|
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
- KINH
SAMANAMANDIKA
-
-
Như vầy tôi nghe.
- Một thời Thế Tôn trú
ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tại tinh xá
Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ du sĩ Uggahamana, con
của Samanamandika, trú ở tinh xá của Mallika tại Ekasalaka, có
hàng cây tinduka bao quanh, được xây dựng để tranh luận cùng với
đại chúng du sĩ khoảng ba trăm vị. Rồi thợ mộc Pancakanga vào
buổi sáng sớm, đi ra khỏi Savatthi để yết kiến Thế Tôn. Thợ mộc
Pancakanga suy nghĩ: "Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn,
Thế Tôn đang an tịnh Thiền tọa; cũng không phải thời để yết kiến
các vị Tỷ-kheo đang tu dưỡng tâm ý, các vị Tỷ-kheo đang an tịnh
Thiền tọa. Ta hãy đi đến tinh xá của Mallika, tại Ekasalaka, có
hàng cây tinduka bao quanh, được xây dựng để tranh luận, đi đến
du sĩ Uggahamana con của Samanamandika". Rồi thợ mộc Pancakanga
đi đến tinh xá của Mallika, tại Ekasalaka, có hàng cây tinduka
bao quanh, được xây dựng để tranh luận. Lúc bấy giờ du sĩ
Uggahamana, con của Samanamandika đang ngồi với đại chúng du sĩ,
đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng, bàn luận nhiều vấn đề phù
phiếm như vương luận, tặc luận, đại thần luận, binh luận, bố uý
luận, chiến đấu luận, thực luận, ẩm luận, y luận, sàng luận, hoa
man luận, hương liệu luận, thân tộc luận, xa thừa luận, thôn
luận, trấn luận, thị luận, quốc độ luận, phụ nữ luận, anh hùng
luận, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu
chuyện về người đã chết, tạp thoại luận, thế giới luận, hải
dương luận, hiện hữu vô biện hữu luận. Du sĩ Uggahamana, con của
Samanamandika thấy thợ mộc Pancakanga từ xa đi đến, thấy vậy
liền khuyến cáo chúng của mình:
- – Các Tôn giả hãy nhỏ
tiếng! Các Tôn giả hãy lặng tiếng ! Nay thợ mộc Pancakanga, đệ
tử của Sa-môn Gotama đang đến. Khi nào các đệ tử gia chủ mặc áo
trắng của Sa-môn Gotama trú ở Savatthi, thời thợ mộc Pancakanga
là một trong những vị ấy. Các vị Tôn giả ấy ưa mến an tịnh, được
tu tập về an tịnh, tán thán an tịnh, nếu biết chúng này an tịnh,
có thể ghé tại đây.
- Rồi các du sĩ
ấy đều im lặng. Thợ mộc Pancakanga đi đến du sĩ Uggahamana, con
của Samanamandika; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi
thăm với du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika; sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một
bên. Du sĩ Uggahamana nói với thợ mộc Pancakanga đang ngồi một
bên:
- – Này Thợ
mộc, ta chủ trương rằng một người thành tựu bốn pháp, người ấy
sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt
tối thượng, vô năng thắng. Thế nào là bốn ? Ở đây, này Thợ mộc,
không làm ác nghiệp về thân, không nói lời ác, không tư duy ác
tư duy, không sinh sống (bằng) nếp sống ác. Này Thợ mộc, ta chủ
trương rằng một người nào thành tựu bốn pháp này, người ấy sẽ
được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là Sa-môn thành đạt tối
thượng, vô năng thắng.
- Rồi thợ mộc Pancakanga không
hoan hỷ, không kích bác lời nói của du sĩ Uggahamana, con của
Samanamandika; không hoan hỷ, không kích bác, từ chỗ ngồi đứng
dậy ra đi, với ý nghĩ: "Từ Thế Tôn, ta sẽ biết ý nghĩa lời nói
này". Rồi thợ mộc Pancakanga đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh
lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thợ mộc
Pancakanga thưa lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện giữa mình với
du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika. Khi nghe nói vậy, Thế
Tôn nói với thợ mộc Pancakanga:
- – Nếu sự tình
là như vậy thời một đứa con nít còn bé nhỏ, vô trí, nằm ngửa sẽ
được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn, thành đạt tối
thượng, là bậc vô năng thắng đúng như lời du sĩ Uggahamana, con
của Samanamandika. Này Thợ mộc, đối với đứa con nít nhỏ bé, vô
trí, nằm ngửa, không có nghĩ: "Đây là thân", từ đâu nó có thể
làm ác nghiệp về thân, trừ ra chỉ biết quơ tay quơ chân ? Này
Thợ mộc, đối với đứa con nít, nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không có
nghĩ: "Đây là lời nói", từ đâu nó có thể làm ác nghiệp về lời
nói, trừ ra chỉ biết khóc ? Này Thợ mộc, đối với đứa con nít,
nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không có nghĩ: "Đây là tư duy", từ đâu
nó có thể tư duy ác tư duy, trừ ra chỉ biết bập bẹ ? Này Thợ
mộc, đối với đứa con nít, nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không có
nghĩ: "Đây là nghề sinh sống", từ đâu nó có thể sinh sống bằng
nếp sống ác, trừ ra chỉ biết bú sữa mẹ ? Nếu sự tình là vậy này
Thợ mộc, thời một đứa con nít còn bé nhỏ, vô trí, nằm ngửa, sẽ
được thiện cụ thúc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối
thượng, vô năng thắng, đúng như lời du sĩ Uggahamana, con của
Samanamandika.
