảy thân này... (như
trên)... sẽ chấm dứt khổ đau". Nếu vị Tôn sư này nói đúng sự
thật, thời cái gì đã làm ở đây không phải ta làm, cái gì được
sống ở đây không phải ta sống, nhưng cả hai chúng ta ở đây đều
đồng đẳng khi chứng Sa-môn quả, và ta không có nói: "Cả hai
chúng tôi, sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ chấm dứt khổ đau".
Thật sự là quá độ hạnh lõa thể, trọc đầu, tinh tấn ngồi chỏ hỏ,
nhổ lông tóc của vị Tôn sư này, trong khi ta sống trong gia
đình, được con cái bao bọc đoanh vây, thọ dụng chiên-đàn Kasi,
mang dùng vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, hưởng thọ vàng bạc, và
trong đời sau ta sẽ đồng đẳng với vị Tôn sư này về chỗ thọ sanh.
Như vậy ta biết gì, ta thấy gì mà ta sẽ sống theo hạnh ấy với vị
Đạo sư này ?" Vị ấy sau khi biết phi phạm hạnh trú này, yểm ly
theo hạnh ấy và bỏ đi. Như vậy, này Sandaka là phi phạm hạnh trú
thứ tư, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A la hán ,
Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây người có trí không thể tự
mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống, thời không thể thành đạt
(chánh) đạo, pháp, và (chí) thiện.
- Này Sandaka,
bốn phi phạm hạnh trú này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây, người có trí
không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống, thời không thể
thành đạt (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện.
- – Thật vi
diệu thay, Tôn giả Ananda ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda !
Bốn phi phạm hạnh trú này đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến
Giả, bấc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố là phi phạm hạnh
trú, và ở đây, người có trí không thể tự mình sống theo hạnh ấy,
và nếu sống, thời không thể thành đạt (chánh) lý, pháp, và (chí)
thiện. Tôn giả Ananda, thế nào là bốn pháp bất an phạm hạnh được
Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
tuyên bố, và ở đây người có trí không thể tự mình sống theo hạnh
ấy, và nếu sống, thời không thể thành đạt (chánh) đạo, pháp, và
(chí) thiện ?
- Ở đây, này
Sandaka, có bậc Đạo sư nhứt thiết tri nhứt thiết kiến, tự xem đã
chứng được tri kiến hoàn toàn: "Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ và ta
thức, tri, kiến được an trú ở trong ta, liên tục, không gián
đoạn". Vị ấy đi vào một nhà trống, không nhận được đồ ăn khất
thực, và con chó cắn vị ấy, vị ấy gặp voi dữ, gặp người dữ, gặp
bò dữ, và vị ấy hỏi tên và họ một người đàn bà, một người đàn
ông, và hỏi tên những con đường của làng, của trị trấn. Vị ấy
được hỏi: "Sao như thế này ?", và trả lời: "Ta phải vào một nhà
trống, do vậy ta đã vào; ta phải không nhận được đồ ăn khất
thực, do vậy ta đã không nhận được đồ ăn khất thực. (Có người)
phải bị chó cắn, do vậy ta đã bị chó cắn. (Có người) phải gặp
voi dữ, do vậy ta đã gặp; phải gặp ngựa dữ, do vậy ta đã gặp,
phải gặp bò dữ, do vậy ta đã gặp. Có người phải hỏi tên và họ
một người đàn bà, một người đàn ông, do vậy ta đã hỏi. (Có
người) phải hỏi tên những con đường của làng, của thị trấn, do
vậy ta đã hỏi". Ở đây, này Sandaka, người có trí suy tư như sau:
"Vị Tôn sư này là nhất thiết tri, nhứt thiết kiến... (như
trên)... do vậy ta đã hỏi". Vị ấy sau khi biết: "Hạnh này là bất
an", nên yểm ly hạnh ấy và bỏ đi. Này Sandaka, đây là Bất an
phạm hạnh thứ nhất, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây người có trí không
thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống thời không thể thành
đạt (chánh) đạo, pháp và (chí) thiện.
