|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
-

-
VU LAN MÙA HIẾU HẠNH
-
--- o0o ---
-
-
Bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, theo từng bước thăng trầm trên
những trang sử của nhân thế, chúng ta thấy thế nhân đã bao lần
gánh chịu cảnh tang thương. Nổi thống khổ điêu linh do hậu quả
của những cuộc chiến tranh. Mà phải chăng chiến tranh được phát
xuất từ lòng tham muốn và thù hận của con người? Thay vì vận
dụng khả năng và lý trí của mình vào việc kiện toàn đời sống,
hữu ích nhân sinh, con người đã sử dụng một phần lớn khả năng
kiến thức của mình vào việc sát phạt lẫn nhau. Nói cách khác,
nhân loại vẫn mãi khổ đau, khi có người không nhận chân được giá
trị cao quý của đời sống tâm linh, nền tảng luân lý Đạo Đức.
-
Hôm nay nhân mùa Vu Lan Rằm tháng Bảy, hay còn gọi là Mùa Hiếu
Hạnh của những người con hiếu đạo, chúng ta hãy ôn cố tri tân
nói về chữ hiếu. Vì khi nói đến Đạo Đức tức chúng ta đã nói về
hiếu đạo vậy. Nghìn kinh muôn sách của thánh hiền lấy hiếu
nghĩa làm đầu "Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên". Một
xã hội tốt, một quốc gia hùng cường, một thế giới an lạc và
thanh bình phải được bắt đầu từ những con người tốt: biết tôn
trọng giá trị đạo đức, thực hành hiếu đạo. Lịch sử nhân loại đã
chứng minh điều này, những kẻ tận trung ái quốc, mến nước thương
dân, những đấng minh quân cho đến những bậc hiền triết thánh
nhơn điều được bắt đầu từ những người con hiếu hạnh. Vua Tự Đức
một bậc minh quân ngày xưa, lúc thiếu thời mỗi khi lầm lỗi, tự
mình dâng roi để Mẹ đánh phạt, Ngài Lục Tổ Huệ Năng trước khi
thực hành đại nguyện tầm sư học đạo, đã chuẩn bị cho Mẹ già có
được cuộc sống chu toàn. Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên tôn giả,
một vị thánh tăng đại đệ tử của Đức Phật, với lòng đại hiếu cảm
động thấu tận 9 tầng Trời cao.
-
Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn
-
Tiếng vang đồn thấu đến cửu thiên…
-
Được Đức Phật chỉ dạy tác Pháp Vu Lan nương nhờ thần lực sức chú
nguyện của chư Tăng đã cứu độ Mẫu Thân khỏi chốn ngạ quỷ, chính
Đức Phật khi còn tại thế, sau khi giác ngộ thành Đạo Bồ Đề, Ngài
đã dùng thần thông lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ Mẫu
Thân, khi Phụ Hoàng Tịnh Phạn băng hà, Đức Phật đã tự tay khiên
quan tài của vua cha đến hỏa táng. Ôi! Gương hiếu hạnh của
người xưa kể sao cho hết. Đạo Đức Kinh của Nho Giáo lấy hiếu
làm đầu trong muôn hạnh: "Hiếu hạnh vi vạn hạnh vi tiên". Khổng
Giáo cũng lấy hiếu làm nền tảng. Không có tội lỗi nào to lớn
hơn bị tội bất hiếu, kẻ đã bất hiếu thì không một việc nào mà
không dám làm, trong Kinh Đức Phật có dạy: "Việc thiện trên hết
không gì hơn là hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn là bất
hiếu". Từ nghìn xưa cho đến ngày nay hiếu hạnh được xem như
khuông vàng thước ngọc để thẩm định giá trị đạo đức của con
người. Ngay từ thuở ấu thơ, khi cắp sách đến trường, chúng ta
đã dược thầy cô dạy bảo phải biết thương cha kính mẹ, ê a qua
những câu ca dao:
-
Công Cha như núi Thái Sơn
-
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
-
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
-
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
-
Thật vậy, công Cha như Trời cao khó sánh, nghĩa Mẹ tợ biển rộng
khó dò; với tam niên nhủ bộ, chín tháng cưu mang, Cha Mẹ xiết
bao vui mừng khi con cất tiếng chào đời, Cha không ngại gian
lao, Mẹ không quản tảo tần nuôi con khôn lớn, bao nỗi truân
chuyên dường như tan biến theo hai tiếng gọi: ma ma (má má)
thốt ra từ vành môi bập bẹ của con. Mắt Mẹ long lanh vui theo
từng bước chập chững con đi, mỗi khi trở gió ấm đầu, Cha Mẹ hết
lòng lo lắng, quên ăn mất ngủ, bôn ba chạy chữa thuốc thang, khi
con bình mạnh mới thôi:
-
…Con đau ốm tức thì lo chạy.
