|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH NHƯ THẾ
NÀO
- (Kintisutta)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Thế
Tôn trú ở Kusinara, tại khu rừng Baliharana. Ở đây, Thế Tôn gọi
các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo", – "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- – Này các
Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào ? Có phải vì nhân
y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp ? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất
thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp ? Hay có phải vì nhân sàng tọa,
Sa-môn Gotama thuyết pháp ? Hay có phải vì nhân thành bại,
Sa-môn Gotama thuyết pháp ?
- – Thưa không
phải vậy, bạch Thế Tôn !
- Chúng con
không nghĩ rằng : "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp..
(như trên)... Vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp".
- – Và như vậy,
này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như sau: "Vì
nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp... (như trên)... Vì nhân
thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp". Vậy này các Tỷ-kheo, đối
với ta, các Ông nghĩ như thế nào ?"
- – Như thế
này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: "Với
từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ Thế Tôn thuyết pháp".
- – Như vậy,
này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như sau: "Với từ tâm,
vì lợi tha và do lòng từ Thế Tôn thuyết pháp".
- Do vậy, này
các Tỷ-kheo, những pháp Ta giảng cho các Ông với thượng trí, như
là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực,
Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập
tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với
nhau. Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập trong các pháp ấy,
trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có
thể có hai vị Tỷ-kheo nói khác nhau về Abhidhamma (Thắng pháp).
Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các vị Tôn giả này, có sự
sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn"; ở đây, Tỷ-kheo nào
các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy nói như sau:
"Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về
văn. Về vấn đề này các Tôn giả phải biết có sự sai khác về
nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi
lộn với nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phái bên kia mà các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau:
"Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về
văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về
nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi
lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là
khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ,
cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật phải được nói lên. Ở
đây, nếu các Ông suy nghĩ như sau : "Giữa các bậc Tôn giả này,
có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn". Ở đây, Tỷ-kheo
nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói
như sau. "Giữa các Tôn giả, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng
nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác
về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có
cãi lộn với nhau".
- Rồi một
Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói
hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai
khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn
giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn
như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái
gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ, cái gì dễ nắm
giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ
cái gì khó nắm giữ, sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm
giữ, cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật phải được nói
lên. Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau : "Giữa các Tôn giả này, có
sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn". Ở đây, Tỷ-kheo
nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói
như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất nghĩa, có sự sai
khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng
nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ
là một vấn đề nhỏ nhặt tức là văn : Các Tôn giả chớ có cãi lộn
với nhau vì một vấn đề nhỏ nhặt". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe
bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy nghĩ đến vị
ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa,
có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có
sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng
đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là văn. Các Tôn giả chớ có
cãi lộn với nhau, vì một vấn đề nhỏ nhặt" Như vậy, cái gì dễ nắm
giữ, phải thọ trì là dễ nắm giữ, cái gì khó nắm giữ, phải thọ
trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm
giữ, sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì
thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật phải được nói lên. Ở đây,
nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các Tôn giả này có sự đồng nhất
về nghĩa có sự đồng nhất về văn"; ở đây, vị Tỷ-kheo nào các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau :
"Giữa các Tôn giả có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng
nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng
nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các
Tôn giả chớ có cãi lộn nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên
kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và
nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa và có
sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự
đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này.
Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì dễ nắm giữ
phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì
dễ nắm giữ, cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật hãy được
nói lên".
- Và này các
Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa
đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có một Tỷ-kheo
khác phạm giới, phạm luật. Ở đây, này các Tỷ-kheo, chớ có khiển
trách hấp tấp, cá nhân người kia cần phải giác sát. (Các Ông
phải suy nghĩ): "Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ không có tổn
hại gì cho người kia. Nếu người kia không phẫn nộ, không uất
hận, có ý kiến lanh lợi, và dễ thuyết phục, và ta có thể khiến
người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các
Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.
Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ như sau: "Sẽ không có
hại gì cho ta, và sẽ có tổn hại cho người kia. Người kia phẫn
nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, nhưng dễ thuyết phục, và ta có
thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng
đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho người kia.
Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt
khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông
nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải. Nhưng này các
Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau : "Sẽ có hại cho ta và
không có tồn tại cho người kia. Người kia không có phẫn nộ, uất
hận, có ý kiến lanh lợi, nhưng khó thuyết phục, và ta có thể
khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây
chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho ta. Và đây là
sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất
thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ
như vậy, thời các Ông nên nói là phải. Nhưng này các Tỷ-kheo,
nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Sẽ có hại cho ta và sẽ có tổn hại
cho người kia. Người khác phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp,
khó thuyết phục và ta có thể khiến người này vượt khỏi bất
thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt,
tức là hại cho ta và tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to
lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an
trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy,
thời các Ông nên nói là phải. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông
suy nghĩ như sau: "Ta sẽ bị hại và người kia cũng bị tổn hại.
Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết
phục, và ta không có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an
trú vào thiện". Đối với một người như vậy, này các Tỷ-kheo, hãy
xã, chớ có nên khinh miệt.
- Và này các
Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa
đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể khởi lên giữa các
Ông, một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu
não, phẫn nộ. Ở đây, một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau :
"Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần
hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau, có khởi lên một khẩu
hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ.
Nếu biết được như thế, vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách
chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau :
""Này Hiền giả, dầu cho, chúng tôi học tập các pháp ấy trong
tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau... (như trên)...
vị Sa-môn sẽ quở trách. Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều
kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng ?" Nếu trả lời một
cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau:
"Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có
thể chứng được". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn hãy đến vị ấy và nói như sau : "Này
Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy... (như trên).. vị
Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, dầu cho
chúng tôi ... (như trên)... Sa-môn sẽ quở trách. Nhưng này Hiền
giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được
chăng ?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ
điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được".
- Nhưng này các
Tỷ-kheo, nếu các Ông khác hỏi Tỷ-kheo ấy, nói rằng: "Các Tỷ-kheo
ấy có được Tôn giả khiến cho vượt khỏi bất thiện, an trú vào
thiện chăng ?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Ở đây, này Hiền giả, tôi đi đến
Thế Tôn và Thế Tôn thuyết pháp của Ngài cho tôi. Sau khi nghe
pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ-kheo ấy. Khi các Tỷ-kheo ấy
nghe pháp ấy xong, các vị ấy tự vượt khỏi bất thiện và an trú
vào thiện". Trả lời như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự
khen mình chê người. Vị ấy giải thích tùy pháp đúng với pháp, và
không một ai trong các Pháp hữu nói lời tùy thuyết, có thể đưa
đến phỉ báng.
- Thế Tôn
thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn
dạy.
- --o0o--
|
|