|
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
- KINH BỒ ĐỀ
VƯƠNG TỬ
-
(Bodhirajakumarasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng
Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi có một
ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được
một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương
tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta và nói:
- – Này
Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy nhân danh ta
cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi Thế Tôn có ít bệnh, ít não,
khinh an, lạc trú, và thưa: "Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi cúi
đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não,
khinh an, lạc trú, và bạch như sau: Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn
nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với
chúng Tỷ-kheo".
- – Thưa vâng,
Tôn giả.
- Thanh niên
Sanjikaputta vâng đáp vương tử Bodhi, đi đến Thế Tôn, sau khi
đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Và sau khi
nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống
một bên. Thanh niên Sanjikaputta đang ngồi một bên và bạch Thế
Tôn:
- – Thưa Tôn
giả Gotama, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama,
hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú và thưa như sau:
"Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai
dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo".
- Thế Tôn im
lặng nhận lời. Rồi thanh niên Sanjikaputta, sau khi biết được
Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến vương tử
Bodhi, sau khi đến, thưa với vương tử Bodhi:
- – Chúng tôi
đã nhân danh Tôn giả, bạch lên Thế Tôn Gotama như sau: "Thưa Tôn
giả Gotama, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama,
hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và thưa như sau:
"Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai
dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo". Và Sa-môn Gotama đã nhận lời.
- Rồi vương tử
Bodhi, sau khi đêm ấy đã mãn, tại trú xá của mình cho sửa soạn
các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, và cho trải vải
trắng lâu đài Kokanada cho đến tầm cấp thấp nhất (pacchima), rồi
gọi thanh niên Sanjikaputta:
- – Này Thanh
niên Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy báo giờ
cho Thế Tôn được biết: "Bạch Thế Tôn, đã đến giờ, cơm đã sẵn
sàng".
- Rồi Thế Tôn
vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xá của vương tử Bodhi.
Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi chờ đón Thế Tôn đến, đang đứng ở cửa
ngoài. Vương tử Bodhi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy,
liền tiến đến đón, đảnh lễ Thế Tôn, đi đầu hướng dẫn đến lâu đài
Kokanada. Rồi Thế Tôn đứng sát vào tầm cấp thấp nhất. Vương tử
Bodhi bạch Thế Tôn:
- – Bạch Thế
Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên
vải, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Được nghe nói
vậy, Thế Tôn im lặng. Lần thứ hai, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
- – Bạch Thế
Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên
vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Lần thứ hai,
Thế Tôn im lặng. Lần thứ ba, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
- – Bạch Thế
Tôn, ... (như trên)... an lạc lâu dài.
- Rồi Thế Tôn
nhìn Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda thưa với vương tử Bodhi:
- – Thưa vương
tử, hãy cho cuộn lại tấm vải, Thế Tôn không có đi bộ trên vải,
Như Lai còn nghĩ đến những người thấp kém.
- Rồi vương tử
Bodhi cho cuộn lại tấm vải, cho sửa soạn các chỗ ngồi tại tầng
trên lầu Kokanada. Rồi Thế Tôn bước lên lâu đài Kokanada, và
ngồi trên ghế đã soạn sẵn với chúng Tỷ-kheo. Rồi vương tử Bodhi
tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho
thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vương
tử Bodhi, khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một
ghế thấp và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vương tử
Bodhi bạch Thế Tôn:
- – Bạch Thế
Tôn, con nghĩ như sau: "Lạc được chứng đắc không phải do lạc,
lạc được chứng đắc do khổ".
- – Này Vương
tử, trước khi giác ngộ, thành bậc Chánh Đẳng Giác, khi còn là vị
Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: "Lạc được chứng đắc không phải do lạc,
lạc được chứng đắc do khổ. Và Ta, này Vương tử, sau một thời
gian, khi còn niên thiếu, non trẻ, tóc đen nhánh...,(như Tập I,
Kinh Thánh Cầu, từ trang 367 đến trang 373, thay thế "Này các
Tỷ-kheo" với "Này Vương tử".)... và nghĩ: "Thật là vừa đủ để
tinh tấn".
- Nhưng này
Vương tử, có thí dụ khởi lên nơi Ta..., (như Tập I, Đại Kinh
Saccaka, từ trang 529 đến trang 543, thay thế "Này Aggivesana"
với "Này Vương tử")... sống nhiệt tâm, tinh cần".
- Rồi này Vương
tử, Ta suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được thật thâm
sâu... (như Tập I, Kinh Thánh Cầu từ 374 đến trang 386, thay thế
"Này các Tỷ-kheo" với "Này Vương tử"... Sáu người sống, với các
đồ ăn mà hai Tỳ Kheo này khất thực đem về. Như vậy, này Vương
tử, chúng năm vị Tỷ-kheo được Ta giáo giới như vậy, giáo huấn
như vậy, không bao lâu chứng được với thượng trí ngay trong hiện
tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh
mà con cháu các lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình hướng đến.
- Khi được nói
vậy, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
- – Độ bao lâu,
bạch Thế Tôn, một vị Tỷ-kheo chấp nhận Như Lai là vị lãnh đạo,
chứng được mục đích tối cao... (như trên)... và an trú.
