Mùa Xuân Với Mẹ
                                                  Từ Uyển
 
Mẹ yêu quý,
Con là một trong số người có phước được hưởng nhiều mùa Xuân có mẹ! Cho tới bây giờ vẫn còn mẹ. Tuy có lúc ở sát bên cạnh mẹ, có lúc phải xa cách, nhưng vẫn còn có cơ hội tới lui thăm viếng gần gủi thường xuyên.
Ðã bao nhiêu mùa Xuân trôi qua, bao nhiêu thay đổi biến dời, nhưng đối với con, ánh mắt thương yêu của Mẹ đối với con vẫn không thay đổi. Cho dù ngày xưa khi con nhìn thấy Mẹ qua hình ảnh của một thiếu phụ có mái tóc huyền khả ái, hay hình ảnh của một bà lão tóc bạc như hiện nay, thì ánh mắt của Mẹ vẫn còn nguyên vẹn tình thương bao la, để mỗi khi con nhìn vào đều thấy cả một mùa Xuân nồng nàn ấm áp.
Con vẫn nhớ, lúc con còn nhỏ mỗi lần Xuân đến, Mẹ khi ấy là cô giáo Tiểu Học. Vui nhất phải kể tháng gần Tết, Mẹ thường đi lãnh lương ở Ty Tiểu Học Gia Ðịnh, con được theo và biết chắc sau đó Mẹ sẽ đưa con đi chợ Bà Chiểu để ăn hàng. Trong chợ Bà Chiểu hàng đồ chay thật ngon, Mẹ và con vô ngồi ăn mì chay. Phía ngoài thì con thích nhắm hướng chỗ bán đậu phộng nấu, người ta thường đổ đầy trên đất như một trái núi nhỏ. Những hột đậu nhỏ nhắn, vỏ trắng trẻo chớ không mập và đen như ở đây. Lần nào Mẹ cũng bảo người ta đong cho con mấy lon sữa bò. Cái tật thích ăn đậu phộng nấu bắt đầu từ hồi đó, cứ tiếp tục ăn dài dài cho tới bây giờ, chắc tại vậy mà bị cholesterol. Kế đến là chuối sứ chín bọc nếp trộn nước dừa, đem nướng thơm muốn nghẹt mũi. Mỗi lần đến gian hàng nầy con phải thủ chừng bốn năm trái mới chịu đi. Chưa hết, cần phải ghé thăm mấy sạp bán chè. Chè táo sọn, chè chuối chưng, chè đậu trắng..v..v.. cái nào cũng xin nước dừa gấp đôi. Tới đây coi như con tạm hài lòng. Mẹ mua sắm chút ít bánh mứt cho ngày Tết. Chợ Bà Chiểu xa nhà, hai Mẹ con đi xích lô, hay có khi đi xe buýt, nên không mua nhiều vì xách nặng. Mẹ mua đủ đồ để ngày 23 đưa ông táo về trời. Bây giờ có khi con kể lại cho Thanh Hiệp nghe là hồi đó Bà Ngoại cúng ông Táo bằng thèo lèo, cứt chuột. Nó tưởng cứt chuột thiệt, nên hỏi bộ Bà Ngoại có nuôi chuột sao. Con phải dẫn nó đi chợ Việt Nam ở đây lúc gần Tết, mua hai thứ nầy về đưa Ông Táo như Mẹ, xong rồi cho nàng ta nếm thử. Thèo lèo tức là kẹo đậu phộng, còn cứt chuột là kẹo mè đen mà thôi. Không hiểu tại sao ai lại đặt cái tên xấu xí như vậy?
