-
Theo thời tiết thì một năm có bốn mùa là Xuân, hạ, Thu, Ðông.
Xuân miên viễn thì không có Xuân Hạ Thu Ðông mà chỉ là Xuân
thôi. Vậy Xuân miên viễn từ đâu có? Chúng ta phải chuẩn bị những
gì để hưởng được Xuân miên viễn?
-
Thế gian nói đến Xuân là nói đến ba tháng đầu trong năm, gọi là
mùa Xuân. Nhà Thiền nói đến Xuân là nói đến đạo. Một thiền khách
đến hỏi Thiền sư Chân Không:
-
- Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?
-
Ngài đáp:
-
Xuân đến, Xuân đi ngỡ xuân hết.'
-
Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân.
-
Chữ Xuân, Ngài nói đây là Xuân gì? Xuân đến Xuân đi là Xuân của
thời gian. Mỗi khi Xuân đến thì mừng Xuân, khi Xuân đi thì tiễn
Xuân. Xuân đến thì hoa nở Xuân đi thì hoa tàn, nhưng dù hoa nở
hay hoa tàn cũng chỉ trong mùa Xuân ba tháng thôi. Hoa nở hoa
tàn dụ cho sắc thân này được sanh ra rồi chết đi. Thiền khách
thắc mắc thân này bại hoại thì thế nào? Ngài đáp: dù sắc thân
sanh hay tử cũng chỉ là Xuân. Ý Ngài nói dù thân chúng ta sanh
hay tử và sanh tử liên miên vẫn không ngoài cái thể bất sanh bất
tử nơi mình. Giống như biển cả dù sóng có dấy động hay lặng yên
trăm ngàn lần, cũng không ở ngoài biển cả. Ngài thấy đến chỗ rốt
ráo viên mãn chớ không nhìn theo thời gian sanh diệt của thân
năm uẩn. Tôi chúc quí vị hưởng mùa Xuân miên viễn, quí vị đã
biết là Xuân nào rồi chứ gì?
-
Sau đây tôi dẫn một bài thơ của một thiền sư Ni ở Trung Hoa đời
Tống:
-
Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân,
-
Mang hài đạp phá đỉnh đầu vân
-
Qui lai khước quá mai hoa hạ
-
Xuân tại nhi đầu dĩ thập phân.
-
Ni sư nói trọn ngày đi tìm kiếm Xuân, tìm mãi mà không thấy Xuân
ở đâu. Vượt đèo trèo núi rách cả giày để tìm mà vẫn không thấy.
Khi trở về thì thấy Xuân hiện khắp trên đầu những cành mai trong
vườn nhà mình. Sao lạ vậy? Tìm Xuân trên núi, nơi này chốn kia
mà không thấy, tại sao Xuân lại ở trên đầu cành mai tại vườn nhà
mình? Ni sư muốn nói gì với chúng ta?
-
Xuân, Ni sư nói đây là Ðạo mà chúng ta thường nói "Tầm Ðạo". Ðạo
không ở non cao hay rừng thẳm mà ở tại "nhà mình". Ni sư nhắc
cho chúng ta biết Ðạo là Pháp thân chân thật có sẵn nơi mỗi
người, chớ nhọc công hướng ra ngoài tìm kiếm, hãy xoay lại mình
là nhận ra ngay.
-
Quí vị tu từ lâu nay, đi tìm đạo rách hết bao nhiêu đôi giày
rồi? Tốn hết bao nhiêu mồ hôi công sức? Và đã thấy đạo chưa?
-
Với Ni sư thì Ðạo có sẵn trên cành mai ở tại nhà mình. Với những
thiền sư khác thì Ðạo ở ngay gót chân mình. Với chúng ta thì đạo
ở ngay trước mắt. Quí vị có thấy Ðạo ở ngay trước mắt không?