- – Này Vương
tử, ở đây, Ta sẽ hỏi Vương tử. Tùy theo Vương tử có thể kham
nhẫn, Vương tử hãy trả lời. Này vương tử, Vương tử nghĩ thế nào
? Vương tử có thiện xảo trong nghề cưỡi voi và trong kỹ thuật
dùng câu móc không ?
- – Thưa vâng,
bạch Thế Tôn, con thiện xảo trong nghề cưỡi voi và kỹ thuật dùng
câu móc.
- – Này Vương
tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Ở đây có người đến và nói: "Vương tử
Bodhi biết kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ
thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử". Nếu người ấy không
có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy
không thể đạt được. Nếu người ấy nhiều bệnh, thời những gì ít
bệnh có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy
gian trá, xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá
có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy biếng
nhác, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy
không đạt được. Nếu người ấy có liệt tuệ, thời những gì trí tuệ
có thể đạt được, người ấy không đạt được. Này Vương tử, Vương tử
nghĩ thế nào ? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu
móc với Vương tử không ?
- – Bạch Thế
Tôn, người ấy, dầu thành tựu chỉ một đức tánh, người ấy cũng
không có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống
chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh !
- – Này Vương
tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Ở đây, có người đến và nói: "Vương
tử Bodhi biết kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ
thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử". Nếu người ấy có
lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy đạt
được. Nếu người ấy ít bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt
được, người ấy đạt được. Nếu người ấy không gian trá, không xảo
trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt
được, người ấy đạt được. Nếu người ấy tinh tấn, cần mẫn, thời
những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy đạt được.
Nếu người ấy có trí tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được,
người ấy đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Người
ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử
không ?
- – Bạch Thế
Tôn, người ấy, dầu cho thành tựu chỉ một đức tánh, cũng có thể
học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu
người ấy thành tựu) cả năm đức tánh.
- – Cũng vậy,
này Vương tử, có năm tinh tấn chi này. Thế nào là năm ? Ở đây,
này Vương tử, vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của
Như Lai. Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh
Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên
Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa
được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp
với tinh tấn. Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như
chơn đối với bậc Đạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các
vị đồng Phạm hạnh. Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn từ bỏ các bất
thiện pháp, làm cho khởi lên các thiện pháp, kiên cố, kiên trì,
không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Vị ấy có trí tuệ
thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt (của các pháp), với sự thể
nhập bậc Thánh đưa đến sự chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này
Vương Tử, như vậy là năm tinh cần chi. Này Vương tử, vị Tỷ-kheo
thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh
đạo, sau khi đã tự chứng tri với thượng trí ngay trong hiện tại
vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử
chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và vị
ấy có thể chứng ngộ, chứng đạt và an trú trong bảy năm. Này
Vương tử, đừng nói chi bảy năm, một vị Tỷ-kheo thành tựu năm
tinh cần chi này... (như trên)... và an trú sáu năm... (như
trên)... năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm. Này Vương
tử, đừng nói chi một năm, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi
này... (như trên)... và an trú bảy tháng. Này Vương tử, đừng nói
chi bảy tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này...
(như trên)... và an trú ngay trong sáu tháng... (như trên)...
trong năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, nửa
tháng. Này Vương tử, đừng nói chi nửa tháng, một Tỷ-kheo thành
tựu năm tinh cần chi này... (như trên)... và an trú trong bảy
đêm ngày. Này Vương tử, đừng nói chi bảy đêm ngày, Tỷ-kheo thành
tựu năm tinh cần chi này sáu đêm ngày... (như trên)... năm đêm
ngày, bốn đêm ngày, ba đêm ngày, hai đêm ngày, một đêm ngày. Này
Vương tử, đừng nói chi một đêm ngày, một Tỷ-kheo thành tựu năm
tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, nếu được
giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu
được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi
chiều.
- Khi được nghe
nói vậy, Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
- – Ôi, thật là
Phật ! Ôi, thật là Pháp ! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay !
Nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi
sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng thời chứng được sự thù thắng
buổi chiều.
- Khi nghe nói
vậy, thanh niên Sanjikaputta thưa với Vương tử Bodhi:
- – Như vậy,
Tôn giả Bodhi này đã nói: "Ôi, thật là Phật ! Ôi, thật là Pháp !
Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay ! " Nhưng Vương tử không nói
thêm: "Tôi quy y Tôn giả Gotama này, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo
Tăng".
- – Này
Sanjikaputta, chớ có nói như vậy ! Này Sanjikaputta, chớ có nói
như vậy ! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân
của ta, ta tự nghe như sau: "Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn
trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai,
đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: "Bạch Thế
Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin
quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế
Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời
quy ngưỡng". Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa
dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc
Uyển. Rồi người vú của ta, ẳm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau
khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, người
vú của ta bạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin
quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn
nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn
đời quy ngưỡng". Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y
Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. "Mong Thế Tôn nhận
con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy
ngưỡng".
- --o0o--
|
|