-
Quốc lộ số một nối liền Nam Bắc như một đường rẽ ngôi, bên non
bên nước. Bãi Ðại Lãnh cùng đèo Cả thật hữu tình. Rải rác trên
mặt biển thiên thanh, những hòn đảo nhỏ to châu đầu nói chuyện,
từng mảng thạch nhũ nhểu lên đồi non, vòng qua lượn lại rồi de
ra đại dương như đùa bỡn. Sóng biển thất thường chợt vui chợt
buồn đã tập cho hòn đảo biết chịu đựng, biết yêu thương nên nó
càng trở nên đẹp lạ thường! Tối nay, xe nghỉ lại Qui Nhơn. Quán
trọ. Ðường dài. Nghĩ về đời người như ốc đảo giữa đại dương mênh
mông, quên sao được hàm ân của sóng vỗ với triều dâng...
-
o0o
-
Trên đỉnh Hải Vân, thật là không còn gì để nói. Biển xanh biêng
biếc màu trời, núi gấm lồng lộng màu mây. Ngẩng lên bất tận, cúi
xuống vô cùng. Con người chỉ còn là một hạt bụi trong cõi hư vô.
Bất chợt tôi nhớ đến hai câu chót trong bài thơ của một thi nhân
Trung Hoa:
-
- Hoàn nhĩ thiên sinh ngã,
-
Hoàn ngã vị sinh thời.
-
Cái tôi hoàn lại đất trời,
-
Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh.
-
Mượn đôi câu thơ, tôi tặng Hải Vân thay cho lời giao cảm sau lần
đầu gặp gỡ. Bận về không biết có chơi lâu được không? Xe xuống
chân đèo, bọc quanh bãi biển rồi bất ngờ xuyên giữa đôi bờ đại
dương trước khi vào đất liền. Tuyệt quá! Lăng Cô. Tôi nhớ hoài
hai bên nước, chính giữa một con đường. Giữa đôi bờ sinh tử, vẫn
còn một lối đi.
-
Ðó là những trích đoạn nhật ký, tôi đã viết lại trong chuyến đi
từ Nam ra Bắc vào mùa Xuân năm ấy. Chuyến đi còn dài và dĩ nhiên
nhật ký cũng còn dài. Bởi chuyện một ngày đâu không là chuyện
một đời người trong từng khoảnh khắc. Nhưng thôi, nhắc lại bao
nhiêu đó cũng tạm đủ để nhớ rồi.
-
Ở đây tôi không muốn nhớ để mà thương mà tiếc, mà lưu luyến hoài
niệm. Vì như thế sẽ càng làm cho lòng mình yếu đuối, buộc ràng.
Nhớ để thấy mỗi đoạn đường ta đi qua, dù là trời xuân nhưng vẫn
có đầy đủ sắc hạ, thu, đông. Và ngược lại, trong cái hạ trưởng,
thu phai, đông tàn vẫn phưởng phất hơi hướm xuân sang. Cho nên
không phải ngẫu nhiên mùa xuân trở nên rực rỡ tươi đẹp ấm áp
trong lòng muôn vật, mà tại vì có thu đông điểm màu. Một đời
người cũng thế, có đầy đủ bốn mùa.
-
Vua Trần Thái Tông trong bài tựa Thiền tông chỉ nam đã nói:
Tướng sanh của người là mùa xuân của năm. Trời trong, trăng
sáng, nơi nơi liễu thắm hoa hồng, muôn dặm phong quang, chốn
chốn oanh kêu bướm lượn. Tướng già của người là mùa hạ của năm.
Tiều tụy như liễu úa, tàn phai như hoa tiết xuân qua. Bóng chiều
vừa ngả non Tây, dòng nước sắp chảy về biển đông. Tướng bệnh của
người là mùa thu của năm. Rừng rậm xum xuê, một trận gió lùa đã
lơ thơ rũ rượi. Núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền thành
trơ trọi. Tướng chết của người là mùa đông của năm. Cuồn cuộn
việc đời trôi chẳng đoái, vầng ô gác núi nước trôi xuôi. Thế là
tròn một vòng dạo chơi trong chốn nhân gian.
-
Và như thế, phải chăng du xuân là bắt đầu dạo vào một đời người,
ta không thể ở lâu trong đó được đâu. Ði chơi rồi cũng phải về
nhà. Chỉ về sớm hoặc muộn thôi. Ngày xưa Ðức Phật biết tìm đường
về nhà từ năm mười chín tuổi, đến ba mươi tuổi thì tới nhà. Còn
ta? Chịu. Chưa trọn một kiếp đi rong vẫn chưa muốn về. “Lang
thang làm khách phong trần, quê hương ngày một muôn ngần cách
xa”. Hai câu thơ này của vua Trần Thái Tông, diễn đạt rất chân
xác về cuộc rong chơi của chúng ta.
-
Tôi nghĩ lẽ ra con người không nên than khổ, mà phải cảm thấy
sướng vì khổ mới đúng. Tại vì ta tự nguyện mà, không có ai bắt
buộc cả. Ngay khi đến trong cuộc đời này, ta cũng tự chọn. Phật
bảo chúng sanh tạo nghiệp gì thì theo nghiệp ấy mà thọ sanh.
Không ai bắt mình hiền, cũng không ai bắt mình dữ. Không ai bắt
mình vui, cũng không ai bắt mình buồn. Ta tự trói thì ta tự mở.
Thật là đơn giản. Muốn chơi xuân thì cứ đi, mà muốn dạo hè hay
thưởng thức đông sang cũng chẳng ai cấm cản. Chỉ tự ta thôi.
-
Song làm thế nào để về nhà mới là điều đáng nói? Phật bảo thì cứ
bỏ hết đi, nghỉ chơi mà về. Nói thế không có nghĩa là ta từ bỏ
mọi việc trên đời. Chỉ nhớ đã là trò chơi thì không thật, sống
và làm việc trong tinh thần vô úy. Không say đắm, không tiếc
nuối nhưng vẫn rất lạc quan yêu đời. Ngày xưa vua Trần Thái Tông
khổ quá, đang đêm chạy lên Yên Tử, tìm Quốc sư Trúc Lâm đòi làm
Phật ở chốn non thâm. Quốc sư nắm tay vua bảo: “Trong núi vốn
không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là
chơn Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật,
không nhọc tìm cầu bên ngoài”. Từ đó vương xuống núi và trở
thành vì vua ngộ đạo ngay trên ngôi cửu trùng. Trọn việc mình,
vẹn việc nước. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đến bây giờ vẫn còn
sáng chói những “mái nhà xưa” của các đấng quân vương đời Trần.
-
Vậy thì, rất có thể sau nhiều chuyến du xuân mệt mỏi, ta lại trở
về mái nhà xưa. Ðường về chỉ thế thôi. Ở trong tâm.
Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,
Xuân Nhâm Ngọ - 2002