|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
-

-
Từ Trái Tim Của Mẹ
-
---o0o---
-
-
Trái tim biết nói của mẹ:
-
Trong xã hội loài người, không có mối quan hệ nào thiêng liêng
hơn mối quan hệ giữa mẹ và con. Tuy nhiên, có trường hợp cá biệt
mối liên hệ thiêng liêng này đã bị phá vỡ một cách đau đớn, man
rợ và tàn nhẫn bởi đứa con ngu muội và ác độc. Câu chuyện Trái
Tim Của Mẹ, được trích dẫn từ truyện cổ Ý (Italia) sau đây kể về
một đứa con đã cố tình dẫm nát mối thâm tình khiến cho bao nhiêu
người, kể cả những kẻ thô bạo và cứng rắn nhất đều phải rơi lệ.
-
Tại một làng nọ, có một đôi vợ chồng trẻ sống
cùng với người mẹ chồng. Người
mẹ rất thương yêu con trai và người con trai cũng rất yêu kính
mẹ như thương yêu đứa con nhỏ của mình. Tuy nhiên người vợ trẻ
không thích chồng mình bày tỏ sự yêu mến sâu đậm như thế với mẹ
chồng. Cô ta chiếm muốn hữu trọn vẹn tình yêu của chồng cho
riêng mình.
-
Một ngày nọ, y thị nghĩ ra một độc kế và quyết định hành động.
Trong nhiều ngày thị nằm trên giường kêu rên và lăn lộn giả vờ
bệnh. Người chồng ngây thơ rất lo lắng và hỏi vợ bị bệnh gì.
Người chồng hỏi đi hỏi lại nhiều lần, thị vẫn im lặng. Nhưng
cuối cùng y thị cũng đã nói ra điều bí mật: "Em đau khổ lắm,
bởi vì em có một ham muốn mà đến bây giờ vẫn chưa đạt được"
- "Ham muốn cái gì vậy hả em?", người chồng liền hỏi. Thị
đáp: "Em rất ái ngại khi nói với anh điều này, người chồng
yêu quý của em" - ‘Không, em cứ nói đi. Em biết là anh
yêu em biết dường nào, anh có thể làm mọi việc vì em kia ma",
người chồng nói. Y thị chỉ chờ có bao nhiêu đó và nói ngay: "Anh
yêu của em, em khổ sở chỉ vì muốn được ăn trái tim của mẹ anh mà
thôi. Nếu ước ao này mà không được thỏa mãn, chắc chắn em sẽ
chết mất".
-
Người chồng như chết điếng khi nghe vợ mình bày tỏ như thế. Anh
ta cố gắng van xin vợ nên thay đổi ý định và ham muốn cái gì
khác không phải là trái tim của mẹ. Nhưng tất cả những lời cầu
xin kia đã không được đếm xỉa tới. Y thị vẫn không thay đổi ý
định của mình.
-
Cuối cùng người chồng trẻ quyết định rằng mình có thể sống thiếu
mẹ nhưng không thể sống thiếu vợ, và thế là hắn đã bắt đầu manh
tâm vạch ra kế hoạch hại mẹ mình để làm thỏa mãn lòng ham muốn
điên cuồng của người vợ.
-
Vì
luyến ái vợ đến độ điên loạn mà hắn đã mất hết nhân tính, hắn
chỉ nghĩ đến cách làm sao giết được mẹ. Hắn nốc rượu vào và chất
men của rượu kích động tâm hồn hắn làm cho hắn trở nên lạnh lùng
và tàn bạo. Hắn lôi người mẹ vào rừng, đâm chết rồi móc trái tim
của mẹ đem về cho vợ.
-
Trên đường về nhà, trong khi trèo qua dốc núi, vì say rượu hắn
đã bị trượt chân và té nhào xuống đất, trái tim trong tay cũng
bị văng ra.Bỗng nhiên, trái tim của người mẹ phát ra tiếng nói:
"Con yêu của mẹ, con té có bị đau không con?"
-
Người mẹ từ chối kéo con:
-
Vào một ngày nọ, có một người mẹ trẻ bế đứa con thơ của mình ra
ao để tắm. Tắm cho con xong, bà đặt đứa bé nằm trên bờ một mình
rồi xuống ao tắm.