- Này Thợ mộc,
Ta chủ trương rằng một người thành tựu bốn pháp, người ấy sẽ
không được thiện cụ túc, thiện tối thắng, không là bậc Sa-môn
thành đạt tối thượng, vô năng thắng, và như vậy để xác chứng đứa
con nít bé nhỏ, vô trí, nằm ngửa này. Thế nào là bốn ? Ở đây,
này Thợ mộc, không làm ác nghiệp về thân, không nói lời ác ngữ,
không tư duy ác tư duy, không sinh sống (bằng) nếp sống ác. Này
Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu bốn pháp này,
người ấy sẽ không được thiện cụ túc, thiện tối thắng, không là
bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.
- Này thợ mộc,
Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp, người ấy sẽ
được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối
thượng, vô năng thắng. Ta nói rằng, những pháp này, này Thợ mộc,
cần phải được người ấy hiểu là những bất thiện giới, Ta nói
rằng, này Thợ mộc, những bất thiện giới cần phải được người ấy
hiểu là từ đây sanh (Itosamutthana). Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở
đây cần phải được người ấy hiểu là những bất thiện giới được
diệt trừ không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải
được người ấy hiểu là thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến
diệt trừ các bất thiện giới. Ta nói rằng, này Thợ mộc, những
pháp này cần phải được người ấy hiểu là những thiện giới. Ta nói
rằng, này Thợ mộc, những thiện giới cần phải được người ấy hiểu
là từ đây sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở đây, cần phải được
người ấy hiểu là những thiện giới được diệt trừ không có dư tàn.
Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực
hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các thiện giới. Ta
nói rằng, này Thợ mộc, những (pháp) này cần phải được người ấy
hiểu là những bất thiện tư duy. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần
phải được người ấy hiểu là những bất thiện tư duy từ nơi đây
sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở đây, cần phải được người ấy
hiểu các bất thiện tư duy được diệt trừ không có dư tàn. Ta nói
rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực hành như
vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư duy. Ta
nói rằng, này Thợ mộc, những pháp này cần phải được người ấy
hiểu là những thiện tư duy. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải
được người ấy hiểu là những thiện tư duy từ nơi đây sanh. Ta nói
rằng, này Thợ mộc, ở đây, cần phải được người ấy hiểu là các
thiện tư duy được trừ diệt không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ
mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực hành như vậy là sự thực
hành đưa đến diệt trừ các thiện tư duy.
- Và này Thợ
mộc, thế nào là bất thiện giới ? Thân nghiệp bất thiện, khẩu
nghiệp bất thiện, nếp sống ác. Những pháp này, này Thợ mộc, được
gọi là bất thiện giới. Và này Thợ mộc, những bất thiện giới này
sanh khởi như thế nào ? Sự sanh khởi của chúng cũng được nói
đến, cần phải trả lời từ tâm sanh khởi. Thế nào là tâm ? Tâm có
nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm có tham, có sân, có si, từ
đây những bất thiện giới sanh khởi. Và này Thợ mộc, những bất
thiện giới này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn ? Sự trừ
diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, một
Tỷ-kheo, sau khi đoạn trừ thân ác hạnh, tu tập thân thiện hạnh;
sau khi đoạn trừ khẩu ác hạnh, tu tập khẩu thiện hạnh; sau khi
đoạn trừ ý ác hạnh, tu tập ý thiện hạnh; sau khi đoạn trừ nếp
sống ác sinh sống với nếp sống chánh. Ở đây, những bất thiện
giới ấy được trừ diệt không có tàn dư. Thực hành như thế nào,
này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới
? Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực, tinh
tấn, quyết tâm, sách tấn tâm; khiến cho các ác, bất thiện pháp
từ trước chưa sanh không được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực,
tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện
pháp đã sanh được trừ diệt; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn,
quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay
được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm,
sách tấn tâm khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì,
không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập,
được viên mãn. Sự thực hành như vậy, này Thợ mộc, là sự thực
hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới.
