|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH ESUKARI
-
(Esukarisuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn trú ở Savatthi (Xá Vệ), rừng Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh
xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi Bà-la-môn Esukari đi đến
Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi
thăm, và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu,
liền ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Esukari
bạch Thế Tôn:
- – Thưa Tôn
giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng sự: chủ
trương phụng sự cho Bà-la-môn , chủ trương cho Sát-đế-lỵ
(Khattiya), chủ trương phụng sự cho Phệ-xá (Vessa: người buôn
bán), chủ trương phụng sự cho Thủ-đà (Sudda: lao công). Ở đây,
thưa Tổn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho
Bà-la-môn như sau: Bà-la-môn phụng sự cho Bà-la-môn; hay
Khattiya phụng sự cho Bà-la-môn; hay Vessa phụng sự cho
Bà-la-môn, hay Sudda phụng sự cho Bà-la-môn. Như vậy, thưa Tôn
giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn. Ở
đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho
Khattiya như sau: Khattiya phụng sự cho Khattiya; hay Vessa
phụng sự cho Khattiya; hay Sudda phụng sự cho Khattiya. Như vậy,
thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho
Khattiya. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương
phụng sự cho Vessa như sau: Vessa phụng sự cho Vessa; hay Sudda
phụng sự cho Vesasa. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn
chủ trương phụng sự cho Vessa. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các
Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Sudda như sau: Sudda phụng sự
cho Sudda. Vì rằng không còn ai khác có thể phụng sự cho Sudda.
Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự
cho Sudda. Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn
loại phụng sự này. Ở đây, Tôn giả Gotama có nói gì về vấn đề này
?
- – Nhưng này
các Bà-la-môn, có phải tất cả mọi người ở đời đồng ý với các
Bà-la-môn khi họ chủ trương bốn loại phụng sự này ?
- – Không có
vậy, thưa Tôn giả Gotama.
- – Này
Bà-la-môn, ví như một người nghèo nàn, không có sở hữu, khốn
khổ, dầu cho người không muốn, bị bắt nuốt miếng thịt: "Này
người kia, Ông phải ăn miếng thịt này và Ông phải trả một số
tiền". Cũng vậy, này Bà-la-môn, dầu không được các Sa-môn,
Bà-la-môn ấy chấp nhận, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng
sự này. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng, tất cả cần phải phụng
sự. Nhưng này Bà-la-môn, Ta cũng không nói rằng, tất cả không
cần phải phụng sự. Vì rằng, này Bà-la-môn, nếu có ai trong khi
phụng sự, trở thành xấu hơn, không trở thành tốt hơn, Ta không
nói rằng, người đó cần phải phụng sự. Nhưng này Bà-la-môn , nếu
có ai trong khi phụng sự, trở thành tốt hơn, không trở thành xấu
hơn. Ta nói rằng, người đó cần phải phụng sự. Và nếu này
Bà-la-môn, có người hỏi vị Khattiya như sau: "Người phụng sự cho
Ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn, không trở
thành tốt hơn; hay người phụng sự cho Ông, do nguyên nhân phụng
sự này trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn ? Và như vậy
ông ở đây cần phải được phụng sự bởi người nào ?" Vị Khattiya,
này Bà-la-môn, nếu trả lời chân chánh cần phải đáp như sau:
"Người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành
xấu hơn, không tốt hơn, thì tôi không cần người ấy phụng sự tôi.
Nhưng nếu người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này
trở thành tốt hơn, không xấu hơn, thì tôi cần người ấy phụng sự
tôi". Và này Bà-la-môn , nếu có người hỏi Bà-la-môn ... (như
trên) ... Này Bà-la-môn , nếu có người hỏi Vessa... và này
Bà-la-môn, nếu có người hỏi Sudda như sau: "Người phụng sự cho
ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn, không trở
thành tốt hơn; hay người phụng sự cho ông, do nguyên nhân phụng
sự này trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn ? Và như vậy,
ông ở đây cần phải được phụng sự bởi người nào?" Người Sudda,
này Bà-la-môn, nếu trả lời chơn chánh cần phải đáp như sau:
"Người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành
xấu hơn, không tốt hơn, thì tôi không cần người ấy phụng sự tôi.
Nhưng nếu người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này
trở thành tốt hơn, không xấu hơn, thì tôi cần người ấy phụng sự
tôi". Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì sanh trong một gia
đình cao quý. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì sanh trong
một gia đình cao quý. Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì
nhan sắc thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì nhan
sắc thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì tài sản
thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì tài sản thù
thắng. Ở đây, này Bà-la-môn, có người sanh trong một gia đình
cao quý, sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các
dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm,
có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến. Do vậy, Ta không nói tốt
hơn vì sanh trong một gia đình cao quý. Ở đây, này Bà-la-môn có
người sanh trong một gia đình cao quý từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy
của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo,
từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù
phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến. Do
vậy, Ta không nói trở thành xấu hơn vì sanh trong gia đình cao
quý. Ở đây, này Bà-la-môn, có người với nhan sắc thù thắng...
