-
Một sáng mùa thu, khí trời dìu dịu, khoảng 9 giờ, chú Tâm Chơn,
người dong dỏng cao, lúc nào cũng nhanh nhẹn, bước sải sải đến
gặp thầy Thiện Hỷ, chấp tay ngúc ngúc cái đầu với lọn tóc rung
rinh đen nhánh vắt qua tai, nói :
-
- Mô Phật, bạch thầy có khách.
-
- Ai vậy ? Thầy Thiện Hỷ hỏi mà hai mắt như dính chặt vào chiếc
vỏ xe Dream II của thầy.
-
- Làm sao con biết. Có một bà sồn sồn, ăn mặc sang trọng, phấn
son thơm phức, xin gặp thầy.
-
- Sao chú quan sát kỹ thế ! Mà gặp Hỷ nào mới được chứ.
-
- Dạ !... à quên, để con ra hỏi lại xem.
- Chùa này có hai thầy trùng tên nhưng khác
biệt hiệu. Một là Thiện Hỷ “Ruga”, phụ trách nghi lễ, tán tụng
lâm ly, dáng người cao ráo với khuôn mặt chữ điền và giọng nói
sang sảng “trời cho”. Thầy lại có thói quen khi lên xe là đưa
tay sửa cổ áo, ngồi ngay ngắn, đề xe nổ, vô ga “rịn... rịn...”
vài phát cho ấm cả đất trời rồi mới nhấn số chạy. “Ruga” là vậy
đó. Khi về tới chùa, chưa kịp thay áo, là thầy lau xe liền, xong
khóa xe cẩn thận, cất “bửu bối” vào chiếc bóp da cá sấu hình chữ
nhựt, tuy nho nhỏ nhưng toát ra vẻ điệu nghệ của một tay ngoại
giao lịch lãm. Hai là Thiện Hỷ “Maha”, dáng người trung bình, da
dẻ hồng hào với khuôn mặt đầy đặn và nụ cười mãn cánh vô ưu.
Thầy đảm nhiệm chức vụ tri sự, lo việc tương chao ấm lạnh cho
Tăng chúng.
-
- Bạch thầy ... không phải, con xin lỗi. Chú Tâm Chơn từ xa nói
vọng lại.
-
- Ờ !... có thế chứ. Ta đang chăm sóc “người yêu” mà lại...
-
Một lát sau, Maha đến tựa hai cánh tay trên yên xe, ngắm Ruga
lồng ngón tay trỏ vào chiếc khăn ẩm nước, cà tới cà lui từng kẽ
chân tăm trên niền xe mà ngậm ngùi, nuối tiếc :
-
- Này, thầy ơi !...
-
- Mô Phật !
-
- Ước gì em có được đôi tay như thầy !
-
- Nữa !... đã bảo đừng xưng em với Hỷ này, nhột lắm ! Thầy lớn
hơn em một tuổi! Mà ước như vậy để làm chi ? Ðể lau xe đạt chất
lượng hả ?
-
- Cũng được. Nhưng chưa phải cốt lõi. Ai hiểu thầy hơn chính
thầy. Hai ba mươi năm về trước, thầy là giáo sư, giảng sư, được
luyện từ lò “bát quái” ra. Nghe nói thầy làm thơ, viết văn, dạy
học hay lắm ! Giọng điệu tiết tấu của thầy khi hào hùng lẫm
liệt, lúc trầm lắng thiết tha, nói chung là bâng bâng, nhưng vì
sao bỗng dưng thầy chuyển hệ ? Tăng, Ni, Phật tử đang thầm trách
thầy đó !
-
- Trách nỗi gì ! Xay lúa thì khỏi bồng em. Nhưng mà... dạy học,
viết sách, thuyết pháp, dịch kinh, ma chay, đàn tràng..., thầy
biết đấy, mỗi thứ có một thú vị riêng. Vấn đề là phải thành tâm
thiện chí từng lời kinh ý kệ của Phật Tổ lưu truyền thì mới có
tác dụng. Thử xem! Quỳ trước Phật đài, ngưỡng vọng dung nhan Ðức
Từ Phụ mà trầm giọng xướng lên bài kệ :
-
- Huỳnh kim mãn nguyệt tướng
-
Tam giới độc xưng tôn
-
Hàng phục nhứt thiết ma
-
Chư thiên giai củng thủ.
-
Tạm dịch :
-
Báo thân Phật tổ lộng áng vàng
-
Uy đức vang lừng khắp thế gian
-
Mát nụ cười tươi – thiên đế phục
-
Bao dung ánh mắt – quỷ vương hàng.
-
Thì nổi da gà, sơn hà đại địa như rúng động. Hoặc đối trước linh
sàng mà xướng bài pháp ngữ :
-
- Quy khứ lai hề quy khứ lai
-
Tây phương tịnh độ bạch liên khai
-
Nhứt trận hương phong xuy hốt đáo
-
Hương linh thừa thử bộ kim giai.
