|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH CANKI
- (Cankisuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn du hành trong nước Kosala cùng với Đại chúng Tỷ-kheo, và đi
đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala, tên là Opasada. Thế
Tôn trú tại Opasada, tại rừng chư Thiên (Devavana), rừng cây
sala (salavana), phía Bắc làng Opasada. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn
Canki trú ở Opasada, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước,
lúa gạo phì nhiêu, một vương địa do vua Pasenadi, vua nước
Kosala cấp, một ân tứ của vua, một tịnh ấp. Các Bà-la-môn gia
chủ ở Opasada được nghe: "Sa-môn Gotama... (như kinh Ratthapala,
số 82, trang 497-498 thay chữ Thullakotthita bằng chữ
Opasada)... được yết kiến một vị A-la-hán như vậy". Rồi các
Bà-la-môn gia chủ ở Opasada, từng đoàn, từng đoàn lũ lượt đi ra
khỏi Opasada và đi đến ngõ phía Bắc, rừng chư Thiên, rừng cây
sala. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Canki đi lên trên lầu để nghỉ trưa.
Bà-la-môn Canki thấy các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada từng đoàn,
từng đoàn lũ lượt đi ra khỏi Opasada và đi đến ngõ phía Bắc rừng
chư Thiên, rừng cây sala. Thấy vậy, Bà-la-môn Canki bèn gọi
người gác cửa:
- – Này người
Gác cửa, vì sao các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada từng đoàn, từng
đoàn lũ lượt đi ra khỏi Opasada và đi đến ngõ phía Bắc, rừng chư
Thiên, rừng cây sala như vậy ?
- – Thưa Tôn
giả Canki, có Sa-môn Gotama, dòng họ Thích-ca, xuất gia từ gia
tộc Thích-ca đang du hành trong nước Kosala... (như kinh
Ratthapala số 82, trang 497) Phật, Thế Tôn. Nay những người ấy
đi đến yết kiến Tôn giả Gotama.
- – Này người
Gác cửa, hãy đi đến các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada, khi đến
nơi, hãy nói với những Bà-la-môn gia chủ: "Bà-la-môn Canki có
nói: "Này các Hiền giả, hãy chờ đợi. Bà-la-môn Canki sẽ tự thân
hành đến yết kiến Sa-môn Gotama".
- Lúc bấy giờ,
có khoảng năm trăm Bà-la-môn, từ nhiều địa phương khác nhau, đến
tại Opasada vì một vài công vụ. Những Bà-la-môn nghe: "Bà-la-môn
Canki sẽ đi yết kiến Sa-môn Gotama". Những Bà-la-môn ấy đến
Bà-la-môn Canki, khi đến xong, liền thưa với Bà-la-môn Canki:
- – Có phải Tôn
giả Canki sẽ đến yết kiến Sa-môn Gotama ?
- – Này các
Hiền giả, đó là ý định của ta. Ta sẽ đến yết kiến Sa-môn Gotama.
