|
Kinh Trung Bộ
H. T. Thích Minh Châu dịch
--o0o--
- KINH GOPAKA
MOGGAKAMMA
-
(Gopakamoggallanasuttam)
-
- Như vầy tôi
nghe.
- Một thời Tôn
giả Ananda trú ở Rajagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm),
chỗ nuôi dưỡng các con sóc, khi Thế Tôn thị tịch không bao lâu.
Lúc bấy giờ, Vua Ajatasattu con bà Videhi nước Magadha
(Ma-kiệt-đà), vì nghi ngờ Pajjota (Đăng Quang Vương), nên cho
xây kiên cố thành Rajagaha. Tôn giả Ananda buổi sáng đắp y, cầm
y bát đi vào Rajagaha để khất thực. Rồi Tôn giả Ananda suy nghĩ:
"Nay còn quá sớm để vào Rajagaha khất thực. Vậy ta hãy đi đến
Bà-la-môn Gopaka Moggallana và chỗ làm việc của vị này". Rồi Tôn
giả Ananda đi đến Bà-la-môn Gopaka Moggallana và chỗ làm việc
của vị này. Bà-la-môn Gopaka Moggallana thấy Tôn giả Ananda từ
xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Ananda :
- – Hãy đến,
Tôn giả Ananda ! Thiện lai, Tôn giả Ananda ! Đã lâu rồi Tôn giả
Ananda mới tạo được cơ hội này, tức là đến đây. Tôn giả Ananda
hãy ngồi xuống, đây là chỗ ngồi đã soạn sẵn.
- Tôn giả
Ananda ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Còn Bà-la-môn
Gopaka Moggallana chọn một chỗ ngồi thấp khác rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Gopaka Moggallana thưa với
Tôn giả Ananda :
- – Có thể
chăng, một Tỷ-kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ
tất cả các pháp mà Tôn giả Gotama bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
đã thành tựu ?
- – Không thể
có một Tỷ-kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một
cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy
con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường
trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa
từng được nói. là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo. Và
nay các đệ tử là những vị sống hành đạo và tùy hành, và sẽ thành
tựu (những pháp ấy) về sau.
- Nhưng cuộc
nói chuyện giữa Tôn giả Ananda và Bà-la-môn Gopaka Moggallana bị
gián đoạn. Bà-la-môn Vassaka ra bậc đại thần nước Magadha đi thị
sát các công sự Rajagaha (Vương Xá), đến công trường của
Bà-la-môn Gopaka Moggallana, đến chỗ Tôn giả Ananda; sau khi
đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm; sau
khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassaka ra, bậc đại thần nước
Magadha thưa với Tôn giả Ananda :
- – Ở đây, thưa
Tôn giả Ananda, Tôn giả đang ngồi đàm luận câu chuyện gì ? Và
câu chuyện gì của Tôn giả bị gián đoạn ?
- – Này
Bà-la-môn, ở đây, Bà-la-môn Gopaka Moggallana nói với tôi như
sau : "Có thể có chăng, Tôn giả Ananda, một Tỷ-kheo thành tựu
một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Tôn giả
Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã thành tựu ?" Khi được
nói vậy, này Bà-la-môn, tôi nói với Bà-la-môn Gopaka Moggallana
như sau: "Này Bà-la-môn, không thể có một vị Tỷ-kheo nào thành
tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn,
Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện
khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói
lên con đường trước đây chưa từng được nói, là bậc hiểu đạo,
biết đạo và thiện xảo về đạo. Và các đệ tử Ngài là những vị sống
hành đạo và tùy hành đạo và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về
sau".
- – Thưa Tôn
giả Ananda, có một vị Tỷ-kheo nào được Tôn giả Gotama sắp đặt :
"Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và
các Ông nay sẽ y chỉ vị này".
- – Này
Bà-la-môn, không có một vị Tỷ-kheo nào được Thế Tôn, bậc Tri
Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác sắp đặt : "Vị này,
sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và các Ông
sẽ y chỉ vị này".
- – Thưa Tôn
giả Ananda, có một vị Tỷ-kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và
một số đông các vị Tỷ-kheo Trưởng lão sắp đặt : "Vị này, sau khi
Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi, và các Ông
nay sẽ y chỉ vị này ?"
- – Không có
một vị Tỷ-kheo nào, này Bà-la-môn, được chúng Tăng thỏa thuận và
được số đông các vị Tỷ-kheo Trưởng lão sắp đặt: "Vị này, sau khi
Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi, và chúng tôi
nay sẽ y chỉ vị này".