-
Lúc đó có một người đàn bà khác đi ngang qua, người đàn bà này
nhìn thấy đứa bé trên bờ ao, bà ta dừng lại và trìu mến nhìn đứa
bé. Bà ta rất vui thích và bị cuốn hút bởi đứa bé. Thế là bà ta
sanh tâm muốn chiếm đoạt đứa bé.
-
Nhìn thấy người mẹ đang tắm dưới ao, người đàn bà ngỏ lời: "Tôi
thích đứa trẻ này lắm, chị có phiền không nếu tôi ẵm nó một
chút?". Người mẹ không phản ứng gì cả. Người đàn bà hỏi
tiếp: "Tôi có thể cho đứa bé bú được không?". Người mẹ
đồng ý.
-
Người đàn bà ẵm đứa bé lên cho bú, được một lát y thị len lén
bồng đứa bé bỏ chạy. Nhìn thấy người đàn bà ẵm con mình đi,
người mẹ vội vã lên bờ và rượt theo người đàn bà lạ mặt. Người
mẹ đuổi kịp người đàn bà và đòi lại đứa con. Nhưng người đàn bà
kia không những không chịu trả lại đứa bé, mà thị còn tố cáo
người mẹ thật là cố tình vu khống thị, y thị nói rằng đó là đứa
con ruột của thị.
-
Hai người đàn bà tiếp tục tranh cãi, và cuối cùng họ đã kéo nhau
đến công đường. Sau khi lắng nghe câu chuyện của họ, vị quan bắt
đầu phán xử.
-
Vị
quan vẽ một đường thẳng giữa công đường, ông yêu cầu hai người
đàn bà, mỗi người đứng một bên. Rồi ông bảo người đàn bà độc ác
đứng nắm một chân đứa bé bên này và người mẹ bên kia cũng được
yêu cầu làm như vậy. Vị quan nói: "Bây giờ hai vị hãy kéo đứa
trẻ, nếu đứa trẻ được kéo qua khỏi lằn ranh bên nào thì đứa trẻ
sẽ thuộc về người đó".
-
Hai người đàn bà nắm hai chân đứa bé và bắt đầu kéo, đứa trẻ
cũng bắt đầu la khóc vì bị đau. Lập tức, người mẹ thả chân đứa
con ra không kéo nữa và bà ta cũng khóc. Vị quan quay qua hỏi
mọi người đang tụ tập trước công đường: "Đó có phải là trái
tim của người mẹ hướng đến con hay trái tim của người đàn bà
khác?". Mọi người đều nói: "Đó chính là trái tim của
người mẹ dành cho con". Vị quan hỏi tiếp: "Vậy ai là
người mẹ thật sự, người đàn bà từ chối kéo con hay người đàn bà
đang kéo mạnh tay?" - " Tất nhiên, người mẹ thật sự là
người đàn bà đã từ chối kéo con vì bà không muốn con mình bị tổn
hại", mọi người đáp.
-
Cuối cùng người mẹ được phép nhận lại đứa con và tạ ơn vị quan
đã phân xử một cách khôn ngoan đem lại công bằng cho bà.
-
Câu chuyện trên đã làm nổi bật lên chân lý ngàn năm của tình mẫu
tử. Người mẹ không bao giờ muốn làm tổn thương đến con cái của
mình dù chỉ trong chốc lát. Ở đây, người mẹ đã không muốn làm
đau đớn con ngay cả trong giờ phút xem như đứa con thuộc về
người đàn bà khác. Người mẹ đã hy sinh tất cả chỉ vì bảo vệ cho
con mình, tất cả chúng ta hiểu được sự hy sinh đó hay không?
-
Lỗi lầm của người mẹ:
-
Ngày xưa có một góa phụ sống với một đứa con trai duy nhất của
mình. Bà yêu thương đứa con vô cùng, cũng vì thế mà đứa con được
tự do muốn làm gì thì mặc tình, muốn đi đâu thì mặc ý. Người mẹ
biết nhưng không ngăn cản, cứ để cho đứa con tự do tung hoành.