Có một năm, vào khoảng 27, 28 Tết, Mẹ và chị Ba giúp việc đi chợ Phú Nhuận mua các thứ về sửa soạn thức ăn cho mấy ngày Tết. Lần nầy, Mẹ không cho con đi theo, vì sợ bị xô đẩy, chen lấn. Nhớ lại, hồi đó tuy không phải con nhà giàu, nhưng mẹ nâng niu con như một vị tiểu thơ đài các. Bổn phận của con chỉ có lo ăn chơi với học, chấm hết! Mọi chuyện trong nhà đã có Mẹ lo hết, chuyện nào con thấy thích thì tham dự cho vui. Lại thêm Ba cũng dễ dãi, chủ trương khéo làm tôi vụng, nên khi cần cứ ra chợ Sài Gòn đi một vòng là có đủ thứ bánh trái. Ba Mẹ rất phóng khoáng, không hề ép buộc con vào khuôn khổ theo kiểu: Con gái phải tập tành nữ công, gia chánh, phải tề gia nội trợ quanh quẩn trong nhà. Trái lại, Ba khuyến khích con gia nhập Hướng Ðạo, sinh hoạt cắm trại, Ba đưa đón con tới nhà bạn bè vui chơi, họp mặt sau khi xem xét kỹ lưỡng, và cho con học cắm hoa, học đàn. Thế nên, ngày Tết con chỉ có nhiệm vụ cắm hoa trên bà thờ, phòng khách. Ba thích nghệ thuật cắm hoa theo kiểu Nhật, nên cho con theo học lớp đầu tiên ở Sài Gòn. Tuy nhiên, không hiểu tại sao khi con không còn ở gần Ba Mẹ nữa con lại bỏ dở luôn. Lắm lúc thấy ai cắm hoa, con chỉ nhìn mà ngậm ngùi thôi. Có lẽ trong tuổi hoa niên của con có hình ảnh gia đình ấm cúng, trong đó có đứa con gái được cưng chiều, đang chuẩn bị vào đời, tập làm khéo dưới ánh mắt thương yêu, che chở của cả Cha lẫn Mẹ. So với Việt Nam, ở đây đồ phụ tùng quá đầy đủ và giúp cho việc cắm hoa dễ dàng hơn nhiều, vì hồi trước ở Việt Nam, chỉ có miếng sắt nhỏ bằng đinh, nếu cọng hoa nào mỏng manh, ốm yếu thì thật khó cắm theo ý muốn. Có khi vào tiệm Michaels thấy chai lọ, bình cùng những vật dụng dành cho nghệ thuật cắm hoa, con cũng thấy ngứa tay, nhưng Mẹ biết không, con mua về thật nhiều, rồi đến lúc cắm bình hoa sao thấy vô duyên, buồn bã quá, nên thôi dẹp luôn. Trong ký ức những bình hoa ngày Tết bên cạnh Ba Mẹ không còn tìm lại được nữa. Hoa ngoài vườn của con, bạn bè hay hỏi sao không cắt đem vô cắm, con nói chỉ thích để nở và tàn trên cành. Ai đem hoa cho con, con cho hết vào một cái bình lớn đổ nước đầy để giữ cho tươi thế thôi. Có phải con ngu si khi sống trong hoài vọng quá khứ không?
Ngoài việc biểu diễn cắm hoa, con chỉ phụ lặt vặt trong bếp cho có lệ. Tuy nhiên, con còn nhớ Mẹ mua thêm hai chậu hoa Cúc vàng hay hoa Thược Dược hồng để bày trong phòng khách. Ba cũng chở Mẹ qua nhà ông cậu Phủ(hồi trước ông làm tuần phủ) nơi có một vườn mai trước sân, xin chặt một cành về chưng trên bàn thờ ông bà bên cạnh dĩa quả tử. Mẹ luôn luôn chú trọng lựa thật kỷ một cặp dưa hấu tươi tốt, tròn trịa cho Ba đặt lên hai cái đế màu đỏ nằm giữa hai khoảng trống của lư hương và chân đèn.
Mẹ lo nấu nướng những thức ăn để cúng và dùng trong ba ngày Tết. Mọi chuyện phải xong xuôi vào ngày 30 trước khi rước ông Bà về ăn Tết. Sau đó tuyệt đối trong ba ngày Tết không được làm gì cả, chỉ có ăn và chơi hoặc ở nhà tiếp khách. Kiêng cử cả chuyện quét nhà. Chị Ba, mà tụi con hay gọi là chị Ba Chổi vì lúc nào cũng thấy chị cầm cái chổi quét trước, quét sau. Chị thấy khách ra vô ngày mồmg một có hơi dơ một chút, chị khó chịu lắm nhưng vừa mới đụng cây chổi bị Mẹ nhắc không được quét, chị đành nhắm mắt chịu. Qua tới ngày mồng hai, chịu không nổi chị lấy chổi quét thiệt lẹ vô phía trong nhà, vừa quét chị vừa nói: Tui quét vô nhà đây nghe, cho tiền vô nhà mình nhiều nhiều, Má chỉ lắc đầu cười.