- Lại nữa, này
Sandaka, ở đây, có vị Đạo sư y cứ truyền thuyết, (xem) truyền
thuyết là chân thật, vị này thuyết pháp theo truyền thuyết, theo
tương truyền và truyền thống, theo uy tín (Thánh) tạng. Này
Sandaka, nếu vị Đạo sư y cứ truyền thuyết, xem truyền thuyết là
chân thật, vị ấy (có phần) khéo nhớ, (có phần) không khéo nhớ,
(khi thì) như thế này, (khi thì) như thế khác. Ở đây, này
Sandaka, người có trí suy tư: "Vị Tôn sư này y cứ truyền thuyết,
xem truyền thuyết là chơn thật, vị này thuyết pháp theo truyền
thuyết, theo tương truyền và truyền thống, theo uy tín (Thánh)
tạng. Nếu vị Đạo sư y cứ truyền thuyết, xem truyền thuyết là
chơn thật, vị ấy (có phần) khéo nhớ, (có phần) không khéo nhớ,
(khi thì) như thế này, (khi thì) như thế khác. Vị ấy sau khi
biết: "Hạnh này là bất an", nên yểm ly hạnh ấy và bỏ đi. Này
Sandaka, đây là bất an phạm hạnh thứ hai, được Thế Tôn, bậc Tri
Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây
người có trí không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống,
thời không thể thành đạt (chánh) đạo, pháp, và (chí) thiện.
- Lại nữa, này
Sandaka, ở đây có vị Đạo sư là nhà lý luận, là nhà suy luận. Do
sự đả phá của lý luận và y cứ theo suy luận, vị này thuyết pháp
theo nguyên tắc tự mình sáng tác. Này Sandaka, nếu vị Đạo sư là
nhà lý luận, là nhà suy luận, vị ấy (có phần) khéo lý luận, (có
phần) không khéo lý luận, (khi thì) như thế này, (khi thì) như
thế khác. Ở đây, này Sandaka, người có trí suy nghĩ: "Vị Tôn sư
này là nhà lý luận, là nhà suy luận. Do sự đả phá của lý luận và
y cứ theo suy luận, vị này thuyết pháp theo nguyên tắc tự mình
sáng tác. Nếu vị Đạo sư là nhà lý luận, là nhà suy luận, vị ấy
(có phần) khéo lý luận, (có phần) không khéo lý luận, (khi thì)
như thế này, (khi thì) như thế khác. Vị ấy sau khi biết: "Hạnh
này là bất an" nên yểm ly hạnh ấy và bỏ đi. Này Sandaka đây là
bất an phạm hạnh thứ ba, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây người có trí
không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống thì không thể
thành đạt (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện.
- Lại nữa, này
Sandaka, ở đây có vị Đạo sư là người đần độn, là người ngu si.
Vì đần độn ngu si, khi được hỏi về vấn đề này, vấn đề khác, vị
ấy dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Theo tôi
không phải như vậy, theo tôi không phải như kia, theo tôi không
khác như thế, theo tôi không phải như thế, theo tôi không không
phải như thế". Ở đây, này Sandaka người có trí suy tư: "Vị Tôn
sư này là người đần độn, là người ngu si... (như trên)... theo
tôi không phải như thế". Vị ấy sau khi biết: "Hạnh này là bất
an", nên yểm ly hạnh ấy và bỏ đi. Này Sandaka, đây là bất an
phạm hạnh thứ tư, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây người có trí không
thể tự mình sống theo hạnh ấy và nếu sống thì không thể thành
đạt (chánh) đạo, pháp và (chí) thiện.
- Này Sandaka,
bốn bất an phạm hạnh này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, và ở đây người có trí
không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu sống thì không thể
thành đạt (chánh) lý, pháp và (chí) thiện.
- – Thật vi
diệu thay, Tôn giả Ananda ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda !
Bốn pháp bất an phạm hạnh này đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến
Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố là bất an phạm hạnh,
và ở đây người trí không thể tự mình sống theo hạnh ấy, và nếu
sống thì không thể thành đạt (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện.
Thưa Tôn giả Ananda, vị Đạo sư ấy dạy những gì, tuyên bố những
gì, mà ở đây, người có trí có thể tự mình sống Phạm hạnh, và khi
sống, có thể thành đạt (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện ?
- – Ở đây, này
Sandaka, Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc A-la-hán, Chánh Biến
Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thưởng Sĩ, Điều
Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi
riêng tự chứng ngộ với thượng trí... lại tuyên thuyết điều Ngài
đã chứng ngộ... Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh
tịnh. Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người
sanh ở giai cấp (hạ tiện) nghe pháp ấy... (như Kinh Kandaraka
của tập này, tr. 20 – tr. 25). Sau khi trừ bỏ năm triền cái này,
các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở thành yếu ớt vị ấy ly
dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ thiền, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Này Sandaka, nếu
một đệ tử chứng được ưu thắng đặc thù như vậy dưới một vị Đạo
sư, thời ở đây người có trí có thể tự mình sống Phạm hạnh, và
khi sống có thể thành đạt (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện. Lại
nữa, này Sandaka, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... Nhị thiền... Tam
thiền... chứng đạt và an trú Tứ thiền. Này Sandaka, nếu một đệ
tử chiếm được ưu thắng đặc thù như vậy dưới một Đạo sư... (như
trên)... (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện".