- – Tôn giả
Canki, chớ có đến yết kiến Sa-môn Gotama. Thật không xứng đáng
cho tôn giả Canki đến yết kiến Sa-môn Gotama; trái lại, thật
xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến Tôn giả Canki. Lại nữa,
Tôn giả Canki thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống
thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ không bị một vết nhơ nào,
không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vì Tôn
giả Canki thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh
tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị
một chỉ trích nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Do điểm này,
thật không xứng đáng cho Tôn giả Canki đến yết kiến Sa-môn
Gotama; trái lại, thật xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiết
Bà-la-môn Canki. Lại nữa, Tôn giả Canki là nhà giàu có, đại phú,
sung túc... (như trên)... Lại nữa, Tôn giả Canki là nhà phúng
tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ
nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm,
thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về Thuận thế luận và
Đại nhân tướng. Tôn giả Canki đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng
người, với màu da thù thắng, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã,
dáng điệu cao thượng. Tôn giả Canki có giới hạnh, trưởng thành
trong giới hạnh, thành tựu sự trưởng thành trong giới hạnh. Tôn
giả Canki thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý
nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ phều phào, giải thích
nghĩa lý minh xác. Tôn giả Canki là bậc Tôn sư của hàng Tôn sư
nhiều người, dạy ba trăm thanh niên Bà-la-môn tụng đọc chú
thuật. Tôn giả Candi được vua Pasenadi xứ Kosala kính trọng, tôn
sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Tôn giả Canki được
Bà-la-môn Pokkarasati kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính
lễ, trọng vọng. Tôn giả Canki sống ở Opasada, một địa phương dân
chúng đông đúc, cỏ cây, ao nước phì nhiêu, lúa gạo sung túc, một
vương lãnh địa, một tịnh thí địa, một ân tứ của vua Pasenadi
nước Kosala. Vì rằng Tôn giả Canki sống ở Opasada... (như
trên)... Do điểm này, thật không xứng đáng cho Tôn giả Canki đến
yết kiến Sa-môn Gotama; trái lại, thật xứng đáng cho Sa-môn
Gotama đến yết kiết Tôn giả Canki.
- Nghe nói vậy,
Bà-la-môn Canki nói với những vị Bà-la-môn ấy:
- – Các Hiền
giả hãy nghe ta giải thích, vì sao thật xứng đáng cho chúng ta
đến yết kiến Sa-môn Gotama; trái lại, thật không xứng đáng cho
Sa-môn Gotama đến yết kiến chúng ta. Này các Hiền giả, thật vậy,
Sa-môn Gotama thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống
thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào,
không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Do điểm
này thật không xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến chúng
ta, trái lại, thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn
Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama xuất gia, từ
bỏ rất nhiều vàng bạc, bỏ cả loại đang chôn dưới đất lẫn loại
trên mặt đất. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama trong
tuổi thanh niên, tóc còn đen nhánh, trong tuổi trẻ đẹp của thời
niên thiếu, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này
các Hiền giả, thật vậy Sa-môn Gotama, dầu song thân không đồng
ý, khóc than, nước mắt thấm ướt cả mặt, vẫn cạo bỏ râu tóc,
khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama đẹp trai, khả ái, làm
đẹp lòng mọi người với màu da thù thắng, khôi ngô tuấn tú, cử
chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. Này các Hiền giả, thật vậy,
Sa-môn Gotama có giới hạnh, gìn giữ giới hạnh của bậc Thánh, có
thiện đức, đầy đủ thiện đức. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn
Gotama thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa
minh bạch, giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa
lý minh xác. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama là bậc
Tôn sư các hàng Tôn sư của nhiều người. Này các Hiền giả, thật
vậy, Sa-môn Gotama đã diệt trừ tham dục, đã diệt được mọi xao
động của tâm. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama chủ
trương về nghiệp, chủ trương về hành động, đặt trọng tâm vào chí
thiện khi thuyết pháp với chúng Bà-la-môn. Này các Hiền giả,
thật vậy, Sa-môn Gotama xuất gia từ chủng tộc cao quý, từ dòng
họ Sát-đế-lỵ thanh tịnh. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn
Gotama xuất gia từ chủng tộc khá giả, đại phú, tài sản sung mãn.
Này các Hiền giả, thật vậy, dân chúng băng ngàn vượt biển (băng
qua nhiều địa phương, băng qua nhiều quốc độ) đến hỏi đạo Sa-môn
Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy, có hàng ngàn Thiên nhân đến
quy y Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy, tiếng đồn tốt
đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: "Ngài là bậc Thế
Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư,
Phật, Thế Tôn". Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama có đầy
đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân. Này các Hiền giả,
thật vậy, vua Seniya Bimbisara nước Magadha, cùng với vương tử,
cung phi, thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả,
thật vậy, vua Pasenadi nước Kosala, cùng với nương tử, cung phi,
thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy,
Bà-la-môn Pokkharasati cùng với các con, vợ, thị giả đều quy y
Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama đã đến
Opasada, nay đang ở tại Opasada về phía Bắc Opasada, trong rừng
chư Thiên, rừng cây sala. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đến ruộng
làng chúng ta đều là khách của chúng ta. Đối với khách, chúng ta
phải kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng.