Ngày 30, mồng một cúng chay, ăn chay, Cả nhà chờ mồng hai ngã mặn, để sau khi cúng xong khai trương món xà bần. Cho tới bây giờ mỗi lần nhắc tên món đó con đều thấy buồn cười. Bạn con phần đông là người Bắc (thêm một điểm đáng nói về Ba Mẹ, là không hề kỳ thị Nam, Bắc, đạo Phật, Ðạo Ky Tô ... trong sự giao thiệp của con) khi tới nhà mình được giới thiệu món xà bần tụi nó đều hết hồn. Vì danh từ xà bần dùng để chỉ cho gạch ngói vụn. Tới chừng dọn lên, tụi nó nhìn một cách dè dặt, sợ sệt e có sỏi đá gì trong đó chăng? Tới chừng thấy cả nhà mình ăn uống tự nhiên không nghe gảy răng hay bể môi gì, tụi nó mới yên tâm, từ từ nếm thử, Ba giải thích món nầy xuất xứ từ quê Bải Xàu của Ba. Nhà ông nội dưới quê rất lớn, có ba vòng bàn thờ, chừng mười mấy cái. Mỗi lầnTết cúng nhiều món khác nhau. Trong ba ngày, cúng sáng, trưa, chiều tổng cộng sáu lần, mỗi lần ít nhất ba món, mà mười cái nhà, như vậy tổng cộng 180 món. Ðồ cúng múc ra rồi không thể đổ lại trong nồi, ăn cũng không hết. Thành thử phải cho tất cả vô một cái nồi riêng thật lớn, và giữ cho không bị hư. Mỗi lần đổ thêm vô thì cần hâm sôi, và phải bỏ thêm ít muối. Cái nồi độc đáo nầy gồm đủ thứ tạp lục trong đó như canh, đồ xào...v..v...Hâm đi hâm lại rau cải, và tất cả các thức ăn khác hầu như mềm rục thành một món ăn không giống ai. Ăn quen thấy ngon nên đặt cho một cái tên là xà bần luôn. Chắc là món nầy chỉ có trong nhà mình mà thôi, vì từ đó tới giờ con chưa thấy xuất hiện ở đâu hay nghe đề cập tới.
Những Mùa Xuân sau, có lúc chỉ còn con ở gần Ba Mẹ vì hai em một đứa lấy vợ rồi du học, một đứa trong quân đội xa nhà. Tuy không còn đủ mặt Mẹ vẫn tươm tất mọi việc cho ngày Tết, vẫn có món xà bần và cành mai trong nhà cho Ba, vẫn nấu món chè cúng giao thừa. Hai em dâu và con mỗi khi nấu món chè nầy đều gọi tên là Chè Má Nấu Cúng Giao Thừa. Chè đó gồm mứt bí, hột sen, bạch quả, nhản nhục, táo tàu, rau câu, đậu xanh, phổ tai, hồng khô nấu bằng đường phèn và nước dừa tươi.
Tối 30 dọn dẹp xong Mẹ múc chè để sẵn trên bàn Phật, bàn thờ ông bà, rồi Mẹ và con đi Chùa lễ Phật, xin lộc Thầy cho, rồi canh sao về nhà cho vừa giao thừa bước qua năm mới để tự xông đất nhà mình luôn. Trong khi đó Ba ở nhà đọc sách báo Xuân, hay coi Tivi chờ gần 12 giờ thắp nhang cúng, và đợi Mẹ về xông nhà mới đốt một giây pháo lấy hên.
Con vẫn tiếp tục ở nhà với Ba Mẹ rất nhiều mùa Xuân. Sau năm 1975 tuy ăn Tết không còn dồi dào, phong phú như trước nữa, nhưng cũng tạm đủ nhờ viện trợ từ bên Mỹ. Ðiều quan trọng đối với Mẹ là cậu con út ra khỏi cuộc chiến mà vẫn còn nguyên vẹn, và thoát khỏi chế độ học tập cải tạo trong đường tơ kẻ tóc vì mới chuẩn úy.