- Với tâm định
tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não,
nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc bất động như vậy, vị ấy, hướng
tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như
một đời, hai đời... như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá
khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Sandaka, nếu
một đệ tử chiếm được ưu thắng đặc thù như vậy dưới một vị Đạo
sư... (như trên)... (chánh) lý, pháp, và (chí) thiện. Với tâm
định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền
não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy
hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên
nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.
Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người
đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... đều do hạnh
nghiệp của họ. Này Sandaka nếu một đệ tử chứng được ưu thắng đặc
thù như vậy dưới một vị Đạo sư... (như trên)... (chánh) đạo,
pháp và (chí) thiện. Với tâm định tĩnh thanh tịnh, trong sáng,
không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững
chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy
như thật biết: "Đây là Khổ"... vị ấy như thật biết: "Đây là con
đường đưa đến lậu hoặc diệt". Vị ấy do biết vậy, do thấy vậy,
tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu
lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã
giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát".
Vị ấy biết: "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã
làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa". Này
Sandaka, nếu một đệ tử chứng được ưu thắng đặc thù như vậy dưới
một Đạo sư nào, thời ở đây người có trí có thể tự mình sống Phạm
hạnh, và khi sống có thể thành đạt (chánh) đạo, pháp, và (chí)
thiện.
- – Nhưng, thưa
Tôn giả Ananda, một Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã tận,
tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng
xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã giải
thoát nhờ chánh trí, vị Tỷ-kheo ấy có thể thọ dụng các dục vọng
không ?
- – Này
Sandaka, vị Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành
thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã
thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ
chánh trí, vị ấy không thể vi phạm năm điều: Vị Tỷ-kheo, các lậu
đã tận không có thể cố ý sát hại mạng sống chúng sanh; vị
Tỷ-kheo các lậu đã tận không có thể lấy của không cho, được gọi
là ăn trộm; vị Tỷ-kheo các lậu đã tận không có thể hành dâm dục;
vị Tỷ-kheo các lậu đã tận không có thể cố ý nói láo; vị Tỷ-kheo
các lậu đã tận không có thể hưởng thọ các dục đối với các vật
được tàng trữ như trước khi còn tại gia. Này Sandaka, một vị
Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn,
các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý
tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí, vị
ấy không có thể vi phạm năm điều này.
- – Thưa Tôn
giả Ananda, vị Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu
hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống,
đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ
chánh trí, khi vị ấy đi, đứng, ngủ và thức, có phải tri kiến vị
ấy được an trú một cách liên tục, không gián đoạn: "Các lậu hoặc
của ta đã được đoạn tận" ?
- – Này
Sandaka, tôi sẽ cho Ông một ví dụ, nhờ ví dụ ở đây, một số người
có trí sẽ biết ý nghĩa câu nói. Ví như, này Sandaka, một người
tay chân bị chặt; khi người ấy đi, đứng, ngủ và thức, tay chân
bị chặt một cách liên tục, không gián đoạn, và khi người ấy suy
tư về vấn đề này, người ấy biết: "Tay chân của ta bị chặt". Cũng
vậy, này Sandaka, vị Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã
tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh
nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã
giải thoát nhờ chánh trí, khi vị ấy đi, đứng, ngủ và thức, các
lậu hoặc được đoạn tận một cách liên tục, không gián đoạn, và
khi vị ấy suy tư về vấn đề này, vị ấy biết: "Các lậu hoặc ta đã
được đoạn tận".
- – Nhưng thưa
Tôn giả Ananda, có bao nhiêu vị lãnh đạo tối thắng trong pháp và
luật này ?
- – Này
Sandaka, không phải chỉ có một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn
trăm, năm trăm, mà còn nhiều vị lãnh đạo tối thắng hơn nữa trong
pháp và luật này.
- – Thật vi
diệu thay, Tôn giả Ananda ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda !
Không có sự tự tán pháp của mình, không có sự hủy báng pháp của
người khác, nhưng cả hai sự thuyết pháp với các hành trì
(ayatane) và rất nhiều vị lãnh đạo tối thắng như vậy đã được
thấy (ở đây). Còn các tà mạn ngoại đạo này là những đứa con của
người mẹ không con, họ tự tán khen mình chê người, và họ chỉ có
ba vị lãnh đạo tối thắng, tức là Nanda Vaccha, Kisa Sankicca và
Makkhali Gosala.
- Rồi du sĩ Sandaka nói với đồ
chúng của mình:
- – Chư Tôn
giả, hãy đi và sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama, tuy rằng nay
không có dễ gì cho chúng ta từ bỏ quyền lợi, tôn kính và danh
tiếng.
- Như vậy du sĩ Sandaka đã đưa đồ
chúng của mình sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama.
- --o0o--
|
|