Người nào thấy Ðạo ở trước mắt thì vấp phải cái lỗi rất lớn là
thấy con đường ở ngoài mình, chớ không thấy đạo Phật. Ðạo thật
thì không bị thấy, mà hay thấy muôn vật như thấy hoa nở, thấy
hoa tàn... Ðạo chân thật chúng ta không cần tìm kiếm ở đâu xa,
chỉ xoay lại mình là nhận ra ngay. Sở dĩ chúng ta không nhận ra
là vì quên, hướng ra ngoài tìm kiếm. Chỗ này trong kinh Phật chỉ
rất rõ: Cảnh vật là tướng bị thấy là cái sanh diệt, cái hay thấy
thì không sanh không diệt. AÂm thanh ở ngoài là tướng sanh diệt,
cái hay nghe thì không sanh không diệt. Ngay nơi mình lúc nào
cũng có cái hay thấy hay nghe. Hàng ngày chúng ta nhận cái hay
thấy hay nghe là mình, hướng ra ngoài thấy cảnh nghe tiếng rồi
phân biệt cho là mình thấy nghe? Nếu thấy nghe như thế là chạy
theo cảnh và tiếng, mà quên cái hay thấy hay nghe đang hiện hữu
nơi mình.
-
Cái hay thấy hay nghe là cái thật của mình, mà mình không nhớ cứ
hướng ra ngoài tìm kiếm nên quên mất mình. Thấy nghe như thế là
mê. Bây giờ muốn hết mê thì khi thấy khi nghe phải nhớ mình có
cái đang thấy đang nghe, đó là thấy Ðạo, là giác. Người xưa cứ
nhắc chúng ta tu phải trở lại mình là gốc, thế mà chúng ta có
chịu trở lại đâu! Ở đây, ai suốt ngày xoay lại sống với mình? Ai
suốt ngày chạy theo ngoại cảnh?! Xoay lại là được ngay, dễ lắm.
Vì dễ nên anh hàng thịt buông dao sát hại liền làm bài kệ ngộ
đạo:
-
- Tạc nhật dạ xoa tâm
-
Kim triêu Bồ tát diện
-
Dạ xoa dữ Bồ tát
-
Bất cách nhứt điều tuyến.
-
Hôm qua hướng ra ngoài sát hại là dạ xoa, ngày nay xoay lại dừng
tâm sát hại là Bồ tát. Dạ xoa và Bồ tát không cách một đường tơ,
chỉ cần xoay lại là giác ngộ.
-
Chúng ta tu mấy chục năm có xoay lại mình không? Không xoay lại
là tại sao? Tại vì quên. Quên là mê nên không nhớ tâm chân thật
của mình, cứ nhớ cảnh vật bên ngoài. Chỉ cần hết quên thì mình
là người đầy đủ tâm hạnh Bồ tát. Tu thì nói công phu dày dặn
nhiều tháng nhiều năm, kỳ thật chỉ nhớ "tâm mình" là đủ, không
tốn chút công nào cả. Quên thì phóng tâm chạy ra ngoài, nhớ thì
dừng tâm rong ruổi, tâm chân thật hiện tiền. Và, phải hằng nhớ,
nhớ suốt ngày mới là giác, còn nhớ một lần thì chỉ một phen tỉnh
thôi.
-
Người xưa dạy cốt chỉ cho chúng ta nhận ra tâm chân thật có sẵn
nơi mình, mà chúng ta không nhận, cứ phóng tâm đuổi theo cái
sanh diệt tạm bợ để rồi khổ đau than thở. Tu là phải tỉnh, nhớ
mình, không chạy theo cảnh là giác, ngược lại thì đi mãi trong
đường mê.
-
Sau đây Thiền sư Mãn Giác, khi tịch làm kệ dạy chúng:
-
- Xuân khứ bách hoa lạc,
-
Xuân đáo bách hoa khai
-
Sự trục nhãn tiền quá
-
Lão tùng đầu thượng lai
-
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
-
Ðình tiền tạc dạ nhứt chi mai.