Này các Hiền giả, nay Sa-môn Gotama đã đến Opasada, hiện ở tại
Opasada, về phía Bắc Opasada, trong rừng chư Thiên, rừng cây
sala. Như vậy Sa-môn Gotama là khách của chúng ta. Và đã là
khách, chúng ta phải kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính
lễ, trọng vọng. Do điểm này, thật không xứng đáng cho Tôn giả
Gotama đến yết kiến chúng ta, trái lại, thật xứng đáng cho chúng
ta đến yết kiến Tôn giả Gotama. Này các Hiền giả, đó là những ưu
điểm mà ta được biết về Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama không
phải có chừng ấy ưu điểm mà thôi. Tôn giả Gotama có đến vô lượng
ưu điểm.
- Này các Hiền
giả, chỉ với một ưu điểm thôi, thật không xứng đáng cho Tôn giả
Gotama đến yết kiến chúng ta; thật xứng đáng cho chúng ta đến
yết kiến Tôn giả Gotama. Vậy tất cả chúng ta hãy đi đến yết kiến
Tôn giả Gotama.
- Rồi Bà-la-môn
Canki, cùng với đại chúng Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến
nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên
những người chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi và nói lên với những Bà-la-môn
trưởng thượng những lời thân hữu về vấn đề này, vấn đề khác. Khi
ấy có thanh niên Bà-la-môn tên Kapathika, trẻ tuổi, đầu cạo
trọc, mới có mười sáu tuổi, từ khi sanh, thông hiểu ba tập Veda
với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền
thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về
Thuận thế luận và Đại nhân tướng, thanh niên này đang ngồi giữa
hội chúng ấy. Thanh niên này thỉnh thoảng cắt đứt cuộc đàm luận
giữa Thế Tôn và các vị Bà-la-môn trưởng thượng. Rồi Thế Tôn
khiển trách thanh niên Bà-la-môn Kapathika:
- – Hiền giả
Bharadvaja, chớ có cắt ngang cuộc đàm luận của các Bà-la-môn
trưởng thượng. Hiền giả Bharadvaja hãy chờ cho đến khi câu
chuyện chấm dứt.
- Khi nghe nói
vậy, Bà-la-môn Canki bạch Thế Tôn:
- – Tôn giả
Gotama, chớ có khiển trách thanh niên Bà-la-môn Kapathika. Thanh
niên Bà-la-môn Kapathika là Thiện nam tử. Thanh niên Bà-la-môn
Kapathipa là bậc đa văn. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika phát
ngôn thiện xảo. Và thanh niên Bà-la-môn Kapathia là bậc có trí.
Và thanh niên Bà-la-môn Kapathika có thể đàm luận với Tôn giả
Gotama trong vấn đề này.
- Thế Tôn nghĩ
như sau: "Thật sự thanh niên Bà-la-môn Kapathika này đã thông
hiểu ba tập Veda, và các Bà-la-môn tôn trọng người này". Và
thanh niên Bà-la-môn Kapathika nghĩ như sau: "Khi nào Sa-môn
Gotama lấy mắt nhìn con mắt ta, ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama". Rồi
Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của thanh niên
Bà-la-môn Kapathika liền lấy mắt nhìn thanh niên Bà-la-môn
Kapathika. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika suy nghĩ: "Sa-môn
Gotama chăm chú nhìn ta, vậy ta hãy hỏi Sa-môn Gotama một câu
hỏi". Rồi thanh niên Bà-la-môn Kapathika bạch Thế Tôn:
- – Thưa Tôn
giả Gotama, câu chú thuật (mantapadam) của các cổ Bà-la-môn y cứ
tiếng đồn, truyền thống và Thánh tạng. Và ở đây, các vị
Bà-la-môn chắc chắn đi đến kết luận: "Chỉ đây là sự thật, ngoài
ra đều là sai lầm". Ở đây, Tôn giả Gotama đã nói gì ?