-
Dầu tốn hao đến mấy cũng đành
-
Khi con căn bịnh đặng lành
-
Thì Cha Mẹ mới an phần định tâm…
-
Quãng đời thơ ấu được sống trong tình thương bao la diệu vợi của
Mẹ hiền, tắm mình trong suối mát chứa chan tình Mẫu Tử thiêng
liêng, an lành trong vòng tay ấp ủ và ấm cúng trong tình yêu
thương ngọt ngào được tỏa ra từ trái tim của Mẹ thật không còn
hạnh phúc nào hơn, một nhà thơ đã thốt lên:
-
Cho tôi sống lại tuổi nằm nôi,
-
Tuổi chập chững đi, chập chững ngồi
-
Tuổi được sống trong vòng tay Mẹ
-
Để
bầu sữa mãi ấm vành môi.
-
Thật không hạnh phúc nào hơn khi Cha Mẹ còn tại thế, lúc con thơ
nhỏ Cha Mẹ là tàng cây bóng mát ấp ủ chở che sớm trưởng thành,
đến khi con khôn lớn thời Cha Mẹ đã già nua, nhưng hình bóng khả
kính thân thương vẫn luôn sưởi ấm cõi lòng con, giúp con cảm
nhận rằng mình còn gìn giữ được cái gì thiêng liêng cao quý nhất
trong đời.
-
Khi con lên 5 lên 6 Cha Mẹ dắt con cắp sách đến trường, mong con
đổ đạt thành tài, nên danh nên phận. Năm dài tháng rộng, không
quản gian lao vất vả, một nắng hai sương, làm lụng nuôi con ăn
học, đến khi khôn lớn thì lo bề gia thất, dựng vợ gã chồng, mong
con được hạnh phúc. Ánh mắt hiền hòa, nghĩa cử hy sinh của Cha
Mẹ đã dạy cho con bài học vị tha, yêu thương đồng loại, kính
trọng tha nhân. Lời dạy bảo của đấng từ nghiêm đã un đúc con
nên người hữu dụng. Chúng ta làm sao có thể nói hết tình Mẹ
thương con, công Cha huấn dưỡng. Công ơn Cha Mẹ cao sâu dường
ấy. Nên lòng hiếu hạnh, bổn phận của kẻ làm con, luôn được nhắc
nhở qua những dòng văn thơ hoa mỹ cho đến những câu ca dao tục
ngữ bình dị, và thắp thoáng khắp nơi trên những trang sử của
sách thánh hiền.
-
Người bình dân Việt
Nam diễn đạt hương vị ngọt ngào mát diệu của tình Mẹ qua những
câu ca dao mộc mạc thâm tình:
-
Mẹ
già như chuối ba hương
-
Như xôi nếp một như đường mía lau
-
Hay để nói lên công ơn sanh thành, trưởng dưỡng:
-
Thương thay chín chữ cù lao
-
Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình
-
Lòng Mẹ được ví như đại dương bao la, tình Mẹ được sánh như
trăng tròn hiền dịu:
-
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình
-
Tình Mẹ tha thiết như vầng trăng tròn
-
‘Mắt Mẹ là cả bầu trời ân ái, tim Mẹ là mặt kỳ quan tuyệt hảo."
Tiếng gọi Mẹ chan chứa tình Mẫu Tử thiêng liêng, như một bức
thông điệp tình thương ban phát cho nhân loại làm tan đi những
thống khổ thù hận của loài người. Đối với Phật Giáo, vai trò
sứ mạng của bậc Cha Mẹ được đưa đến sự tuyệt đỉnh của sự tôn
quý:
-
Phụ Mẫu tại đường như Phật tại thế
-
Trong kinh văn Đức Phật đã dạy: "Sanh ra đời gặp lúc không có
Phật khéo phụng dưỡng Mẹ Cha, chính là phụng thờ và gặp Phật
vậy." Bổn phận làm con, mấy ai trong chúng ta đã làm tròn hiếu
đạo. Kinh Thi đã có chép:
-
Phụ hề sanh ngạ, mẩu hề cúc ngã
-
Ai
ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao
-
Dục báo thân ân, hiệu thiên võng cực.
-
Đối với người con hiếu hạnh, khởi tâm thành báo đáp ân Cha nghĩa
Mẹ, sớm hôm hầu cận, quạt nồng ấm lạnh, cơm nước thuốc thang…chỉ
là đền đáp công ơn trong muôn một, các vị Cổ Đức ngày xưa, vì
muốn cho Cha Mẹ được vui lòng, không quản ngại bất cứ việc gì.
Nhớ xưa ông lão Lai tuổi ngoài 60, làm quan lớn trong triều
đình, nhưng khi về nhà ông thường mặc những màu áo sặc sở, rồi
nhảy múa giống như trẻ con, làm cho Cha Mẹ được vui cười. Ngày
nay chúng ta có làm cho Cha Mẹ được toại ý vui lòng, mỗi khi
người mong muốn một điều gì hay không? Hay một khi Cha Mẹ già
yếu, chúng ta mau thu xếp đưa Cha Mẹ vào dưỡng lão, trốn tránh
trách nhiệm làm con, để Cha Mẹ chết dần mòn trong buồn tuổi cô
đơn. Hoặc nuôi Cha Mẹ để lo việc cơm nước, quét dọn trong nhà,
chẳng khác nào kẻ ăn người ở. Xem Cha Mẹ như một gánh nặng
trong gia đình. Thật đúng với câu:
-
Cha Mẹ nuôi con biển hồ lai láng.