-
"Xuân khứ bách hoa lạc" nghĩa là Xuân đi trăm hoa rụng. "Xuân
đáo bách hoa khai" là Xuân đến trăm hoa nở. "Sự trục nhãn tiền
quá" là sự việc cứ trôi qua trước mắt. "Lão tùng đầu thượng lai"
là cái già đã đến trên mái đầu rồi. Ngài diễn tả mùa Xuân theo
thời gian, Xuân đi rồi lại Xuân đến, cứ tuần hoàn qua lại như
thế. Sự vật cũng theo thời gian sanh diệt đổi thay. Mỗi khi Xuân
đến thì thấy hoa nở, Xuân đi thì thấy hoa rụng. Hoa rụng hoa nở
theo thời gian thì sanh diệt, diệt sanh liên tục không ngừng.
Vạn vật bị thời gian cuốn trôi đi. Nhìn lại con người, chúng ta
cũng cùng chung số phận đó, vì tóc đã bạc trắng cả mái đầu rồi.
Như vậy, thời gian chi phối cả vạn vật lẫn con người, không có
cái gì tồn tại mãi với thời gian. Tất cả chúng ta rồi đây cũng
sẽ tuần tự ra đi, kẻ đi trước người đi sau, không ai là không
chết. Ngài chỉ rõ cuộc đời vô thường biến chuyển theo thời gian,
cả vật lẫn người không thoát khỏi cái sanh diệt của vô thường.
Nghe qua thấy như Ngài bi quan, nhưng hai câu sau Ngài kết thúc
thật tuyệt vời:
-
- Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
-
Ðình tiền tạc dạ nhứt chi mai.
-
Ngài nói chớ bảo mùa Xuân qua là hoa rụng hết, vì đêm qua trước
sân vẫn còn cành mai nở. Lệ thường, thời gian cuốn trôi con
người lẫn vạn vật, khiến cho tất cả tàn phai hoại diệt. Nhưng
trong cái hoại diệt đó có một cái bất diệt, thời gian không hủy
hoại được. Ý Ngài nói trong cõi đời này, ngay thân năm uẩn sanh
diệt vô thường của chúng ta có cái thường hằng bất diệt. Ngài
biểu trưng bằng một cành mai nở không rụng khi Xuân đã qua.
-
Con người ai cũng có thân năm uẩn sanh diệt. Vậy khi từ giã cõi
đời này còn hay hết quí vị có biết không? Nếu nói còn thì còn
cái gì? Còn luân hồi trong lục đạo theo nghiệp thọ quả báo thì
quí vị nói được. Còn cái không bị biến chuyển thì nó ở đâu, ra
sao, không ai trả lời được. Chỉ biết nói còn, mà không biết còn
như thế nào.
-
Chuyện này không có gì khó, chỉ chịu lắng tâm thì sẽ biết. Khi
dấy niệm nghĩ suy chúng ta nói là tâm mình, vì chấp tâm là cái
nghĩ suy. Nhưng khi không khởi niệm nghĩ suy mắt vẫn thấy tai
vẫn nghe, mọi việc xảy ra đều biết, lúc đó có tâm không? - Tâm
đang hiện hữu vì biết là tâm.
-
Cái tâm suy nghĩ phân biệt là tâm duyên theo bóng dáng của ngoại
trần, nó sanh diệt tùy duyên tùy cảnh mà có, không thật. Còn tâm
hằng tri hằng giác không đợi nghĩ suy mới có là tâm chân thật
không sanh không diệt. Lúc nào nó cũng hiện hữu nơi mình, cảnh
đến cũng biết, cảnh đi cũng biết, không có niệm dấy động phân
biệt. Tâm này không hình tướng, thênh thang trùm khắp. Chúng ta
có cái tâm này mà không nhớ, chỉ nhớ cái tâm phân biệt tốt xấu
hơn thua nên mê hoài. Nếu nhớ tâm không sanh diệt trùm khắp thì
giác.
-
Cái tâm chân thật không phân biệt chỉ là BIẾT thôi, nó không
biến hoại mà thường hằng. Còn cái tâm phân biệt thì tùy duyên,
duyên tốt nó hành xử tốt, duyên xấu nó hành xử xấu, nên có đủ
tướng trạng thay đổi luôn luôn.