- – Nhưng này
Bharadvaja, có một Bà-la-môn nào giữa các vị Bà-la-môn đã nói
như sau: "Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự
thật, ngoài ra đều là sai lầm".
- – Thưa không,
Tôn giả Gotama.
- – Nhưng này
Bharadvaja, có một vị Tôn sư nào của các vị Bà-la-môn, cho đến
vị Tôn sư của các vị Tôn sư trở lui cho đến bảy đời, các vị Đại
Tôn sư đã nói như sau: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai
lầm". ?
- – Thưa không,
Tôn giả Gotama.
- – Nhưng này
Bharadvaja, thuở xưa những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những
tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát,
đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn
hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước
đã làm. Như là Atthaka, Vamaka, Vamadeva, Vessamitta,
Yamatagggi, Angirasa, Bharadvaja, Vasettha, Kassapa, Bhagu,
những vị ấy đã nói như sau: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là
sai lầm". ?
- – Thưa không,
Tôn giả Gotama.
- – Như vậy này
Bharadvaja, không có một Bà-la-môn nào nói như vậy với một
Bà-la-môn: "Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự
thật, ngoài ra đều là sai lầm". Không có một vị Tôn sư nào của
các vị Bà-la-môn, một vị Đại Tôn sư, cho đến bảy đời, vị Đại Tôn
sư đã nói như sau: "Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ
đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Thuở xưa những vị ẩn
sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà
tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những
Thánh cú và nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng đã hát lên, nói
lên giống như các vị trước đã làm. Như là Attaka, Vamaka,
Vamadeva, Vessamitta, Yamataggi, Angirasa, Bharadvaja, Vasettha,
Kassapa, Bhagu, những vị ấy không có nói như sau: "Chúng tôi
biết việc này, chúng tôi thấy việc này. Chỉ có đây là sự thật,
ngoài ta đều là sai lầm". Ví như này, Bharadvaja, một chuỗi
người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng
không thấy, người cuối cùng cũng không thấy; cũng vậy, này
Bharadvaja. Ta nghĩ rằng, lời nói của các Bà-la-môn cũng giống
như chuỗi người mù: người trước không thấy, người giữa cũng
không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Này Bharadvaja, Ông
nghĩ thế nào ? Sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị
Bà-la-môn trở thành không có căn cứ ?
- – Thưa Tôn
giả Gotama, các Bà-la-môn không phải chỉ dựa trên lòng tin, các
Bà-la-môn ở đây còn dựa trên điều nghe (tùy văn: anussava).
- – Trước hết,
này Bharadvaja, Ông đi đến lòng tin, nay Ông nói đến tùy văn.
Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại.
Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân nhắc suy tư các lý do
và chấp nhận quan điểm. Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả
báo ngay trong hiện tại. Tuy vậy, này Bharadvaja, có điều được
khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái
lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân,
không thay đổi. Lại nữa này Bharadvaja, có điều được khéo tùy
hỷ... (như trên)... được khéo tùy văn... (như trên)... được khéo
cân nhắc suy tư... (như trên)... được khéo chấp nhận có thể là
trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được
khéo chấp nhận có thể là thật, chân, không thay đổi. Hộ trì chân
lý, này Bharadvaja không đủ để một người có trí đi đến kết luận
một chiều là: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm"
- – Nhưng thưa
Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là hộ trì chân lý ? Cho đến
mức độ nào, chân lý được hộ trì ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama
về hộ trì chân lý.