- – Và như vậy
là không có chỗ nương tựa, thưa Tôn giả Ananda, như vậy do nhân
gì (Quý vị) có thể hòa hợp ?
- – Này
Bà-la-môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này
Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa
của chúng tôi.
- – Khi được
hỏi : "Có một vị Tỷ-kheo nào được Tôn giả Gotama sắp đặt : "Vị
này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và các
Ông nay sẽ y chỉ vị này ?"", Tôn giả trả lời : "Này Bà-la-môn,
không có một vị Tỷ-kheo nào được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sắp đặt: "Vị này, sau khi Ta diệt
độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông", và chúng tôi nay sẽ y chỉ
vị này". Khi được hỏi : "Có một vị Tỷ-kheo nào được chúng Tăng
thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ-kheo Trưởng lão sắp đặt :
"Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho chúng
tôi, các Ông nay sẽ y chỉ vị này". Và Tôn giả trả lời : "Không
có một vị Tỷ-kheo nào, này Bà-la-môn được chúng Tăng thỏa thuận
và được số đông các vị Tỷ-kheo Trưởng lão sắp đặt : "Vị này, sau
khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi, và chúng
tôi nay sẽ y chỉ vị này". Khi được hỏi : "Và như vậy là không có
chỗ nương tựa, thưa Tôn giả Ananda, như vậy do nhân gì, (Quý vị)
có thể hòa hợp ?". Tôn giả trả lời : "Này Bà-la-môn, chúng tôi
không phải không có chỗ nương tựa. Chúng tôi có chỗ nương tựa
này Bà-la-môn, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi". Nhưng
thưa Tôn giả Ananda, ý nghĩa lời nói này cần phải hiểu như thế
nào ?
- – Này
Bà-la-môn, Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác đã thi thiết học pháp, đã tuyên bố giới bổn Patimokkha
cho các Tỷ-kheo. Trong những ngày Bố-tát (Uposatha) chúng tôi
cận trú ở chung một thôn điền, tất cả chúng tôi hội họp với nhau
tại một chỗ; sau khi tụ họp, chúng tôi hỏi những gì đã xảy ra
cho mỗi một người. Nếu trong khi hỏi nhau như vậy, có Tỷ-kheo
phạm tội, phạm giới, chúng tôi bảo vị ấy làm đúng Pháp, đúng lời
dạy. Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính
pháp xử xự chúng tôi.
- – Thưa Tôn
giả Ananda, có Tỷ-kheo nào mà nay Quý vị cung kính, tôn trọng,
lễ bái, cúng dường, sau khi cung kính, tôn trọng, Quý vị nương
tựa ?
- – Này
Bà-la-môn, có Tỷ-kheo mà nay chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ
bái, cúng dường, và sau khi chúng tôi cung kính, tôn trọng,
chúng tôi nương tựa.
- – Thưa Tôn
giả Ananda, khi được hỏi : "Có một vị Tỷ-kheo nào được Tôn giả
Gotama sắp đặt : "Sau khi Ta diệt độ, vị này sẽ là chỗ nương tựa
cho các Ông và các Ông nay sẽ y chỉ vị này ?"". Và Tôn giả trả
lời : "Này Bà-la-môn, không có một vị Tỷ-kheo nào được Thế Tôn
bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sắp đặt :
"Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông",
và chúng tôi nay y chỉ vị này". Khi được hỏi : "Thưa Tôn giả
Ananda, có một vị Tỷ-kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận, được
một số đông Tỷ-kheo Trưởng lão sắp đặt : "Vị này sau khi Thế Tôn
diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi và các Ông nay sẽ y
chỉ vị này", và Tôn giả trả lời : "Không có một Tỷ-kheo nào được
chúng Tăng thỏa thuận, được một số đông Tỷ-kheo Trưởng lão sắp
đặt : "Vị này sau khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho
chúng tôi", và chúng tôi nay sẽ y chỉ vị này". Khi được hỏi :
"Có một Tỷ-kheo nào, thưa Tôn giả Ananda, nay quý vị cung kính,
tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy và sau khi cung kính, tôn
trọng, quý vị an trú nương tựa vị ấy ?", và Tôn giả trả lời :
"Này Bà-la-môn, có Tỷ-kheo, chúng tôi cung kính, tôn trọng, đảnh
lễ, cúng dường và sau khi cung kính, tôn trọng, chúng tôi an trú
nương tựa vị ấy". Thưa Tôn giả Ananda, ý nghĩa lời nói ấy cần
phải hiểu như thế nào ?