-
Thiền sư Mãn Giác nhắc cho đồ đệ cũng như chúng ta biết thân này
có sanh ắt phải tử, nhưng trong cái thân sanh tử đó có tâm chân
thật bất diệt. Người xưa tu nhận ra tâm chân thật bất diệt, thấy
thân năm uẩn này sống chết là trò chơi, nên ra đi một cách an
nhiên tự tại. Ngày nay chúng ta gần ra đi lo buồn hốt hoảng vì
chỉ biết có cái thân sanh diệt này, khi mất thấy đau khổ.
-
Ðó là một thiền sư đời Lý nói về Xuân. Sau đây là thiền sư đời
Trần, ngài Huyền Quang có làm bài kệ:
-
Nhị bát giai nhân thích tú trì
-
Tử
kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
-
Khả liên vô hạn thương xuân ý
-
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
-
Bài thơ này hiểu theo thường tình của con người đời thì, hai câu
đầu diễn tả cảnh người con gái đẹp mười sáu tuổi, đang ngồi thêu
gấm bên cạnh khóm hoa tử kinh nở, trên cành có chim hoàng oanh
hót, thật là tình tứ thơ mộng. Nhưng hai câu sau lại khác, ý thơ
rất siêu thoát. Ngài nói ngài thương mà thương vô hạn cái ý Xuân
là lúc "dừng kim chẳng mở lời". Theo ý này thì ngài thương cô
gái hay thương cái gì? - Thương lúc "dừng kim không thêu, làm
thinh không nói". Ngài thật là tài, qua lời thơ thấy như trần
tục, nhưng ý thơ thì đạo lý sâu thẳm. Trong kinh Giải nghĩa,
Niết bàn là dừng tạo nghiệp; nghĩa của tạo nghiệp là đan dệt,
dừng tạo nghiệp là dừng đan dệt, dừng đan dệt là Niết bàn. Mà
Niết bàn thì vô ngôn, không thể dùng lời để nói năng diễn tả.
Hình ảnh cô gái không mở lời chỉ cho ý này.
-
Mùa Xuân có người đẹp có cảnh đẹp, có hoàng oanh hót, ngài không
thích cảnh đẹp người đẹp mà thích nhất lúc "dừng kim không thêu,
im lặng không nói". Người "dừng kim không thêu, im lặng không
nói" biểu trưng cho trạng thái bất động thanh tịnh của Niết bàn.
Lời thơ mang ý nghĩa này thì thiền sư đâu có tình cảm lai láng.
Người đời vì không thấy được lý đạo trong thơ nên trách Thiền
sư đang bị tình cảm trói buộc, mở lời là tình cảm tràn trề!
-
Các thiền sư Trung Hoa cũng như Việt Nam khi Xuân đến các ngài
cảm hứng làm thơ diễn tả mùa Xuân, trong đó không bài nào không
chỉ cho chúng ta cái Xuân miên viễn chân thật có sẵn nơi mình.
Các ngài không ca ngợi Xuân để chúng ta mừng Xuân vui Xuân trong
ba tháng tạm bợ mà dạy chúng ta phải xoay lại để sống với mùa
Xuân miên viễn chân thật ở nơi mình. Vậy quí vị chịu sống với
mùa Xuân miên viễn nơi mình, hay thích sống với mùa Xuân ba
tháng ngắn ngủi tạm bợ? Thích mùa Xuân ba tháng thì hãy tự hỏi
tại sao mùa Xuân tạm bợ lại thích, còn mùa Xuân miên viễn thì
không biết đến?!
-
Là người tu, chúng ta phải biết cái tạm bợ vô thường là cái nhân
luân hồi sanh tử khổ đau để xa lìa, hằng sống với cái chân thật
bất tử. Ðây là điều phải nhớ để thực hiện, chớ nói khó, không
làm được.
-
Nhân ngày Tết Nguyên đán, tôi chúc tất cả Tăng Ni, Phật tử hưởng
một mùa Xuân miên viễn.
-
Cuối lời, tôi chúc cho Tăng Ni và Phật tử năm nay và những năm
về sau ai cũng được hưởng một mùa Xuân miên viễn như các thiền
sư.