- Và này Thợ
mộc, thế nào là thiện giới ? Thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp
thiện, nếp sống thanh tịnh mạng; những pháp này, này Thợ mộc,
được gọi là thiện giới. Và này Thợ mộc, những thiện giới này
sanh khởi như thế nào ? Sự sanh khởi của chúng cũng được nói
đến, cần phải trả lời là tự tâm sinh khởi. Thế nào là tâm ? Tâm
có nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm không tham, không sân,
không si, từ đây những thiện giới sanh khởi. Và này Thợ mộc,
những thiện giới này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn,. Sự
trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, vị Tỷ-kheo có giới
hạnh, và không chấp trước giới (silamayo), và vị này như thật
tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ở đây, những thiện giới
ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Thực hành như thế nào, này
Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến trừ diệt các thiện giới ? Ở
đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực, tinh tấn,
quyết tâm, sách tấn tâm, khiến cho các ác, bất thiện pháp, chưa
sanh không được sanh khởi; khiến cho các ác, bất thiện pháp đã
sanh được trừ diệt; khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được
sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn
tâm, khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì, không có
mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên
mãn. Sự thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các
thiện giới.
- Và này Thợ
mộc, thế nào là bất thiện tư duy ? Dục tư duy, sân tư duy, hại
tư duy. Pháp này, này Thợ mộc, được gọi là bất thiện tư duy. Và
này Thợ mộc, những bất thiện tư duy này sanh khởi như thế nào ?
Sự sanh khởi của chúng cũng được nói đến. Cần phải trả lời là từ
tưởng sanh khởi. Thế nào là tưởng ? Tưởng có nhiều loại, đa
chủng, sai biệt: dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng, từ đấy những
bất thiện tư duy sanh khởi. Và này Thợ mộc, những bất thiện tư
duy này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn ? Sự trừ diệt của
chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo ly dục,
ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ
lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Ở đây, những bất thiện tư
duy được trừ diệt, không có dư tàn. Và sự thực hành như thế nào,
này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư
duy ? Ở đây, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết
tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp chưa sanh
không được sanh khởi... khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh
được trừ diệt; khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh
khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm;
khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì, không có mơ hồ,
được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn. Sự
thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện
tư duy. Này Thợ mộc, thế nào là thiện tư duy ? Ly dục tư duy, vô
sân tư duy, bất hại tư duy; những pháp này, này Thợ mộc, được
gọi là thiện tư duy. Và này Thợ mộc, những thiện tư duy này sanh
khởi như thế nào ? Sự sanh khởi của chúng cũng được nói đến. Cần
phải trả lời là từ tưởng sanh khởi. Thế nào là tưởng ? Tưởng có
nhiều loại, đa chủng, sai biệt: ly dục tưởng, vô sân tưởng, bất
hại tưởng, từ đấy sanh khởi là những thiện tư duy. Và này Thợ
mộc, những thiện tư duy này từ đâu được diệt, không có dư tàn ?
Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, vị
Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng
thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất
tâm. Ở đây, những thiện tư duy ấy được trừ diệt không có dư tàn.
Và sự thực hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành đưa
đến diệt trừ các thiện tư duy ? Ở đây, Tỷ-kheo khởi lên ý muốn
nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất
thiện pháp chưa sanh không có sanh khởi... (như trên)...; khiến
cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt... (như
trên)...; khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi;
khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm, khiến
cho các thiện pháp đã sanh, có thể duy trì, không có mơ hồ, được
tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn. Sự thực
hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp
này, người ấy được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn
thành đạt tối thượng, vô năng thắng. Ở đây, này Thợ mộc, vị
Tỷ-kheo thành tựu vô học chánh tri kiến, thành tựu vô học chánh
tư duy, thành tựu vô học chánh ngữ, thành tựu vô học chánh mạng,
thành tựu vô học chánh tinh tấn, thành tựu vô học chánh niệm,
thành tựu vô học chánh định, thành tựu vô học chánh trí, thành
tựu vô học chánh giải thoát. Này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một
người thành tựu mười pháp này sẽ được thiện cụ túc, thiện tối
thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.
- Thế Tôn
thuyết giảng như vậy. Thợ mộc Pancakanga hoan hỷ tín thọ lời Thế
Tôn dạy.
- --o0o--
|
|