-
Thời gian trôi qua, cậu bé này đã trở thành một thanh niên khỏe
mạnh nhưng lại là một đứa hư hỏng. Hắn có thói quen đi chơi
hoang thâu đêm suốt sáng và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng con
đường trộm cắp. Mới đầu, hắn hả hê với nghề ăn cắp vặt. Khi hắn
mang "chiến lợi phẩm" ăn cắp được về nhà, người mẹ không những
tiếp nhận nó một cách vui sướng mà bà còn khuyến khích hắn tiếp
tục đi theo con đường tội lỗi này.
-
Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến, hắn đã trở thành một tên
cướp khét tiếng và đã bị quân lính bắt giam, hắn không chút sợ
hãi và đã thú nhận mọi tội ác của mình trước đứa vua. Đức vua
đã phán tội chết cho hắn.
-
Trước ngày hành quyết, hắn xin phép quân lính được gặp mẹ lần
cuối. Lời cầu xin này đã được chấp thuận và người mẹ được đưa
đến gặp hắn. Tên cướp đã ôm chặt lấy mẹ và cắn vào lỗ tai của bà
một cái thật mạnh.
-
Sự
việc kỳ lạ này đến tai đức vua và tên cướp đã được đưa đến gặp
ngài. Đức vua hỏi: "Tại sao ngươi lại cắn vào tai của mẹ
mình?". Tên cướp giải thích: "Tâu Bệ hạ, thảo dân là một
đứa con duy nhất của bà. Lẽ ra bà phải có trách nhiệm giáo dục
thảo dân trở thành một người tốt. Thay vì bà làm điều tốt đẹp đó
thì bà lại khuyến khích thảo dân đi vào con đường tội lỗi, bà
chưa bao giờ khuyên bảo hoặc ngăn cản những việc làm xấu xa của
thảo dân". Tên cướp trình bày tiếp - "Nếu bà cảnh cáo
thảo dân về hành vi vô đạo đức của mình thì từ lâu thảo dân đã
trở thành một công dân lương thiện. Nhưng bà không làm được điều
đó; vì thế thảo dân đã đánh mất cuộc đời của mình ở con đường
tội lỗi này. Thảo dân suy nghĩ, trong giờ phút cuối cùng này,
thảo dân phải nhắc nhở mẹ thảo dân như một bài học để thức tỉnh
những bà mẹ khác, ít ra qua sự kiện này sẽ giúp cho họ quan tâm
đến con cái và giáo dục con cái của họ trở thành những người tốt
trong xã hội. Đó là lời giải thích của thảo dân, tâu Bệ hạ, và
đó là cũng là lý do tại sao thảo dân đã cắn vào tai của bà".
-
Câu chuyện đã không ghi lại phản ứng của đức vua ra sao sau khi
nghe lời thú tội này của tên cướp. Tuy nhiên tính đạo đức của
câu chuyện là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với tất cả các bậc
cha mẹ. Bất cứ khi nào cha mẹ phát hiện ra những hành vi bất
thường của con mình thì phải lập tức khuyên can ngay và dạy con
đừng bao giờ sa chân vào con
đường vô đạo đức ấy. Nếu không thực
hiện điều này thì những lỗi lầm nhỏ nhặt ban đầu của đứa
trẻ sẽ có điều kiện phát triển nhanh và trở thành là mầm mống để
dấn sâu vào con đường tội lỗi, sự phá sản cuộc đời của đứa con
cũng bắt đầu từ đây và trong đó có cả sự tiếp tay của cha mẹ.
-
Trong xã hội ngày nay, có nhiều gia đình dường như không còn tồn
tại mối quan hệ thân thiết, gần gũi, liên lạc hằng ngày giữa cha
mẹ và con cái. Hậu quả là con cái của họ bị sa bước vào con
đường suy đồi và tội lỗi. Do vậy, sự khuyên răn, thảo luận thân
mật, chịu khó lắng nghe giữa cha mẹ và con cái là điều tối cần
thiết trong mỗi gia đình và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự
trưởng thành nhân cách của con cái chúng ta.
-
(Phóng tác theo "Parents and Children, Key to Happiness").
- --o0o--
|
|