Những lần ăn Tết gượng gạo trong tâm trạng bồn chồn, nôn nóng chờ đi đoàn tụ rồi cũng chấm dứt sau sáu mùa Xuân với chế độ mới. Cả nhà được đoàn tụ, trừ lúc tụi con còn nhỏ, có lẽ đây là thời gian Mẹ thấy hạnh phúc nhất vì có đủ ba đứa con trong cùng một mái nhà, lại thêm có dâu, cháu nội. Duy chỉ có một thiếu sót khiến cho bức tranh mất đi vẻ toàn bích, đó là con vẫn làm con gái của Ba Mẹ một cách dai dẳng. Các em con đều có vợ con đề huề, nên con từ địa vị của người chị cả, khiến cho nhiều người lầm tưởng con là em gái nhỏ nhất trong nhà. Mẹ luôn luôn nâng đỡ con, giúp cho con tránh được những mặc cảm muộn màng về tình duyên. Không thiếu gì những bà mẹ thấy con gái như thế hay thúc hối, rầy rà, so sánh. Trái lại, Mẹ giải thích nghiệp của con nhẹ nhàng nên mới không vướng bận chồng con. Người ngoài có soi mói, hỏi han Mẹ đều gạt đi bảo với họ là nó không mắc nợ ai, ở một mình cho khỏe.
Qua Mỹ rồi, Tết thành thứ yếu, cả nhà ăn giáng sinh thay cho Tết. Ba Mẹ dễ dàng thích ứng với đời sống mới, không hề đòi hỏi những nghi thức rườm rà, không thích hợp hay khiến con cái cực nhọc, vất vả. Tết ở xứ người trôi qua lặng lẽ, các con cháu đi làm, đi học, Ba Mẹ tự mình cúng kiếng đơn sơ. Tối đến, mọi người về kéo nhau lên trên phòng Ba Mẹ nơi có bàn thờ thu nhỏ để Mẹ hằng ngày tụng niệm, các con cháu mừng tuổi rồi lãnh lì xì. Trong khung cảnh ấm cúng thân thương đó Mẹ nói: Ngoài trời tuyết rơi lạnh lẽo, nhưng trong nhà có đủ mặt các con, các cháu khiến Mẹ thấy tưng bừng như ngày Tết, cho dù Mẹ ở đâu, có Ba và các con, có gia đình đoàn tụ là lòng Mẹ ấm áp vui vẻ rồi.
Mẹ yêu quý, Mẹ có nhớ một điều hầu như không thay đổi giữa Mẹ và con đó là: Nếu có cơ hội hai mẹ con hay dẫn nhau đi chùa đêm 30 Tết không? Hồi còn nhỏ, Mẹ dẫn con đi Chùa Giác Tâm ở ngã tư Phú Nhuận, Chùa Thanh Minh trên đường Trương tấn Bửu. Khi mới tới tiểu bang lạnh, con chở Mẹ đi chùa Quang Minh. Ðến lúc con định cư lần nữa ở miền Tây nước Mỹ, Mẹ ra thăm con đúng dịp Tết, con lại rủ Mẹ đi Chùa Dược Sư. Hồi nào Mẹ dắt tay con băng qua lộ; bây giờ, con đỡ Mẹ đi chậm chậm bước qua đường vì chân của Mẹ đã yếu rồi. Tâm trạng vẫn như ngày nào, Mẹ và con vẫn luôn luôn như thế, lại càng gần hơn trong giờ phút linh thiêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới, giữa khung cảnh trang nghiêm của Chùa Chiền. Con có cảm giác như Mẹ con của mình đã từng thực hiện nghi thức quen thuộc, đây không phải chỉ trong kiếp nầy, mà đã nhiều lần trong quá khứ xa xôi.
Con vẫn nghe nói về Mùa Xuân Di Lặc, nên con ước nguyện sao cho Mẹ con mình có đủ phước đức nhân duyên để được gặp lại nhau trong mùa Xuân nhiều hứa hẹn cho sự giải thoát đó. Mẹ có đồng ý không?
                                            Con gái của Mẹ
                                                    Từ Uyển 

 

--- o0o ---