-
Thì tự nhiên thấy có một làn gió nhẹ thoảng qua, tỏa hương thơm
ngát, nâng hương linh lên từng nấc thang giải thoát. Ðó, thầy
bảo Hỷ này không mê sao được. Còn nữa, xong việc ma chay, nếu
tang môn quyến thuộc là Phật tử thì tín tâm của họ càng thêm
vững mạnh, còn bàn dân thì cả nhà đến chùa quy y Tam bảo hoặc ít
ra cũng có thiện cảm với Phật pháp. Chưa hết, cụ thể nhất là
“cô” này. Thiện Hỷ búng búng ngón tay vào chiếc căm xe, nói. Gần
ba năm trời ca khúc chơn ngôn “Nam mô a di đa bà dạ” và vân du
khắp các cảnh giới “yên bình” mới được “cục cưng” này. Suy cho
cùng, chùa mình trên thuận dưới hòa là nhờ ân đức của đại sư
huynh. Thầy đã khích lệ anh em “tát đa nẫm” đều đặn quanh năm;
nhiệm mầu lắm thầy ơi !
-
- Mô Phật, thầy nói hay và dễ thương quá ! Maha mát dạ, cười hàm
răng trắng đều như hạt lựu, tụt xuống ngồi bệt dưới sàn nhà, đối
diện với Ruga.
-
- Huynh nghe đấy, Hỷ này hân hạnh được biệt hiệu “Thích Ruga”,
tức là hay rú ga, nhưng ai hiểu cho mình. Thôi thì : “tri ngã
giả vị ngã tâm ưu, bất tri ngã giả vị ngã hà cầu”. Hỷ này
mỗi khi lên xe là thầm nguyện :
-
Thượng cơ xa thời
-
Ðương nguyện chúng sanh
-
Tiễn tham sân si
-
Tốc đăng giác ngạn.
-
- Ủa, ở đâu vậy ? Em không thấy trong “Tỳ ny nhựt dụng !...”
-
- Nữa, cứ xưng em !... Thời Phật Tổ đâu có xe gắn máy mà có kệ
này.
-
- Nhưng... “tiễn tham sân si” mà thầy phát lệnh theo kiểu
“rịn...rịn...” như thế thì liệu có chóng lên bờ giác ngộ không ?
-
- Thầy sao ! “ ‘Tăng, Ni’ tự hữu xung thiên chí” chứ lại !...
-
Không ai bảo ai, cả hai chụp vai nhau cười sảng khoái.
-
- Nói gì thì nói chứ em vẫn tiếc khả năng quảng bác của thầy.
Thôi, bớt đi cúng; mỗi tuần thuyết pháp một thời, dạy chúng vài
buổi, được chưa ?
-
- Ai cho mà thuyết ! Tăng chúng học nhiều quá còn dạy gì nữa !
Vả lại đi cúng không phải thuyết pháp sao ? Ði cúng là thuyết
pháp cho người chết, giảng sư chí tâm và trung thành tuyệt đối
với kinh điển; còn thuyết pháp cho người sống, pháp sư đôi lúc
cao hứng nên quá đà : sống trong phương tiện mà biện thuyết toàn
chơn; nói tánh nói thể mà quên tướng quên dụng, tiếc thật ! Ðó
là chưa kể phong cách diễn đạt : cũng vung tay đỏ mặt, quắc mắt
mím môi mỗi khi có sự cố nho nhỏ như ánh đèn chập chờn, âm thanh
trục trặc. Dạy Phật tử từ bi hỷ xả mà Pháp sư lên cơn đột xuất
như thế thì... tội nghiệp cho người nghe ! Chỗ anh em mới dám
tâm sự. Thấy người xét mình, Hỷ này không dám hoa ngôn trước
quần chúng.
-
- Nhưng Phật dạy : “phương tiện quyền xảo”. Thầy có bổn phận
tiếp dẫn hậu lai chứ!
-
- Cảm ơn lời khuyên của sư huynh. Hỷ này muốn được như Maha
nhưng không thể. Thầy biết biệt hiệu của thầy mang ý nghĩa gì
không ? Maha là vĩ đại, là đáng tôn kính đó ! Ði tu mà được
Tăng, Ni, Phật tử, kể cả chim muông thú vật thương yêu, quý
trọng thì thật là đại phúc. Mỗi khi đi đâu về, trước con Tony,
sau con Jimmy, ôm chân thầy cứng ngắt. Còn con nhồng nữa, thấy
thầy là “A Di Ðà Phật...A Di Ðà Phật...khà...khà...khà ! Còn ai
hơn thầy !
-
- Tại em thường cho chúng nó ăn. Úi chà... mười một giờ kém mười
lăm rồi, chuẩn bị quá đường thầy ơi !
-
Rồi một buổi khuya nọ, không thấy thầy nghi lễ
đi công phu, thầy ít khi vắng mặt khóa tụng này. Thầt tri sự đến
phòng xem thì thấy thầy nằm trùm chăn, người toát mồ hôi, lạnh
ngắt. Thầy được đưa vào bịnh viện cấp cứu và được biết thầy bị
bịnh thương hàn, có lẽ do hậu quả của những tháng năm đi lại trong
nắng sớm mưa chiều. Thế là, sau tám tuần thều thào, da bọc lấy
xương, tóc rụng gần hết, và tối nào cũng được thầy tri sự ngồi bên
cạnh giường tụng kinh Thủy sám, thầy nghi lễ mới dần dần bình
phục, sắc diện hồng hào trở lạ. Từ đó, thầy không bao giờ lau
chùi xe và rút chìa ra khỏi ổ khóa. Ði đâu có Tâm Chơn chở với
chiếc cặp da thường thấy trên tay hơn là túi vải trên vai như
trước kia. Còn chiếc xe thì sẵn sàn đón khách và lúc nào cũng
láng coóng.