- – Này
Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: "Đây là lòng tin
của tôi", người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến
kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai
lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho
đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi
chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ
chân lý. Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy hỷ, này
Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy văn; này Bharadvaja, nếu có
người có sự cân nhắc suy tư các lý do; này Bharadvaja, nếu có
người chấp nhận một quan điểm và nói: "Đây là sự chấp nhận quan
điểm của tôi", người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi
đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai
lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là hộ trì chân lý. Cho
đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì và cho
đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trường hộ trì chân
lý. Nhưng ở đây chưa phải sự giác ngộ chân lý.
- – Cho đến như
vậy, thưa Tôn giả Gotama là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy,
thưa Tôn giả Gotama, chân lý được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa
Tôn giả Gotama chúng con nhìn thấy thộ trì chân lý. Nhưng thưa
Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến
mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama
về giác ngộ chân lý?
- – Ở đây, này
Bharadvaja, Tỷ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia
chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy
trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này
nghĩ rằng: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có tham ái hay không, do
những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết
vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy," hay xui
khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được
hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người
này biết như sau: "Vị Tôn giả ấy không có những tham pháp, do
những tham pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết
vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy"; hay xui
khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được
hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy,
khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng
tham. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy,
khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế
nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có
lòng tham khéo giảng". Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong
sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy
về các sân pháp: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân pháp hay
không, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu
không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi
thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người
ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem
xét vị ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những
sân pháp, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi
dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi
thấy", hay xui khiến người khác có những hành động, khiến người
ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị
ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người
không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu,
khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý
suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do
một người có lòng sân khéo giảng". Sau khi xem xét vị ấy và thấy
vị ấy trong sạch, không có những sân pháp, người kia lại xem xét
thêm vị ấy về các si pháp: "Không hiểu tôn giả ấy có si pháp hay
không, do những si pháp này, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi
dầu không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói:
"Tôi thấy", hay xui khiến người khác có hành động khiến người ấy
không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét
vị ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những si
pháp, do những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu
không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy, vẫn nói: "Tôi
thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người
ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị
ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người
không có lòng si. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu,
khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý
suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do
một người có lòng si khéo giảng". Sau khi xem xét vị ấy và thấy
vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sanh lòng
tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến
gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng
tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì
pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm
hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được
hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố
gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy
tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối
thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy
thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý,
cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ
này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý, nhưng như vậy
chưa phải là chứng đạt chân lý.
- – Cho đến như
vậy, thưa Tôn giả Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy,
chân lý được giác ngộ, và cho đến như vậy chúng con thấy giác
ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là
chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng
đạt. Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự chúng đạt chân lý.
- – Này
Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần,
chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là
chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho
đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý.
- – Cho đến như
vậy, thưa Tôn giả Gotama, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy
chân lý được chứng đạt, và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng
đạt chân lý. Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả
Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả
Gotama, trong sự chứng đạt chân lý, pháp nào được hành trì
nhiều.
- – Trong sự
chứng đạt chân lý, này Bharadvaja tinh cần được hành trì nhiều.
Nếu không tinh cần (theo đuổi) chân lý thì không thể chứng đạt
chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý. Do vậy,
trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều.
- – Trong sự
tinh cần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ?
Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tinh cần, pháp nào được
hành trì nhiều.
- – Trong sự
tinh cần, này Bharadvaja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu
không cân nhắc thì không thể tinh cần (theo đuổi) chân lý. Nếu
có cân nhắc sẽ được tinh cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân
nhắc được hành trì nhiều.
- – Trong sự
cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ?
Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cân nhắc, pháp nào được
hành trì nhiều.
- – Trong sự
cân nhắc, này Bharadvaja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không
cố gắng thì không thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân
nhắc; do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.
- – Trong sự cố
gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con
hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cố gắng, pháp nào được hành trì
nhiều.