(như trên)... Ở đây, này Bà-la-môn, có người với tài sản thù
thắng, sát sanh, lấy của không cho... (như trên)... có tà kiến.
Do vậy, Ta không nói trở thành tốt hơn vì có tài sản thù thắng.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người với tài sản thù thắng từ bỏ sát
sanh... (như trên)... có chánh kiến. Do vậy, Ta không nói trở
thành xấu hơn vì có tài sản thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không
nói tất cả cần phải phụng sự. Nhưng này Bà-la-môn, Ta cũng không
nói tất cả không cần phải phụng sự. Này Bà-la-môn, người nào
phụng sự, do nguyên nhân phụng sự này, lòng tin được tăng
trưởng, giới được tăng trưởng, sự nghe được tăng trưởng, bố thí
được tăng trưởng, trí tuệ được tăng trưởng, Ta nói người ấy cần
phải phụng sự.
- Khi nghe nói
vậy, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:
- – Thưa Tôn
giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại tài sản, chủ
trương tài sản của người Bà-la-môn, chủ trương tài sản của người
Khattiya, chủ trương tài sản của người Vessa, chủ trương tài sản
của người Sudda. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ
trương tài sản của Bà-la-môn là khất thực. Nhưng khi người
Bà-la-môn khinh thường tài sản khất thực, người ấy không làm bổn
phận của mình và giống như người chăn bò lấy của không cho. Như
vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Bà-la-môn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương
tài sản của Khattiya là cung và tên. Nhưng khi người Khattiya
khinh thường tài sản cung và tên, người ấy không làm bổn phận
của mình, và giống như người chăn bò lấy của không cho. Như vậy,
thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Khattiya. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương
tài sản của Vessa là canh nông và nuôi bò. Nhưng khi người Vessa
khinh thường tài sản canh nông và nuôi bò, người ấy không làm
bổn phận của mình, và giống như người chăn bò lấy của không cho.
Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản
của Vessa. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương
tài sản của Sudda là lưỡi liềm và đòn gánh. Nhưng khi người
Sudda khinh thường tài sản lưỡi liềm và đòn gánh, người ấy không
làm bổn phận của mình và giống như người chăn bò lấy của không
cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn, chủ trương tài
sản của người Sudda. Các Bà-la-môn, thưa Tôn giả Gotama, chủ
trương bốn loại tài sản này. Ở đây, Tôn giả Gotama nói gì về vấn
đề này ?
- – Này
Bà-la-môn, có phải tất cả mọi người ở đây đông ý với các
Bà-la-môn khi họ chủ trương bốn loại tài sản này ?
- – Không có
vậy, thưa Tôn giả Gotama.
- – Này
Bà-la-môn, ví như một người nghèo nàn, không có sở hữu, khốn
khổ, dầu cho người đó không muốn, bị bắt nuốt miếng thịt: "Này
người kia, Ông phải ăn miếng thịt này và Ông phải trả một số
tiền". Cũng vậy, này Bà-la-môn, dầu không được các Bà-la-môn,
Sa-môn ấy chấp nhận, các Bà-la-môn vẫn chủ trương bốn loại tài
sản này. Này Bà-la-môn, Ta chủ trương tài sản cho con người là
Thánh pháp vô thượng. Trong khi nhớ đến gia hệ thuở xưa của mình
về phía cha và mẹ, chỗ nào một tự thể sanh ra, thời sẽ được chấp
nhận tùy thuộc chỗ ấy. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia
đình Khattiya, thời được chấp nhận là Khattiya. Nếu tự thể được
sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn , thời được chấp nhận là
Bà-la-môn. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Vessa,
thời được chấp nhận là Vessa. Nếu tự thể được sanh ra trong một
gia đình Sudda, thời được chấp nhận là Sudda. Này Bà-la-môn, như
tùy thuộc duyên gì một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa được
chấp nhận theo duyên ấy. Nếu do duyên củi, một ngọn lửa được đốt
lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa củi. Nếu do duyên
dăm bào, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp
nhận là lửa dăm bào. Nếu do duyên cỏ, một ngọn lửa được đốt lên,
thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa cỏ. Nếu do duyên phân bò,
một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là
lửa phân bò. Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta chủ trương tài sản cho
con người là Thánh pháp vô thượng. Trong khi nhớ đến gia hệ thuở
xưa của mình về phía cha và mẹ, chỗ nào một tự thể sanh ra, thời
sẽ được chấp nhận tùy thuộc chỗ ấy. Nếu tự thể được sanh ra
trong một gia đình Khattiya, thời được chấp nhận là Khattiya.
Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn... trong
một gia đình Vessa... trong một gia đình Sudda, thời được chấp
nhận là Sudda. Nhưng này Bà-la-môn, nếu một người từ một gia
đình Khattiya xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình nhờ
pháp và luật được Như Lai tuyên thuyết, (người ấy) từ bỏ sát
sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ
bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói
lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh
kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn,
nếu một người từ một gia đình Bà-la-môn... từ một gia đình
Vessa... từ một gia đình Sudda xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, nhờ pháp và luật được Như Lai tuyên thuyết
(người ấy) từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh
kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn.
Ông nghĩ thế nào ? Trong lập trường này, chỉ có người Bà-la-môn
mới có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân; người Khattiya
không có thể được, người Vessa không có thể được, người Sudda
không có thể được ?
- – Thưa không
phải vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya, thưa Tôn giả Gotama,
cũng có thể trong lập trường này, tu tập từ tâm, không hận,
không sân. Người Bà-la-môn cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người
Vessa cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Sudda cũng vậy, thưa
Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, thưa Tôn giả Gotama, trong
lập trường này đều có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân.
- – Cũng vậy,
này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Khattiya, xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy nhờ pháp và luật do
Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... (như trên)... có chánh
kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn,
Ông nghĩ thế nào ? Chỉ có người Bà-la-môn mới có thể lấy cào
lưng và bột tắm, đi đến sông, và tắm rửa cho sạch đất và bụi;
người Khattiya không thể được; người Vessa không thể được; người
Sudda không thể được?
- – Thưa không
phải vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya, thưa Tôn giả Gotama,
cũng có thể lấy cào lưng và bột tắm, đi đến sông và tắꭠrửa cho
sạch đất và bụi, người Bà-la-môn cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama;
người Vessa cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Sudda cũng vậy,
thưa Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, thưa Tôn giả Gotama,
đều có thể lấy cào lưng và bột tắm đi đến sông và tắm rửa cho
sạch đất và bụi.
- – Cũng vậy,
này Bà-la-môn, nếu từ một gia đình Khattiya, có người xuất gia,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người này nhờ pháp và luật
do Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người
ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn,
nếu một người từ gia đình Bà-la-môn; này Bà-la-môn, nếu một
người từ gia đình Vessa; này Bà-la-môn, nếu một người từ gia
đình Sudda, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người
ấy nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh...
có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện
pháp. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, nếu có vị vua
Khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc
nhiều chủng tánh khác nhau và nói: "Quý vị hãy đến đây, quý vị
nào thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh ra
từ hoàng tộc, hãy đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, bằng cây
saka, hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây
sen, quay cho bật lửa và sức nóng hiện ra. Còn những người thuộc
gia đình Chiên-đà-la (hạ tiện), thuộc gia đình săn bắn, thuộc
gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ
phân, hãy đến đây, đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng
gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô
từ cây y-la (elanda: cây thu đủ thầu dầu), và quay cho bật lửa
và sức nóng hiện ra". Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Có phải
chỉ có ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người
thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh từ hoàng
tộc, sau khi đem đến bộ phận của đồ quay lửa, làm bằng cây saka,
hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen,
chỉ có lửa ấy mới có ngọn, mới có màu sắc, mới có ánh sáng, và
chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem
lại; còn ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người
thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình
làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân,
sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng
chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây
y-lan, lửa ấy không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh
sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các công việc do
lửa đem lại ?
- – Không phải
vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được nhen lên, sức nóng được
tạo ra, thưa Tôn giả Gotama, từ người thuộc gia đình Khattiya,
thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ
phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây saka hay cây sala, hay
cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, ngọn lửa ấy có ngọn,
có màu sắc, có ánh sáng, ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc
do lửa đem lại; còn ngọn lửa được nhen lên, và sức nóng tạo ra
từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc
gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ
phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng gỗ
máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ
cây y-lan, lửa ấy cũng có ngọn, cũng có màu sắc, cũng có ánh
sáng, và ngọn lửa ấy có thể dùng được vào các công việc do lửa
đem lại. Thưa Tôn giả Gotama, tất cả ngọn lửa đều có ngọn, đều
có màu sắc, đều có ánh sáng, tất cả loại lửa đều có thể dùng
được vào các công việc do lửa đem lại.
- – Cũng vậy,
này Bà-la-môn, nếu có người từ gia đình Khattiya xuất gia, từ bỏ
gia đình, sống không gia đình, nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên
thuyết, người ấy từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được
xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Nếu có người từ gia đình
Bà-la-môn... Nếu có người từ gia đình Vessa... Nếu có người từ
gia đình Sudda, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,
nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, người ấy từ bỏ sát
sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo,
thiện pháp.
- Khi nghe nói
vậy, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:
- – Thật vi
diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama !
... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng
chung, con trọn đời quy ngưỡng.
- --o0o--
|
|