-
Con nuôi Chạ Mẹ, tính tháng tính ngày.
-
Chúng ta đừng để một khi Cha Mẹ mất đi, rồi hối tiếc gì để không
làm tròn hiếu đạo, thì đã muộn màng, tích xưa thầy Tử Lộ lúc
thiếu thời, tuy trong cảnh bần hàn nhưng là người con chí hiếu,
hằng ngày đội gạo về nuôi Cha Mẹ, đến khi làm quan, vinh hoa phú
quý, muốn được phụng dưỡng Cha Mẹ, nhưng ôi thôi Cha Mẹ đã còn
đâu, đã cất tiếng than rằng:
-
Mộc dục tịnh nhi phong bất đình
-
Tử
dục dưỡng nhi thân bất tại
-
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
-
Con muốn báo đáp thâm ân, thì Cha Mẹ còn đâu
-
Huống chi chúng ta, nên lúc Cha Mẹ còn sinh tiền mà bất hiếu,
bất dưỡng, đến khi người khuất thế thì lương tâm lầm lỗi đến mức
nào cùng.
-
Đối với người con Phật đã ân cần dạy bảo phận làm con phải tròn
hiếu đạo, không những chỉ phụng dưỡng chăm sóc Cha Mẹ về mặt vật
chất, mà còn phải khéo khuyên Cha Mẹ hướng thiện, làm lành lánh
dữ và tu niệm theo lời Phật dạy, ngõ hầu Cha Mẹ có được một
cuộc sống tinh thần an lạc trong hiện tại, và giải thoát sinh tử
trong vị lai. Khi Cha Mẹ qua đời phải hết lòng thành kính y
kinh Phật dạy, tác Pháp Vu Lan bồn, kiến tạo phước điền bố thí
cúng dường v.v…nương nhờ Phật lực gia hộ và sức chú nguyện của
thanh tịnh Tăng để Cha Mẹ có thể trưởng thừa công đức mà vãng
sanh về Tịnh Độ hay cảnh giới lành.
-
Ngày nay làm thân người viễn xứ, phận kẻ lưu lạc tha hương, sống
nơi đất khách quê người, quê hương yêu dấu đã xa cách bởi nghìn
trùng đại dương, thật diễm phúc thay cho những ai còn được kề
cận bên đấng sanh thànĐại Đức Thích Huệ Minhh, sớm hơn phụng
dưỡng, hãy tận hưởng trọn vẹn những hương vị ngọt ngào của tình
Cha nghĩa Mẹ. Riêng đối với những ai tuy đấng song thân còn tại
thế nhưng cách biệt bởi nghìn trùng xa, thì làm sao hiếu đạo?
Theo tình thần "Nhứt nhơn tác phước thiên nhơn hưởng" và y cứ
vào Đại Báo Phụ Mẫu Ân Kinh mà Đức Phật đã dạy, nếu chúng ta cố
gắng làm lành lánh dữ trong thường nhật, tạo các phước điền bố
thí cúng dường đem lòng từ bi đối sử với tha nhân, giữ gìn thân
miệng ý cho trong sạch và tinh tấn tu niệm chính và những việc
làm để tỏ lòng hiếu kính vậy. Theo kinh báo hiếu Đức Phật dạy:
"Chúng sanh trong cảnh giới này đã từng lăn trôi sanh tử luân
hồi trong nhiều đời nhiều kiếp, từng làm Cha Mẹ của chúng ta
trong nhiều đời trước." Trong Kinh Phạm Võng Đức Phật cũng có
dạy: "Phải xem nam nhân trong đời là Cha ta, nữ nhơn trong đời
là Mẹ ta." Vậy khi chúng ta làm bất cứ việc gì lợi ích cho tha
nhân tức chúng ta tự tạo cho chính mình một nguồn chân hạnh
phúc, một niềm an lạc nơi tâm hồn, và là chúng ta đã thực hành
hiếu đạo vậy.
-
Thành tâm dâng nén tâm hương ngũ phần, hồi hướng công đức cúng
dường mười phương chư Phật cho thới giới được thanh bình chúng
sanh an lạc, đất nước Việt Nam sớm thoát khỏi cảnh lầm than.
Nguyện cầu Phật từ phổ độ Cửu Huyền Thất Tổ cùng nhất thiết chư
tiên linh quá vãng sớm siêu thoát khổ luân, tảo đăng An Lạc
Quốc.
-
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư
A Di Đà Phật Tác Đại chứng minh.
- --o0o--
|
|