- – Trong sự cố
gắng này Bharadvaja, ước muốn được hành trình nhiều. Nếu ước
muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì
ước muốn có khởi lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng,
ước muốn được hành trì nhiều.
- – Trong ước
muốn, thưa Tôn giả Gotama pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng
con muốn hỏi Tôn giả Gotama, trong ước muốn, pháp nào được hành
trì nhiều.
- – Trong ước
muốn, này Bharadvaja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì
nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi
lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên; do vậy,
trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.
- – Nhưng trong
sự hoan hỷ chấp nhận pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được
hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỷ
chấp nhận pháp, pháp nào được hành trì nhiều.
- – Trong sự
hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bharadvaja, tìm hiểu ý nghĩa được
hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ
chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận
pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa
được hành trì nhiều.
- – Nhưng trong
sự tìm hiểu ý nghĩa, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì
nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa,
pháp nào được hành trì nhiều.
- – Trong sự
tìm hiểu ý nghĩa, này Bharadvaja, thọ trì pháp được hành trì
nhiều. Nếu không có thọ trì pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và
vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa; do vậy, trong sự
tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành trì nhiều.
- – Trong sự
thọ trì pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều
? Trong sự thọ trì pháp, chúng con hỏi Tôn giả Gotama, pháp nào
được hành trì nhiều.
- – Trong sự
thọ trì pháp, này Bharadvaja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu
không nghe pháp thì không có thọ trì pháp. Và do có nghe pháp
nên có thọ trì pháp; do vậy, trong sự thọ trì pháp, nghe pháp
được hành trì nhiều.
- – Trong sự
nghe pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ?
Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự nghe pháp, pháp nào được
hành trì nhiều.
- – Trong sự
nghe pháp, này Bharadvaja, lóng tai được hành trì nhiều. Nếu
không có lóng tai thì không có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên
có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì
nhiều.
- – Trong sự
lóng tai, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ?
Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lóng tai, pháp nào được
hành trì nhiều.
- – Trong sự
lóng tai, này Bharadvaja, thân cận giao thiệp được hành trì
nhiều. Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lóng tai.
Vì có thân cận giao thiệp nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng
tai, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.
- – Trong sự
thân cận giao thiệp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì
nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự thân cận giao
thiệp, pháp nào được hành trì nhiều.
- – Trong sự
thân cận giao thiệp, này Bharadvaja, đi đến gần được hành trì
nhiều. Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp. Và
vì có đi đến gần nên có thân cận giao thiệp; do vậy, trong sự
thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều.
- – Trong sự đi
đến gần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ?
Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự đi đến gần, pháp nào được
hành trì nhiều.
- – Trong sự đi
đến gần, này Bharadvaja, lòng tin được hành trì nhiều. Nếu lòng
tin không sanh thì không đi đến gần. Và vì lòng tin không sanh
nên có đi đến gần; do vậy, trong sự đi đến gần, lòng tin được
hành trì nhiều.
- – Chúng con
đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý. Tôn giả Gotama đã trả
lời về hộ trì chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận, và do vậy,
chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ
chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về giác ngộ chân lý. Chúng
con đã tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con
đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lý. Tôn giả Gotama đã
trả lời về chứng đạt chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do
vậy, chúng con hoan hỷ. Trong sự chứng đạt chân lý, chúng con
hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự
chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành
trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan
hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả
Gotama đã trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do
vậy, chúng con hoan hỷ. Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con
biết (sự phân biệt) như sau: "Và ai là những Sa-môn trọc đầu,
tiện nô, hắc nô, sanh từ gót chân của Phạm thiên (?) và ai là
những người hiểu biết Chánh Pháp". Thật sự Tôn giả Gotama đã làm
sống dậy nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng
tin kính Sa-môn đối với các Sa-môn. Thật vi diệu thay, Tôn giả
Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! ... (như trên)...
Mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng
chung, con trọn đời quy ngưỡng !
- --o0o--
|
|