Tết

Trần Tuyết Hoa

---o0o---

          Từ xa xưa phong tục ta vốn có cái truyền thống “Về quê ăn Tết” cho những ai đi làm ăn xa mấy cũng ráng quay về nhà trước ba ngày Tết với món quà tất niên cúng giỗ tổ tiên, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, con cái...
          Mấy thập niên gần đây, người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngày càng đông. Và cứ đến cuối năm, gần Tết, dù không nói ra nhưng ai cũng nôn nao muốn được về ăn Tết trên quê hương. Ai có điều kiện về được thì vui quá. Ai không thể về vì phải chăm lo cho con cái còn nhỏ, đang đi học, hoặc nghỉ việc về Tết một tháng trở qua sợ mất việc làm, khó xin lại được v.v... đành ở lại ăn cái Tết tẻ nhạt quê người. Nếu ngày Tết, không rơi vào Chủ nhật thì chỉ biết gọi điện thoại chúc Tết nhau thôi. Một nỗi nhớ nhà kỳ lạ cứ xót xa, bùi ngùi dù cả nhà đang có mặt đầy đủ. Và dù cho ở quận 13 của TP.Paris nước Pháp cũng có những khu phố người Việt, người Hoa... bán đủ các hàng đặc sản Á Ðông, nhất là ở các bang California, Washington DC... của Mỹ còn có cả những Little Sài Gòn (Sài Gòn nhỏ) với đầy đủ các mặt hàng đặc sản Việt Nam. Vậy mà cớ sao người ta vẫn còn thấy thiếu vắng một “cái gì đó”. “Cái gì đó” không nói ra được nhưng thiếu nó vẫn cứ thấy nhớ nhớ, buồn buồn. Có lẽ đó là cái không gian, cái phong cách văn hóa đặc trưng của từng địa phương trên quê hương Việt Nam mà không đâu có được. Làm sao ở châu AÂu hay Bắc Mỹ có được cây đa, quán gió đầu làng, hay cái chợ phiên Sapa... của miền Bắc. Càng không có được những chợ dinh, chợ huyện nhóm khuya của nông thôn miền Trung, hoặc những con đò ca hát, mua bán trên sông Hương với những lễ hội đua thuyền, trò chơi đánh cờ người, hô bài chòi trong Thành Nội của xứ Huế ố và như một nhạc sĩ có nói: “... Dù có đi bốn phương trời... lòng cũng nhớ về Hà Nội...”. Còn dân Sài Gòn thì dù có đi khắp năm châu bốn bể cũng không sao quên được những con đường ngập lá me xanh với những ngày chuẩn bị đón Xuân rộn ràng trên những phố chợ, chung quanh chợ Bến Thành đầy ắp hàng bán Tết, đầy dẫy hàng vải, áo quần thời trang, dân tộc, cổ điển và cách tân may sẵn và nhiều mặt hàng khác, thức ăn, bánh mứt cổ truyền... những chợ hoa bán Tết ở các công viên, vườn Tao Ðàn... với những đêm lễ hội dân gian độc đáo... nhất là những đêm giao thừa đì đùng tiếng pháp gần xa... nó đã như những dấu ấn gắn sâu, đóng chặt vào những cõi lòng Việt Nam.
          Mấy bà bạn ở Canada về ăn Tết Sài Gòn vào những năm trước tôi, khi trở qua cứ xuýt xoa khoe chuyện về ăn hàng ở chợ Bến Thành thật là tuyệt vời, lý thú khi được ăn tô bún tươi chứ không phải bún khô buộc lại như mình ở đây, món gì cũng nêm nếm vừa ý nên ăn đã quá chừng. Tôi la “bà này vô duyên quá, tưởng về quê ăn Tết có gì hay ho không kể nghe mà nói toàn chuyện ăn, chán quá!”. Vậy mà bà vẫn không giận, cứ cười toe toét khoái chí... “Sang năm về nữa!”.
         Sau này, tôi mới thấm thía, cho đến cái ăn mà cũng phải về đến tận chợ Bến Thành ăn mới thật thích thú như vậy. Thảo nào mà về đây tôi thấy người ta thường mở hội nghị về ẩm thực và có cả văn hóa ẩm thực nữa. Thì ra cái ăn đó cũng như một sự trở về, như một hiện hữu thật sự nơi chôn nhau cắt rún! Cũng thật là lạ! Có bà thì kể chuyện đi chùa. Chỉ cần leo lên xích-lô đi một vòng là đủ hết các chùa, khỏe re. Ở đây muốn đi chùa phải đợi cuối tuần, con nghỉ làm mới đưa đi, nếu chùa không thuận đường métro hay bus, nên chùa ở đây có nơi chỉ mở cửa ngày Chủ nhật, còn ngày thường thì đóng cửa im ỉm buồn chết. Bên Mỹ còn căng hơn vì không có nhiều métro và bus như Pháp hay Canada nên người già lại càng lệ thuộc vào con cháu hơn nữa. Lỡ quên hay thiếu chút gia vị Việt Nam là phải lái xe chạy hàng chục cây số đến các chợ Tàu, chợ Việt thật ớn quá.
          Bây giờ, sau khi hai nước bình thường hóa rồi thì các sinh viên Mỹ và Việt rất muốn về Tết để tìm hiểu, học hỏi về phong tục tập quán, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Người nào về cũng ca ngợi tổ chức đời sống ở Hội An thật tuyệt vời như là: không có người đi xin ăn, cướp giật, móc túi trên đường phố như ở các thành phố khác và nhất là du lịch ở Hội An đã thành công tốt đẹp. Một em sinh viên Mỹ đã thú thật là đi giữa phố Hội An vào 12 giờ khuya đến 1 giờ sáng mà cảm thấy bình an hơn đi giữa New York (hồi ấy cách đây 2 năm, New York chưa xảy ra vụ nổ lớn đó). Nhiều bạn nước ngoài khác cũng thành thật góp ý là Sài Gòn có quá nhiều hàng mỹ nghệ, đặc sản dân tộc đẹp lắm mà giá cả cũng vừa phải. Thành phố có nhiều chỗ đáng xem và tìm hiểu. Nhiều phát triển công nghiệp hợp tác với nước ngoài... nhưng cũng rất đáng tiếc là vẫn còn đó những tệ nạn xã hội, móc túi, cướp giật, đi xin ăn ở các quán ăn, người bệnh cùi lê lết ở các chợ và lạc hậu nhất là việc phóng uế bừa bãi ngay trên đường phố, làm thất vọng không ít người ngoài đến Việt Nam!
          Mấy năm gần đây lại thêm nạn thiên tai lũ lụt ở các tỉnh và đồng bằng sông Cửu Long, thương tâm vô cùng. Cho nên vào dịp Tết Nhâm Ngọ này, các hội đoàn từ thiện và các tôn giáo gia tăng công tác cứu trợ. Một số Phật tử ở ngoài về nước, rất xúc động cũng tham gia góp phần vì thấy các Tăng Ni, Phật tử ở các chùa làm việc như con thoi để đồng bào vùng lũ lụt kịp nhận quà vui Xuân với mọi người.
          Năm nay chắc không còn ai đành lòng ăn Tết cầu kỳ, thịnh soạn cho riêng mình mà cùng chia sẻ, đón Xuân đạm bạc để sưởi ấm nỗi lòng của đồng bào hoạn nạn. Mong sao bà con mình ở đó được hưởng một cái Tết bình yên là vui lắm rồi.
          Sài Gòn, cuối Ðông Tân Tỵ, 2001

          Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,  Xuân Nhâm Ngọ - 2002