|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH SANGARAVA
-
(Sangaravasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn du hành trong nước Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy
giờ, một nữ Bà-la-môn tên Dhananjani (Đa-na-xa-ni) trú ở
Candalakappa (Đan-đạt-la-kiếp-ba) có lòng tín thành Phật, Pháp
và Tăng. Rồi nữ Bà-la-môn Dhananjani sau khi bị trợt chân, thốt
lên ba lần cảm hứng ngữ: "Đảnh lễ đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác ! Đảnh lễ đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán Chánh
Đẳng Giác ! Đảnh lễ đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác ! " Lúc bấy giờ một thanh niên Bà-la-môn tên Sangarava trú
ở Candalakappa, tinh thông ba tập Veda, với tự vững, lễ nghi,
ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn
phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân tướng. Thanh niên
Bà-la-môn Sangarava nghe nữ Bà-la-môn Dhananjani nói như vậy,
sau khi nghe, liền nói với nữ Bà-la-môn Dhanajani:
- – Nữ
Bà-la-môn Dhananjani này thật là hạ liệt ! Nữ Bà-la-môn
Dhananjani này thật là suy đồi, vì rằng trong khi các Bà-la-môn
đang còn sống lại nói lời ta thán Sa-môn trọc đầu ấy.
- – Này Hiền
giả thân mến, có phải Hiền giả chưa biết đến giới đức và tuệ đức
của Như Lai ? Này Hiền giả thân mến, nếu Hiền giả biết đến giới
đức và tuệ đức của Như Lai, tôi nghĩ rằng, này Hiền giả thân
mến, Hiền giả sẽ không nghĩ rằng Thế Tôn đáng bị mạ lỵ, đáng bị
mắng nhiếc.
- – Vậy thưa
Bà, khi nào Sa-môn Gotama đến tại Candalakappa, Bà hãy báo tin
cho tôi biết.
- – Thưa vâng,
Hiền giả.
- Nữ Bà-la-môn
Dhananjani vâng đáp thanh niên Bà-la-môn Sangarava.
- Rồi Thế Tôn
tiếp tục du hành trong nước Kosala và đến Candalakappa. Tại đây,
Thế Tôn trú tại Candalakappa trong rừng xoài của các Bà-la-môn
sống ở Tudi. Nữ Bà-la-môn Dhananjani được nghe: "Thế Tôn đã đến
Candalakappa, trú tại Candalakappa trong rừng xoài của các
Bà-la-môn sống ở Tudi". Rồi nữ Bà-la-môn Dhananjani đi đến thanh
niên Bà-la-môn Sangarava, sau khi đến, nói với thanh niên
Bà-la-môn Sangarava:
- – Này Hiền
giả thân mến, bậc Thế Tôn ấy đã đến Candalakappa trú tại
Candalakappa trong rừng xoài của các vị Bà-la-môn sống ở Tudi.
Này Hiền giả thân mến, nay Hiền giả làm những gì mà Hiền giả
nghĩ là hợp thời.
- – Thưa Bà,
vâng.
- Thanh niên
Bà-la-môn Sangarava, vâng đáp nữ Bà-la-môn Dhananjani, đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi
thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, ngồi
xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn
Sangarava bạch Thế Tôn:
- – Thưa Tôn
giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn tự nhận rằng về căn bản
Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay hiện tại thông trí và cứu
cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí (abinnavesanaparamipatta). Tôn giả
Gotama là thế nào đối với các vị ấy ?
- – Này
Bharadvaja, Ta nói rằng, có sự sai khác giữa những vị tự nhận
rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay trong hiện
tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Này
Bharadvaja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn theo tin đồn (hay truyền
thống), do tin đồn (hay truyền thống), họ tự nhận rằng về căn
bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay hiện tại thông trí với
cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, như các Bà-la-môn thông hiểu ba
tập Veda. Nhưng này Bharadvaja, có một số Sa-môn Bà-la-môn hoàn
toàn chỉ do lòng tin, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã
chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ
thượng trí, như các nhà lý luận (các nhà suy tư). Này
Bharadvaja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với các pháp từ
trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy,
tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, do đã chứng đạt ngay trong
hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Ở đây,
này Bharadvaja, các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với các pháp từ
trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy,
tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong
hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Ta là một
trong những vị ấy. Này Bharadvaja, Ông cần phải hiểu theo nghĩa
như vậy. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với các pháp từ trước
chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự
nhận rằng, về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện
tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, Ta là một
trong những vị ấy. Ở đây, này Bharadvaja, thuở xưa, khi Ta chưa
thành bậc Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau:
"Đời sống tại gia chật hẹp, nhiễm đầy bụi đời; đời sống xuất gia
phóng khoáng như ngoài trời. Thật không dễ gì sống tại gia, có
thể sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh
tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo
cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Này
Bharadvaja, và Ta, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên
thiếu, tóc đen nhánh (... xem Kinh Trung Bộ tập I, Kinh Thánh
Cầu từ trang 367, đến trang 373 thay chữ Bharadvaja vào chữ các
Tỷ-kheo)... Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: "Thật là vừa đủ để
tinh tấn".
- Rồi này
Bharadvaja, ba ví dụ khởi lên nơi Ta (... xem Kinh Trung Bộ Tập
I, Đại Kinh Saccaka, từ trang 528 đến trang 540..., nhưng bỏ
câu: "Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được
tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta – trang 533 – từ bỏ tinh
tấn, trở lui đời sống sung túc").
- Rồi này
Bharadvaja, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly
dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, Ta
chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh,
không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm... ly hỷ, trú xả, chánh
niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả
niệm lạc trú, chứng và an trú vào Thiền thứ ba.
- Với tâm định tĩnh, thuần tịnh,
không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững
chắc bình tĩnh như vậy... (Kinh Trung Bộ Tập I, trang 541 đến
trang 544 bỏ câu: "Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi
Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta" – trang 544 – Ta
sống không phóng dật, nhất tâm tinh cần.
- Khi nghe nói
vậy, thanh niên Bà-la-môn San-garava bạch thế tôn:
- – Thật sự, sự
tinh cần của tôn giả Gotama là trung kiên (atthita). Thật sự, sự
tinh cần của tôn giả Gotama là sự tinh cần của các bậc Chân nhân
(Sappurisa), một bậc như là A-la-han, Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn
giả Gotama, có các chư Thiên không ?
- – Này
Bharadvaja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư Thiên.
- – Nhưng vì
sao, thưa Tôn giả Gotama, khi được hỏi có các chư Thiên không,
lại hỏi: "Này Bharadvaja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư
Thiên". Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thì có phải là
hư ngôn, vọng ngữ không ?
- – Này
Bharavaja, nếu khi được hỏi: "Có chư Thiên không?"; cần phải
đáp: "Có chư Thiên".; nhưng lại đáp: "Chắc chắn Ta được biết có
chư Thiên". Như vậy, một người có trí đi đến kết luận không có
gì nghi ngờ nữa, là có chư Thiên.
- – Nhưng vì
sao Tôn giả Gotama không giải thích như vậy cho con từ khi bắt
đầu ?
- – Này
Bharadvaja, như vậy đã được lớn tiếng chấp nhận ở đời tức là có
chư Thiên.
- Khi nghe nói
vậy, thanh niên Bà-la-môn Sangarava bạch Thế Tôn:
- – Thật vi
diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama !
Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã
xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc
hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể
thấy sắc; cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương
diện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp,
quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ
tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
- --o0o--
|
|