- – Này
Bà-la-môn, có mười khả hỷ pháp được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến
Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố. Giữa chúng tôi, vị
nào có đầy đủ mười pháp này, chúng tôi nay cung kính, tôn trọng,
lễ bái, cúng dường vị ấy; sau khi cung kính, tôn trọng, chúng
tôi an trú, nương tựa vị ấy. Thế nào là mười ? Ở đây, này
Bà-la-môn, Tỷ-kheo có giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của
giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy
hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, sau khi thọ trì, học tập trong
các học pháp. Vị ấy là bậc đa văn, thọ trì những điều đã nghe,
cất chứa những điều đã nghe; những pháp nào sơ thiện, trung
thiện, hậu thiện, với nghĩa, với văn, nói lên Phạm hạnh hoàn
toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy đều được nghe nhiều, được
thọ trì, được lời nói làm cho quen thuộc, được ý tư niệm, được
chánh kiến khéo ngộ nhập. Vị ấy biết đủ đối với các vật thực
dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy
là người tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc,
chứng được bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm hiện tại lạc trú. Vị
ấy thực hiện các loại thần thông sai biệt, một thân hiện ra
nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình đi
ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang hư không; độn
thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước
không chìm như trên đất liền; ngồi kiết- già đi trên hư không
như chim có cánh; với bàn tay, vị ấy chạm và rờ mặt trăng và mặt
trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự
thân bay đến Phạm thiên. Sau khi đi sâu vào tâm chúng sanh, tâm
loài Người với tâm của mình, vị ấy được biết như sau: Tâm có
tham, biết tâm có tham. Tâm không tham, biết tâm không tham. Tâm
có sân, biết tâm có sân. Tâm không sân, biết tâm không sân. Tâm
có si, biết tâm có si. Tâm không si, biết tâm không si. Tâm
chuyên chú, biết tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết tâm tán
loạn. Đại hành tâm, biết là đại hành tâm; không phải đại hành
tâm, biết không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng, biết tâm
chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết tâm vô thượng. Tâm Thiền
định, biết tâm Thiền định. Tâm không Thiền định, biết tâm không
Thiền định. Tâm giải thoát, biết tâm giải thoát. Tâm không giải
thoát, biết tâm không giải thoát. (Vị ấy) nhớ đến các đời sống
quá khứ như một đời, hai đời... nhớ đến các đời sống quá khứ. Vị
ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của
chúng sanh. Vị ấy biết, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang,
người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh
nghiệp của họ. Với sự đoạn diệt các lậu hoặc, sau khi với thượng
trí đã chứng ngộ, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại
vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Bà-la-môn, mười pháp
khả hỷ này đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác nói lên giữa chúng tôi. Vị nào có đầy đủ mười
pháp này, chúng tôi nay cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng
dường vị ấy; sau khi cung kính, tôn trọng, chúng tôi an trú,
nương tựa vị ấy.
- Khi nghe nói
vậy, Bà-la-môn Vassakara, (Vũ Thế) đại thần nước Magadha, nói
với tướng quân Upananda :
- – Tướng quân
nghĩ thế nào ? Nếu là như vậy, này tướng quân, những vị Tôn giả
này cung kính những ai đáng cung kính, tôn trọng những ai đáng
tôn trọng, lễ bái những ai đáng lễ bái, cúng dường những ai đáng
cúng dường; thời chắc chắn những Tôn giả này cung kính những ai
đáng cung kính, tôn trọng những ai đáng tôn trọng, lễ bái những
ai đáng lễ bái, cúng dường những ai đáng cúng dường. Và nếu
những Tôn giả ấy không cung kính, không tôn trọng, không lễ bái,
không cúng dường (Tỷ-kheo) này, thời những Tôn giả ấy cung kính,
tôn trọng, lễ bái, cúng dường ai ?
- Rồi Bà-la-môn
Vassakara, vị đại thần nước Magadha thưa với Tôn giả Ananda :
- – Tôn giả
Ananda nay trú tại đâu ?
- – Này
Bà-la-môn, tôi trú ở Veluvana (Trúc Lâm).
- – Thưa Tôn
giả Ananda, có phải Veluvana là một chỗ khả ái, ít tiếng động,
ít tiếng ồn, được che khỏi gió, xa lánh dân cư đông đúc, thích
hợp Thiền tịnh ?
- – Thật vậy,
này Bà-la-môn, Veluvana (Trúc Lâm) là một khả ái, ít tiếng động,
ít tiếng ồn, được che khỏi gió, xa cách dân cư đông đúc, thích
hợp Thiền tịnh, xứng đáng với những vị hộ trì và thủ hộ như
Ngài.
- – Thật vậy,
thưa Tôn giả Ananda, Veluvana là một chỗ khả ái, ít tiếng động,
ít tiếng ồn, được che khỏi gió, xa lánh dân cư đông đúc, thích
hợp Thiền tịnh, xứng đáng với những người tu Thiền và tánh thiên
về Thiền định như quý vị Tôn giả. Và chư vị Tôn giả là những vị
tu Thiền và tánh thiên về Thiền định. Thưa Tôn giả Ananda, một
thời Tôn giả Gotama ở tại Vesali, Đại Lâm, ở Kutagarasala (Trùng
Các giảng đường). Rồi thưa Tôn giả Ananda, tôi đi đến Mahavana
(Đại Lâm), Kutagarasala, đến Tôn giả Gotama. Ở đấy, Tôn giả
Gotama dùng nhiều phương tiện nói về Thiền định luận. Tôn giả
Gotama thật là vị tu Thiền và tánh thiên về Thiền định. Và Tôn
giả Gotama tán thán tất cả Thiền định.
- – Này
Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán tất cả Thiền định, không
không tán thán tất cả Thiền định. Và này Bà-la-môn, loại Thiền
định nào Thế Tôn ấy không tán thán ? Ở đây, này Bà-la-môn, một
số vị sống với tâm thấm nhuần dục tham, bị dục tham chi phối, và
không như thật biết sự giải thoát khỏi dục tham đã được khởi
lên. Vị ấy lấy dục tham làm đối tượng tối hậu. Thiền tu, Thiền
tư, Thiền định, Thiền nhập. Vị ấy sống với tâm thấm nhuần sân
hận, bị sân hận chi phối, và không như thật biết sự giải thoát
khỏi sân hận đã được khởi lên. Vị ấy lấy sân hận làm đối tượng
tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập. Vị ấy sống
với tâm thấm nhuần hôn trầm thụy miên, bị hôn trầm thụy miên chi
phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi hôn trầm thụy
miên đã được khởi lên. Vị ấy lấy hôn trầm thụy miên làm đối
tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập. Vị ấy
sống với tâm thấm nhuần trạo hối, bị trạo hối chi phối và không
như thật biết sự giải thoát khỏi tạo hối đã được khởi lên. Vị ấy
lấy trạo hối làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền
định, Thiền nhập. Vị ấy sống với tâm thấm nhuần nghi hoặc, bị
nghi hoặc chi phối và không như thật biết sự giải thoát khỏi
nghi hoặc đã được khởi lên. Vị ấy lấy nghi hoặc làm đối tượng
tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập. Này
Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán loại Thiền định như vậy. Và
này Bà-la-môn, loại Thiền định nào Thế Tôn ấy tán thán ? Ở đây,
này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú
Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có
tứ. Diệt tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng
thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất
tâm, chứng và trú Thiền thứ ba, Thiền thứ tư. Này Bà-la-môn,
loại Thiền như vậy, Thế Tôn ấy tán thán.
- – Thật vậy,
thưa Tôn giả Ananda, Tôn giả Gotama khiển trách Thiền đáng được
khiển trách, tán thán Thiền đáng được tán thán. Nay thưa Tôn giả
Ananda, chúng tôi phải đi. Chúng tôi có những việc, có nhiều
phận sự phải làm.
- – Này
Bà-la-môn, hãy làm gì Bà-la-môn nghĩ là hợp thời.
- Rồi Bà-la-môn Vassakara, đại
thần nước Magadha, hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ananda giảng, từ
chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi Bà-la-môn Gopaka Moggalana, khi
Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha đi không bao lâu,
thưa với Tôn giả Ananda :
- – Nếu chúng
tôi không hỏi Tôn giả Ananda thời Tôn giả Ananda đã không trả
lời.
- – Này
Bà-la-môn, có phải chúng tôi đã nói với Ông: "Không có một
Tỷ-kheo nào, này Bà-la-môn, thành tựu mười pháp ấy một cách trọn
vẹn, một cách đầy đủ, những pháp mà Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, vị Thế Tôn ấy là bậc làm
cho khởi dậy con đường trước đây chưa từng được hiện khởi, làm
cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con
đường trước đây chưa từng được nói; là bậc hiểu đạo, biết đạo và
thiện xảo về đạo. Và nay các đệ tử Ngài là những vị sống hành
đạo và tùy hành đạo, và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về sau".
- --o0o--
|
|